DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC
Chương Tám
Mến Thánh Giá cuối thế kỷ 17
Tại Đàng Trong
Khi đức cha Lambert de la Motte qua đời (năm 1679), địa phận Đàng Trong không có giám mục, thừa sai De Courtaulin vẫn làm cha chính. Tuy nhiên, nhờ khẩn nguyện của đức cha Pallu, Roma chọn thừa sai Mahot làm đại diện tông toà xứ Đàng Trong, giám mục hiệu toà Bide, ngày 29.1.1680. Cha Mahot một mực từ chối, nhưng trước những lời tha thiết nài van của các thừa sai, linh mục và thày giảng Đàng Trong, cuối cùng ngài đã vâng lời.
Lễ tấn phong được đức cha Laneau từ Xiêm La sang cử hành tại Hội An ngày 4.10.1682.
Vào dịp đức cha Laneau sang Đàng Trong này, có một thay đổi quan trọng mà theo nhận xét của chúng tôi, rất có lợi cho các chị em Mến Thánh Giá : thừa sai De Courtaulin không còn giữa chức vụ cha chính địa phận nữa. Được sai sang Trung Hoa, ngài rời xứ Đàng Trong :
«Đức giám mục Métellopolis[1][1] đến xứ Đàng Trong vào tháng tám năm 1682, quyết định gửi thừa sai Vachet từ đó sang Trung Hoa để xem coi có tìm ra những phương thế nào tiện lợi nhất hầu đưa đức cha Héliopolis (tức đức cha Pallu) mới từ Roma tới Xiêm La vào sứ vụ của ngài chăng. (Đức cha Metellopolis) thấy ngài cần tới thừa sai ấy (Vachet) trong vương quốc Đàng Trong vì những tính toán của ngài (intrigues) nơi triều đình và hơn nữa, vì không có thể chờ đợi lâu hơn, bởi những con tầu đi Quảng Đông đã sẵn sàng kéo buồm, nên ngài đã để mắt đến tôi… ».
Chính thừa sai De Courtaulin đã ghi lại như trên.[1][2]
Thừa sai này rời xứ Đàng Trong, xuống tầu đi Trung Hoa ngày 17.8.1682.
Thay vào chỗ của thừa sai De Courtaulin, tân giám mục Mahot đặt thừa sai Charles-Marin Labbé làm cha chính địa phận.
Đức cha Mahot cai quản địa phận không được bao lâu thì mất tại Hội An, năm 1684, lúc 54 tuổi (1630-1684). Điạ phận Đàng Trong lại trống ngôi.
Mãi đến năm 1691, linh mục François Pérez[1][3] mới được Toà thánh chọn làm Đại diện Tông tòa Đàng Trong, giám mục hiệu toà Bugie. Nhưng trong những năm cuối thế kỷ 17 này không có gì là rạng rỡ, phần thì giám mục Pérez kém cỏi trong việc điều hành, phần thì Giáo Hội tại Đàng Trong phải chịu cảnh bắt đạo tàn khốc do chúa Minh Vương đưa ra.[1][4]
Nhìn chung, Giáo Hội Đàng Trong phát triển chậm hơn Giáo Hội Đàng Ngoài, nhưng vẫn hơn hẳn Xiêm La là nơi được tự do tôn giáo, được tự do đào tạo các linh mục bản xứ, nhưng rất ít người đón nhận Tin Mừng. Trước năm tao loạn 1688, trong chủng viện tại Xiêm La, có tất cả là 39 thày chủng sinh : 11 thày Đàng Ngoài, 8 thày Đàng Trong, 20 thày kia thuộc nhiều nước khác nhau.
Một vài mẫu chuyện được trình bày sau đây sẽ cho chúng ta được cái nhìn tổng quát về sự tổ chức và phát triển của dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong như thế nào trong giai đoạn cuối thể kỷ 17 này.
1679 : Nhà dòng tại Hội An[1][5]
Bản tường trình của thừa sai De Courtaulin :
«Năm 1679, được tin buồn về cái chết của Đức cha Bêritê cao cả của tôi, tôi muốn theo từng điểm một những mệnh lệnh mà ngài đã ra cho tôi trước đây.
Tôi biết rằng việc chính yếu mà ngài ao ước là việc thiết lập những nữ tu Mến Thánh Giá để đưa vào vương quốc tối tăm này tình yêu và sự quý trọng đức khiết tịnh.
Đã từ lâu tôi hằng tìm chỗ nào có thể tái dựng lại nhà dòng bị tàn phá do lệnh của ông quan; nhưng bây giờ tôi phải chuyên tâm hơn nữa mà tìm được một nơi thích hợp. Về sự này, tôi đã phải buồn lòng. Ở chốn cũ thì chẳng phải nói đến nữa lúc mà mọi người còn bị choáng váng vì cuộc bắt hại xưa; trong cả tỉnh đó thì cũng thế thôi. Còn làm nhà dòng tại kinh đô (Huế) là nơi tôi tìm được một chỗ, thì các cô tuyên bố giản dị với tôi rằng họ chẳng muốn đi xa xôi như vậy, biết rằng phải mất 6 ngày đàng.
Vậy chỉ còn lại cho tôi không một chỗ nào khác hơn là làm cạnh nhà tôi và nhà thờ của tôi, trong một khu vườn khác kế cận đó. Tôi thấy rõ trước là tôi sẽ bị đàm tiếu, vì người ngoại sẽ nghĩ xấu về sự gần gũi này. Nhưng tôi đành hy sinh mình và tiếng tăm mình nữa để hoàn thành những ý định của Thiên Chúa và nhắm mắt trước những nhận xét của con người. Tôi cho dựng nhà dòng trong khu vườn giáp với vườn nhà tôi là mảnh đất thuộc về một quả phụ sống rất gương mẫu. Tôi đã cho xây dựng nhà dòng với sự chấp thuận của các vị quản nhiệm làng, bởi vì đô thị Hội An rõ ràng chỉ là một tập hợp nhiều làng xóm, dù tiếp cận nhau nhưng đều có ranh giới riêng. Tôi gọi tất cả những chị nữ tu cũ về; người này người nọ lần lượt đến, chỉ trừ ra vài chị mà Thiên Chúa đã trừng phạt như tôi sẽ kể sau.
Điều mà tôi lường trước đã chẳng sai. Dân ngoại nhạo báng và diễu cợt ác nghiệt lên tôi và lên các nữ tu, bởi vì họ tin là một người đàn ông không thể ở gần một phụ nữ mà chẳng phạm tội. Họ bị dẫn tới cái nhìn như vậy là do đời sống của các tu sĩ nhà Phật[1][6] của họ là những kẻ, dù đã tuyên khấn khiết tịnh, vẫn làm cho tất cả các nữ tu của họ mang thai mà sau đó họ gửi đi sinh đẻ trong một ngôi chùa khác[1][7]. Chẳng còn lời phỉ báng, vu khống, chế nhạo nào mà chúng chẳng đến hát trước nhà các chị em. Tôi thật thán phục trong chuyện này sức mạnh của các chị em đồng trinh đã không hề rời tu sở rất khó giữ ấy. Ngay những bổn đạo cũng nghi ngờ sự thiếu trong sạch nào đó và tỏ vẻ bị gương mù gương xấu. Tất cả những đồng nghiệp của chúng ta khi nghe những tiếng đồn xấu xa đều lấy làm khó chịu và than phiền với tôi. Sự này buộc lòng tôi phải tuyên bố ra vào hai ngày lễ cả trước mặt một số rất đông đảo bổn đạo và các bậc vị vọng, trong phẩm phục linh mục, ở giữa bàn thánh, hai tay giơ lên trời và kêu tên Chúa Giêsu Kitô làm chứng, rằng tôi không hề làm cũng không hề nói đến ngay cả một sự dơ bẩn nhỏ mọn nào với các chị em, và rằng nếu tôi đã làm hay là nói ra một lời bất lương hoặc làm một điều gì xấu xa và lỗi đức khiết tịnh với một chị em nào trong các chị em ấy, thì tôi xin Chúa hãy dìm tôi ngay tức thì vào trong lửa hỏa ngục. Các bổn đạo nghe một lời nguyện rất đỗi dữ tợn như thế thì ngưng không còn nói hay không còn nghi ngờ một sự dơ bẩn nhỏ nhoi nào nữa; nhưng các kẻ ngoại đạo chỉ ngơi không chế nhạo sáu hoặc bảy tháng sau đó, bởi chưng nhân đức không thể ở kín lâu mãi được. Và người ta đã nhìn nhận rằng chỉ là những lời vu vạ cáo gian : bây giờ người ta lại tôn thờ và kính nể các chị em.[1][8]
Con số của các chị em tăng lên. Hiện nay, họ là 12 người. Nhưng đó chẳng phải là chuyện của ma quỷ đâu, vì từ ngày đó chúng không ngừng tấn công các nữ tu đáng thương này. Đôi lần, chúng lấy hình một người đàn ông to lớn ăn mặc toàn màu đen, đứng sừng sững ngay giữa nhà hay đi dạo trong đó, trong lúc tất cả mọi cửa ra vào đều đóng chặt chẽ. Những lần khác thì chúng quăng ném ngói và gỗ mảnh mà chẳng ai biết từ đâu mà rơi đến. Về chuyện này, chúng tôi đã là những nhân chứng nhãn tiền. Một lần khác, chúng lấy hình hài một khối lửa lớn cả một bộ cứ lượn vòng vòng khắp nhà trên mặt đất độ một sải tay, nhưng không hề chạm đến các chị em dù cách nào đi nữa.
Sau cùng Thiên Chúa đã thấy lòng trnng kiên đứng vững của chị em trong việc tuân giữ lề luật giữa từng đấy những xáo động, những khổ não và lo lắng, không những đã giải thoát các chị em khỏi mọi sự, mà lại còn đánh động lòng dạ các người ngoại và các bổn đạo mà giờ họ nhìn các chị em với sự yêu kính cao độ. Những nghĩa vụ thường nhật được giữ rất trung thành trong nhà dòng. Những giờ nguyện ngắm, những việc chay tịnh, những sự hãm mình, đánh tội, vâng lời và khiêm nhượng thường xuyên được thực hàng trong nhà dòng. Công việc vẫn tiếp tục, vì các chị em sinh sống bằng cách dệt vải và gửi một bà già tốt lành đem đi bán. Bà này được giao cho các việc bên ngoài. Hiện giờ các chị em là 14 người tất cả.
Tôi mơ đến chuyện lập một nhà dòng khác cho các quả phụ dưới sự hướng dẫn của Bà Anna Dich[1][9] là một phụ nữ rất đức hạnh, con gái của một ông hoàng (prince) và tướng chỉ huy binh lính và là em của vợ thứ tư nhà vua.
Một ngày nọ lúc tôi ở nhà bà ta, người ta đến để bắt giữ bà là người theo đạo. Tôi nói với bà ta là bà phải chôn giấu vàng bạc của bà ta đi. Bà ta phá lên cười mà nói :
«Con chẳng tìm thấy dịp nào tốt hơn đến làm mất đi tài sản của con hơn là dịp này. Tại sao cha lại muốn ngăn cản con, thưa cha ?»
Tôi nói lại với bà ta rằng tôi không muốn bà ta bị mất tài sản của bà ta, rằng bà hãy trao cho tôi chìa khóa gương hòm của bà. Bà vâng lời và hờ hững ném cho tôi chìa khóa của bà. Vậy tôi lấy vàng bạc mà giấu đi và tôi chuẩn bị xuống thuyền vì ngại tạo nên cớ cho người ta đối xử khó khăn với bà. Bà ta cười tôi và nói :
«Ôi, thưa cha, cha sợ hãi à ? Nếu chỉ vì con thì cha hãy cứ ở lại đây, bởi vì con không muốn chạy trốn sự bách đạo, cũng chẳng chạy trốn cái chết. Nếu nhờ cha mà con được chịu đau khổ chịu chết cho Chúa Giêsu Kitô, thì cha chẳng thấy được thảnh thơi sao ? Vậy cha hãy ở lại, đừng có đi ra».
Tôi thầm phục sức mạnh ấy và không ra đi nữa.
Tuy nhiên vì bà có nhiều bạn hữu trong triều đình nên nhà vua ngưng giận và để chuyện yên chỗ đó. Bà ta qua đấy trở nên liều lĩnh hơn nữa. Bà để nhà thờ mở cửa ngày và đêm cùng nuôi dưỡng một linh mục trong nhà bà bao lâu bà có thể. Mỗi chúa nhật, nhà bà chật ních bổn đạo. Và bà đã có tại nhà bà hai hay ba quả phụ. Sau một lần cấm phòng với các chị em đồng trinh của chúng ta, kính phục lòng nhiệt thành và hy sinh của họ, bà ta muốn khởi sự tuân giữ luật dòng; nhưng tôi để dự tính này khi nào tôi trở lại, với sự đồng ý của giám mục mới của chúng ta, đức cha Bide».
1680 : Báo cáo của thừa sai De Courtaulin
Trong bản phúc trình năm 1679 trên, thừa sai e Courtaulin đã có lời kết thúc về các chị em Mến Thánh Giá như sau : «Nhưng tôi để dự tính này khi nào tôi trở lại, với sự đồng ý của giám mục mới của chúng ta, đức cha Bide».
Chúng tôi không nghĩ rằng thừa sai này lúc đó đã ý thức được việc điều hành nói chung của ngài tại Giáo Hội Đàng Trong với cương vị cha chính địa phận, nhất là khi giám mục (đức cha Lambert de la Motte) không hiện diện tại địa phương. Ngài không được các thừa sai khác ủng hộ. Những thừa sai này và ngay cả các linh mục bản xứ, các thày giảng và các nữ tu Mến Thánh Giá xứ Đàng Trong hình như đã viết nhiều thư kêu ca sang đức cha Laneau bên Xiêm La mà lúc đó là giám mục tổng quản trị toàn khu vực Châu Á miền Viễn Đông, chức vụ lớn lao mà cho tới nay chưa hề thấy ai được Tòa thánh Roma trao đặt. Nhưng sau cùng, qua một cách nào đó, thừa sai De Courtaulin cũng đã hiểu được sự thể, được những lời trách cứ. Ngài liền có phản ứng, phản ứng của một kẻ mà tự ái bị tổn thương.
Ngày 15.1.1680, tại Hội An, ngài viết một lá thư dài 12 trang sang cho đức cha Laneau. Trong đó ngài khẳng định : «Con đã quyết định rời bỏ sứ vụ rao giảng này» («J’ai résolu de quitter cette mission»), không quên thanh minh trước những lời người khác đã trách cáo ngài. Biết rằng một trong những lời cáo tội ngài là ngài đã có thái độ khắc nghiệt đối với các linh mục người Việt Nam trong địa phận.
Riêng về các chị em Mến Thánh Giá, thừa sai này viết một các phũ phàng như sau[1][10] :
« Lời cáo tội thứ 3 là con ngăn cấm những thiếu nữ đồng trinh tụ họp lại với nhau, ít nữa là ba hoặc bốn chị em là những người giữ những luật lệ do Đức Cha đã ban ra.
Đấy là một quỷ kế (une ruse) của thừa sai Chevreuil[1][11] dạy chị em viết thư về mọi thứ mà ông ta muốn. Thứ nhất, nếu con làm việc ấy, thì con chỉ làm phận vụ của con, bởi vì ngoài sự con đã viết ở trên liên quan tới cha Luca (…), là kẻ đã ở những đêm trọn với các chị em một mình riêng qua tấm rèm ngăn mắt cáo nhỏ mà một chị đã xin con (làm)[1][12], (còn bởi vì) con đã nghe đã nghe được và nhìn được tận mắt mình một tình trạng buông thả rất lớn trong sự cười cợt và đùa giỡn. Việc nguyện ngắm của chị em là một bài đọc giản dị về ba điểm và chị em gần như chẳng làm gì để sinh sống.
Ngoài chuyện ấy ra, một thiếu nữ đồng trinh, con gái của ông Đô-Minh-Gô người xứ Bầu Nghè, chỉ ở trong đó được hai tháng ; cô ta bị gương mù gương xấu nhiều vì thấy các chị em buông thả đến nỗi đấy, (…) đến nỗi cô ta đã đòi ra khỏi đấy[1][13].
Mặt khác, ở đấy có hai phe chống đối nhau đến độ chị em chẳng những ưa nói xấu nhau thì chớ, lại còn gần như đánh nhau nữa. Bà Ký là người lo chỗ ở cho phân nửa những chị em ấy, và bà Chica là người giữ chị em tại nhà bà, là những nhân chứng về chuyện này và là người đã nói chuyện này ra khắp nơi[1][14].
Với tất cả sự trên, Thiên Chúa làm chứng cho con rằng con đã làm hết những gì con có thể hầu quy tụ các chị em lại. Nhưng trước hết, tại Khoang Nghĩa[1][15] thì là không thể được, chẳng ai muốn nhận trọng trách ấy. Con đã xin chính các chị em nhiều lần hãy tìm lấy cho mình một chỗ nào đó và con sẽ dâng cúng cái nghèo nàn cùng cực của con cho các chị em làm nên một ngôi nhà, bởi vì ngôi nhà của họ thì bà Chica đã lấy và làm nhà ở để cho thấy rằng bà ta không hề nghĩ chứa nhận các chị em tại nhà bà ta hơn nữa.
Con đã thuyết phục thừa sai Bouchard tìm cho họ một căn nhà, nhưng họ cho nói đến con rằng họ không muốn ra khỏi tỉnh của họ.
Riêng về chuyện bảo con ngăn cản ba hay bốn chị em tụ họp lại với nhau, họ đã dối trá một cách hèn mạt. Đức cha có biết vì sao mà họ kêu than không ? Vì con chẳng hề muốn nuôi ăn họ như con đã làm trong nhà dòng nơi mà các chị em sống tiêu diêu như ý họ thích, dưới chiêu bài là con cung cấp tiền bạc đầy dẫy cho họ; riêng về sự phải làm việc hết sức họ và họ còn than thở thều nữa là họ khổ sở vì đói khát, ăn mặc thiếu thốn và nghèo nàn.
Đức cha xét xử sự công chính và lòng nhân từ mà con đã sử dụng đối với các chị em.»
1680 : Chuẩn bị một nhà dòng mới[1][16]
«Tuy nhiên, hiện nay con đang làm việc để dựng nhà các thiếu nữ đồng trinh là những người, theo mọi mặt bên ngoài, sẽ vững vàng và sáng danh cho Thiên Chúa hơn cái nhà đầu tiên chỉ là một đám hỗn độn các cô gái cực kỳ nghèo nàn chỉ đi làm nữ tu để sống nhàn nhã và thảnh thơi.[1][17]
Con biết ở nhiều nơi khác nhau những cô gái có nhân đức cao và từ rất lâu hằng kiên trì trong đức đồng trinh nguyên vẹn. Những cô này thì 25, những cô kia thì 30, những cô khác nữa thì 40 tuổi, chưa hề có ai lập gia đình. Về vật chất, bà cai Vach Dich nhận lo lắng. Bà ta đã gửi cho con em gái của bà là người mà chồng bỏ đi sau năm hoặc sáu tháng sống chung, để sống bên cạnh các chị em đồng trinh và lo cho chị em về chuyện bên ngoài. Bà ta đã chỉ cho con một chỗ rất cô tịnh mà con sắp gia công làm hết sức lực mình để chuẩn bị dựng nhà dòng. Khi nào một đấng đại diện lớn khác sang năm sẽ đến thay chỗ của con, ngài sẽ có thể hoàn tất một cách dễ dàng. Em gái của bà cai Vach Dich có nhiều khuynh hướng mạnh mẽ dâng mình cho Chúa, rất muốn gia nhập với các chị em; nhưng vì bà đã lập gia đình nên con chẳng cho phép. Chuyện này không hẳn đã hoàn toàn bảo đảm như con có thể thưa chuyện ra với sự chính xác. Con làm việc hết sức lực của con, nhưng Thiên Chúa mới là người chúc lành cho công việc ấy».
1681 : Thừa sai Le Noir[1][18]
Câu chuyện sắp trình bày liên quan tới một thừa sai từ Pháp sang : cha Pierre Le Noir. Ngài đến Đàng Trong cùng với đức cha Lambert de la Motte năm 1675, làm việc tại Quảng Ngãi mà các thừa sai hồi đó gọi là «Thiên đường của những thợ tông đồ»[1][19]. Sau chuyện xảy ra mà thừa sai Vachet thuật lại (dưới đây), đức tân giám mục Mahot cử ngài về Bầu Nghè làm việc. Ngài qua đời vào cuối năm 1685 tại Ninh Hoà.
«Cha Le Noir muốn động tới luật lệ các nữ tu để thay đổi một vài hiến chương, các cô nổi lên cho ngài rõ rằng trừ ra khi do một thẩm quyền giám mục, (bằng không) họ sẽ giữ không hề vi phạm bổn luật của họ mà họ đã nhận từ đấng sáng lập thánh thiện của mình là đức cha Bêritê.
Cha Le Noir nghĩ là mình có quyền thi hành dự tính của ngài, chẳng muốn nghe lời các nữ tu. Điều này khiến các chị em kêu cho tới tận những thẩm quyền cao nhất trong tỉnh hạt mà các chị em tùy thuộc[1][20]. Những vị (giữ quyền) với tất cả lòng kính trọng đã xin cha (Le Noir) đừng đổi mới gì cả cho đến ngày đức cha Métellopolis[1][21] sang mà chúng tôi đang mong cho năm sắp tới đây.
Chẳng còn chi hợp lý hơn nữa. Tuy nhiên cha Le Noir cho là mình bị xúc phạm và chẳng nói với ai một lời nào về sự ngài nghiền ngẫm, đã bỏ nhà này mà đi vào hôm trước lễ Các Thánh, quay về Hội An. Và chẳng bao giờ có ai làm được cho ngài trở về lại Quảng Nghĩa này nữa».
1682 : Đức cha Laneau tại Đàng Trong[1][22]
Năm 1682, đức cha Laneau từ Xiêm La sang thăm Đàng Trong. Ngài tấn phong giám mục cho thừa sai Guillaume Mahot, rồi cùng với tân giám mục, ngài chủ tọa công đồng Hội An lần thứ hai.
Nhân dịp này, ngài còn phải giải quyết vấn đề dòng Mến Thánh Giá nữa. Bài tường thuật của thừa sai Vachet sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng các chị em Mến Thánh Giá lúc đó tại Đàng Trong.
«Các sự việc bắt đầu tiến triển tốt đẹp thì xảy đến một cơn bắt đạo trên cộng đoàn các thiếu nữ. Cộng đoàn này từ một năm trời qua được lập nên trong một ngôi nhà kế cận nhà thờ. Vì cuộc bách đạo, theo lệnh các bề trên, chị em buộc lòng phải chia tay nhau và quay về nhà cha mẹ họ cho tới khi nào chúng tôi lo liệu cho họ được chỗ cư trú an toàn nào đó. Những bà bảo trợ cũ của chị em vì đã dồn sức và sự chi tiêu vào chuyện phiền hà ấy nên thành như hoàn toàn khánh kiệt, không dám tiếp nhận chị em một lần thứ hai nữa dưới sự bao bọc của họ, ít nữa là vì con số rất đáng kể (như vậy).
Các thiếu nữ tốt lành ấy hằng liên lỉ xin cùng cha chính tụ hợp họ lại với nhau sớm nhất có thể. Dù vị thừa sai hiểu biết chung về toàn vương quốc, nhưng ngài khó lòng tìm cho được một chỗ có đạo nào mà chị em có thể sống chung tất cả với nhau được.[1][23]
Một bà quả phụ nhân lành ở Hội An đã dâng cúng cho ngài mảnh vườn của bà; ngài nhận lời và cho dựng một căn nhà ở đó. Ngài sắp đặt hết sức trong khả năng của ngài và tập hợp tất cả các chị em lại như trước. Nhưng kẻ thù của các tạo vật vô tình vô tội này (tức các chị em) chỉ để cho họ được hưởng yên tĩnh độ vài tháng trời hầu tấn công họ tàn bạo hơn nữa.
Sự thật là nơi đó vốn là chốn gặp gỡ của tất cả khách ngoại kiều nên xem ra không mấy thích hợp cho đời sống cô tịnh của chị em[1][24]. Những kẻ ghen ghét việc lành thánh tìm kiếm mỗi ngày những chiêu bài mới hầu người ta kéo các chị em khỏi nơi mà họ gọi là chốn nguy hiểm nhất xứ Đàng Trong. Từ những thao túng thủ đoạn, người ta đến những đe loi dọa nạt, tựa như sắp đến chuyện kiện cáo, mà trong ý nghĩ của dân ngoại, sẽ làm tất cả các thừa sai mất tiếng mất tăm. Mặt khác, các chị em này còn bị nguy cơ phải làm vợ lẽ cho những vị tai to mặt lớn trong xứ nữa. Bởi vậy, sớm nhất có thể, đức cha Métellopolis phải chữa chạy chuyện này và trong sự khôn ngoan của ngài, tìm phương cách mà đặt con cái của ngài vào nơi kín đáo.
Ngài nghĩ là về chuyện này, nên hội các chị em lại thành từng nhóm bốn hoặc năm người, để người ta không dễ dàng nhận ra bóng dáng của họ. Những phụ nữ đôn hậu mà các chị em đã cư ngụ vào buổi ban đầu của Hội dòng vâng phục đức cha Métellopolis; ngài xin các bà hãy nhận hướng dẫn trở lại.
Các phương sách đã được quy định về mọi phía, chúng tôi cho các chị em đức hạnh này hiểu ý định của Đức Đại diện tông toà. Chúng tôi chỉ nhận thấy nơi họ một đức vâng lời hiếu tử cho dù chị em có vẻ đặc biệt kinh hoảng, cho rằng tất cả những sự chúng tôi thảo luận là đạt tới việc trao trả họ về lại trong gia đình của họ.
Nhưng lúc mà họ hiểu ra rằng chúng tôi phân chia họ ra là chỉ để giảm thiểu số người của họ, chị em mới tỉnh khỏi hiểu lầm và khiêm nhường tuân theo luật lệ của nhà dòng họ với thiện chí, dưới quyền bính của những chị em mà chúng tôi ủy thác chăm sóc.
Bà bề trên cũ của chị em là một chị 45 tuổi mà đã hơn 30 năm dâng mình cho Chúa trong đức khiết tịnh[1][25], phải ở cứ bốn tháng trong mỗi một nhà. Như vậy bà sẽ thăm được hết các chị em mỗi năm, cho tới khi nào tự do tôn giáo được rộng rãi hơn một chút nữa».
Quyết định trên của đức cha Laneau sau đó được đức cha Mahot thực hiện.
Ngài là một giám mục đạo đức, tận tâm với đàn chiên. Ngài quy tụ về lại trong các cộng đoàn các chị em Mến Thánh Giá đã vì cơn bách đạo mà phải phân tán về nhà cha mẹ.
Tiếc rằng, ngài chỉ dẫn dắt địa phận được một thời ngắn : tháng 10.1682 ngài lên làm giám mục thì tháng 6.1685 ngài qua đời, lúc 7 giờ tối, tại Hội An. Bổn đạo rất thương tiếc ngài.
Địa phận Đàng Trong lại rơi vào một thời gian dài là 6 năm không có giám mục.
Về phần mình, thừa sai Labbé làm cha chính địa phận Đàng Trong đến năm 1697 thì được đề cử trở về Pháp vì việc nội bộ của Hội Thừa sai Paris.
Còn về thừa sai De Courtaulin, từ Trung Hoa, ngài trở về Xiêm La vào tháng 5.1683 và ở đó cho đến khi ngài quyết định ra khỏi Hội Thừa Sai Paris năm 1685.
Khi cha Pérez được bổ nhiệm làm giám mục Đàng Trong (năm 1691) thì cũng là năm Nguyễn Phúc Chu nối ngôi cha là chúa Nghĩa mà trị vì. Năm tiếp đó, ông ra lệnh bắt đạo một cách tàn ác cho đến khi ông qua đời năm 1725. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản