LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời:” con đường thơ ấu thiêng liêng”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là ai ?
Con đường thơ ấu thiêng liêng nói gì cho ta ?
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Người sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873 tại Alencon nước Pháp. Gia đình Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con. Tuy nhiên 4 người con đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái. Tất cả 5 chị em gái sau này đều bước vào đời tận hiến trong các Dòng tu. Têrêsa mồ côi mẹ từ lúc chưa tròn 4 tuổi. Nỗi buồn mất mẹ cứ hằn sâu trong cuộc đời của Têrêsa. Ông Louis Martin bỏ Alencon lui về Lisieux với cả gia đình. Với truyền thống của một gia đình đạo đức và với tấm lòng đơn sơ, yêu mến Chúa, Têrêsa đã nhất quyết chọn cho mình một con đường. Do đó, thánh nhân đã xin vào tu viện nhà kín Cát Minh tại Lisieux vào tháng 4 năm 1888 lúc Người mới chưa tròn 15 tuổi . Thánh Têrêsa luôn cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và Người đã sống cái diệu cảm của một con người đầy ắp Chúa. Tâm hồn của Người thật đạo đức, thánh thiện. Người cảm thấy ơn gọi của Người thật kỳ diệu vì chính vào đêm giáng sinh năm 1886, một biến cố làm cho Người quay trở về với Chúa và Người nhận thấy con người của mình được biến đổi hoàn toàn. Từ đây, ơn gọi yêu mến Chúa và yêu tha nhân thôi thúc Têrêsa. Người đã có thể nói như thánh Phaolô tông đồ:” Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Đời sống trong tu viện Cát Minh càng lúc càng nung đốt tâm hồn của thánh nhân. Đời sống nội tâm của Têrêsa càng ngày càng lên cao. Người đã có mối liên hệ mật thiết với Chúa ở một tầm cao mới, chiều sâu mới, quan hệ tình yêu. Thánh nhân cảm thấy càng ngày càng phải kết hợp với Chúa trong cuộc thống khổ của Ngài. Thánh nhân coi thánh kinh là sách gối đầu và là sách duy nhất giúp Người nên thánh và gần gũi Chúa. Tuy nhiên sự thử thách nội tâm và sự đau khổ thể xác diễn ra hằng ngày trong đời sống của thánh nhân đã làm cho thánh nhân càng ngày càng cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm tình yêu cao vời của Chúa.
Năm 1896 trong đêm thứ sáu tuần thánh, Têrêsa bị ho ra máu lần đầu tiên. Thánh nhân đã sống những tháng ngày trong sự đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu. Người lìa trần vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, hưởng thọ 24 tuổi. Cái tuổi còn đầy sinh lực và nhựa sống. Người ra đi trong tiếng thì thào:” Lạy Chúa, con yêu Chúa”. Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng Người lên bậc hiển thánh và đặt Người làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU: Thánh Têrêsa đã bỏ cõi đời để đi vào cõi sống vĩnh hằng, Người đi vào cái trọn vẹn, cái lớn lao: yêu Chúa hơn bất cứ người nào trên dương thế này; Têrêsa muốn dâng mình cho tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhân từ vô biên của Chúa như của lễ dâng hiến toàn thiêu; Têrêsa muốn yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu nhân loại.
Người đã sống trọn vẹn con đường tình yêu của Chúa. Người đã chọn một linh đạo cho cuộc đời mình, linh đạo tình yêu nhỏ bé. Con đường của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Têrêsa tựï ví mình như trẻ nhỏ, mà nhỏ nghĩa là yếu đuối, hèn mọn, không thể tự sức mình làm được gì; nên phải yêu mến thật nhiều, yêu mến không giới hạn để đạt được điều mình ao ước, mong chờ. Quan niệm của Têrêsa giống như những người nghèo của Thiên Chúa mà đặc biệt là thái độ của Mẹ Maria trong kinh Magnificat. Têrêsa đã cảm nghiệm được con đường nên thánh qua thái độ, cử chỉ của Đức Mẹ. Têrêsa đã hiểu được bí quyết nên thánh theo thánh kinh:” trở nên người lớn nhất phải trở nên bé nhỏ nhất”. Đây là kinh nghiệm sống của Têrêsa trong cuộc sống hằng ngày. Con đường nên thánh của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Muốn đi con đường ấy, bí quyết thật giản dị: “ Hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa cứu độ đang đau khổ trong các chi thể của Hội Thánh để cứu rỗi thế gian”.
Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đang mời gọi mọi người nên thánh bằng con đường tình yêu, con đường thơ ấu thiêng liêng…Nên thánh không phải là làm những việc vĩ đại, nhưng con người trở nên thánh bằng con đường nhỏ bé thiêng liêng. Têrêsa đã ví chiếc thang máy bác lên Trời là tình yêu. Con người chỉ có thể đạt được Nước Trời khi họ sống bé nhỏ và yêu thương.
Lạy thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, với tư tưởng phong phú, đầy thánh thiện và đạo đức của Người, xin cho chúng con hiểu được con đường nhỏ bé đầy tình yêu của Người. Xin Người làm rơi hoa hồng là những ân huệ từ Trời xuống thật nhiều cho chúng con. Amen
Bài giảng của ÐTC trong thánh lễ
Phong Tước Hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh
cho Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng
Nguyễn Việt Nam
Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong thánh lễ Chúa Nhật Truyền Giáo. ÐTC nhắc lại những điểm nổi bậc trong cuộc đời và con đường thiêng liêng của Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng vừa được phong tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”.
ÐTC trước hết nhắc đến ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo và sự trùng hợp “cố ý” của việc phong tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh Nữ Têrêsa, quan thầy của các xứ truyền giáo vào đúng ngày Chúa Nhật nầy. Sau đó, ÐTC nói về dung mạo và con đường thiêng liêng của Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, như sau:
- Têrêsa Martin, một nữ tu dòng kính tại Lisieux, đã hết sức ao ước trở thành nhà truyền giáo. Và đã thật sự là nhà truyền giáo, đến độ được phong làm Vị Bổn Mạng của các Xứ Truyền Giáo. Chính Chúa Giêsu đã chỉ cho thánh Têrêsa biết có thể sống ơn gọi truyền gíao đó như thế nào: trong việc thực hành trọn vẹn giới răn yêu thương, thánh nữ đã đặt mình vào trong trung tâm của sứ mạng của giáo hội, và nâng đỡ những vị rao giảng Phúc âm bằng sức mạnh huyền nhiệm của việc cầu nguyện và việc rước lễ lảnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Như thế Thánh Nữ đã thực hiện điều được Công Ðồng Vatican II nhấn mạnh, khi dạy rằng Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo (x. Ad gentes,2). Không phải chỉ những ai đã chọn cuộc sống ra đi truyền giáo, nhưng còn tất cả những kẻ đã lảnh nhận bí tích Rửa Tội, một cách nào đó, đều được sai đi truyền giáo cho các dân nước. Vì thế mà Cha đã muốn chọn ngày Chúa Nhật Truyền Giáo để tuyên bố tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh phổ quát cho thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng và Thánh Nhan, một người nữ trẻ tuổi, sống đời chiêm niệm.
- Không ai mà không nhìn thấy rằng ngày hôm nay đang được thực hiện một điều lạ lùng. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã không tốt nghiệp Ðại Học hay học qua những môn học nào cả. Thánh nữ đã qua đời lúc còn trẻ; tuy nhiên, từ nay trở về sau, thánh nữ được tôn kính như là “vị tiến sĩ của Hội Thánh”, một sự nhìn nhận có giá trị đưa thánh nữ vào trong sự tôn trọng của toàn thể cộng đồng Kitô, vượt quá điều mà một “văn bằng Ðại Học” có thể làm.
Thật vây, khi quyền Giáo Huấn Giáo Hội tuyên bố một vị nào đó “Tiến sĩ Hội Thánh”, thì Giáo Hội muốn lưu ý cho tất cả mọi tín hữu, và một cách đặc biệt cho tất cả những ai đang chu toàn trong giáo hội công việc phục vụ căn bản là giảng huấn, hay đang chu toàn trách vụ đầy tế nhị của việc nghiên cứu và giảng dạy thần học, biết rằng giáo lý được tuyên xưng và được rao giảng của vị thánh tiến sĩ đó, có thể dùng làm điểm quy chiếu, không những vì nó phù hợp với sự thật mạc khải, nhưng vì nó còn mang đến một ánh sáng mới cho những mầu nhiệm Ðức Tin, mang đến một sự hiểu sâu xa hơn về Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
- Trong số những vị tiến sĩ Hội Thánh, thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng và Thánh Nhan, là vị trẻ nhất, nhưng con đường thiêng liêng cho thấy là thật trưởng thành, và những trực giác đức tin được diển tả trong các tác phẩm của thánh nữ, là thật bao la rộng rải và sâu xa, đến độ làm cho thánh nữ có được chổ đứng của mình giữa những bậc thầy thiêng liêng vĩ đại.
Trong bức tông thơ mà tôi đã trích lại trong dịp nầy, tôi đã nhấn mạnh đến vài khía cạnh nổi bật của giáo lý của thánh nữ. Nhưng làm sao mà không nhắc lại nơi đây, điều mà người ta có thể xem như là chóp đỉnh của giáo lý của thánh nữ, do từ lời thánh nữ kể lại về việc ngài khám phá ơn gọi của mình trong Giáo Hội? Ðoạn tự thuật đó như sau:
“Tình Thương Bác Ái là chìa khóa của ơn gọi tôi. Tôi đã hiểu rằng, nếu Giáo Hội có một thân thể, gồm có nhiều chi thể, thì Giáo Hội không thiếu những chi thể cao thượng. Tôi đã hiểu rằng Giáo Hội có một trái tim, và trái tim nầy cháy lửa yêu mến. Tôi được hiểu rằng chỉ tình yêu thương mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hoạt động, rằng nếu tình thương bị tắt đi, các tông đồ không rao giảng phúc âm nữa, các vị tử đạo sẽ không chịu đổ máu mình ra nữa. Tôi đã hiểu rằng tình yêu thương bao gồm tất cả mọi ơn gọi.. Bấy giờ trong niềm vui trào dâng, tôi đã thốt lên như sau: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, Con đã gặp được ơn gọi của con rồi. Ơn gọi của con, chính là tình yêu” (MS B,, 3 V). Ðó là trang nhật ký đáng phục, tự nó đủ để chứng minh rằng ngưuời ta có thể áp dụng cho thánh Têrêsa đoạn phúc âm mà chúng ta vừa nghe qua trong phần phụng vụ lời Chúa: Lạy Cha, là Chúa trời đất, con dâng lời chúc tụng cha, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé nhỏ biết và giấu không cho kẻ khôn ngoan tài trí biết” (Mt 11,25).
- Thánh Têrêsa thành Lisieux không những đã lỉnh hội và thuật lại chân lý sâu xa của tình yêu như là trung tâm và con tim của Giáo Hội, nhưng thánh nữ còn sống hết sức trọn vẹn sự thật đó trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Chính sự hòa hợp giữa giáo lý và kinh nghiệm cụ thể, giữa sự thật và đời sống, giữa việc giảng dạy và thực hành, (chính sự sự hòa hợp nầy) chiếu sáng thật rõ ràng trong sự thánh thiện, và làm cho thánh nữ trở thành mẩu gương đặc biệt thu hút những người trẻ và những ai đi tìm ý nghĩa thật cho đời sống họ.
Trước cái trống rổng của nhiều lời nói, thánh nữ Têrêsa trình bày một giải pháp khác, trình bày Lời Cứu Rỗi duy nhất, Lời mà một khi được hiểu và sống trong sự im lặng, trở thành nguồn mạch cho đời sống được canh tân. Ðối diện với một nền văn hóa duy lý và thường quá bị xâm chiếm bởi chủ nghĩa duy vật thực hành, thánh nữ Têrêsa đề ra, một cách đơn sơ nhưng không gì cưởng lại được, đề ra “con đường nhỏ, con đường dẩn đến bí quyết của mọi cuộc sống bằng việc trở về lại với điều thiết yếu: đó là Tình Yêu Thiên Chúa; Tình Yêu nầy bao bọc và thấm nhập mọi cuộc sống con người. Trong một thời đại như thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại thường bị ghi dấu bởi nền văn hóa đề cao cái tạm bợ hảo huyền và bởi tinh thần tìm hưởng lạc thú, Thánh Nữ Tân Tiến Sĩ Hội Thánh cho thấy có tài tác động hữu hiệu đặc biệt, để soi sáng tinh thần và con tim của những ai khao khát tình thương và sự thật. Trong tình yêu hăng say đối với công cuộc rao giảng Phúc âm, thánh Têrêsa chỉ có một lý tưởng mà thôi, như chính thánh nữ đã nói như sau: Ðiều mà chúng ta xin Chúa, là được làm việc cho danh Chúa được cả sáng, là yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến” (thơ 220). Con đường mà thánh nữ đã đi qua để đạt đến lý tưởng sống nầy, không phải là con đường của những công việc to lớn, được dành riêng cho một số ít, nhưng ngược lại là con đường vừa tầm tất cả mọi người, con đường nhỏ, con đường của sự tin tưởng và phó thác hoàn toàn chính mình cho ân sũng của Chúa. Ðây không phải là con đường tầm thường, bị hạ thấp xuống, như thể đây là con đường ít đòi hỏi hơn. Trong thực tế, đây là con đường rất đòi hỏi, như Phúc Âm Chúa luôn luôn là một điều đòi hỏi. Ðây là con đường trong đó người ta được thấm nhuần trong ý thức phó thác đầy tin tưởng vào tình thương nhân từ của Thiên Chúa, Ðấng làm cho nhẹ đi cả sự dấn thân thiêng liêng nghiêm khắc nhất.
Kết thúc bài giảng, ÐTC dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện như sau:
Vâng lạy Cha, cùng với Chúa Giêsu, chúng con chúc tụng Cha, vì Cha đã giấu những bí quyết của Cha không cho kẻ thông minh và khôn ngoan biết, nhưng đã mạc khải chúng cho những kẻ bé nhỏ, mà ngày nay cha đề ra cho chúng con chú ý và bắt chước.
Xin cám ơn Cha vì sự khôn ngoan Cha đã ban cho thánh Têrêsa, vừa làm cho thánh nữ trở nên cho toàn thể Giáo Hội một chứng nhân đặc biệt và một vị thầy của cuộc sống. Xin cảm tạ Cha vì tình yêu thương Cha đã đổ tràn trong thánh nữ, một tình yêu luôn tiếp tục soi sáng và sưởi ấm các con tim, vừa thôi thúc họ tiến đến sự thánh thiện. Chớ gì Ước nguyện mà Thánh Têrêsa đã nói lên, là được “sống suốt thời gian trên thiên đàng để làm điều phúc cho trần gian” (Tác phẩm toàn thư, trg 1050), (chớ gì nguyện ước đó) luôn được thực hiện một cách kỳ diệu. Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, vì hôm nay Cha làm cho thánh nữ Têrêsa gần chúng con với tước hiệu mới, để chúc tụng và tôn vinh Cha mãi mãi đến muôn đời. Amen
Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT