Công Cuộc Truyền Giáo Của Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Giáo Hội Việt Nam (P1)

CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
CỦA HAI GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM

Mục lục

DẪN NHẬP

  1.     Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha
  2.     Đường Hướng Của Toà Thánh
  3.     Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Việt Nam

Phần I. HAI MẪU GƯƠNG QUẢ CẢM TRONG SỨ VỤ GIÁM MỤC

  1.     ĐỨC CHA LAMBERT
  2.         Các Cuộc Kinh Lý
  3.         Tổ Chức Các Công Đồng Địa Phương
  4.         Xây Dựng Chủng Viện và Đào Tạo Linh Mục Bản Xứ
  5.         Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá
  6.     ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU
  7.         Hành Trình Á – Âu Lần Thứ Nhất (1665 – 1673)
  8.         Hành Trình Á – Âu Lần Thứ Hai (1674 – 1681)

     III. HAI CÁI CHẾT LÀNH THÁNH

  1.         Đức Cha Lambert
  2.         Đức Cha François Pallu
  3.     TÓM LẠI

PHẦN II. HƯỚNG TỚI VIỆC PHONG THÁNH CHO HAI VỊ GIÁM MỤC TIÊN KHỞI TẠI VIỆT NAM

  1.     “Chứng Từ Lịch Sử Trên Văn Bản”: do Nhóm chuyên viên phụ trách
  2.     “Chứng Từ Lịch Sử Sống Động”
  3.         Chứng Nhân Tử Đạo
  4.         Một Giáo Hội Trên Đà Trưởng Thành
  5.         Gia Đình Mến Thánh Giá

     III. Phúc Lành Của Thiên Chúa qua các phép lạ

KẾT LUẬN

DẪN NHẬP

“Phần các Giám mục, các ngài được Chúa Thánh Thần cắt cử để kế vị các Tông đồ làm mục tử chăn dắt các linh hồn, đồng thời, hợp nhất với Đức Giáo hoàng và dưới quyền ngài, các Giám mục được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu” (Sắc lệnh Giám mục, Christus Dominus số 2 – 28/10/1965)

1. Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam Dưới Chế Độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha

Công cuộc truyền giáo ở Việt Nam thời kỳ đầu được thực hiện chủ yếu bởi Dòng Tên dưới quyền bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Các nhà truyền giáo đã gặt hái được những thành công đáng kể: số tín hữu gia tăng với tinh thần sống đạo sốt sắng, Hội Thầy giảng được thành lập, khai mở nền văn chương Công giáo trên đất Việt, v.v…. Tuy nhiên, những cuộc bách hại Đạo và việc trục xuất các thừa sai ngoại quốc, cùng với những cản trở từ phía Chế độ Bảo trợ luôn là những thách đố lớn cho công việc truyền giáo tại đây.

Theo thỉnh nguyện của cha Đắc Lộ được đệ trình lên Toà thánh sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1645, ngài nhấn mạnh hai đề xuất chính:

– Do tình trạng thiếu linh mục để chăm sóc các tín hữu, nâng đỡ họ trong những cuộc bách hại, xin Toà thánh sớm gởi các Giám mục qua để thành lập hàng Giáo phẩm địa phương, đào tạo và phong chức các linh mục bản xứ;

– Ban đầu, ngài dự định xin Đức Thánh cha bổ nhiệm các Giám mục Chính tòa, nhưng khi hiểu được kế hoạch của Tòa thánh trong chương trình gửi các Giám mục Đại diện Tông tòa, để tránh rắc rối với Chế độ Bảo trợ, cha Đắc lộ đệ trình một bản ‘ghi nhớ’ xin gửi Giám mục in partibus (trong phần đất dân ngoại) và không cần cho Vua Bồ Đào Nha biết[1].

2. Đường Hướng Của Toà Thánh

Dù phải công nhận rằng Chế độ Bảo trợ có những đóng góp nhất định cho công cuộc truyền giáo chung, nhưng Toà thánh ngày càng nhận ra những bất cập, lạm dụng, thậm chí trở thành những khó khăn và nguy hại, nhất là khi các vua chúa đặt quyền lợi chính trị và kinh tế lên hàng đầu.

Để thoát ra khỏi tình trạng trên, Toà thánh muốn trực tiếp đảm trách và điều hành công cuộc truyền giáo qua việc thiết lập Thánh bộ Truyền bá Đức Tin vào năm 1622. Từ đây, đường hướng truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, cụ thể qua Huấn Thị năm 1659 trao cho hai Giám mục đầu tiên được gửi đến Đàng Ngoài, Đàng Trong và Trung Hoa[2].

Riêng đối với công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, ngày 13.05.1658, Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin đề nghị bổ nhiệm hai cha François Pallu và Pierre Lambert làm giám mục và được Đức Thánh cha Alexandre VII phê chuẩn ngày 08.06.1658. Một năm sau, ngày 09.09.1659, ngài ký Sắc chỉ Super Cathedram thiết lập hai Địa phận Tông toà: trao cho Đức cha François Pallu cai quản Đàng Ngoài, năm tỉnh của Trung Hoa: Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng (nay là Hồ Nam, Hồ Bắc), Quảng Tây, Tứ Xuyên, và nước Lào; tiếp đến trao cho Đức cha Pierre Lambert cai quản Đàng Trong và một số vùng của Trung Hoa: Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây và đảo Hải Nam[3].

Thánh Bộ còn gửi cho hai tân Giám mục bản Huấn Thị khá chi tiết với những điểm đáng chú ý ở phần III như:

+ Thiết lập Hàng Giáo sĩ bản địa qua việc phong chức linh mục cho người địa phương;

+ Cẩn trọng trong việc phong chức giám mục; không tự tiện làm nhưng phải thỉnh ý và chờ sự chấp thuận của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin;

+ Mở trường học, dạy tiếng La tinh và Giáo lý để từ đó có thể tìm ra các ơn gọi linh mục;

+ Hội nhập văn hoá;

+ Không can dự vào chính trị;

+ Giữ liên hệ chặt chẽ với Toà Thánh[4].

Tòa thánh cũng bổ nhiệm Cha Cotolendi làm Đại diện Tông Tòa Giáo phận Nam Kinh (Trung Hoa). Ngài được tấn phong Giám mục ngày 07.11.1660, hiệu tòa Métellopolis và lên đường truyền giáo ngày 03.9.1661 nhưng không may đã từ trần tại Ấn Độ ngày 26.08.1662[5]. Vì thế, chỉ còn hai vị Đại diện Tông Tòa đảm trách công cuộc truyền giáo vùng Viễn Đông.

3. Hai Giám Mục Tiên Khởi Tại Việt Nam

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte sinh ngày 28.01.1624 tại Lisieux vùng Normandie nước Pháp, trong một gia đình thuộc giai cấp thượng lưu, giàu sang. Lớn lên, ngài học ngành luật và hành nghề luật sư, sớm trở thành thẩm phán, khi mới 22 tuổi, với phép miễn tuổi của Vua Louis XIV. Được thúc đẩy bởi ơn gọi linh mục, ngài theo chương trình thần học và được thụ phong linh mục ngày 27.12.1655. Đức cha Pierre Lambert được bổ nhiệm làm Giám mục và thụ phong ngày 11.06.1660 tại Paris với hiệu toà Bérithe. Ngài đã dâng cúng tài sản mình để lo cho chương trình truyền giáo Viễn Đông được tiến hành nhanh chóng[6].

Ngày 27.11.1660, Đức Cha Pierre Lambert và hai linh mục thừa sai rời Pháp lên đường sang Việt Nam, không theo hành trình đường biển dành cho các thừa sai được Vua gửi đi, nhưng theo lộ trình mà Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin đề nghị: “Hành trình đất liền xuyên qua xứ Syria và vùng Mésopotamia sẽ an toàn cho chư huynh hơn nhiều so với đường biển Đại Tây Dương và mũi Hảo Vọng”[7]. Sau chuyến đi đầy gian nan vất vả, phái đoàn đã tới Ayutthaya ngày 22.08.1662. Ngài chưa thể đến Đàng Trong được vì lúc đó đang có cuộc bách hại dữ dội.

Đức Cha François Pallu chào đời năm 1626[8] tại thành phố Tours, nước Pháp, trong gia đình quý tộc và vị vọng. Ngài được rửa tội ngày 31.08.1626. Sau khi học xong chương trình ở chủng viện, ngài thụ phong Linh mục vào tháng 09.1650 và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ dân luật và giáo luật. Đức cha François Pallu được thụ phong Giám mục ngày 17.11.1658 tại Rôma với hiệu toà Héliopolis.

Đức cha Pallu là thành viên Nhóm Bạn Hiền và Hiệp hội Thánh Thể, là những tổ chức góp phần vận động Toà thánh gởi các Giám mục sang Việt Nam và Trung Hoa cũng như hỗ trợ cho việc hình thành Chủng viện Thừa sai Paris[9].

Ngày 02.01.1662, Đức cha Pallu rời Pháp đi Việt Nam với bảy linh mục và hai giáo dân bằng con đường bộ. Sau hai năm, ngày 27/01/1664 phái đoàn của ngài đã tới được kinh đô Ayutthaya, nhưng chỉ còn hai linh mục và một giáo dân[10].

Hai tâm hồn – một chí hướng:

Khi còn là linh mục, Đức cha François Pallu và Pierre Lambert gặp nhau và trở thành đôi bạn thân trong kế hoạch truyền giáo tại Rôma vào năm 1657. Các ngài đã cùng soạn ra một chương trình để thỉnh xin Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cho lập một chủng viện chuyên lo việc truyền giáo Đông Nam Á[11]. Đó là bước khởi đầu của chủng viện Hội Thừa Sai Paris.

Sau khi được Toà Thánh bổ nhiệm trong chức Giám mục và lãnh trách nhiệm trên hai Địa phận của Việt Nam, với tâm hồn đạo đức và đầy nhiệt huyết của vị tông đồ truyền giáo, hai Đức cha François Pallu và Pierre Lambert luôn cộng tác tích cực với nhau trên hành trình truyền giáo với tinh thần liên đới trách nhiệm. Các ngài đã sống và chết cho sứ vụ được trao phó là xây dựng Giáo hội Việt Nam trong tình say mến Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh.

+ Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com

Tài liệu tham khảo:

  1. P. LAMBERT DE LA MOTTE,Abrégé de Relation, AMEP, T. 121, T. 677 ; Journal 12/1675, AMEP, T. 877.
  2. Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin,Huấn thị 1659 dành cho các vị Đại diện Tông tòa đi đến các Vương quốc Trung Hoa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong.
  3. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,Tiểu Sử Đức cha François Pallu & Đức cha Pierre Lambert de la Motte, NXB Tôn Giáo, 2020.
  4. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018.
  5. Đào Quang Toản,Đức Cha Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010.
  6. DEYDIER François, Thư gửi Đức cha Pallu, ngày 01.11.1667, AMEP, T. 677.
  7. Đỗ Quang Chính, SJ.,Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, 2005.
  8. FAUCONNET-BUZELIN Françoise,Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Đàng Trong, Nxb. Phương Đông, 2015.
  9. LAUNAY Adrien,Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, Les Indes Savantes, 2003.
  10. Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai,Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679) và công cuộc canh tân việc Phúc Âm hóa tại Châu Á, 2018.
  11. Marie Fiat,Về với cội nguồn Giáo hội Việt Nam, 2009.
Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube