Những suy tư về việc chưng hoa trong phụng vụ

Chính Thiên Chúa Tạo Hóa đã dựng nên hoa lá để trang trí cho trái đất theo cái nhìn của tác giả sách Sáng Thế

(St 1,11-13).

Trong cuộc sống của con người, hoa lá đóng một vai trò nhất định. Hoa lá được sử dụng trong nhiều chức năng khác nhau, từ trang trí, đến làm thuốc, mĩ phẩm, thức ăn…

Nó đem lại niềm vui, sự yên bình, ấm áp và niềm hy vọng dịu dàng.[1] Nếu để ý ngắm nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng trong tự nhiên, sắc màu đẹp đẽ của các loài hoa cũng là một điều diệu kì của Tạo Hóa. Mỗi một bông hoa là một kì công của Thiên Chúa. Cũng không có cái lá nào giống hệt cái lá nào, những gân lá của chúng khác nhau hết thảy. Chính Thiên Chúa Tạo Hóa đã dựng nên hoa lá để trang trí cho trái đất theo cái nhìn của tác giả sách Sáng Thế (St 1,11-13). Kinh Thánh ngập tràn hình ảnh các loài hoa và lá, đặc biệt là trong những tác phẩm thể loại giáo huấn và thơ văn như Diễm Ca chẳng hạn. Giáo Hội sử dụng hoa lá để trang hoàng cho phụng vụ và chúng cũng là một phần của nghệ thuật thánh. Ngoài ra, riêng với người viết bài, chúng còn có sức gợi lên những suy tư về đời sống thiêng liêng, và từ đó người viết bài ước mong đề ra chút gợi mở về mặt mục vụ.

  1. Chưng hoa trong phụng vụ: một việc phục vụ cho phụng vụ thánh và là một phần của nghệ thuật thánh. Nó giúp người tham dự phụng vụ nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa:

Một trong những việc phục vụ khá đặc biệt trong các nhà thờ Công Giáo là trang trí bàn thờ và cung thánh bằng hoa tươi. Phụng Vụ không sử dụng hoa giả, nhưng là hoa tươi.[2] Hoa được sử dụng trong phụng vụ để trang hoàng cho không gian thánh. Nó phục vụ cho phụng vụ trong vai trò là một yếu tố trang trí, giúp phụng vụ thêm huy hoàng và sinh động. Bởi lẽ mọi thụ tạo trên trần gian này được tạo thành đều minh chứng cho quyền năng, sức mạnh và tình yêu thương của Thiên Chúa, nên Giáo Hội đã sử dụng những yếu tố hữu hình và có nguồn gốc thiên nhiên khác như dầu, nước, nến, hương… trong phụng vụ của mình để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu, ngay từ những buổi đầu của kỉ nguyên Kitô giáo[3], trong đó có hoa lá để trang trí bàn thờ. Thật sự, chúng chỉ là yếu tố phụ trong phụng vụ, không phải là yếu tố chính, nhưng chúng góp phần phục vụ cho phụng vụ và làm cho phụng vụ thêm trang trọng.

Hoa lá gợi lên cho chúng ta sức sống của thiên nhiên. Nó gợi cho chúng ta thấy vẻ đẹp của công trình tạo dựng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho con người. Người ta sử dụng hoa lá trong cuộc sống của mình và nó thực sự là một nghệ thuật. Sự sinh động, nét xinh đẹp mĩ lệ, sức sống tươi tắn của hoa lá gợi cho chúng ta niềm vui khi chúng ta tụ họp lại trong cộng đoàn để phụng thờ Thiên Chúa.[4] Chúng ta đã không đọc rằng: “Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn” (Dn 3,76+) sao? Thử hình dung một Thánh Lễ mà không có chút hoa lá hay trang trí gì xung quanh bàn thờ xem, không gian thánh sẽ buồn tẻ trầm mặc biết bao. Chính vì hoa lá có sức diễn tả tâm tình vui mừng như thế mà Giáo Hội dạy chúng ta không chưng hoa trong mùa Chay để thể hiện tinh thần khổ chế và sám hối (trừ Chúa Nhật IV mùa Chay và các lễ trọng, lễ kính), cũng như hạn chế chưng hoa trong mùa Vọng, sao cho đừng đi trước niềm vui của ngày lễ Giáng Sinh.[5] Hoa lá ấy vốn là một nét đẹp nghệ thuật vì được sắp xếp cách mĩ thuật khéo léo, nay còn giúp thánh hóa cảm nhận về thẩm mĩ của chúng ta, giúp quy hướng thẩm mĩ ấy tập trung vào việc ca tụng Thiên Chúa trong phụng vụ, mà qua đó, chính chúng ta được thánh hóa. Chính vì thế, hoa lá được sử dụng trong phụng vụ không chỉ là một nghệ thuật, chúng là một phần của nghệ thuật thánh.[6]

Hơn nữa, hoa lá được sắp xếp cách khéo léo không những để gia tăng vẻ huy hoàng đẹp đẽ của phụng vụ cùng với những yếu tố khác của nghệ thuật thánh (như Thánh Nhạc, các tượng ảnh thánh, kiến trúc và cách bài trí trong phụng vụ), mà qua chính phụng vụ của Giáo Hội, còn giúp con người nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa, Đấng đã ban cho con người khả năng sáng tạo thật đáng quý trọng và ngưỡng mộ để ngợi khen tôn vinh Người. Nhìn vẻ đẹp của hoa lá, qua bàn tay khéo léo sắp xếp của con người, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa qua những thụ tạo Người đã sáng tạo. Thật vậy, hoa lá có thể giúp người tham dự nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa là nguồn Chân-Thiện-Mĩ, nó là biểu tượng của lòng kính yêu của con người dâng lên Thiên Chúa.[7] Không có gì quý hơn là dùng chính những gì Chúa ban để cảm tạ Chúa, bởi vì Đức Giêsu đã từng chỉ cánh huệ đồng để dạy chúng ta biết tin tưởng vào Chúa Cha, Đấng ngự trên trời luôn hằng quan phòng lo lắng cho mỗi người (Mt 6,28-30). Hoa và lá, với màu sắc và hương thơm, chính những thụ tạo ấy đã là một lời ngợi ca Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi loài từ hư không (ex nihilo) rồi. Jeanne Emard trong cuốn sách dạy cắm hoa phụng vụ của bà đã bình luận: “Bình hoa dùng trong phụng vụ góp phần vào vẻ đẹp của những cử hành và nó lôi kéo chúng ta vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu là ‘vẻ đẹp của mọi vẻ đẹp’ (Thánh Augustinô)”.[8] Thật vậy, như lời của công đồng Vatican II nói: ‘tự bản chất, nghệ thuật thánh diễn tả cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại, được dâng hiến cho Thiên Chúa, càng thêm lời ca tụng và làm tỏa sáng vinh quang Ngài hơn nữa khi không nhằm chủ đích nào khác ngoài việc góp phần tích cực giúp tâm trí con người thành kính hướng về Thiên Chúa”.[9] Vậy, hoa lá vừa đóng vai trò phục vụ cho phụng vụ, vừa là một phần của nghệ thuật thánh, nó giúp con người ca ngợi Thiên Chúa.

      2.  Chưng hoa trong phụng vụ, một ‘linh đạo’ để suy tư, chiêm niệm và để sống…

Thường thường, người chưng hoa chỉ đơn giản cắm hoa để thỏa thích đam mê của món sở trường cá nhân và dùng đam mê đó cống hiến cho Chúa, cho cộng đoàn. Nhưng cũng có thể họ sẽ gửi gắm một tâm tình nào đó qua việc phục vụ này. Nếu như người xưa nói rằng: ‘nét chữ là nết người’, và nói chung người ta có thể đoán được cá nhân của tác giả trong những gì người ấy sáng tạo qua tác phẩm, thì nhìn bình hoa, người ta có thể đoán ra phần nào tính cách, tâm tình và tư tưởng cũng như sứ điệp của tác giả bình hoa ấy. Chưng hoa cũng đã nhiều năm, hầu như mỗi bình hoa chính bản thân tôi đều có gửi gắm vào đó những ý nghĩa, tâm tình riêng và suy tư riêng. Và vì hay suy nghĩ về những gì mình đang làm, tôi xác tín rằng đây không chỉ công việc phải làm, cho mau, cho xong, nhưng ẩn trong đó là một việc phục vụ mà mình có thể dâng cho Chúa, cùng với những suy tư và tâm tâm tình riêng của chính mình… Dù từ cắm hoa nghe phổ thông hơn từ chưng hoa, nhưng tôi thích sử dụng từ chưng hoa hơn, vì tôi không cắm hoa cho riêng mình, để thoả mãn sở thích riêng, mà đây còn là việc phụng thờ Thiên Chúa nữa. Nó là việc của niềm vui, của tình yêu, và của lòng hiếu thảo. Suy nghĩ về công việc đang làm, tôi nhận ra từng yếu tố của bình hoa đều có thể để nghị cho chúng ta những suy tư hữu ích về đời sống thiêng liêng.

a. Hoa

Hoa là phần chính của một bình hoa. Bình hoa đẹp hay không chủ yếu là nhờ cách phối màu các loại hoa trong bình. Thiết nghĩ, chẳng có loại hoa nào đẹp hơn loại hoa nào cả. Mỗi loại hoa đều có vẻ đẹp như nhau, nghệ thuật chưng hoa chính là lợi dụng từng loại hoa trong bình, sao cho khéo nhất. Có thể có những bông hoa được gọi là “chính”, nhưng nếu chỉ có chúng, bình hoa sẽ không trọn vẹn. Ngoài những bông hoa chính đó, có các loại hoa được gọi là “phụ hoạ” cho, và tôn thêm vẻ đẹp của những bông hoa kia. Chẳng có hoa nào là sang, là hèn, là kiêu sa hay thô mộc cả, tất cả đều đẹp, nếu dùng đúng chỗ, đúng nơi.

Tuỳ ý thích mỗi người, có người thích chưng duy nhất một loại hoa (cũng có thể do điều kiện kinh tế ở nơi đó còn khó khăn, hầu bao chi tiêu cho những khoản phụ như hoa lá còn hẹp, nên chỉ vừa đủ để có hoa trên cung thánh mà thôi). Riêng tôi, tôi lại thích chưng nhiều loại hoa, để chúng tô điểm cho nhau. Có thể là dăm ba loại hoa trong một mình, còn nếu rất nhiều loại hoa thì càng đẹp, nhưng phải biết cách phối trí, nếu không nhiều quá sẽ nhìn “rối”. Hoa huệ tây (lily) đi với hoa lan, hay hoa cúc với hoa lay-ơn (từ gốc là gladiolus: thanh gươm), đồng tiền với cẩm chướng, hay hoa hồng và cúc nhỏ, hoặc hồng và lan…, đều là những sự kết hợp tuyệt vời tuỳ theo cách ta sắp xếp chúng. Nói cho cùng thì chưng hoa là sắp xếp các loại hoa lá cho nghệ thuật mà thôi! Về hình dáng của kiểu chưng hoa, Jeanne Emard cũng đã bình luận về cách chưng hoa: “Trong số lượng hoa được xác định, kiểu sắp xếp hoa có thể là đối xứng hay không đối xứng. Tuy nhiên, nó phải được thực hiện với sự chú ý cân đối hài hòa, với sự nghiêm khắc mà không loại trừ nét độc đáo.”[10] Hơn nữa, theo tác giả này, “bình hoa trong phụng vụ không chỉ chuyển tải một sứ điệp, nó mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm thiêng liêng, kinh nghiệm của các Kitô hữu đón nhận từ những thực tế hữu hình nối kết với những thực tế vô hình. Hình khối của bình hoa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc diễn tả tư tưởng và truyền tải thông điệp. [11]

Tuy thế, nên có một điểm nhấn trong bình hoa. Có thể là một bông hoa Lily vừa chớm nở, một cành lan hồ điệp trắng muốt vươn lên, hay một bông hồng nở đẹp nhất, làm nhân, làm điểm nhấn. Chính điểm nhấn này tôn thêm vẻ đẹp và nối kết chặt chẽ cho ý tưởng một bình hoa. Và xung quanh, những cành lan, hay cẩm chướng, hay những nụ hồng còn lại sẽ tôn lên vẻ đẹp tuyệt vời cho điểm nhấn ấy. Điểm thêm một vài cành salem, hay hoàng anh, hay bông bi là ta có một bình hoa đẹp rồi đó bạn!

Suy tư thiêng liêng

Nhìn trên bình diện phổ quát: Mỗi người có một đời sống thiêng liêng khác nhau, nhưng quan trọng là để cho Chúa nắn đúc nên chính mình theo ý Ngài. Thiên Chúa là nhà nghệ sĩ tuyệt vời. Ngài biết đặt từng loại hoa vào đúng chỗ của nó. Mỗi người chúng ta là một loại hoa đẹp. Quan trọng là chúng ta có để cho Chúa đặt chúng ta vào đúng chỗ trong bình hoa Thánh Ý Ngài hay không. Và nếu hoa trần gian có thể nay tươi mai héo, thì hoa nhân đức một khi đã trổ sinh trong tâm hồn và được chăm sóc cẩn thận thì sẽ bền vững đến cõi trường sinh cho những tâm hồn ước ao đời sống thiêng liêng trọn lành.

Nhìn trên bình diện cá nhân: Hơn nữa, những nhân đức của đời sống thiêng liêng cũng giống như những bông hoa trong tâm hồn. Trong cuộc sống hàng ngày, có những nhân đức mà bản thân mỗi người hay luyện tập nhất, tức là nhân đức chủ đạo, làm điểm nhấn, và ngoài ra những nhân đức nhỏ hơn, những hành động vì tình yêu, những tư tưởng và lời nói bác ái, những bó hoa thiêng liêng nho nhỏ sẽ trang điểm cho bình hoa tâm hồn ta thêm xinh xắn. Tập một nhân đức cho thành công, nó cũng sẽ kéo các nhân đức khác đi theo, tựa như loại hoa chính ở giữa bình hoa và vây quanh chúng là các loại hoa nhỏ hơn.

Với người nghệ sĩ, đàn có dở biết cách đánh cũng nghe tốt. Hoa dại biết cách cắm cũng đẹp duyên. Người đơn sơ, biết cách sống cũng đáng quý trọng. Đàn có hay, không biết cách đánh cũng nghe dở. Hoa quý, không biết cách cắm cũng kém duyên. Người giỏi, người đẹp, nếu không biết cách sống cũng uổng đi. Chất liệu chỉ là khởi điểm, kĩ năng, kĩ thuật, và nghệ thuật mới là đỉnh điểm. Tuy nhiên, tấm lòng còn quan trọng hơn những kĩ năng, kĩ thuật và nghệ thuật kia, nên thật sự mới là đích điểm. Nên tự dặn lòng như thế để luôn vươn lên để hoàn thiện mình trong mọi hoàn cảnh. Chất liệu nếu tốt thì hay, nếu không tốt, thì có tấm lòng bổ sung. Nếu tấm lòng đã có, thêm kĩ thuật, kĩ năng, nghệ thuật thì càng tốt, nếu không thì cũng là đáng quý, còn nếu không có tấm lòng thì tất cả đâm ra thừa thãi…

b. Lá

Thường người ta sẽ khởi sự chưng một bình hoa với một vài cành lá, nhằm làm phông nền và xác định hướng của bình hoa. Nhưng ngược với số đông mọi người, cũng có những người lại không cắm lá trước mà lại cắm hoa trước rồi đệm lá sau. Có thể cắm vài cành lá trước để xác định hướng và ý tưởng chính của bình hoa, rồi sau khi đã cắm hoa rồi thì đệm thêm phần lá chi tiết hơn, để tô điểm.

Lá được dùng để làm nổi bật phần hoa. Nếu hoa màu đậm thì lá màu nhạt, nếu hoa màu nhạt thì lá màu đậm. Tuy lá là thành phần phụ thôi, nhưng bình hoa sẽ trơ và thiếu mảng xanh nếu không có lá. Lá được dùng để chèn vào những chỗ trống, để che mousse đi, để tạo cảm giác xanh tươi và dễ chịu cho bình hoa. Nhưng khác với những cách thức cắm hoa truyền thống ở Việt Nam chừng mấy thập kỉ trước, vốn chỉ dùng lá để phụ họa cho đường nét của hoa, gần đây người ta thích cắm hoa theo kiểu tự nhiên mang nét châu Âu hơn, khi cắm lá và hoa hòa quyện với nhau và cả hai đều đóng vai trò nhất định của mình. Đôi khi, bình hoa cần có những sáng tạo độc đáo hơn, như một cành lá vươn hẳn lên cao, một cành cây khô, một hai cành lá cao vút, một hai nhánh dừa kiểng hay lá thiên tuế, để tạo dáng, để làm duyên cho bình hoa thêm phần hấp dẫn. Có những bình hoa đẹp là do đường lá đi rất sắc sảo tinh tế, hơn là do loại hoa quý hiếm hay cách chưng tỉ mỉ cầu kì.Suy tư thiêng liêng: Những hy sinh nhỏ bé, những nỗ lực vươn lên trong đời sống của mình, những nụ cười nhân ái là những cành lá tô điểm cho bình hoa nhân đức. Thiếu niềm vui, thiếu hy sinh quảng đại, thiếu những nỗ lực đó, bình hoa không đẹp và không trọn vẹn. Trong đời sống, cần một ý tưởng chủ đạo để vươn lên tầm cao phóng khoáng, để tâm hồn dám sống sự cao cả mà Chúa mời gọi mình hướng tới, hay một điểm hướng tới để làm chất sống cho chính mình, dám “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”… 

c. Cục mousse

Cục mousse là thứ rất đỗi cần thiết để chưng hoa, dù nó luôn bị che khuất. Chính nó là nền tảng để cắm hoa và lá. Cắm bằng bàn chông cũng được, nhưng cắm bằng cục mousse thì đẹp hơn nhiều, vì nhờ nó người ta có thể tạo dáng tự do cho bình hoa. Nhờ cắm vào cục mousse mà chúng ta được chiêm ngưỡng biết bao hình khối đẹp mắt qua bàn tay của nhũng nhà nghệ sĩ tạo ra, từ những cành hoa cành lá vốn rời rạc nhau. Hoa lá đứng rời nhau thì ta chẳng thấy ra hình dạng gì, nhưng để cho người cắm hoa sử dụng chúng bằng cách cắm chúng vào cục mousse theo ý định của mình, chúng ta được chiêm ngưỡng những tác phẩm đẹp.

Cục mousse phải được thấm nước trước, từ khô khan trở nên mềm dẻo, để có thể cắm hoa. Nó phải được nhúng chìm ngập trong nước để thấm nước đều. Nó chấp nhận trở nên loang lổ, chấp nhận bị ‘tàn phá’ để cho người khác có bình hoa đẹp. Mousse không nên bị phơi khô trước đó ngoài nắng gay gắt, vì như vậy sẽ không còn khả năng hút nước nữa. Đôi khi bình hoa không vững vàng, người ta thường cắm một cái bàn chông sau lưng cục mousse để giữ vững.Suy tư thiêng liêng:

Cục mousse tượng trưng cho trái tim tôi. Nó phải chấp nhận quảng đại với Chúa đến mức tối đa, nó phải dường như trở nên thua thiệt, lỗ lã để Chúa chưng hoa nhân đức của Người. Nó cần được ngập chìm trong nước tình yêu và ân sủng trước khi có thể cho đời một bình hoa đẹp. Khô khan, nó sẽ chẳng làm gì được. Không mở ra, mềm ra để ngậm nước, mãi mãi nó chỉ là một vật dụng vô dụng nằm ở góc nhà. Chỉ khi chìm ngập trong nguồn nước tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa và chịu để cho nước ấy thấm nhập vào mọi ngõ ngách trong nó, nó mới có khả năng để chịu trở nên loang lổ, mất mát, hy sinh chính nó để các hoa nhân đức đua nở. Tuy nhiên, trong thực tế khi chấp nhận hy sinh như thế, cục mousse thì hư hại sau vài lần cắm hoa, còn trái tim tôi thì ngược lại, nó càng ngày càng được ân sủng và tình yêu Chúa làm cho nên hoàn thiện và đẹp đẽ tuyệt vời. [12]

Chưa hết, nó còn cần phải được lá niềm vui, khiêm nhường và nỗ lực che khuất đi. Người khác không thể nhận ra sự hiện diện của nó, điều quan trọng là các loại hoa và lá được phô bày hết vẻ đẹp mà thôi. Cục mousse cứ ở ngoài nắng hạn của khô khan nguội lạnh do tội lỗi và sa ngã gây ra, nó sẽ dần chai lì và mất khả năng làm tròn nhiệm vụ của đời nó, là trở nên một công cụ để ân sủng được tỏ hiện.

Đôi khi, nó còn cần phải được hỗ trợ, nâng đỡ kiên cường bằng bàn chông của hãm mình từ bỏ và chết đi. Cuộc đời của cục mousse là một cuộc chết đi thật sự, chết trong âm thầm, như hạt lúa thối đi vậy…“Ân sủng xây dựng trên tự nhiên” (St. Augustine de Hippon). Cái tôi, trái tim của tôi cũng phải sẵn sàng chịu che khuất và chết đi để hoa lá thiêng liêng được triển nở, và mục mousse ấy vui sướng vì biết mình làm đẹp cho đời, và cũng làm đẹp cho chính mình, khi sống đúng với chức năng của mình.

d. Bình hoa

Bình hoa có nhiều kiểu dáng. Bình to bình nhỏ, bình cao bình thấp, bình trẹt bình dài… Tuỳ theo cách ta chưng hoa sao cho phù hợp với loại bình hoa. Bình hoa dùng để chứa nước và chứa mousse, trên đó là hoa và lá. Bình phải chắc chắn và không thể bị rò rỉ. Khoảng không gian mà chúng ta chưng hoa gợi cho chúng ta phong cách thích hợp. Hiện đại hay cổ điển, những cách cắm hoa khác nhau sẽ phù hợp với những không gian phụng vụ khác nhau.

Suy tư thiêng liêng: Bình hoa là con người tôi. Mỗi người đều khác nhau, nhưng mỗi người đều phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi người đều độc đáo (unique). Tôi là sản phẩm do bàn tay yêu thương Chúa tạo thành, và tôi là độc nhất vô nhị. Tôi quý giá trước mặt Chúa. Tôi nhận được dồi dào tình yêu Thiên Chúa và hồng ân của Người trong “cái bình sành” này (2 Cr 4,7). Dù vậy, vì là “cái bình sành” nên tôi phải cố gắng và cẩn trọng luôn. Tôi phải làm sao để giữ lại tình yêu trong tim tôi, và để tim tôi tràn đầy tình yêu Chúa. Thiếu nước, tất cả sẽ héo tàn…Và tôi cũng phải có hoa lá trong bình thì bấy giờ tôi mới hữu dụng, còn nếu không, tôi chỉ vô dụng bị xếp ở xó nhà mà suốt đời không hiện thực hóa bản thân cho đúng lẽ hiện hữu của mình.

e. Nước

Nước rất quan trọng trong bình hoa. Nước giữ cho bình hoa tươi. Thiếu nước, hoa đẹp cách mấy, tươi cách mấy cũng sẽ rất mau tàn, cục mousse thiếu nước cũng sẽ không thể cắm hoa được nữa vì thiếu độ xốp dẻo cần thiết. Nước cần phải đủ và phải sạch. Nước phải được tưới không những trong bình mà còn trên mặt hoa (dĩ nhiên, có những loại hoa tránh xịt nước trực tiếp lên mặt hoa). Hầu như phải tưới mỗi ngày. [13]

Suy tư thiêng liêng: Nước là tình yêu Thiên Chúa, là ân sủng Chúa đổ tràn trên đời mình. Có tình yêu và ân sủng Chúa, sao cũng xong, việc gì cũng hoàn tất. Tình yêu là sức mạnh để mình nỗ lực trong đời sống thiêng liêng như nước trong bình, ân sủng là quà tặng vô giá Chúa tưới đổ trên mặt hoa lá nhân đức, để duy trì nét tươi mới và thánh hảo. Tình yêu và ân sủng của Chúa không thể thiếu được. Mình cần tập để luôn mở lòng ra đón nhận tình yêu và ân sủng đó cách thường xuyên. Có thể những người cắm hoa dễ quên tưới nước khiến hoa héo. Nhưng đối với Thiên Chúa thì nước tình yêu và ân sủng luôn luôn dồi dào đấy, chỉ sợ cái bình coi chừng bị rò rỉ ở chỗ nào đấy thôi, hoặc giả chăng, nếu bình hoa không cảm nhận được nước ân sủng và tình yêu, thì có lẽ Người-cắm-hoa-vĩ-đại ấy đã khiến độ ẩm trong không khí đủ để tươi hoa rồi. Bởi lẽ, ‘’ơn Ta đủ cho con’’ (2 Cr 12,9) và “mọi sự đều sinh ích cho những kẻ mến yêu Chúa’’ (Rm 8,28)

Rõ ràng, những chuyện nhỏ trong đời sống lại cung cấp cho mình những bài học lớn. Chưng hoa cho Chúa cũng là dịp để suy tư về đời sống thiêng liêng.

       3.  Những gợi mở và áp dụng trong mục vụ

Hoa trong phụng vụ là để trang hoàng cho bàn thờ và làm nổi bật lên không gian thánh. Chính vì vậy, hoa chỉ có một mục đích và chỉ nên đứng đúng chỗ của mình là trang trí thôi. Tự thân hoa không quy hướng về chính mình, mà là làm cho bàn thờ nên rạng rỡ huy hoàng. Vì thế, người chưng hoa cần ý thức để đừng biến bình hoa chỉ trở thành nơi phô diễn tài khéo của mình, bằng cách đừng để bình hoa chiếm chỗ quá nhiều trên cung thánh, đừng chưng quá nhiều hoa đến mức che khuất bàn thờ, nến phụng vụ hay làm lu mờ vị trí trung tâm của các vật thánh như bàn thờ, nhà tạm, nến Phục Sinh, tòa giảng hay tượng thánh.[14] Nhiều khi người ta cảm thấy ngộp khi đứng trước một gian cung thánh đầy hoa, nhưng lại không tôn lên vẻ đẹp cao quý mà đơn sơ thanh thoát của Phụng Vụ. Có những cây nến Phục Sinh “lọt thỏm” trong một rừng hoa, trong khi đó chính cây nến Phục Sinh, biểu tượng của Đức Kitô chiến thắng[15], mới là điểm nhấn chính thức. Đành rằng những ngày lễ long trọng và những dịp đặc biệt là lý do để có thể ca mừng Thiên Chúa bằng muôn sắc hoa đẹp đẽ, tuy nhiên cần cân nhắc sao để chúng không làm chia trí người tham dự khỏi những mầu nhiệm được cử hành. Cũng không nên kết hoa theo kiểu tạo hình như thể các lễ hội trái cây Nam Bộ (!) vì đó không phải là mục đích chính của hoa trong phụng vụ[16]. Những yếu tố nào nếu không đưa người tham dự phụng vụ chú ý đến ý nghĩa của cử hành thì không nên được đưa vào phụng vụ, chẳng hạn, người viết bài đã từng thấy một nữ tu khi chưng hoa đã để một cây đàn guitar đứng kế bên để “làm kiểu”! Thiết nghĩ sự hiện diện của cây đàn guitar ở đó có lẽ không hợp lý, vì nó không có ý nghĩa gì cả. Nó có thể hợp khi đặt ở những nơi khác, chứ không hợp khi đặt ở kế bên bàn thờ… Thật vậy, bình hoa cũng cần phải phù hợp với vị trí mà nó đang hiện hữu. Có những bình hoa đẹp nhưng phù hợp hơn ở phòng khách hay bàn ăn nhưng không hợp với cung thánh.

Không nhất thiết chỗ nào cũng phải có hoa, cần tránh cả hai thái cực: hoặc bất cập hoặc thái quá, hoặc quá ít hoa, hoa tàn hoa héo vẫn để trên bàn thờ hoặc quá nhiều hoa, quá “ngợp” bàn thờ. Tốn mấy chục triệu để mua hoa chưng trong một dịp đại lễ xem ra cũng không hợp lý lắm, vì có thể bớt một chút để dành tiền lo việc khác hay giúp kẻ nghèo… Nói  tắt, việc trang trí bàn thờ cũng phải có chừng mực.[17] Hoa lá cần, nhưng vừa đủ thôi. Đó là lời dạy của Giáo Hội. Cũng không cần phải gượng ép quá sức các cành hoa theo một ý tưởng võ đoán của người chưng hoa, nên tôn trọng có nét đẹp tự nhiên của những cành hoa thì tốt hơn.[18] Nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ.[19]

Cần lưu ý sao cho hoa được chưng diễn tả phần nào tâm tình và ý nghĩa của ngày lễ. Một thánh lễ an táng mà toàn chưng hoa vàng và đỏ thì nhìn vào ta thấy là vui hơi “trái mùa”, trong khi lễ cưới mà chỉ toàn hoa tím và trắng thì coi bộ cũng không ổn! Cách phối màu cho các loại hoa cũng rất quan trọng, nó tùy theo khả năng thẩm mĩ của người chưng hoa, tránh phối màu quá sến súa, lòe loẹt hay gợi những tâm tình trái ngược với ngày lễ (hoa vàng đậm cắm chung với hoa hồng đậm nhìn rất ‘chõi’, rất “cải lương”, hoa tím đi với hoa trắng thì… chỉ cần thêm dòng chữ “thành kính phân ưu” là có ngay một lẵng hoa tang!) Người chưng hoa cần có những kiến thức về cách phối màu và sử dụng màu sắc sao cho trang nhã, nền nã, và diễn tả được tâm tình ngày lễ. Cần nhắm tới vẻ đẹp cao quý hơn là nghĩ tới vẻ xa hoa lộng lẫy[20]. Những điều này được cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ nói khá chi tiết trong cuốn sách Hướng dẫn cử hành phụng vụ của ngài.

Hiện nay, trong các giáo xứ và cộng đoàn ở Việt Nam, có nhiều người giúp chưng hoa để trang trí cho phụng vụ và góp sức phục vụ cộng đoàn như thế. Họ có thể là các tu sĩ, họ cũng có thể là những giáo dân nhiệt tình. Họ là những thiếu nữ và cả những thanh niên nữa, rất thiện chí và đam mê làm đẹp cho nhà Chúa. Hầu như ở Việt Nam, những người phục vụ trong lĩnh vực này nơi các giáo xứ ít khi là những thợ cắm hoa chuyên nghiệp, hiểu theo nghĩa là được học bài bản, “có nghề”, có thể kiếm sống bằng nghề cắm hoa. Đa số cũng chỉ là những người có chút óc nghệ thuật, với đôi tay khéo léo, với cặp mắt thẩm mĩ hài hòa. Họ học hỏi lẫn nhau. Bản thân người viết bài cũng chỉ là một dân không chuyên nghiệp-amateur- trong lĩnh vực này. Từ việc quan sát, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những anh chị em cùng phục vụ trong lĩnh vực này mà bản thân tôi hoàn thiện dần dần kĩ năng này để làm đẹp cho nhà Chúa, để phụng sự Thiên Chúa qua tài lẻ mọn này. Người chưng hoa cần ý thức rằng mình đang làm một việc rất âm thầm nhưng rất đáng quý trọng, vì giúp tôn vinh Thiên Chúa và phụng sự cho Giáo Hội, cho cộng đoàn mình. Điều đó giúp họ làm việc cách khiêm tốn, cần mẫn và kĩ lưỡng. Thành quả của những thừa tác viên âm thầm này rất cần được trân trọng và khích lệ và thông cảm từ phía các vị mục tử và cộng đoàn. Bởi lẽ họ là những người phục vụ vô vị lợi và việc phục vụ của họ rất đáng quý!

Để kết thúc, xin trích dẫn những lời của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, vị thánh mà Giáo Hội mới tuyên phong hiển thánh vào ngày 14/10/2018 vừa qua. Ngài đã có lần nói với các nghệ sĩ: “thế giới mà chúng ta đang sống cần có vẻ đẹp để không chìm đắm trong sự thất vọng. Vẻ đẹp, như sự thật, đó là điều gieo niềm an vui trong lòng người…, là điều hợp nhất các thế hệ và làm cho họ thông cảm với nhau trong sự cảm phục. Và điều này, bởi đôi tay của các bạn…” [21]

Con chiên nhỏ
Viết lần đầu 20/11/2011
Chỉnh sửa và bổ sung tháng 01/2019

——————

[1] Có rất nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới về điều này. Rất nhiều cuốn sách và công trình nghiên cứu đã được thực hiện. Trên mạng xã hội, nếu thử tìm các từ khóa như: vai trò của hoa, hoa và đời sống, chức năng của hoa cỏ đối với sức khỏe con người… chúng ta sẽ khám phá nhiều thông tin thật lý thú.

[2] THÁNH BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỈ LUẬT BÍ TÍCH, Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma, số 292. Có một số nhà thờ ở vùng quê hay vì điều kiện sống còn thiếu thốn, hoặc do không gian hẹp, người ta cũng thường chưng một chậu kiểng nho nhỏ thay vì chưng hoa, nhưng chúng vẫn phải là đồ thật.

[3] ĐGM PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ, Phụng Vụ nhập môn, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 1997, trang 176

[4] LM VINH SƠN NGUYỄN THẾ THỦ, Hướng dẫn cử hành Phụng Vụ, chương IV, trang 68

[5] THÁNH BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỈ LUẬT BÍ TÍCH, Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma, số 305

[6] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, chương VII

[7] LM ANTÔN NGUYỄN ĐỨC KHIẾT, Mục vụ Phụng vụ, trang 67

[8] JEANNE EMARD, Hoa và Phụng Vụ- Nghệ thuật cắm hoa trong cử hành phụng vụ, NXB Tôn Giáo, trang 5

[9] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, chương VII, số 122

[10] JEANNE EMARD, Sđd, trang 24

[11] JEANNE EMARD, Sđd, trang 7. Bà nói rõ hơn: ‘’Trong khi những đường thẳng đề nghị sự mãnh liệt và sức mạnh, hướng thẳng lên trên diễn tả sự nhiệt tình, sức năng động và tâm tình tạ ơn. Gợi lên hình ảnh dịu dàng, các đường uyển chuyển mềm mại, trọn trịa có thể diễn tả sức mạnh của ân sủng và sự lịch thiệp duyên dáng. Các đường nghiêng hay đường ngang gợi lên nét xoa dịu, tình huynh đệ, hòa giải. Các đường gẫy khúc trừu tượng hóa cho những tình cảm khủng hoảng, lo sợ…”

[12] Mọi so sánh đều mang ít nhiều khập khiễng và giới hạn. Những hình ảnh và suy tư trong bài viết chỉ mang tính ẩn dụ (metaphor) và loại suy (allegory). Xin thứ lỗi cho người viết nếu những khía cạnh của hình ảnh không chuyển tải hết những ý nghĩa hay có những khía cạnh không hoàn toàn chính xác. Chính vì thế, những hình ảnh này vừa ‘là’ vừa ‘không là’’: Tất cả chỉ là những tư tưởng giúp gợi hứng suy tư (inspirational thoughts)

[13] Vì vậy mỗi lần thấy mấy em nhỏ lễ sinh tưới hoa một cách ẩu tả cho xong, tôi phải nhắc các em làm việc với tất cả ý thức cho hẳn hoi. Tưới nước cho hoa tươi lâu, đó cũng là một việc hy sinh đẹp lòng Chúa, cũng là dịp để cầu nguyện cho các linh hồn, đó cũng là việc phụng thờ Thiên Chúa nữa! Nên thánh qua những việc nhỏ cụ thể là như vậy…

[14] LM VINH SƠN NGUYỄN THẾ THỦ, Sđd, chương IV, trang 70

[15] LM VINH SƠN NGUYỄN THẾ THỦ, Sđd, chương III, trang 29

[16] LM VINH SƠN NGUYỄN THẾ THỦ, Sđd, chương IV, trang 70

[17] THÁNH BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỈ LUẬT BÍ TÍCH, Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma, số 305

[18] LM VINH SƠN NGUYỄN THẾ THỦ, Sđd, trang 69

[19] Cũng được nói đến trong số 305 của Quy chế tổng quát Sách Lễ Roma

[20] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, chương VII, số 124. Điều này được trích dẫn lại trong Quy chế tổng quát Sách lễ Roma, số 292.

[21] PHAOLÔ VI, Thông điệp của CĐ Vatican II gửi các nghệ sĩ, ngày 8.12.1965

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube