DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC
Chương Ba
Tại Đàng Ngoài : Sau ngày thành lập
Trong chuyến kinh lý tại Đàng Ngoài, đức cha Lambert de la Motte đã thực hiện ba chuyện quan trọng : phong chức linh mục cho 7 thày giảng, họp công đồng Phố Hiến và thiết lập dòng nữ Mến Thánh Giá.
Ngày 19.2.1670, ngài rời xuống thuyền trên sông để ra cửa biển. Gặp thời tiết không thuận, con thuyền chở ngài và thừa sai Bouchard phải nằm chờ mãi đến ngày 14.3.1670 mới ra khơi. Vẫn là con thuyền buôn của ông Junet người Pháp đã chở các ngài từ Xiêm La sang.[1][1]
Lợi dụng những ngày còn lại tại Đàng Ngoài, đức cha viết lá thư sau cho hai chị nữ tu đầu tiên của dòng Mến Thánh Giá[1][2] :
«Phêrô Lambert, nhờ ơn Chúa và Toà thánh tông đồ, giám mục Bêritê, Giám quản tông toà, gửi quý dì thân mến Anê và Paola là những người đầu tiên đã nhận dòng Chị em Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, lời chào và phép lành.[1][3]
Cha đã ao ước được chuyện trò với chúng con sau khi chúng con đã tuyên thệ những lời khấn một cách công khai ngày Lễ Tro, trước sự hiện diện của cha, để nói cho chúng con một vài điều nữa về sự cao sang trong địa vị chúng con và về sự trọn lành mà lòng nhân từ của Thiên Chúa đã gọi chúng con vào; nhưng, vì bắt buộc phải ra đi hôm đó để còn trở về, cha đã có ý viết cho chúng con lời này mà răn bảo chúng con rằng chúng con không còn thuộc về mình nữa, song hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Chúng con đã tận hiến mình cho Người, hầu từ nay trở đi chỉ còn chuyên cần lo hiểu biết Người và yêu mến Người, bằng sự nguyện ngắm và bắt chước đời sống đau khổ của Người và bằng cách tuân giữ những nghĩa vụ của Hội dòng chúng con. Cha khuyến khích chúng con hết sức cha có thể, hãy trung thành với những nghĩa vụ của Hội dòng chúng con, biết rằng nhờ đó mà chúng con và toàn thể Giáo hội này sẽ nhận được lợi ích lớn lao. Cha cũng dặn dò chúng con một cách riêng phải vô cùng lo lắng cho các chị em tập sinh của chúng con mà chúng con phải xem họ như những của thánh mà Thiên Chúa đã đặt để trong bàn tay chúng con. Chúng con hãy nhớ thường xuyên dạy bảo họ mục đích chính của Hội dòng chúng con là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu Kitô nơi họ và hằng ngày xin Người, qua những lời nguyện, nước mắt, công việc, hy sinh của chúng con, ơn trở lại cho những kẻ ngoại đạo và những Kitô hữu bê bối. Nhưng cực kỳ quan hệ là thực hiện mọi sự ở cương vị của Chúa Giêsu Kitô : Người muốn chính mình làm mọi sự ấy và vì không thể được, nên Người dùng đến một số kẻ đã được tuyển chọn mà Người ban đầy tràn tinh thần Đấng Trung Gian hầu tiếp tục như vậy cuộc đời lữ hành và hy sinh của Người cho đến thời kỳ cùng tận. Các dì thân mến, chúng con thấy đó sự cao sang của ơn gọi chúng con và chúng con đã chết cho thế gian; nghĩa là chết cho các giác quan, bản tính và lý trí con người, để từ nay chỉ còn sống theo những lời dạy, những việc làm và cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Cha xin chúng con hãy cứ suy nghĩ về sự ấy và đừng quên cha trước mặt Thiên Chúa.
Tại cửa biển xứ Đàng Ngoài, ngày 26.2.1670».
Bức thư trên, cũng như những gì đức cha Lambert de la Motte đã soạn thảo khi lập dòng nữ Mến Thánh Giá, thể hiện tính rất khổ hạnh nơi tinh thần tu đức của ngài : «Chúng con đã chết cho thế gian : chết cho các giác quan, bản tính và lý trí con người». Đi theo con đường thiêng liêng ngài vạch ra là phải hoàn toàn «thoát tục».
Trở lại chuyến đi của ngài : ngài về đến Xiêm La vào đầu tháng năm năm đó, 1670. Rồi vào tháng mười, ngài viết gửi đức giáo hoàng bài phúc trình về chuyến đi Đàng Ngoài của ngài. Nhân dịp này, ngài cũng gửi cho linh mục Lesley[1][4] tại Roma một lá thư riêng[1][5]. Vì vẫn chưa hay biết gì về quyết định tại Roma, ngài vui mừng và hãnh diện cho linh mục Lesley biết :
«… Giữa 2 thừa sai Pháp của chúng ta, 9 linh mục bản xứ, 48 thày chức nhỏ mà tôi đã truyền, và các chủng sinh, tất cả hợp thành một cộng đoàn lớn, chẳng có chút gì là «của tôi» hay «của anh»; họ sống theo như cách thức đã hướng dẫn của công đồng (Phố Hiến) mà tôi đã gửi về Roma…. Một vài goá phụ đạo đức đã quy lập những nền tảng đời sống tu trì trong vương quốc này, sẽ không thua kém gì đâu. Sau khi xem xét ơn sủng của họ, hướng chiều của họ, đường lối Thiên Chúa dẫn dắt họ và những thực hành của họ từ mấy năm rồi, tôi đã ban cho họ những quy luật mà tôi gửi sang Toà thánh, để trình ra chịu khảo duyệt, và xin được chuẩn nhận nếu Toà thánh xét là được.
Tôi lợi dụng dịp này để xin Đức Giáo Hoàng ưng nhận một Hội dòng các kẻ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta mà tôi đề nghị ra, sau khi biết lòng rất đạo đức của giáo dân nơi những miền này là tỏ ra lòng biết ơn đối với cái chết cùng sự thương khó của Chúa Cứu Thế mọi người.
Tôi mong cha, vì tình yêu của cha đối với Chúa, hãy làm việc hầu xin được nơi Toà thánh sự chuẩn nhận quy luật ấy, bản này và bản kia, với các ân xá nhiều nhất mà cha có thể, cho những người nam và nữ sẽ thực thi những quy luật ấy; những ân xá có thể được dành giảm bớt sự đau khổ của các linh hồn nơi luyện ngục.
Tại Xiêm La, ngày 20.10.1670».
Việc chuẩn nhận của Toà thánh Roma là sự quan trọng. Đức cha Lambert de la Motte rất ý thức điều đó nên trông cậy linh mục Lesley, vốn thân cận với các hồng y tại giáo triều, giúp đỡ. Ngay cả đức cha Pallu, trên đường trở lại Xiêm La, khi hay tin chuyến kinh lý và kết quả của đức cha Lambert de la Motte tại Đàng Ngoài, đã viết thư dặn dò các vị đại diện Hội Thừa Sai của ngài tại Pháp cũng như tại Roma rằng[1][6] :
«Về chuyện các chị em Kitô hữu nhiệt thành mà đức cha Béritê[1][7] đã quy tụ lại với nhau dưới một số quy luật và họ đã tuyên thệ ba lời khấn đơn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, phải rất lưu tâm mà xin sự nhìn nhận Hội dòng này như một dòng tu mới. Các sự việc không nằm tại đó đâu, và nếu người ta cứ chủ trương như thế, sẽ thấy mình còn rất xa với sự thể. Đây chỉ là một tu hội đơn thuần giản dị như đã có rất nhiều ở Âu Châu; Hội dòng ấy như thế nào thì phải trình bày ra như thế ấy dưới con mắt của Toà Thánh, để Toà Thánh còn thêm, bớt hay sửa đổi những gì theo sự xét xử của Toà Thánh .
Về cách thức, tôi nhận định là nên xin các ân xá cho Hội dòng các thiếu nữ mà đức cha Béritê đã thiết lập tại xứ Đàng Ngoài : các chị em có ba lời khấn đơn, có các nghĩa vụ này nọ, có các quy luật này nọ. Trong việc này, hãy tuân giữ những gì người ta quen làm tại Roma để thành lập những hiệp hội mới. Các ân xá nên xin sẽ là : ân toàn xá cho ngày vào dòng và ngày tuyên khấn, và tất cả những ân xá đã được ghi trong các thể thức bình thường và đặc biệt».
Những lời trên chỉ là một đoạn nhỏ trong lá thư đức cha viết tại Surate, ngày 11.11.1671, quãng mấy tháng sau khi nhận được tin tức từ Xiêm La về đức cha Lambert de la Motte cũng như tin thừa sai Chevreuil bị giới cầm quyền Bồ Đào Nha bắt tại Macao và cầm tù bốn năm tháng trời tại Goa, Ấn Độ. Lá thư rất dài của ngài cho nhìn thấy tình trạng hiểu lầm khá lớn giữa Hội Thừa Sai tại Paris đối với đức cha Lambert de la Motte tại Xiêm La, một phần lớn do thái độ rất cứng rắn của đức cha Lambert de la Motte trước các tu sĩ thừa sai tại Đông Nam Á, đặc biệt dòng Tên[1][8]. Đức cha Pallu luôn tìm xây dựng hoà giải đôi bên, nhưng cũng nhìn nhận : «Về lối cư xử của ngài (đức cha Lambert de la Motte) đối với các cha dòng Tên, tôi tin là có sự quan phòng của Chúa. Tại những miền đó, các cha dòng Tên chắc chắn là cần một người như ngài, đủ dũng cảm, đủ can trường và đủ sức mạnh để kháng cự lại trước mặt họ và đối đầu lại với họ. Tôi hy vọng rằng sự ấy sẽ tạo cho họ điều thiện hảo và công trình của chúng ta sẽ được xây dựng tốt hơn».
Nhưng công việc lúc đó không chỉ là «kháng cự» hoặc «đối đầu»; trái lại, đức cha Pallu ý thức sự thể, nhất là sau kinh nghiệm tại Roma và Âu Châu vừa qua, cách riêng liên quan tới dự án «Hội dòng tông đồ» bị bác bỏ. Bởi thế, ngài đã dặn : «Các sự việc không nằm tại đó đâu, và nếu người ta cứ chủ trương như thế, sẽ thấy mình còn rất xa với sự thể. Đây chỉ là một tu hội đơn thuần giản dị như đã có rất nhiều ở Âu Châu».[1][9]
Công việc rao giảng Phúc Âm tại khu vực Ấn Độ Dương lúc đấy không đơn giản. Bởi vậy, chưa đặt chân trở lại địa sở mình, đức cha Pallu đã phải cho thừa sai Charles Sevin quay gót về Paris và Roma để, một lần nữa, tìm giải quyết mọi sự rắc rối tại địa phương. Ngài cẩn thận chỉ dẫn thừa sai Sevin mọi sự sẽ cần phải làm[1][10]. Liên quan tới dòng Mến Thánh Giá mới lập tại Đàng Ngoài, đức cha dặn :
«Đề nghị (với Toà thánh) hiệp hội và đoàn thể của nhiều quả phụ và thiếu nữ tốt lành đã lập thành tại xứ Đàng Ngoài theo những phép tắc mà đức cha Bêritê đã vạch ra cho họ, và thỉnh cầu cho họ cùng những đặc ân và những ân xá như đã ghi cho các thày giảng».[1][11]
Cha Sevin đến Pháp tháng 8.1672, rồi sang Roma đầu năm 1673. Tại Paris, tiếng tăm của đức cha Lambert de la Motte không được mấy tốt đẹp, nhất là về phía các tu sĩ dòng Tên; nhưng tại Roma, Thánh bộ Truyền bá Đức tin công khai khen ngợi và hậu thuẫn thái độ cứng rắn của đức cha đối với các tu sĩ thừa sai tại địa phương.
Thời gian trôi qua, mãi đến năm 1678, ngày 28 tháng tám, mới có sắc lệnh của Thánh bộ Truyền bá Đức tin ban các ân xá cho những Kẻ Mến Thánh Giá.[1][12]
Tại Đàng Ngoài : kể từ lúc đức cha Lambert de la Motte về Xiêm La, Hội dòng Mến Thánh Giá ra sao ?
Ra đi, đức cha đã để lại một thừa sai người Pháp, cha Jacques de Bourges, bên cạnh thừa sai Deydier. Và số các linh mục bản xứ lúc đó là 9 vị.
Hai thừa sai Pháp ở Đàng Ngoài vẫn ăn mặc như người thường và vẫn xưng mình ra với xã hội bên ngoài như thương nhân người Pháp[1][13]. Nhờ đó, chúa Trịnh cho phép lập thương điếm tại Phố Hiến.[1][14]
Thừa sai De Bourges, trong cái nhìn mới mẻ của một người mới đến Đàng Ngoài, đã cho cảm tưởng : «… Chúng tôi nhìn mà thán phục những kẻ đã lập gia đình rồi mà sẵn lòng rời nhau để chỉ chuyên cần cho duy nhất một Thiên Chúa[1][15], giữ tiết hạnh trọn đời. Chúng tôi được an ủi thấy nhiều phụ nữ nhân đức đã làm lời khấn sống chung một đời sống thánh thiện. Nhìn tổng quát về các kẻ có đạo, bảo đảm là họ chẳng thua sự gì so với những kẻ (có đạo) sinh tại các nước chúng ta».[1][16]
Và cha De Bourges lúc đó, sau khi con tầu chở đức cha Lambert de la Motte đi khỏi, liền : «chăm chú không ngừng học tiếng xứ này là thứ tiếng rất khó; em có cái lợi là một trong những giáo sĩ mà em ở cùng rất thông thạo tiếng xứ này : ông ta làm thày dạy cho em».[1][17]
Cũng trong lá thư đề ngày 19.2.1670 trên[1][18], thừa sai de Bourges còn cho gia đình biết : «Có một số khá đông các quả phụ và thiếu nữ; những người này (dù) chẳng hề biết làm nữ tu là thể nào, đã từ chối chuyện hôn nhân và từ nhiều nơi khác nhau đã tụ họp lại sống chung cùng nhau để bảo tồn ân sủng Kitô giáo và chuyên chú vào việc cầu nguyện cùng các công việc từ thiện. Nói tắt một lời, ở đây gặp được điều mà anh đã có thể đọc được trong lịch sử những sự việc đã thực hiện hồi Giáo Hội khai sinh…»
Trong bản tường trình năm 1670 về Paris, thừa sai De Bourges có nói về Hội dòng Mến Thánh Giá như sau[1][19] :
«Một bầy các bà góa và thiếu nữ đã khởi sự tuân giữ những quy luật mà đức cha Bêritê đã dựng nên cho họ để bắt đầu một Tu Hội dưới ba lời khấn đơn mà họ sẽ tuyên thệ. Và vì sợ bị kẻ ngoại khám phá ra, các chị em đã chia nhau ra làm hai nhà. Theo gương của họ, một bà góa tốt lành tên gọi là Lina, 45 tuổi, đã quy tụ trong làng của bà năm hoặc sáu thiếu nữ để theo cùng một lối sống trên. Một trong các cô của bà Ursula, tên là Catherina, đã được rửa tội ba năm trước, hết lòng nài xin cho được nhận vào số các nữ tỳ này của Chúa. Cách đây sáu tháng, cô ấy cứ giục cha Deydier hãy tiếp nhận cô ta, mặc kệ những lời van nài của cha mẹ để gả cưới cô ta và nhất là lời của chị cô ta đã lấy ông anh cả nhà vua. Nhưng vì e ngại rằng cô ta sẽ làm lộ cái Hội thánh thiện này ra vì cha mẹ cô sẽ đi tìm kiếm cô ta, nên người ta thấy là không tiện tiếp nhận cô ta được.
Nhiều kẻ khác nữa cũng nài van như vậy, nhưng thời gian này thật là hiểm nghèo; nếu Chúa vui lòng cho cơn bắt đạo này dừng lại, thì chẳng mấy chốc sẽ thấy những tu viện được xây dựng lên và nhiều tâm hồn tốt lành sẽ gia nhập mà theo đuổi đời sống tu trì».
Phần thừa sai Deydier, trong thư gửi cho Thánh bộ Truyền bá Đức tin tại Roma, ngài cũng có nhắc đến các chị em Mến Thánh Giá bằng những lời này[1][20] :
«Ngày 16.10.1673
Tuy chúng con không bỏ rơi các Kitô hữu đến với chúng con, nhưng chúng con nghĩ là phải đặt nhiệm vụ chính lo vấn đề cải tổ và xây dựng hàng giáo sĩ nhỏ bé của chúng con. Vì lẽ đó, chúng con xây một căn nhà vắng nhỏ mọn bên cạnh ngôi nhà của chúng con làm nơi tĩnh tâm cho trên 30 trong số những người đang làm việc với chúng con để phục vụ cho sứ vụ thừa sai này và cho gần ba chục chị em đồng trinh của chúng con, các chị Mến Thánh Giá; chị em này và chị em nọ đều đã rút tỉa được ích lợi đáng kể cho sự học hỏi và tiến bộ của họ».
Mấy năm sau đó, trước sự phát triển của Hội dòng Mến Thánh Giá, thừa sai Deydier đã có một quyết định cá nhân rất đáng ca ngợi như chúng ta sẽ thấy trong lá thư ngài gửi cho chị ngài như sau[1][21] :
«Ngày 02.12.1677
Về chuyện chị bảo đảm với em rằng gia đình sẽ trả cho em số tiền 900 hay 1.000 phật lăng là số lời do khoản tiền cấp dưỡng mà gia đình ban cho em theo mọi quyền bên nội và bên ngoại của em, tựa như ưng thuận của em với ông anh em, chồng của chị.
Em có thể xác định thành thực với chị rằng em không yêu cầu một số tiền gấp đôi để dùng mà sinh sống đâu, cho dù số tiền mà em tiêu dùng ở đây trong việc thừa sai của chúng em lên tới gấp hai lần số tiền cấp dưỡng mà em đã lượng tính vào việc ấy.
Tuy vậy, em rất mong có được số tiền trên để xử dụng vào một công trình đạo đức mà em đã bắt đầu là một hội dòng các phụ nữ và các thiếu nữ sống chung với nhau theo một quy luật khá nghiệm ngặt. Họ không có khoản tiền nào khác để sinh sống hơn là những gì họ thu hoạch được bằng mồ hôi đổ ra trên khuôn mặt họ. Điều ấy làm cho họ lệch lạc các việc tinh thần không ít và khiến họ liều mình vào lắm thứ sao nhãng.
Dẫu chẳng thật lớn lao gì, số tiền cấp dưỡng của em có lẽ cũng dùng để cấp cho họ được một phần vào việc họ sinh sống, bằng cách xử dụng làm nguồn lợi đất đai nào đó, bởi vì đất cát ở đây rất là rẻ.
Chị kính mến, đó là nguyên do mà em muốn có được số tiền trên trong tay mình».
Vào năm 1677, tức bảy năm sau ngày thành lập, con số nữ tu Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài đã lên tới là 100 chị em, chia ra nhiều cộng đoàn khác nhau, theo tài liệu mà Hội Thừa Sai Paris đã phổ biến ra cho mọi người lúc đó được rõ[1][22] :
«Gần một trăm thiếu nữ người Đàng Ngoài sống như Thiên Thần trong nhiều cộng đoàn, dưới tên gọi Chị em Mến Thánh Giá, mà những kẻ đầu tiên mới chỉ bắt đầu cuộc sống như họ đang sống vào năm 1670. Từ thời gian đó, người ta luôn thấy nhân đức và con số các chị em phát triển lên».
Năm 1675, đức cha Pallu xin từ chức giám quản xứ Đàng Ngoài. Rồi đến năm 1679, thừa sai Deydier và De Bourges được Toà thánh phong giám mục, hiệu toà Auren và Ascalon, giám quản tông toà xứ Đàng Ngoài và vương quốc Lào. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản