Dòng Mến Thánh Giá Thế Kỷ XVII Thành Lập Và Tổ Chức (Chương 1)

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC

Lời ngỏ

Dòng Mến Thánh Giá, do đức cha Lambert de la Motte thành lập, là một ân huệ mà Thiên Chúa ban riêng cho quê hương Việt Nam. Với ý thức trên, tập tài liệu này đã được cưu mang và thực hiện nơi đây.

Mục đích và nội dung :

Một số tài liệu lịch sử của dòng Mến Thánh Giá đã được in ấn và xuất bản đây đó, hay vẫn còn nằm trong bóng tối, công việc của chúng tôi chủ yếu là sưu tập lại, sau đó là dịch thuật. Chúng tôi tự giới hạn công việc của mình vào một khoảng thời gian rất ngắn là thế kỷ thứ 17, tức từ những năm 1664 đến 1700. Khoảng thời gian 36 năm này là buổi ban đầu của dòng Mến Thánh Giá. Buổi ban đầu đó sẽ mãi mãi như cội rễ mà mọi thành phần Mến Thánh Giá sẽ gắn bó lấy mà đón nhận nhựa sống tu trì cho mình.

Sau cùng là công việc chú giải các tài liệu trên : mỗi thời đại có cái văn hoá, tập quán, lề luật, cách viết… khác nhau. Và mỗi câu chuyện, dù nhỏ dù lớn, đều liên quan, chịu ảnh hưởng hay gây ảnh hưởng đến chuyện khác. Tóm lại, không có chuyện lịch sử nào đứng riêng rẽ một mình. Việc chú giải một chữ, một câu, một đoạn hay cả một câu chuyện là việc giúp cho người đọc hiểu rõ hơn sự kiện và ý tưởng của tác giả các tài liệu.

Cách thức soạn thảo :

Khi soạn thảo tập sách này, chúng tôi cố gắng giữ ba lời người xưa dạy :

– Lời thứ nhất là «nói có sách mách có chứng». Do đó, mọi trích dẫn đều được ghi chú xuất xứ chính xác nhất. Hy vọng điều ấy cũng sẽ giúp ích đôi chút cho ai muốn tìm hiểu về dòng nữ Việt Nam đầu tiên : dòng Mến Thánh Giá.

– Lời thứ hai là «biết thì thưa thốt, chẳng biết thì dựa cột mà nghe» : thực sự, dù đã cố gắng tìm hiểu nhiều, song vẫn còn muôn vàn điều mà chúng tôi không được thấu đáo. Bởi thế, chúng tôi chỉ dám phê bình những điều mà chúng tôi được biết rõ. Những điều khác, hoặc là chúng tôi không dám nói, hoặc là chúng tôi hướng dẫn bạn đọc đến các tác giả khác khi có thể được.

– Lời thứ ba là «tam sao, thất bản» : nghĩa là lập lại (hay ăn trộm) điều kẻ khác đã nói một cách sai lạc. Nơi đây, chúng tôi xử dụng thường xuyên «tài liệu đầu tay» để giữ cho mình được sự «lương thiện trí thức» (honnêteté intellectuelle).

Chúng tôi nghĩ là ba quy luật trên rất cần thiết khi thựcc hiện tập tài liệu lịch sử này.

Vấn đề tài liệu :

Chúng tôi phân chia những tài liệu mà chúng tôi sử dụng ra ba loại như sau :

Loại 1 : tài liệu đầu tay.

Đây là tài liệu có giá trị bậc nhất khi bàn về lịch sử. Trong khuôn khổ đề tài ấn định, chúng tôi đã tìm tòi trong Kho Thư Văn của Hội Thừa Sai Paris, (vì chưa có điều kiện làm việc tại Roma hoặc nơi khác). Những tài liệu này là các bản viết tay của các thừa sai, các linh mục bản xứ… tại Việt Nam hồi đó, thuộc nhiều thể loại khác nhau : thư từ, tường thuật, báo cáo, luận án, hồi ký…

Vào thế kỷ 17 này, những thư từ được trao đổi giữa người ở Việt Nam và người ở Âu Châu đòi hỏi một thời gian rất dài, hai hoặc ba năm là chuyện thường gặp ; và chuyện thất lạc thư từ, tài liệu gửi đi, là chuyện thường tình : đắm tàu, bão tố, thiên tai, cướp bóc… Từ chỗ đó, phần lớn những bản viết gửi đi đều đã được sao chép tại chỗ làm hai hoặc ba bản, và được gửi đi qua nhiều chuyến tàu hay qua nhiều ngả khác nhau. Phần lớn những công việc sao chép này là do các thày giảng hay các chủng sinh người Việt Nam thực hiện, ngay cả khi họ chẳng hề biết tiếng la tinh hay tiếng Pháp là gì.

Tất cả nhựng tài liệu «loại 1» này đều là những tài liệu viết tay.

Loại 2 : tài liệu in đương thời.

Vào thế kỷ 17, tại Âu Châu nghề in đã thịnh hành. Nhiều tài liệu về Việt Nam đã được in và xuất bản cho đại chúng tại Âu Châu được rõ. Mục đích thường là để cổ võ tín hữu dấn thân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng : làm linh mục thừa sai, đóng góp tiền của vào việc rao giảng…

Hội Thừa Sai Paris đã xuất bản một số tài liệu kiểu này mà chúng tôi sử dụng nơi đây. Ví dụ cuốn «Relation des missions… des années 1672, 1673, 1674 et 1675», (Angot – Paris 1680), cho độc giả được đọc một số những thư từ và phúc trình gửi từ Việt Nam về Paris. Cũng trong loại tài liệu này là một số tác phẩm do chính các thừa sai đương thời viết ra như cha De Rhodes, cha De Marini, cha Tissanier, cả ba đều thuộc dòng Tên.

Sau tài liệu viết tay, những bản in này là những tài liệu mang giá trị đặc biệt vì là chứng tá đương thời. Tuy nhiên, vì phổ biến ra với một mục đích đã nhắm tới, một số chi tiết có tính «quảng cáo» hơn là «báo cáo», nhấn mạnh về thành tựu hơn là thú nhận những thất bại, đề cao dòng mình hay tổ chức mình hơn là dám «vạch áo cho người xem lưng».

Loại 3 : Những sách vở xuất bản sau này.

Những sách vở xuất bản sau này về vấn đề bàn tới không phải là không có giá trị. Song đứng trên phương diện sử liệu, giá trị của chúng không thể vược qua được hai loại tài liệu nêu trên. Trong công việc của chúng tôi, chúng tôi đã tìm hết sức có thể để xét lại, để chứng thực lại những tài liệu hay những lời các tác giả đã trích dẫn hay đã bàn thảo, bằng cách tìm lại những tài liệu gốc đã được trích dẫn. (Tác giả giỏi là tác giả đã trích dẫn đúng và suy diễn có cơ sở).

Phải kể vào hàng đầu tiên trong những sách vở xuất bản sau này liên quan tới dòng Mến Thánh Giá thế kỷ 17, là những sách đã xuất bản của Adrien Launay (1853-1927), như cuốn «Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques, tome I» chẳng hạn. (Cuốn này được xuất bản sau khi soạn giả đã từ trần).

Ngoài ra, về những lời bàn và những suy diễn của các tác giả này, chúng ta không bắt buộc phải tin theo hay nhìn nhận là đúng.

Công việc dịch thuật :

Công việc dịch thuật là công việc đôi khi thật đáng sợ, vì dịch là phản bội (traduire, c’est trahir). Chúng tôi rất kính trọng những kẻ đã xây dựng nên và bảo tồn dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, chẳng hề muốn «phản bội» các ngài. Bởi thế, chúng tôi tận tình dịch thuật các tài liệu lịch sử của dòng một cách trung thực nhất trong khả năng của mình. Gặp chữ nào hay đoạn nào còn nghi ngờ, chúng tôi sẽ nói rõ và trích dẫn nguyên văn cho các độc giả được am hiểu.

Ngôn ngữ thế kỷ 17 không như ngôn ngữ hôm nay, và tiếng Việt sống động tại quê nhà không như tiếng Việt «cổ ngữ» của giới tha hương như chúng tôi. Đó là một trong nhiều khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi làm công việc này.

Một số tài liệu đã được dịch ra tiếng Việt và rất có giá trị. Nhưng chúng tôi vẫn bỏ công ra dịch riêng cho mình, với lý do để hiểu thấu đáo hơn bản văn gốc và cũng để đơn giản hoá mọi nghi thức xã giao và phép tắc luật pháp.

Vài nhận xét cá nhân :

Mục đích tập tài liệu này chỉ là «sưu tập, dịch thuật và chú giải». Những nhận xét cá nhân của chúng tôi là hoàn toàn thứ yếu. Chúng tôi đưa ra một vài nhận xét hoặc phê bình riêng, đặc biệt nơi «Chương tổng kết» là tự cho phép mình và tạo cho mình một cái nhìn tổng quát về dòng Mến Thánh Giá trong bối cảnh xã hội thế kỷ 17 của Việt Nam theo những hiểu biết riêng. Ngoài ra, cũng là một ít tâm tư muốn chia xẻ đến những độc giả có lòng tốt bỏ giờ ra đọc công việc mà chúng tôi thực hiện nơi đây.

Và điều ước mong chân thành nhất của chúng tôi là chính các nữ tu Mến Thánh Giá, ngoài khả năng am hiểu tiếng Pháp và tiếng la tinh, có được cơ may và các điều kiện cần thiết mà thực hiện cho dòng mình các công trình nghiên cứu về đặc sủng và lịch sử của dòng. Vì cho dù chúng tôi có làm ích được sự này sự nọ, chúng tôi vẫn không phải là «Mến Thánh Giá». Phải có tính «Mến Thánh Giá» trong linh hồn mình thì mới thực sự hiểu «Mến Thánh Giá» là gì.

Với niềm ước mong trên và lòng kính mến, xin khiêm tốn kính trao đến bạn đọc công việc nhỏ mọn này.

Tên gọi «Lambert de la Motte»

Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá có tên họ (nom) là «Lambert de la Motte», tên gọi thường (prénom) là «Pierre», và tên hiệu toà giám mục là «Bérythe, Béryte».

– Trong bài tựa cho sách «Sấm Truyền Ca» của Lữ Y Đoan (1670), tên «Lambert de la Motte» đã được phiên âm là «Lâm Biên Mộc» (xem «Về sách báo của tác giả công giáo, thế kỷ XVII-XIX, tài liệu tham khảo, Tp Hồ Chí Minh 1993», trang 53-60).

– Trong tài liệu viết tay do Carolus Cao ký, tên «Lambert» được viết là «Lam-bê-ri» và tên hiệu toà «Bérythe» được viết là «Bê-ri-ta».

– Mới đây (1995?), dòng Mến Thánh Giá xuất bản một quyển sách tựa đề «Linh Đạo Lâm Bích» (Toà Tổng giám mục Tp Hồ Chí Minh) : «Linh đạo Lâm Bích là gì ? – Linh đạo Lâm Bích là con đường thiêng liêng của Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte (1624-1679)».

Phần chúng tôi, tên gọi «Lambert de la Motte» sẽ được giữ nguyên văn trong tập sách này. Còn tên hiệu toà của ngài, chúng tôi sẽ viết là «Bêritê» theo như quyển «Phép nhà Chị em mến Câu rút Đức Chúa Jêsu», in tại Kẻ Sở năm 1907.

Những chữ viết tắt

– AMEP. = Archives des Missions Étrangères de Paris (Kho Thư Văn của Hội Thừa Sai Paris) (số đầu là số «tập», số kế là số «trang»).

– Cochinchine. Doc.I = A.Launay, «Histoire de la Mission de Cochinchine. Documents historiques, tome I», (Paris 1920).

– Đức cha = «Đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá», (Dòng Mến Thánh Giá, Toà Tổng Giám mục – Tp Hồ Chí Minh, 1996).

– Histoire générale I = A.Launay, «Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, tome I», (Téqui – Paris 1894).

– Tonkin, Doc.I = A.Launay, «Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques, tome I», (Paris 1928).

Chương Một

 Buổi đầu tại Xiêm La :

«Hội dòng tông đồ»

Ngày 22 tháng tám năm 1662, đức cha Lambert de la Motte đặt chân tới kinh đô Juthia, xứ Xiêm La. Tại đây, ngài gặp gỡ được một cộng đồng người Việt hải ngoại có tới trên một trăm người. Ngài cùng hai linh mục thừa sai phụ tá, François Deydier và Jacques de Bourges, đã không ngần ngại tìm cách giảng đạo và rửa tội cho đám dân Việt kiều này. Đầu năm sau, tức năm 1663, đức cha cho dựng nhà thờ và nhà xứ tại khu Việt kiều, đặt tên là nhà thờ thánh Giuse. Sau đó, vào tháng bảy năm 1663, ngài xuống tầu đi sang Trung Hoa. Gặp bão tố, tầu bị đắm ngoài khơi Cam Bốt, ngài phải trở lại Xiêm La.

Rồi, cho dù Toà thánh Roma, ngày đó chưa ban cho các thừa sai Pháp quyền hành nào trên đất Xiêm La[i][1], đức cha đã đứng ra thành lập giáo xứ Việt kiều tại Juthia, mang tên giáo xứ thánh Giuse. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, thì đây là giáo xứ Việt Nam hải ngoại đầu tiên trong lịch sử công giáo.[ii][2]

Vào cuối tháng hai năm 1664, một công đồng đã được nhóm họp tại Juthia gồm có hai đức cha Lambert de la Motte và Pallu, cùng năm linh mục thừa sai Pháp: Deydier, Laneau, Brindeau, Chevreuil và Hainques.[iii][3]

Công đồng Juthia 1664 là cơ hội cho đức cha Lambert de la Motte trình bày một chương trình rất lớn và cũng rất khó thực hiện mà ngài đã cưu mang bấy lâu: quy tụ tất cả thừa sai thuộc quyền các giám quản tông toà thành một «Hội dòng tông đồ»[iv][4]. Trọn tâm hồn khổ hạnh, thần bí và khát khao sự trọn lành của ngài thể hiện trong chương trình này. Đức cha Pallu, bản tính thực tiễn, bao dung và hoà giải hơn, đã ngần ngại không ít. Nhưng cuối cùng, đức cha Lambert de la Motte đã thuyết phục được ngài, cũng như đã thuyết phục được các thừa sai khác trong công đồng chấp nhận chương trình trên.

Sau một năm hiện diện tại Xiêm La, vào tháng giêng năm 1665, đức cha Pallu lên đường trở lại Âu Châu. Ngoài các mục đích khác, ngài còn phải đệ trình lên Toà thánh để xin chuẩn nhận việc thành lập «Hội dòng tông đồ» nói trên. Đó là sứ mệnh tế nhị nhất và khó khăn nhất trong chuyến trở về Âu Châu lần này của ngài.

Trên đường đi, ngài không ngừng làm việc, lo toan sao cho sứ mệnh của ngài sắp tới tại Roma được thành tựu. Đến Madraspatam, ngài viết cho đức cha Lambert de la Motte[v][5], ngày 27.12.1665, rằng ngài phải nhờ ba người học trò ở đó sao lại các văn bản công đồng Juthia và chương trình «Hội dòng tông đồ». Mặt khác, ngài tỏ ra khá lo ngại phía Paris và Roma về chương trình trên. Khi con tầu chở ngài vào vùng Địa Trung Hải, ngài viết một bức thư rất dài để báo tin cho các vị phụ trách Chủng viện Thừa sai tại Paris và nhất là thận trọng chuẩn bị tinh thần họ về chương trình trên[vi][6]: «Tôi gửi cho các ngài dự án một Hội dòng tông đồ, cho việc truyền bá đức tin, giữa dân ngoại… Tôi chấm dứt lá thư này bằng một vài ý kiến quan hệ:

1-chỉ cho một số rất ít người thực quen thuộc và tín cẩn biết chương trình của chúng tôi;

2-không ai được tuỳ tiện cho ai biết chương trình này, nhưng phải theo ý kiến và với sự đồng ý của các người khác;

3-phải chuyển sang Pháp ngữ cho những kẻ không hiểu tiếng la tinh xử dụng, như các bà Aiguillon và Miramion;

4-đừng cho phép người ta sao lại, đừng khổ tâm việc người ta giữ lại các bản mà chúng ta sẽ cho thông ra;

5-về lá thư gửi đức giáo hoàng, về lời giải thích chương trình và các nhận xét mà chúng tôi đã thêm vào, xin các ngài hãy xem xét kỹ lưỡng, xoá bỏ và mổ xẻ như ý thích các ngài; hãy thêm bớt sự nào các ngài xét thấy cần, rồi hãy cho viết lại những sự đó…;

6-hãy giữ thật kín đáo (bản sao chương trình «Hội dòng tông đồ»)…;

7-tôi sẽ không ngạc nhiên, một khi dự án của chúng tôi được biết đến thì liền thấy nhiều người, ngay cả các đấng thông thái và các vị đạo đức, sẽ đứng lên phản đối dự án này, và họ sẽ cao giọng cùng sẽ hạ bút chống báng dự án…;

8-xin các ngài hãy để ý nhất là các tu sĩ về điểm này, họ sẽ không thể nào chịu nổi dự án này, vì trong đó họ sẽ cảm thấy bị tổn thương bằng nhiều cách…;

9-các ngài đừng nghĩ rằng sẽ dễ dàng đạt được sự chuẩn nhận của Roma cho dự án này, vì cái mới lạ cũng như vì nhiều khía cạnh khác của dự án;

10-trong sự việc này, phải nhãng bỏ mọi phương thế trần tục…;

11-bởi thế chúng ta phải cần tới, hơn bao giờ hết, việc ăn chay, bố thí, nguyện ngắm…;

12-tôi không có tham vọng đem trình bày, cho đức giáo hoàng và cho Thánh bộ Truyền bá Đức Tin, dự án trên tất cả ngay cùng một lúc, tôi sẽ trình từng tờ từng tờ một tùy theo nhu cầu…;

13-hãy nghe thánh tông đồ Phao-lô…: «Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ…»…».

Một tháng sau, tức tháng tư năm 1667, đức cha Pallu đặt chân đến Paris. Rồi từ Paris, ngài sang Roma. Từ Roma về lại Paris. Từ Paris trở sang Roma. Mọi công việc trình bày và thương lượng của ngài tại Roma đều thành tựu mỹ mãn, chỉ trừ ra dự án thành lập một «Hội dòng tông đồ»[vii][7]:

«Chỉ có ý định về Hội dòng tông đồ là không thể có được một ai chấp thuận ở Roma cũng như ở Paris, mặc dù đã được nhiều vị thế giá, rất thông thái, đạo nghĩa và đức hạnh xem coi cùng xét duyệt. Dự án đã bị Thánh bộ Truyền bá Đức tin loại bỏ một cách tuyệt đối, tất cả mọi lời khấn chúng ta đã được tuyên bố là vô hiệu và đã bị giải bỏ…».[viii][8]

Mọi cố gắng của đức cha Pallu cùng giấc mơ của đức cha Lambert de la Motte một sớm một chiều bị bỏ qua một bên: ngày 13.8.1669, Thánh bộ Truyền bá Đức tin bác bỏ chương trình «Hội dòng tông đồ» cùng giải thệ các lời đã khấn; ngày 6 tháng chín sau đó, đức giáo hoàng Clément IX xác nhận quyết định trên của Thánh bộ. Từ Roma trở lại Paris, đức cha Pallu thông báo tin trên cho đức cha Lambert de la Motte qua lá thư đề ngày 6.12.1669.[ix][9]

Sứ mệnh tại Âu Châu hoàn tất, đức cha Pallu xuống tầu Le Phénix của thương đoàn Pháp quốc, ngày 11.4.1670, để trở lại Xiêm La.[x][10]

Bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu «Hội dòng tông đồ» mà hai đức cha đã có dự tính thành lập năm 1664.

Thực sự, đây là ý định và chương trình riêng của đức cha Lambert de la Motte, gồm tóm trong một tài liệu do chính ngài soạn thảo, tựa đề «Nouvelles vues d’un missionnaire touchant l’établissement d’une Congrégation Apostolique et de celles des Amateurs de la Croix de Jésus-Christ, reçues dans l’oraison»[xi][11]. Bản tự sự này được viết ra có lẽ vào thời kỳ công đồng Juthia[xii][12]. Trong đó, ngài đã tỏ lộ ý muốn lập «một Hội dòng các nam nhân làm việc tông đồ» bao gồm «những kẻ đã tuyên khấn đời sống trọn lành, và tất cả những ai hiện đang thi hành các sứ vụ rao truyền, như tất cả các thừa sai và thày giảng»; sau nữa, là ý muốn lập «dưới sự hướng dẫn của các người (nêu trên) này, một Hội dòng gồm những kẻ đức hạnh tuyệt vời và chuyên nguyện ngắm, thuộc mọi phái tính và điều kiện xã hội, cũng như cho ai có lòng thực sự ao ước hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa». Ngài gọi Hội dòng ấy là «Hội dòng Những Kẻ Mến Thánh Giá».

Mục đích của Hội dòng là vun trồng «khắp nơi tình yêu thực sự đối với thánh giá Con Thiên Chúa». Ai gia nhập Hội dòng thì giữ 6 điều sau:

Điều một: giảng dạy và theo con đường chật hẹp của Phúc Âm, và xa lánh con đường rộng rãi.

Điều hai: lãnh nhận các Bí tích thường xuyên nhất có thể, tuy nhiên phải vâng ý vị linh hướng mình.

Điều ba: mỗi ngày phải làm nửa giờ suy niệm về cuộc đời đau khổ, sự thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu Kitô.

Điều bốn: mỗi ngày,vào ban chiều hay buổi tối, phải làm việc đánh tội trong khi đọc kinh «Miserere»[xiii][13]….

Điều năm: Vào ngày Chúa nhật Lễ Lá cùng bốn ngày tiếp theo, phải làm gấp đôi việc hãm mình đó, và vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, phải làm gấp ba lần để tôn kính trọng thể cuộc Thương khó và một cách đặc biệt, ngày tử nạn của Con Thiên Chúa….

Điều sáu: phải tuyên giữ đặc biệt là yêu thương kẻ thù địch mình…».[xiv][14]

Tại công đồng Juthia, các thừa sai hiện diện, kể cả đức cha Pallu, đã tuyên khấn:

«… Chúng tôi tuyên hứa và thệ nguyện với Thiên Chúa rất tốt lành và rất cao cả đức khó nghèo đời tu sĩ, đức khiết tịnh và đức vâng phục, và nhất là điều được diễn tả qua ba lời khấn trên, nghĩa là sự thanh thoát toàn vẹn của linh hồn cùng các năng lực của linh hồn, từ bỏ tuyệt đối việc tự do xử dụng các năng lực tâm hồn cũng như từ chối mọi niềm vui vẻ có thể đến từ một thụ tạo hay ngay cả từ những ân huệ trên trời; sau cùng và theo Bên Trên sẽ ban cho chúng tôi, một niềm vâng phục trọn vẹn theo sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

«Chúng tôi cũng thề nguyền vâng lời hoàn toàn Đức Giáo Hoàng…

«Ngoài ra, chúng tôi tuyên hứa không tìm kiếm một bổng lộc nào, một tước vị nào, một chức vụ thuộc bất kỳ loại nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp…».[xv][15]

Ngoài lời khấn trên ra, đức cha Lambert de la Motte còn muốn thêm vào các lời hứa sau:

– Mỗi ngày phải nguyện ngắm ba giờ đồng hồ.

– Ăn chay suốt đời, mọi ngày, kể cả Chúa nhật.

– Không uống rượu, trừ ra các ngày lễ Phục sinh, Giáng sinh, Hiện xuống và trong các cuộc hành trình.

– Không xử dụng thuốc thang.

– Luôn luôn ngủ trên nền cứng.[xvi][16]

Ngày nay, chúng ta biết đức cha Lambert de la Motte tha thiết muốn lập một Hội dòng như trên là để công việc rao truyền Phúc Âm được chu toàn. Toà thánh đã gửi ngài đi với mục đích cao cả là xây dựng Giáo Hội, nhưng ngài chỉ gặp một tình trạng buông thả, hưởng thụ và giây dưa cả vào việc thương mại của những thừa sai tại Xiêm La. Với lòng đạo đức thánh thiện cùng tính khí tuyệt đối sẵn có nơi ngài, ngài không thể không tố cáo ra tình trạng hỗn loạn đã thấy như trong bức thư ngài viết gửi cho cha Bagot bề trên dòng Tên tại Paris[xvii][17]. Một lời trong thư ngài viết cho đức cha Pallu ngày đó cũng đủ để chúng ta hiểu được tâm trạng của ngài: «Có một thày dòng Phan-xi-cô đã bỏ đây ra đi hơn một năm nay. Trong vòng nhiều tháng trời ở đây, thày ấy đã dâng lễ cho nhiều người mà thày ấy không phải là linh mục. Có hai thày dòng Ca-pu-xanh cùng thuộc về một dòng và ở chung một mái nhà, song chẳng hề nói năng gì với nhau và đối với nhau như thù địch. Tất cả những hỗn tạp này là một vực thẳm vô kỷ cương mà tôi biết, đã khiến tôi phải van nài cùng đức cha hãy thường xuyên gieo mình dưới chân Đức Thánh Cha và Thánh bộ hầu xin cho được việc thành lập Hội dòng tông đồ mà lòng nhân lành Thiên Chúa đã soi sáng cho chúng ta…»[xviii][18]

Nhưng chương trình rất đỗi khắc khổ, nếu không dám nói là «xuất thể» và «xuất thế», của đức cha Lambert de la Motte đã được đón nhận như thế nào ? – Trước tiên chúng ta phải nhìn thấy là tất cả các thừa sai cạnh ngài đều đã ưng thuận. Nhưng Đức cha Pallu nói: «Tôi không có tham vọng nghĩ rằng, khi trình bày ra dưới mắt các ngài[xix][19], là làm cho các ngài nhận ra ngay được cái vẻ đẹp, những sự giầu có, tính chất quan trọng và sự cần thiết của dự án (Hội dòng tông đồ) ngay đâu… Lần đầu tiên khi tôi được biết nhờ đọc một vài cái nhìn[xx][20] mà đức cha Bêritê đã có ở một trong những lần tĩnh tâm của ngài. Tôi xem đó như một ý tưởng đẹp, hay nói đúng hơn, như một chuyện hão huyền thuần túy (une pure chimère). Tôi đã chịu cực khổ không ít suốt hơn sáu tháng ròng nghe ngài nói với tôi về chuyện ấy, mà ngài thì chẳng hề cảm thấy chi khổ ải».[xxi][21]

Tuy đã nhìn ra cái «vẻ đẹp», nhưng ý thức rằng chương trình trên sẽ gặp nhiều đối kháng, đức cha Pallu đã hết sức thận trọng khi đem chương trình «Hội dòng tông đồ» về Âu Châu như chúng tôi đã trình bày phía trước. Về mặt lý thuyết tu đức học, các vị chuyên môn được tham khảo ý kiến tại Âu Châu đã không tỏ sự phản đối cụ thể nào[xxii][22]. Nhưng về mặt thực tế và ngoại giao, dự án của đức cha Lambert de la Motte bao hàm nhiều khuyết điểm, kể cả nguy cơ làm sụp đổ nguyên một công trình Hội Thừa Sai Paris đang non nớt hình thành.

Khi Toà thánh bác bỏ chương trình «Hội dòng tông đồ» được đức cha Pallu đệ trình, Toà thánh chỉ đưa ra lý do tổng quát rằng: «Những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục bề trong, như đã được diễn tả, chỉ thực hiện được trong những giả thuyết thật họa hiếm, không thể nào dùng làm nền tảng cho một hiệp hội tu trì bao giờ. Còn các lời khấn khác về sự tuân thủ bề ngoài, phải xem đó như những quyết tâm tốt lành, và lại nữa, những quyết tâm như vậy ít thích hợp với các thừa sai, nhất là nếu họ thực hiện chung với nhau». Đức cha Pallu, ngay trong ngày được tin đức giáo hoàng phê chuẩn quyết định trên của Thánh bộ Truyền bá Đức tin, đã bỏ lời thề hứa tại Juthia 1664, ăn thịt và dùng rượu. Sau ngài viết cho đức cha Lambert de la Motte: «Tôi thà chết hơn là xa lánh một dấu phẩy trong các mẫu mực đã ghi định cho chúng ta, khi chỉ là tỏ ra sự kính trọng và vâng phục mà tôi phải giữ và muốn giữ suốt đời đối với Toà thánh».[xxiii][23]

Phán quyết của Toà thánh như trên cũng tạm đủ cho chúng ta thấy cái thiếu hiện thực nhân bản trong dự đồ của đức cha Lambert de la Motte. Còn về khía cạnh ngoại giao và xã hội, nguyện vọng của đức cha Lambert de la Motte về «Hội dòng tông đồ» đã gây không ít hỗn độn và nguy hiểm cho Hội Thừa Sai Paris, trong bối cảnh đương thời: một phần, cách gián tiếp, dự án «Hội dòng tông đồ» đã ngầm coi các thừa sai khác như bất xứng trong việc rao giảng. Như thế là quá đụng chạm tới tất cả những Hội dòng khác đã và đang làm việc trong các miền phải rao giảng Tin Mừng; nhất là đụng chạm tới quyền bính triều đình Bồ Đào Nha đã chính thức và từ rất lâu đời được Toà thánh trao phó việc truyền rao Tin Mừng tại Đông Nam Á. Mặt khác, ý định của đức cha Lambert de la Motte, một cách gián tiếp, đã lên án linh đạo I-nha-xi-ô của các tu sĩ dòng Tên, là dòng đang thời đi lên tại Pháp và có chỗ đứng rất lớn tại triều đình vua Louis XIV. Hội Thừa Sai non nớt lo sợ là phải. Cũng may là đức cha Pallu và giám đốc Hội Thừa Sai Paris lúc đó, cha Gazil, là những người hiếu hoà và có năng khiếu hoà giải, nên sự thể không đến nỗi đáng tiếc.

Vài sử gia uy tín sau này, bàn về vấn đề «Hội dòng tông đồ», thường mang những phán đoán giống nhau, hoặc về con người đức cha Lambert de la Motte, hoặc về sự thể trong bối cảnh lúc đó:

Adrien Launay viết: «Chúng ta nhìn những sự việc hằng hai thế kỷ sau… Còn các Giám quản Tông toà thì không thể, như chúng ta, kiểm chứng được những kết quả và cảm thấy được bảo đảm về sự bền vững của công trình mình, nên lo lắng cho tương lai. Từ chính các đấng cho đến các cộng tác viên, chẳng có ai đã dấn thân qua lời thề hay lời hứa nào; chẳng có bề trên nào cầm đầu; chỉ có thiện chí của họ dựa trên ơn Chúa ban là mối giây duy nhất liên kết họ với nhau và với ơn gọi của họ. Mối giây đó liệu đã đủ chưa ?…»[xxiv][24]

Henri Chappoulie nhận xét đức cha Lambert de la Motte như con người luôn «khắc khoải bối rối về sự trọn lành trong tâm linh», thiếu «thông hiểu tinh thần Thánh bộ Truyền bá Đức tin» là chỉ nhằm thiết lập một hàng giáo sĩ địa phương, quá «nghiệt ngã với các tu sĩ thừa sai», đặc biệt là các tu sĩ dòng Tên, và nhất là trong vấn đề đang bàn, đã gây nguy cơ chia rẽ giữa dòng Tên và Hội Thừa Sai Paris.[xxv][25]

Và một tác giả mới, Dom Guy Marie Oury, cho ý kiến rằng: «Chưa hề có Hội dòng nào đã gồm lại từng ấy sự trong các lời khấn… Dự án của Lambert de la Motte hẳn đã đắp ải chống lại những giới hạn chung của tính con người, ngay cả nơi những kẻ quảng đại nhất… Luật lệ ấy có lẽ trong vòng vài tháng trời sẽ đưa xuống mồ tất cả các thừa sai miền Viễn Đông».[xxvi][26]

Bây giờ chúng ta trở lại xứ Xiêm La: từ ngày đức cha Pallu lên đường đi Âu Châu, đức cha Lambert de la Motte làm gì tại Juthia ?

Sau khi tiễn đức cha Pallu vào tháng giêng năm 1665, các thừa sai Pháp tại Xiêm La bắt đầu nghĩ tới việc xây cất một chủng viện tại Juthia. Công trình khởi sự vào năm sau đó. Chủng viện được mang tên gọi «Chủng viện thánh Giuse», là nơi ăn ở của các thừa sai người Pháp và cũng là nơi đào tạo các linh mục tương lai cho miền Đông Nam Á.[xxvii][27]

Tháng mười năm 1667, đức cha Lambert de la Motte viết cho đức cha Pallu, lúc đó đang ở Roma, một lá thư rất lạc quan, trình bày các dự tính của ngài, như sau[xxviii][28]:

«Từ ít lâu nay tôi cứ toan tính viết cho đức cha, bàn tới ba việc phục vụ lớn mà chúng ta có thể đem lại cho Giáo Hội tại vương quốc này và ba việc ấy chắc sẽ được đón nhận tốt.

Việc thứ nhất là thành lập tại đây một chủng viện và một nhà trường thường trực cho tất cả các quốc gia, có thể chứa được gần một trăm người; đó là chuyện mà chúng ta đã đề đặt ra các điểm căn bản rồi, trong hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho được phát triển khả đáng.

Việc thứ hai là thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh; cộng đoàn này có thể sẽ cũng vậy và sẽ đông hơn cộng đoàn các thày chủng sinh. Về chuyện này, chúng ta sẽ cần tới một hoặc hai phụ nữ đức hạnh từ Pháp, có đặc ân về công tác này. Đi đường biển để đến đây thì không là chuyện khó khăn lắm; các phụ nữ ấy không được kém can đảm hơn các bà nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các bà Bồ Đào Nha đi khắp miền Ấn Độ Dương, và các bà Tây Ban Nha còn đi tới tận Phi Luật Tân.

Việc thứ ba là việc sẽ đem lại kết quả nhiều nhất dưới con mắt của triều đình là việc tạo nên một bệnh viện cho các kẻ đau yếu, và để điều hành bệnh viện thì cần hai người nhiệt tâm trong việc phục vụ người nghèo. Hai người ấy nên hiểu vài sự trong khoa giải phẫu và y học. Rồi ngay cả khi những sự giúp đỡ trên không lấy gì làm khéo léo lắm, ở chốn này họ cũng được xem như những kẻ xuất chúng rồi.

Xin đức cha đừng có kinh hoảng về các công trình cao vời trên dưới chiêu đề là phải có những ngân quỹ thật lớn xem ra sẽ cần trong việc xây dựng và nâng đỡ những công trình trên. Bởi vì kinh nghiệm của tôi cho tôi biết rằng chắc chắn là với một ngàn quan tiền ê-cu một năm, người ta có thể nuôi nấng và gìn giữ ở đây hơn một trăm chủng sinh rồi. Về cộng đoàn các thiếu nữ thì lại còn cần ít hơn thế nữa, vì các chị em không bận việc học hành có thể nhờ việc làm lụng chân tay mà kiếm được một phần lớn để sống và để lo kẻ bệnh hoạn rồi.

Vì tất cả những hoài bão lớn lao ấy hòng tìm những kết quả thật vô cùng khả quan sau này, vì sự trở lại của các linh hồn, và vì việc an ủi nâng đỡ các kẻ nghèo nàn bệnh tật, một khoản tiền lời 2.500 quan ê-cu có lẽ là đủ; như vậy số vốn sẽ quãng chừng là 50.000 quan ê-cu. Nhưng còn hơn thế nữa, ở đây vốn 12 ngàn quan ê-cu trong hệ thống Tây Ban Nha, cho đặt lấy lời, theo giá của nhà vua, sẽ cho được mỗi năm là 2.500 quan ê-cu, vì giá 22,5% và là giá thấp nhất và phải chăng nhất trong vương quốc này. Thưa đức cha, đức cha thấy đó, ở đây người ta có thể làm việc thiện với giá rẻ hơn tại Pháp rất là nhiều. Chỉ cần tôi cho đức cha biết cái ý này mà trông mong thành tựu hạnh phúc nào đó».

Đức cha Lambert de la Motte đã tỏ ra khá lạc quan khi nhìn về tương lai. Đó là thời gian tương đối thuận tiện cho các thừa sai Pháp tại Xiêm La, đặc biệt trong quan hệ với triều đình vua Phranarai[xxix][29] tại đó, mặc dù phía Bồ Đào Nha không ngừng gây khó dễ cho đức cha và các thừa sai người Pháp.

Năm 1668 còn đem lại niềm vui khác nữa cho đức cha và cũng là năm lịch sử của Giáo hội Việt Nam, vì ngày 31.3 đức cha đã truyền chức linh mục cho một người Việt Nam đầu tiên, xứ Đàng Trong, là cha Giuse Trang. Sang ngày 15.6.1668, hai thày giảng xứ Đàng Ngoài, Gioan Huê và Bentô Hiền, và cuối năm 1668, thày Luca Bền, xứ Đàng Trong, cũng được chịu chức linh mục. Tất cả những lễ truyền chức trên đều được cử hành tại Juthia.

Một sự kiện nhỏ cũng đáng được lưu ý trong năm ấy là địa phận Đàng Trong đã cho sáu bổn đạo đi thuyền sang tận Xiêm La để đón đức cha Lambert de la Motte về địa phận mình. Họ đến Juthia vào ngày 8.5.1668. Nhưng đức cha đã không thể ra đi với họ được.[xxx][30]

Mùa hè năm 1669, ngày 17 tháng bảy, đức cha rời Juthia đi kinh lý xứ Đàng Ngoài. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản

 

[i][1] Mãi đến ngày 4.7.1669, đức giáo hoàng Clément IX mới ký sắc lệnh Cum sicut accepimus ban quyền cho các giám quản tông toà người Pháp phục vụ xứ Xiêm La.

[ii][2] Xem «Relation du voyage de Monseigneur l’Evêque de Beryte…» (Jacques de Bourges, Paris 1666). Bản dịch: «Ký sự cuộc hành trình của đức cha Beryte» (Đào Quang Toản, Tp Hồ Chí Minh 8.1996).

[iii][3] Ngoài ra, bên cạnh đức cha Pallu, còn có một giáo dân phụ tá là ông Chamesson-Foissy.

[iv][4] «Hội dòng tông đồ» = Congrégation apostolique.

[v][5] A.Launay, «Lettres de Mgr Pallu, I» (Paris 1904), trang 37. Một thư khác cho đức cha Lambert de la Motte, cũng tại Madraspatam năm 1665, cho biết đức cha Pallu chuẩn bị kỹ lưỡng việc đệ trình Toà thánh chương trình «Hội dòng tông đồ»: A.Launay, sách đã dẫn trên, trang 40-41.

[vi][6] A.Launay, sách đã dẫn trên, trang 56-61. (Thư viết ngày 5.3.1667).

[vii][7] Liên hệ tới «Hội dòng tông đồ» trong sứ mệnh của đức cha Pallu tại Âu Châu, một số thư từ của ngài viết đã được A.Launay xuất bản trong «Lettres de Mgr Pallu», tập I và tập II, (Paris 1904), gồm có: (tập I) trang 36 (gửi đức cha Lambert de la Motte, 27.12.1665); tr.40 (gửi đức cha Lambert de la Motte, 1665); tr.49 (gửi thừa sai, thày giảng và giáo dân Đàng Ngoài, 2.1667); tr.56 (gửi Chủng viện Paris, 5.3.1667); tr.73 (gửi Fermanel, 19.6.1667); tr.84 (gửi một cha tại Chủng viện Paris, 25.10.1667); tr.94 (gửi đức cha Lambert de la Motte, 6.12.1669); tr.114 (gửi Deydier, 28.12.1670); (tập II) trang 26 (gửi đức giáo hoàng Clément IX, 1667); tr.345 (gửi Du Plessis-Montbard).

[viii][8] Thư đức cha Pallu gửi cho cha Deydier, ngày 28.12.1670 (A.Launay, sách đã dẫn trên, tập I, trang 119).

[ix][9] Trong A.Launay,sách đã dẫn trên, tập I, trang 94-97.

[x][10] Về chuyện «Hội dòng tông đồ», A.Launay cho ý kiến sau: «Vấn đề Hội dòng tông đồ xứng đáng một công việc đặc biệt, ít nữa là việc xuất bản toàn bộ dự án mà đức cha Pallu và đức cha Lambert de la Motte đã soạn thảo ra và được giữ trong kho Văn Thư Hội Thừa sai Paris: tập 109 và tập 121». («Lettres de Mgr Pallu», tập II, trang 26, ghi chú 1).

[xi][11] («Những cái nhìn mới của một thừa sai liên quan tới việc thành lập một Hội dòng tông đồ và các Hội dòng Những Kẻ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, nhận được trong khi cầu nguyện»).

[xii][12] Tài liệu viết tay: AMEP. 121,756-762 (bản Pháp ngữ). Đây là một trong những tài liệu nền tảng của dòng Mến Thánh Giá. Một phần tài liệu này đã được đăng trong: «Tonkin. Doc.I», trang 106-108. Bản dịch Việt ngữ đăng trong «Đức cha», trang 47-52. Bản la tinh viết tay: AMEP. 663, 7-10.

[xiii][13] «Lạy Chúa, nguyện thương tôi» (thánh vịnh thứ 50).

[xiv][14] Ý muốn thành lập một Hội dòng tông đồ cùng Hội dòng Mến Thánh Giá gồm nhiều nghành khác nhau là mộng ước rất xa xưa của đức cha Lambert de la Motte, từ ngày ngài còn bé. Lời của ngài được trích dẫn sau đây sẽ làm chúng ta ngạc nhiên không ít: «…Voilà un éclaircissement plus particulier et plus ample de la vue qui m’avait été donnée il y avait plus de trente et cinq ans (đã có trên 35 năm) de l’évation et de l’obligation de la Congrégation des Amateurs de la Croix» (AMEP. 121, 757). Như vậy, «cái nhìn» về việc lập dòng Mến Thánh Giá «đã được ban» cho đức cha từ hồi ngài mới lên quãng 5 tuổi, nếu chúng ta cho là ngài đã viết bản «Những cái nhìn mới…» vào năm 1664. (Tức là 1664 – 35 = 1629: sinh năm 1624, ngài được 5 tuổi vào năm 1629 ấy).

[xv][15] Tài liệu viết tay: AMEP. 201,275; đăng trong: «Histoire générale I», trang 111-112. Một bản dịch Việt ngữ được đăng trong: «Đức cha», trang 45-46.

[xvi][16] Đức cha Lambert de la Motte cảm thấy rất hạnh phúc được tuyên thệ lời khấn trên như trong thư ngài gửi cho cha Simon Halley năm 1664 đã nói rõ (tài liệu viết tay: AMEP. 121, 592).

[xvii][17] Tài liệu viết tay: AMEP. 121, 567. Ngày 10.2.1664. Ngoài ra, trong AMEP. tập số 121 này, chúng ta còn có thể đọc được bản sao 58 lá thư của đức cha Lambert de la Motte viết vào những năm 1663 và 1664, cho thấy tình trạng buông thả nơi các tu sĩ thừa sai tại Xiêm La và ý chí cải tổ nơi đức cha.

[xviii][18] Tài liệu viết tay: AMEP. 121, 726. Ngày 25.1.1667.

[xix][19] Tức các vị phụ trách Chủng viện Hội Thừa Sai tại Paris.

[xx][20] Tức «Nouvelles vues…» («Những cái nhìn mới…»).

[xxi][21] A.Launay: «Lettres de Mgr Pallu», tập I, trang 56.

[xxii][22] Xem A.Launay: «Histoire générale I», trang 175-176.

[xxiii][23] A.Launay: «Histoire générale I», trang 176-177.

[xxiv][24] A.Launay: «Histoire générale I», trang 110.

[xxv][25] H.Chappoulie: «Aux origines d’une Église, Rome et les missions d’Indochine au XVIIè siècle», tập I, (Paris, Bloud et Gay 1943), trang 265-272.

[xxvi][26] Oury: «Mgr Pallu ou Les missions étrangères en Asie au 17è siècle» (France-Empire 1985), trang 82-83.

[xxvii][27] Các tác giả thường dùng từ «Chủng Viện» (Séminaire) để chỉ nhà ở của các thừa sai, và từ «Nhà Trường» (Collège) để chỉ nơi dạy dỗ các linh mục tương lai.

[xxviii][28] Tài liệu viết tay: AMEP. 875, 224. Được A.Launay đăng trong: «Documents historiques sur la Mission de Siam», tập I, (Téqui-Paris 1920), trang 23.

[xxix][29] Vua Phranarai là một ông vua cấp tiến và cởi mở, trị vì từ 1656 đến 1688.

[xxx][30] Tài liệu viết tay: AMEP. 121, 751.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube