ĐÔI NÉT VỀ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Nhóm Nghiên Cứu Linh đạo Mến Thánh Giá
Năm 2014
I. NGUỒN GỐC VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Chính Thiên Chúa đã muốn dùng con người và cuộc đời trải nghiệm mầu nhiệm Thập Giá của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, nhất là từ giữa thế kỷ XVII trên mảnh đất Á châu, để khai sinh Đại Gia Đình Mến Thánh Giá. Ý định đó được khởi đi từ cuộc gặp gỡ ân tình giữa Đức Cha Pierre Lambert de la Motte với Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Cuộc gặp gỡ này đã được biểu lộ rất sớm, lúc ngài mới chín tuổi. Ba mươi năm sau, cảm nghiệm ấy lại được soi dẫn một cách đầy đủ và mạnh mẽ hơn trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày của Đức Cha tại Ayuthaya năm 1663.
Trong cuộc kinh lý mục vụ tại Đàng Ngoài 1669-1670, Đức Cha Lambert đã quyết định thành lập “một tu hội đặc biệt mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”, để đáp lại nguyện vọng tha thiết của một nhóm trinh nữ và phụ nữ đạo đức, đã tự nguyện quy tụ “từ lâu” rồi (x.Ltk I,5), mà từ năm 1666 hoặc 1667, họ được linh mục François Deydier, Tổng Đại Diện hướng dẫn về mặt thiêng liêng.
Nhóm phụ nữ đạo đức ấy bị thu hút mãnh liệt bởi tinh thần của bản Luật Hiệp hội các Tín hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta (ngày nay gọi tắt là Hiệp hội MTG tại thế), đến nỗi họ rất sẵn lòng gia nhập (x.Ltk I,5). Tuy nhiên, vì nhận thấy rằng các thành viên của Hiệp hội này là những nam nữ tín hữu sống trong gia đình, ở giữa đời, không tuyên khấn, không sống chung với nhau thành cộng đoàn như những tu sĩ, hoặc nữ tu, nên họ ước muốn được hoàn toàn hiến thân phụng sự thiên Chúa (Ltk I,6), trong bậc sống tu trì (x.Ltk I,7).
Đức Cha viết cho họ một bản luật mới ngay tại Đàng Ngoài gồm hai yếu tố:
a. Tình yêu thực tiễn dành cho Thánh Giá Chúa Kitô như ngài đã trình bày trong Luật MTG tại thế, mà nay ngài đẩy lên một mức cao hơn cho phù hợp với bậc sống tu trì,
b. Những quy luật đúng ý Giáo Hội liên quan tới bậc sống tu trì, như ngài sẽ trình lên Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX trong lá thư đề ngày 20.10.1670 sau khi trở về Xiêm La (x.Clem 27).
Tại Phố Hiến, ngày 19.02.1670, nhằm ngày Lễ Tro, Đức Cha Pierre Lambert đã nhận lời khấn của hai nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi là Anê và Paula và trao cho các chị Bản Luật tiên khởi của Dòng Nữ Mến Thánh Giá, ơn gọi và mục đích của “Tu hội đặc biệt” này là:
– Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về “Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất;
– Sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo Hội địa phương, nhờ được thông dự vào tinh thần trung gian và chuyển cầu của Đức Kitô.
Theo ý muốn của Đức Cha Lambert, Dòng Mến Thánh Giá phải thuộc quyền Giáo phận, nghĩa là liên đới với các Vị Chủ Chăn và Giáo hội địa phương. Hai quy định trong Luật Tiên Khởi nói lên điều đó: “Chính Đấng Bản quyền Giáo phận, hoặc cha Tổng Đại Diện, tuyển chọn chị Bề trên và các chị giữ những nhiệm vụ khác, sau khi tham khảo ý kiến cha quản trị tỉnh hạt và về đời sống tinh thần, chị em phải tuỳ thuộc cha quản trị tỉnh hạt nơi mình ở”. Tuy Giáo luật ngày nay đã sửa đổi những quy định pháp lý trên đây trong phạm vi quản trị nội bộ của các Hội dòng thuộc quyền Giáo phận, theo chiều hướng dành nhiều quyền hành hơn cho cơ cấu quản trị nội bộ, nhưng sự hiệp thông và liên đới với Giáo hội địa phương vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của nó, đặc biệt trong phạm vi đời sống thiêng liêng và chương trình huấn luyện.
Cùng một ơn gọi, mục đích và bản chất như thế, Đức Cha cũng thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong năm 1671 và tại Thái Lan năm 1672.
Với chiều dài lịch sử hơn 340 năm thăng trầm cho đến hôm nay, Dòng Mến Thánh Giá đã được hình thành và trải qua nhiều đợt cải tổ tùy theo Đấng Bản quyền Địa phận, cũng như tùy tình hình thực tế của xã hội và Giáo hội. Quá trình này có thể phân chia theo từng thế kỷ.
II. THẾ KỶ XVII: THỜI KỲ KHAI SINH VÀ PHÁT TRIỂN (1670-1700)
1. Tòa Thánh ban Ân xá
Đức Cha Lambert đã viết thư ngày 12.10.1670, xin Đức Giáo hoàng Clemente IX và Thánh Bộ Truyền giáo để được chuẩn nhận Hiệp hội Tín hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô và Dòng Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô. Đức Cha François Pallu cũng can thiệp vào việc này qua bức thư ngài viết từ Surate ngày 11.11.1671, nhưng mãi đến ngày 28.08.1678, Thánh Bộ Truyền giáo mới trả lời về việc xin Ân xá, và ngày 02.01.1679, Đức Giáo Hoàng Innocent XI, qua đoản sắc Cum Sicut mới công nhận Dòng bằng việc ban những Ân xá.
2. Luật Dòng
Trong thời gian đầu, chị em Mến Thánh Giá giữ luật dựa trên ba bút tích nền tảng mà chính Đức cha Lambert đã viết: Bức luân thư, Luật tiên khởi, và Bức tâm thư, ba bút tích này như kim chỉ nam để các chị sống và tuân giữ. Đây là một bản luật khung, chứa đựng những điểm rất cơ bản, chính yếu, nhưng lại hội tụ đầy đủ các yếu tố linh đạo và qui tắc, phù hợp với tình trạng xã hội và Giáo hội lúc đó, dễ thích ứng và mở hướng cho tương lai. Các chị chỉ tuyên lời khấn đơn, không giữ luật nội vi, không có tu phục, sống giữa lòng Giáo hội và xã hội để hướng về việc truyền giáo cho lương dân. Đây là một thể chế rất mới mẻ trong Hội Thánh, tuy nhiên, nó lại đáp ứng nhu cầu khẩn thiết cho một xứ truyền giáo.
Tại Đàng Ngoài, Dòng phát triển mau lẹ và sớm ổn định, các tu viện được lập nhiều nơi, đến cuối thế kỷ XVII, có khoảng 20 nhà với gần 100 nữ tu, nhờ sự hỗ trợ của hai vị Đại diện Tông tòa Jacques de Bourges và François Deydier.
Tại Đàng Trong, tuy hoàn cảnh có phần thuận lợi hơn, nhưng phẩm chất và số lượng lại kém hơn ở Đàng Ngoài.
Hơn nữa, cha Tổng đại diện Jean de Courtaulin (năm 1673) rồi thừa sai Pierre le Noir (năm 1681) có ý định thay đổi Luật Dòng Mến Thánh Giá, nhưng không thành vì sự phản kháng của các nữ tu và ngay của các thừa sai.
III. THẾ KỶ XVIII: THỜI KỲ BÁCH HẠI (1700-1802)
1. Tại Đàng Ngoài
Tại Tây Đàng Ngoài, Dòng phát triển nhờ sự hỗ trợ của các Vị Đại diện Tông tòa, còn Đông Đàng Ngoài mãi đến lúc có sự can thiệp mạnh của Thánh Bộ Truyền giáo các chị mới ổn định nhưng không phát triển.
Về việc khấn hứa, bởi hoàn cảnh xã hội bấp bênh và đạo Công giáo bị bách hại, nên các Đấng Bản quyền thường chỉ cho phép các chị lớn tuổi mới được khấn, nhưng chỉ là lời khấn đơn và khấn lại từng năm; chị em nào không được khấn thì làm lời dốc lòng. Cả lời khấn và lời dốc lòng theo cùng một mẫu.
Năm 1787, Đàng Ngoài có khoảng 500 nữ tu sống trong 25 nhà Mến Thánh Giá.
Năm 1792, thời Đức Cha Jacques Benjamin Longer Gia (1787-1831), ngài có những lời Khuyên Người Nhà Mụ, dạy dỗ chị em ý thức về ơn gọi cao quý, phải có ý hướng ngay lành khi chọn đời sống tu trì, nhất là phải lưu tâm đặc biệt đến ba lời khấn, chị em giữ luật yêu thương và vác Thập Giá theo chân Chúa Giêsu.
Tháng 10.1795, Công nghị Kẻ Vĩnh ra thêm cho các chị 11 điều luật phải giữ mà trọng tâm là việc tiếp xúc với phái nam, cách riêng với những người “Nhà Đức Chúa Trời”.
2. Tại Đàng Trong
Vì hoàn cảnh đạo bị bách hại và nhất là vì không được sự quan tâm của các Đấng Bản quyền nên Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong hầu như không còn hiện hữu.
Trong thời gian của các Đức Cha Đức Cha Francçois Pérez (1691-1728), Đức Cha Alexandre de Alexandris (1728-1738), Dòng Barnabite, Đức Cha Armand François Lefèbvre (1743-1760), Dòng Mến Thánh Giá không được quan tâm.
Đến thời Đức Cha Guillaume Piguel (1764-1771), ngài cố gắng phục hồi Dòng Mến Thánh Giá sắp tàn lụi cùng với Giáo hội Đàng Trong do cuộc bách hại lâu dài ác liệt thời Chúa Minh Vương.
Năm 1782, thời Đức Cha Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) (1771-1799), Đức Cha Phó Jean Labartette muốn tu chỉnh luật và đổi tên Dòng Mến Thánh Giá thành Dòng Thăm Viếng. Đức Cha Bá Đa Lộc chỉ bằng lòng cho cải cách để thích ứng với con người và thời đại, nhưng không cho đổi tên Dòng.
Từ cuối thế kỷ XVIII, Dòng Mến Thánh Giá dường như có hai ngành: Mến Thánh Giá Đàng Ngoài giữ luật ngặt, Mến Thánh Giá Đàng Trong giữ luật rộng (bớt phần khổ chế). Đây là một thay đổi, do thẩm quyền Giám mục Địa phận, quan trọng và chính thức nhất từ khi Dòng Mến Thánh Giá được thành lập.
IV. THẾ KỶ XIX: THỜI KỲ BÁCH HẠI TÀN KHỐC – TỬ ĐẠO (1802-1900)
1. Bối cảnh
Thế kỷ XIX, Giáo Hội Việt Nam được sánh ví như Giáo hội Rôma về việc bị bách hại. Đây là thời kỳ vừa gian khổ vừa chói lọi nhất, thời kỳ của nỗ lực và lao động, thời kỳ của Đức Tin và anh dũng. Dòng Mến Thánh Giá cùng chung số phận với Giáo Hội Việt Nam.
Dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và nhất là Tự Đức Đạo Công giáo bị bách hại dữ dội, tiếp theo là các phong trào Văn Thân và Cần Vương.
Ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, các vị Đại diện Tông tòa cũng như các thừa sai tìm hết cách nâng đỡ các chị Mến Thánh Giá, vì họ là những trợ tá tông đồ rất hữu hiệu nhờ đức tin, lòng nhiệt thành và sự can đảm phi thường.
Một số chị Mến Thánh Giá được phúc đổ máu đào trở thành những chứng nhân đức tin, tiêu biểu như chị Maria Mađalêna Hậu năm 1841, 50 chị thuộc Tu viện Sáo Bùn, Nhu Lý, 2 chị ở Mỹ Phước, Mến Thánh Giá Huế; hai chị Anê Soạn và Anna Trị năm 1862 và 270 chị Mến Thánh Giá Gò Thị Qui Nhơn, các chị ở Đa Phạn Thanh Hóa năm 1885… Và sau này có các chị Maria Nguyễn Thị Nương và Catarina Nguyễn Thị Trượng năm 1946, thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán; Hai chị Lucia Khambang và Agnès Phila thuộc Mến Thánh Giá Thái Lan, được phúc tử đạo ngày 26.12.1940, đã được phong Chân phước ngày 22.10.1989.
Đó là những hy tế cao quý hoà nhập với vô vàn lễ hy sinh của đủ mọi thành phần Dân Chúa: Giám mục, linh mục, thầy giảng, nữ tu, chủng sinh, giáo dân, đã sẵn lòng chết để tôn vinh Thánh Giá Chúa Kitô.
Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ Giáo hội Việt Nam được cơ cấu hóa chặt chẽ, qua việc thành lập những Giáo phận mới. Thể chế này địa phương hóa Dòng Mến Thánh Giá trong mỗi Giáo phận.
2. Tại Tây Đàng Ngoài
Trước năm 1850, có sách “Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu” do ký lục Carôlô Cao chép tay bằng chữ Quốc ngữ, gồm 26 đoạn, quảng diễn Luật tiên khởi một cách tỉ mỉ, rõ ràng những điều chị em Mến Thánh Giá phải giữ.
Năm 1869, Đức Cha Paul François Puginier Phước (1868-1892) cho in Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút bằng chữ Nôm.
Năm 1888, ngài lại ra 5 điều luật, trong đó ấn định 15 tuổi mới được vào Dòng, và 40 tuổi mới được khấn và đi làm việc tông đồ bên ngoài; đồng thời nhắc lại 11 chỉ thị của Công nghị Kẻ Vĩnh năm 1795 cho các nữ tu về việc tiếp xúc với nam giới, việc ra ngoài đi buôn bán, cùng việc biếu hay nhận quà…
Năm 1898, Sách Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu bằng chữ Quốc ngữ được in ấn theo bản thủ bút của Carolus Cao có trước năm 1850.
3. Tại Đàng Trong
Năm 1841, Công nghị Gò Thị cấm cha xứ mượn nữ tu làm bếp;
Năm 1851, Đức Cha Pellerin Phan ban hành 5 chỉ thị cho Mến Thánh Giá Bắc Đàng Trong (Huế);
Từ năm 1864, theo lệnh Đức Cha Dominique Lefèbvre Ngãi, cha Charles Gernot Quý cải tổ bốn Nhà Dòng Mến Thánh Giá tại Tây Đàng Trong. Đây là cuộc cải tổ lớn thứ hai, tuy vậy vẫn chưa hoàn chỉnh vì chỉ có lời khấn tạm. Bắt đầu là MTG Cái Mơn (1864), tiếp đến là MTG Cái Nhum (1876), rồi đến MTG Thủ Thiêm (1885), cuối cùng là MTG Chợ Quán (1925).
Tại các Nhà Dòng Mến Thánh Giá mới được cải tổ, cha Charles Gernot cũng mở nhà thương và trường học để các nữ tu phục vụ, cụ thể tại các giáo xứ, song song với việc dạy tân tòng, coi sóc nhà Hài đồng, nhà mồ côi và rửa tội cho trẻ lâm tử.
Vào cuối thế kỷ XIX, khi những cơn bắt đạo khủng khiếp sắp chấm dứt, cũng là lúc Tòa Thánh qua sắc lệnh “Ecclesia Christi” ban hành ngày 11.08.1889 và Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua tự sắc Conditae a Christo ban hành ngày 07.12.1900, nhìn nhận ba lời khấn đơn, dù khấn tạm hay khấn vĩnh viễn, là đủ để trở thành nữ tu theo Giáo Luật. Nhưng phải đợi đến Bộ Giáo Luật năm 1917, điều 673 các Dòng khấn đơn thuộc quyền Giáo phận mới được nhìn nhận là những tu sĩ thực thụ.
V. THẾ KỶ XX: THỜI KỲ PHỤC HƯNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Tại Đàng Ngoài
Năm 1900, Công nghị Kẻ Sặt quy định 14 điều cho Dòng Mến Thánh Giá.
Năm 1907, bản Luật Phép Nhà Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu bằng chữ quốc ngữ, được tái bản tại nhà in Kẻ Sở.
Năm 1912, Công nghị Kẻ Sở quy định 17 điều luật cho các Nhà dòng Mến Thánh Giá trong đó các vị Đại diện Tông toà ấn định tu phục cho các chị: một bộ áo dòng dành riêng với một khăn lúp rộng. Các chị mặc tu phục khi vào nhà thờ và các dịp lễ.
Riêng Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Đức Cha Alexandre Marcou Thành ấn định tu phục cho các chị năm 1916, và viết Sách dạy làm nên những việc bậc mình năm 1917.
2. Tại Đàng Trong
Năm 1905, Đức Giám mục Grangeon Mẫn cho in Bản luật các Nhà phước Địa phận Bình Định, tại nhà in Làng Sông, trong đó chỉ nhắc đến Đức Cha Lambert một câu, còn nội dung hoàn toàn khác so với bản luật năm 1670. Bản luật này rất chi tiết, có 24 chương với 188 số, quy định tỉ mỉ bổn phận của từng thành viên, đặc biệt vai trò của Bà Mụ, chị Ả, chị Cai, dành chỗ quan trọng ưu tiên cho việc huấn luyện và sắp đặt cẩn thận đời sống hằng ngày.
Các chị vẫn giữ lời hứa, vài chị tuổi cao, chín chắn, kinh nghiệm thì khấn lời khấn riêng với sự đồng ý của cha linh hướng, Bề trên Dòng và của Đức Giám mục địa phận.
Về việc ăn chay, các chị làm theo luật Giáo hội và vào các ngày trước lễ liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá: lễ Đức Mẹ Dâng mình, lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Thánh Giuse và lễ Thánh Têrêsa Avila; Về việc khổ chế và đánh tội, mỗi người thực hành tuỳ theo sự hướng dẫn của cha linh hướng và cha giải tội.
3. Sau bộ Giáo luật năm 1917
3.1. Tại Đàng Ngoài
Năm 1921, in Sách khấn hứa lý giải cho kẻ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời trong Nhà Dòng.
Năm 1924, Đức Cha Cooman Hành cho xuất bản quyển Luật phép Nhà dòng nữ khấn đơn và Sách Luật phép Nhà dòng Mến Câu Rút Địa phận Thanh in tại Hồng Kông. Đây là bản Luật chính thức thời cải tổ, theo tinh thần của Bộ Giáo luật 1917, đã đem lại nhiều hoa trái dồi dào cho Dòng Mến Thánh Giá. Bản luật này rất quan trọng trong việc cải tổ Dòng Mến Thánh Giá cho đến Công Đồng Vatican II.
Ngày 02.02.1925, tại Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm có 61 chị khấn lần đầu theo Giáo luật. Đây là hoa quả đầu mùa của việc cải tổ ở Đàng Ngoài.
3.2. Công Đồng Đông Dương (08.11 – 06.12.1934)
Công đồng Đông Dương họp tại Hà Nội, do Đức Tổng Giám mục Columban M. Dreyer, Dòng Phanxicô, Khâm sứ Tòa Thánh chủ trì năm 1934, cùng với 19 Đấng Bản quyền Giáo phận và 4 chuyên viên. Công đồng dành bảy điều, từ điều 104-110 (trong số 426 điều), cho Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh tại viện. Hai điều quan trọng sau đây liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá.
Điều 105: Thời gian đã thay đổi, Giáo hội lại được bình an, cho nên Toà Thánh mong ước các cộng đoàn này có đời sống theo Luật dòng với việc tuyên khấn như chính Đấng Sáng Lập Dòng các chị em Mến Thánh Giá đã tiên liệu.
Điều 106: Công đồng ca ngợi các Đấng Bản quyền đã thành công trong việc canh tân. Đồng thời ước mong các Đấng khác cũng cố gắng thiết lập cho thành Dòng địa phận, có nhà Tập và lời Khấn Tạm trước rồi Khấn Trọn sau, theo đúng Giáo Luật.
Sau Công đồng, các Đấng Bản quyền Địa phận lần lượt cải tổ các Nhà Dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền, bằng cách hợp nhất thành một Hội dòng Địa phận, qua các giai đoạn Tập viện, Khấn tạm rồi Khấn trọn đời.
3.3. Tại Đàng Trong
Năm 1925, Đức Cha Dominique Lefèbvre Ngãi cho in Sách Lề Luật Nhà Dòng chị em Mến Thánh Giá, tại Tân Định, luật này chịu ảnh hưởng của luật năm 1924, có 7 phần và 22 chương, mỗi chương có nhiều số với nội dung: Mục đích Dòng; Điều kiện thâu nhận; Kỷ luật chung, nhất là liên quan đến lời khấn tu trì; Luật dành riêng cho những chị dạy học; Quản trị; mức độ các hình phạt; và việc thải hồi.
Tuy nhiên, luật này có nhiều điều khác với những luật trước và có một số điểm được canh tân cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Việc khổ chế và đánh tội thì nhẹ nhàng hơn. Để được khấn Dòng, ứng sinh phải qua thời gian Thử và Tập viện theo sự chỉ dẫn của Giáo luật năm 1917.
Năm 1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dẫn đến cuộc di cư vĩ đại làm cho nhân sự Dòng Mến Thánh Giá thay đổi nghịch chiều: miền Bắc nghèo đi, miền Nam giàu ra.
VI. HẬU BÁN THẾ KỶ XX VÀ TIỀN BÁN THẾ KỶ XXI: CÔNG CUỘC CANH TÂN TOÀN DIỆN
1. Canh tân thích nghi
Sau Công đồng Vatican II (1962 – 1965), cùng với Sắc lệnh Canh Tân Thích Nghi Đời Tu, Perfectae Caritatis ban hành ngày 28.10.1965, các Hội dòng lần lượt canh tân theo chỉ thị của Công đồng: rà soát lại Hiến Luật, sao cho phù hợp với xã hội mà vẫn trung thành với ý hướng của Đấng Sáng Lập. Tại miền Nam, các Nhà dòng Mến Thánh Giá dần dần thành lập Ban tu chính Hiến Pháp. Tuy nhiên, việc canh tân luật sống của các Hội dòng còn trong phạm vi nội bộ, hạn hẹp, chỉ giới hạn trong từng Nhà dòng hoặc trong mỗi Giáo phận. Chị em làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên viên mà Bề trên Dòng nhờ cậy.
2. Kỷ niệm 300 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá trên đất Việt
Biến cố mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá (1670-1970) là một cơ hội thuận lợi cho Dòng tìm về nguồn cội để canh tân.
Năm 1970, mười năm sau khi Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập, các Bề trên Dòng Mến Thánh Giá được phép các Đấng Bản quyền, đã tổ chức mừng kỷ niệm ba thế kỷ ngày thành lập. Chính các ngài đã hướng dẫn, tạo điều kiện và khích lệ chị em rất nhiều trong dịp trọng đại này. Trong tâm tình tạ ơn, Đại lễ được diễn ra ba ngày, từ ngày 28 đến ngày 30.06.1970, tại Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, với sự hiện diện của 14 Hội dòng Mến Thánh Giá trong 12 Giáo phận của Tổng Giáo phận Huế và Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tại miền Bắc, vì hoàn cảnh khó khăn, các chị chỉ mừng lễ trong âm thầm và luôn dâng lời tri ân và cảm tạ Thiên Chúa.
Lễ Mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Dòng qua đi trong tâm tình tri ân cảm tạ, các Hội dòng Mến Thánh Giá, các Bề trên đôn đốc chị em học tập về Đấng Sáng Lập, tuy tài liệu về ngài còn giới hạn và chưa được phiên dịch nhiều sang Việt ngữ.
3. Những đường hướng canh tân
Nhằm canh tân đời sống tu trì và hoạt động tông đồ, 14 Hội dòng Mến Thánh Giá miền Nam từng bước thực hiện hai ý nguyện của Thánh Công đồng:
– Thống nhất tinh thần Dòng vì có chung một Đấng Sáng Lập, theo Sắc lệnh Perfectae Caritatis, khoản 22.
– Thiết lập một Học viện chung theo Tự sắc Eclesiae Santae, khoản 33-37 của Đức Giáo hoàng Phaolô VI.
Những đường hướng trên đang hứa hẹn một thành quả tốt đẹp, thì biến cố ngày 30.04.1975 xảy đến, tất cả đều như dừng lại. Trước viễn cảnh mới của đất nước, chị em các Hội dòng Mến Thánh Giá cùng dò dẫm hội nhập để rồi 10 năm sau Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá được hình thành.
4. Sau Bộ Giáo luật năm 1983: Công cuộc trở về nguồn
4.1. Quá trình hình thành Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá
Vào những năm đầu thập niên 80 của thiên niên kỷ II, nhân dịp giúp cho Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân – Huế xác định căn tính và đặc sủng để trở về nguồn cội của mình theo tinh thần Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật 1983, cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, Dòng Phanxicô, thích thú khám phá ra rằng: Những nhân tố đầu tiên của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm lại là những thành viên ưu tú của Dòng Mến Thánh Giá Huế. Từ đó, cha thao thức và mong ước cho Dòng Mến Thánh Giá được trở về nguồn cội phong phú của mình, nhằm chu toàn hơn nữa sứ mạng riêng biệt trong việc phục vụ Giáo hội và quê hương thân yêu. Cha đem chia sẻ những thao thức ấy cho một vài Bề trên Dòng Mến Thánh Giá, nhưng các vị thấy việc đó quá vĩ đại, mặc dù các Nhà dòng Mến Thánh Giá vẫn ước ao được canh tân theo lời mời gọi của Công đồng.
Với thao thức ấy, cha Phi Khanh muốn đề đạt lên Hội đồng Giám mục Việt Nam một bức thư đề ngày 05.05.1985, kính chuyển qua Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, nhưng ngài khuyên không nên gửi vì sự khôn ngoan và thận trọng của hoàn cảnh lúc ấy. Trong một dịp gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cha Phi Khanh lại trình cho ngài bức thư đó, ngài tiếp nhận và nói: “Tôi cũng khuyên cha như vậy, nhưng cha hãy giúp đỡ cho các Hội dòng Mến Thánh Giá trong Giáo phận của tôi”.
4.2. Sự hình thành Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá
Vào ngày 25.08.1985, tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Phaolô, cha Phi Khanh và một số vị hữu trách Dòng Mến Thánh Giá, Đức Tổng Giám mục liền xúc tiến công việc trở về nguồn để canh tân bằng việc đặt cha Phi Khanh làm Cố vấn cho các Hội dòng Mến Thánh Giá trực thuộc ngài, có Nhà Mẹ trong Giáo phận Sài Gòn, cùng đặt tên cho Nhóm là “Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá”. Kể từ đó, Nhóm sinh hoạt đều đặn dưới mái nhà của Đức Cha.
4.3. Sinh hoạt và thành quả
Giai đoạn I:
. Năm 1985, sưu tập tài liệu và phiên dịch một số Bút tích của Đức Cha Lambert;
. Năm 1986, phổ biến tập Tiểu sử và Bút tích Đấng Sáng Lập.
. Năm 1987, phổ biến tập Linh Đạo Mến Thánh Giá.
Giai đoạn II: Hình thành quyển Hiến chương và tổ chức các Khóa Bồi dưỡng Mến Thánh Giá
• Hình thành quyển Hiến Chương:
– Soạn thảo Hiến chương: Năm 1987, Nhóm bắt đầu soạn dự thảo Hiến chương dựa trên ba nguồn tài liệu: Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo hội và gia sản tinh thần của Dòng.
– Phê chuẩn Hiến chương thử nghiệm: Ngày 27.02.1990, áp Lễ Tro, kỷ niệm 320 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá trên đất Việt, tại hội trường Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình long trọng phê chuẩn Hiến chương chung cho Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Giáo phận của ngài, để thử nghiệm trong bốn năm.
– Gia hạn Hiến chương thử nghiệm: Đức Giám Quản Nicola Huỳnh Văn Nghi cho phép Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá thuộc Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh được gia hạn thử nghiệm Hiến chương cho đến năm 2000.
– Phê chuẩn Hiến chương chính thức: Ngày 02.02.2000, ngày Thánh Hiến Tu sĩ, Đức Hồng y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn long trọng phê chuẩn Hiến chương cho Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá Giáo phận TP HCM, tại Hội dòng MTG Chợ Quán. Đây là một khởi sắc hào hứng cho các mối giao lưu thiêng liêng và huynh đệ giữa các Hội dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và Việt Nam.
Sau biến cố phê chuẩn Hiến chương, vì nhận thấy các nữ tu Mến Thánh Giá có cùng một Đấng Sáng Lập, một tinh thần, chung sứ vụ, phần đông các Đức Giám mục Địa phận, đã ban phép cho các Hội dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền, được nhận quyển Hiến chương này như bản luật riêng sau khi sửa chữa ít điều cho phù hợp.
Hiện nay, có 22/24 Hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam và Hội dòng Mến Thánh Giá Los Angeles – Hoa Kỳ nhận theo Hiến chương này. Một niềm vui chung nữa là ba Hội dòng Mến Thánh Giá Thái Lan (Chanthaburi, Ubon, Tharae), Mến Thánh Giá Lào (Xiêng Wang), Mến Thánh Giá Campuchia cũng nhận Hiến chương này như luật sống của các chị.
• Khóa thường huấn hằng năm
Hằng năm, Dòng Mến Thánh Giá tổ chức một hoặc hai khóa thường huấn vào đầu tháng tám, từ sáu đến mười ngày cho Ban Điều hành và Ban Huấn luyện của các Hội dòng Mến Thánh Giá, để giúp chị em học hỏi thêm về đời tu, đồng hành thiêng liêng, tâm lý, cập nhật hóa những giáo huấn của Giáo hội, thấu hiểu tinh thần Dòng Mến Thánh Giá và thắt chặt tình huynh đệ. Con số tham dự viên từ 40 chị em dần dần tăng lên, và Khóa Bồi dưỡng thứ XXVII, năm 2014, là 295 chị em thuộc 30 Hội dòng.
Giai đoạn III: Những biến cố quan trọng
• Thuyết trình tại Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới: Tháng 10.1994, nhân dịp Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Khóa IX, bàn về: “Đời sống thánh hiến trong Giáo hội và thế giới hôm nay”, chị Anna Nguyễn Thị Thanh, là một thành viên của Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô mời thuyết trình với đề tài “Mầu nhiệm Thập Giá và đời sống thánh hiến” do Ban Tổ chức Thượng Hội đồng ấn định. Bài tham luận chính là tiếng nói của Nhóm, đã gây được tiếng vang bất ngờ trên diễn đàn chính thức của Giáo hội toàn cầu. Sau đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thêm một câu như chân lý ngàn đời vào Văn kiện Vita Consecrata năm 1996, số 23: “Chiêm ngưỡng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi; nhờ ơn căn bản do Thánh Thần ban cho, việc chiêm ngưỡng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là khởi điểm của mọi ơn huệ, đặc biệt nhất là ơn sống đời thánh hiến…” Ý tưởng này rất phù hợp với điều Đức Cha Lambert viết ở đầu bản Luật Mến Thánh Giá Tại Thế: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người… là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô mà thôi” (x. Ltt 1,1).
• Xác định Đấng Bản quyền và tên gọi: Khi ngăn trở chiến tranh không còn, năm Hội dòng Mến Thánh Giá gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954 được chính thức gia nhập Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh với các tên gọi theo địa danh: Mến Thánh Giá Gò Vấp, Mến Thánh Giá Khiết Tâm, Mến Thánh Giá Thủ Đức, Mến Thánh Giá Tân Lập, Mến Thánh Giá Tân Việt, qua văn thư của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Tu Hội Đời Sống Tông Đồ số: Prot.n-DD.2373-1/95, ngày 29.06.1995. Việc hợp thức hóa pháp lý này làm rõ nét bản chất của Dòng Mến Thánh Giá là Dòng Giáo phận.
• Phê chuẩn Qui chế Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại thế: Trong công cuộc trở về nguồn, nhằm làm sống lại Hiệp hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô Chúa chúng ta (gọi tắt là Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại thế) do Đức Cha Lambert thành lập, Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn ban Nghị định thiết lập và Phê chuẩn Qui chế Hiệp hội ngày 26.03.2010. Hiện nay, thành viên của Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại thế đã lên tới con số hơn 9000.
• Học Viện Mến Thánh Giá: Năm 1997, Học viện được chính thức thành lập, đây là kết quả những thao thức của quý Bề trên các Hội dòng Mến Thánh Giá từ sau đại lễ mừng 300 năm thành lập. Từ lúc khai sinh cho đến nay Học viện được sinh hoạt dưới mái nhà của Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán.
Các niên khóa 1997-2001, Học viện mở hệ hai năm;
Từ niên khóa 2002 đến nay, hệ ba năm. Số sinh viên theo học tăng dần, khởi đầu là 23, đến nay là 333 sinh viên. Học viện Mến Thánh Giá liên kết với khối Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình, Liên Dòng Nữ của Liên Tu Sĩ TP/HCM.
• Thành lập Ban Điều hành Liên Hội dòng Mến Thánh Giá Việt Nam: Ngày 11.03.2010, tại Tòa Giám mục Bùi Chu, với thành viên của 20/24 Hội dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, đã bầu được Ban Điều hành Liên Hội dòng Mến Thánh Giá.
VII. TỪ CÁI MẤT ĐẾN CÁI ĐƯỢC
1. Trung thành với đặc sủng Mến Thánh Giá
Tại Đàng Trong, chỉ mới vài năm sau khi Đức Cha Lambert thành lập cộng đoàn Mến Thánh Giá An Chỉ, cha Tổng Đại diện De Courtaulin đã muốn thay đổi bản Luật Tiên Khởi vào năm 1673; thừa sai Le Noir cũng có ý tưởng táo bạo như thế vào năm 1681. Nhưng nhờ chị em giữ vững lập trường và được sự hậu thuẫn của những vị thừa sai khác, nên ý định sửa luật của hai vị không thành.
Tại Đàng Ngoài, khi các thừa sai Dòng Đa Minh Tây Ban Nha tiếp quản Địa phận Đông Đàng Ngoài năm 1693, nhất là sau năm 1715, thì các ngài thay đổi luật lệ mà Đức Cha Lambert đã ban cho các chị Mến Thánh Giá ở các làng Trung Linh và Kẻ Bùi, nhằm chuyển họ thành “chị em Đa Minh Dòng Ba sống chung”. Mặc dù bị ép buộc, một số chị Mến Thánh Giá vẫn trung thành với Đặc sủng mà Đấng Sáng Lập đã chuyển trao cho họ.
Hai thế kỷ sau, năm 1936, Đức Cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn được bổ nhiệm về Địa phận Bùi Chu, ngài quyết định thành lập một Dòng mới mang danh hiệu Con Đức Mẹ Mân Côi. Theo lệnh Đức Cha, một số đông nữ tu Mến Thánh Giá cũng như Đa Minh phải bỏ hai Dòng của họ để gia nhập Dòng mới này. Như vậy, hai Dòng này đã đóng góp một phần nhân sự và cơ sở để làm nền tảng cho Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu.
Tuy mất nhiều thành viên và một số cơ sở, nhưng vẫn còn một ít nữ tu của hai Dòng kỳ cựu ấy cương quyết trung thành với lý tưởng nguyên thuỷ, họ trở thành những nhân sự nòng cốt cho việc cải tổ Tu viện Mến Thánh Giá Kiên Lao và các Tu viện Đa Minh còn lại trong Địa phận Bùi Chu thời Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi vào những năm 1950-1954.
Tu viện Mến Thánh Giá Bùi Chu – Kiên Lao, theo tương truyền, là chị em song sinh với Tu viện Mến Thánh Giá Hà Nội – Bái Vàng, do Đức Cha Lambert thành lập năm 1670, nhưng đã trải qua những thăng trầm phức tạp nhất, dẫn đến chỗ hầu như mất căn tính Mến Thánh Giá trong thời gian 30 năm từ năm 1969 đến năm 1998, rồi được phép trở về lại với căn tính Mến Thánh Giá từ năm 1998.
Sự kiện đầu tiên đánh dấu cuộc chuyển hướng từ Mến Thánh Giá sang linh đạo Thánh Mẫu là quyết định của Đức Cha Pallegoix (1805-1862). Vào năm 1848, ngài đổi tên Dòng Mến Thánh Giá Chanthaburi ở Thái Lan thành “Dòng Con Đức Bà”. Tên gọi mới thay thế cho tên gọi cũ “Dòng Mến Thánh Giá”, và được phổ biến rộng rãi sang Campuchia, đến tận Đàng Trong Việt Nam, từ Huế vào tới Sài Gòn và Cái Nhum – Cái Mơn, trừ Địa phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) vẫn giữ tên gọi cũ là Mến Thánh Giá. Các bảng thống kê về nhân sự các Địa phận Đại diện Tông toà ở Đàng Trong Việt Nam, trong hậu bán thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thường gọi các nữ tu bản xứ là “Dòng Con Đức Bà”.
Ngày nay, hầu hết những Dòng trên đã trở về tên gọi Mến Thánh Giá nguyên thủy của mình.
2. Hoa trái của Thập Giá
Ảnh hưởng của phong trào Thánh Mẫu có thể thấy được nơi quyết định của một số vị Giám mục Đại diện Tông tòa, khi thành lập một Dòng Nữ mới trong Địa phận của mình theo linh đạo Thánh Mẫu, và những thành viên đầu tiên thường được tuyển chọn từ trong hàng ngũ chị em Mến Thánh Giá cổ truyền.
– Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
– Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang
– Dòng Nữ Vương Hoà Bình
– Dòng Con Đức Mẹ Nam Vang, Phú Cường
– Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng
– Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi
– Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương
3. Dòng Mến Thánh Giá vẫn tồn tại và phát triển
Suốt dòng lịch sử, nhiều nhóm chị em Mến Thánh Giá đã bị mất căn tính Mến Thánh Giá để chuyển sang linh đạo Đa Minh hoặc Thánh Mẫu, nhưng về cơ bản, Dòng vẫn tồn tại. Chắc chắn là do ân sủng thần linh vô hình bảo đảm cho sự bền vững ấy, như Đấng Sáng Lập đã từng có linh cảm về điều đó. Nhưng trên bình diện hữu hình, cũng nhờ có sự bảo vệ hữu hiệu của những Vị Giám mục Đại diện Tông tòa thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, như Đức Cha Bá Đa Lộc, Đại diện Tông Tòa Đàng Trong (1771-1799), Đức Cha Pierre Gendreau Đông, Đại diện Tông tòa Hà Nội (1887-1935). Hơn nữa, đối với một số lần, khi gặp nguy cơ mất căn tính do áp lực từ bên ngoài, chính chị em Mến Thánh Giá đã dám làm theo xác tín lương tâm, và can đảm, kiên trì trình bày nguyện vọng chính đáng của mình với các vị hữu trách trong Giáo hội. Nhờ sự can thiệp của các Vị Chủ Chăn, chị em bảo tồn được căn tính và tên gọi Mến Thánh Giá.
Theo thống kê năm 2014, Dòng Mến Thánh Giá có 30 Hội dòng hiện diện tại các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Hoa Kỳ, với 7.760 nữ tu; 752 tập sinh, 660 tiền tập sinh, 1.782 thanh tuyển sinh và tìm hiểu.
Để có được diện mạo như trên, Dòng Mến Thánh Giá đã nhiều lần được các Vị Chủ Chăn quan tâm hướng dẫn, canh tân để dần dần thích nghi với đường hướng của Mẹ Giáo hội trong đời sống thánh hiến. Những cuộc canh tân này được thực hiện gần như tiếp theo sau những thời điểm quan trọng của Giáo hội: Công nghị Kẻ Sặt năm 1900, Bộ Giáo luật 1917, Công đồng Đông Dương năm 1934, Công đồng Vaticanô II năm 1962-1665 và Bộ Giáo luật 1983.
VIII. THỰC THI SỨ MẠNG
1. Thích nghi sáng tạo trong hoạt động khởi đầu
Đối với các nữ tu Mến Thánh Giá thời khởi đầu, mặc dầu tình trạng thất học bị áp đặt và quan điểm trọng nam khinh nữ, nhưng lại làm nảy sinh một mẫu người nữ tu Mến Thánh Giá rất độc đáo, đó là hình ảnh từng đôi “Cô Mụ” tại miền Bắc và miền Trung, và “Dì Phước” ở miền Nam, ăn mặc như các phụ nữ bình dân khác, vai quẩy gánh thuốc viên hoặc tay xách giỏ thuốc gia truyền, đến các làng mạc đồng quê bán thuốc, vừa để chữa bệnh giúp đồng bào nghèo, vừa để mưu sinh, và nhất là rửa tội cho những trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử.
Ba mục đích cao quý trong một gánh thuốc viên ấy là kết quả của cách vận dụng sáng tạo ba “ơn cả” mà Chúa Thánh Thần ban cho mọi tín hữu qua Bí tích Thêm Sức, là “ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn lo liệu”. Chính nhờ gánh thuốc viên bình dị ấy mà nhiều thế hệ nữ tu Mến Thánh Giá đã tiếp tục tồn tại và chu toàn sứ mạng truyền giáo một cách rất gần gũi với dân chúng, trong hoàn cảnh khó khăn khác thường của một Giáo hội đang bị bách hại.
Tuy nhiên, khi có điều kiện tương đối thuận lợi, chị em Mến Thánh Giá cố gắng tận dụng để tự trau dồi kiến thức thiêng liêng và chuyên môn.
2. Nữ tu Mến Thánh Giá với chữ Quốc ngữ
Có thể chị em Mến Thánh Giá là những phụ nữ Việt Nam đầu tiên được học và phổ biến chữ Quốc ngữ, vì trước năm 1850, chị em Mến Thánh Giá đã sử dụng bản luật trong Sách Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu bằng chữ Quốc ngữ do Carolus Cao tự tay chép. Đây là một thủ bút vô cùng quý giá mang chữ ký của tác giả, còn được lưu giữ đến ngày nay.
3. Mẫu người phụ nữ mới
Trong bối cảnh một xã hội mang dấu ấn sâu đậm của Nho giáo, người phụ nữ Việt Nam thời đó là nạn nhân của quan niệm trọng nam khinh nữ, nên bị trói chặt bởi luật tam tòng, bị lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình huyết thống. Trong khi đó, bởi lý tưởng tu trì Công giáo, mà nét nổi bật dễ thấy nhất là nếp sống độc thân vì Nước Trời, người nữ tu Mến Thánh Giá trở thành một mẫu người phụ nữ mới, được tự do để dấn thân vào những mối tương quan gia đình thiêng liêng trong Giáo hội. Cộng đoàn tu viện trở thành hình ảnh thu nhỏ của Giáo hội, đồng thời là điểm xuất phát của cuộc dấn thân phục vụ tha nhân, với sự ưu tiên dành cho giới nữ và giới trẻ. Đây là khởi đầu của tiến trình giải phóng và thăng tiến phụ nữ ở Việt Nam, mà các nữ tu Mến Thánh Giá không chỉ như những người thụ hưởng đầu tiên, mà còn là những tác nhân góp phần, từ khiêm tốn đến hữu hiệu, vào tiến trình lớn lao và lâu dài ấy.
IX. NÂNG CAO VĂN HÓA VÀ CẢI TỔ PHÁP LÝ
1. Liên đới giữa các Dòng khác với Dòng Mến Thánh Giá
Từ giữa thế kỷ XIX, sau khi có những dòng nữ Âu châu đến Việt Nam, mà thường là những Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng và được đào tạo chuyên môn hơn cả về phương diện kiến thức lẫn hoạt động, thì hình ảnh người nữ tu Mến Thánh Giá trở thành mờ nhạt đi và biểu hiện một số mặt yếu. Chính các Dòng hoạt động đến từ Âu châu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Dòng Mến Thánh Giá nâng cao trình độ văn hoá để tăng cường hiệu năng tông đồ và xã hội. Đáng kể nhất là Dòng Phaolô thành Chartres, đến Sài Gòn năm 1860, và Dòng Đức Bà, còn gọi là Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh hiện diện từ năm 1935. Hai Dòng này đã giúp Dòng Mến Thánh Giá trong lãnh vực y tế, giáo dục, và đặc biệt trong lãnh vực huấn luyện đời tu.
2. Tình liên đới tỏa lan trong Đại Gia đình Mến Thánh Giá
Những Hội dòng Mến Thánh Giá đã được cải tổ trước đều sẵn lòng giúp huấn luyện và cải tổ những Hội dòng Mến Thánh Giá khác, như: Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm giúp Mến Thánh Giá Hưng Hoá (1943); Mến Thánh Giá Thanh Hoá giúp Mến Thánh Giá Vinh (1952); Mến Thánh Giá Đà Lạt giúp Mến Thánh Giá Nha Trang (1962) và Mến Thánh Giá Thủ Đức (1965); Mến Thánh Giá Gò Vấp giúp Mến Thánh Giá Xuân Lộc (1963) và Mến Thánh Giá Tân Việt (1963); Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giúp Mến Thánh Giá Tân Lập (1960); Mến Thánh Giá Chợ Quán giúp Mến Thánh Giá Tân An (1968); và Bảy Hội dòng Mến Thánh Giá Giáo phận Sài Gòn (Thủ Thiêm, Chợ Quán, Gò Vấp, Tân Lập, Thủ Đức, Tân Việt, Khiết Tâm) giúp Mến Thánh Giá Bùi Chu – Kiên Lao vừa mới được tái sinh năm 1998. Có lẽ đây là một trong những ánh sáng đẹp nhất của lịch sử Dòng Mến Thánh Giá nói riêng và của Giáo hội Việt Nam nói chung.
KẾT LUẬN
Từ bản Luật tiên khởi năm1670 đến bản Hiến chương năm 2000, trải dài hơn ba thế kỷ rưỡi trong ân sủng và thanh luyện, chị em Mến Thánh Giá đã được các vị Đại diện Tông toà, các thừa sai, linh mục, các Đấng Bản quyền Giáo phận chăm sóc, vun trồng và san định luật lệ, hầu đáp ứng nhu cầu tu trì nhằm phục vụ Giáo hội và xã hội hữu hiệu hơn. Từ đầu là một Hiệp hội sống đời sống chung tiến sang Hội dòng Giáo phận với đặc điểm khấn những lời khấn đơn, công, sống thành cộng đoàn, hướng tới việc tông đồ truyền giáo bằng sự cộng tác với hàng giáo sĩ lo mục vụ cho tín hữu và Phúc Âm hoá cho lương dân, như ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập. Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, các Hội dòng Mến Thánh Giá hôm nay được canh tân và hội nhập khi cùng nhau trở về nguồn.
Cuộc Trở Về Nguồn nêu trên đã thực sự canh tân thích nghi đời sống và sinh hoạt của các Hội dòng Mến Thánh Giá, mang lại cho mỗi Hội dòng một sức sống phong phú, mãnh liệt.
Qua Cuộc Trở Về Nguồn, chị em Mến Thánh Giá tái khám phá những trực giác sâu sắc, táo bạo và rất hiện đại của Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập của Dòng. Và cuộc canh tân thích nghi đời sống và sinh hoạt của Dòng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh qua bàn tay Mẹ Hội Thánh, đang củng cố niềm xác tín cốt lõi của chị em. Với niềm xác tín đó, Đại Gia Đình Mến Thánh Giá, lòng đầy tin tưởng và lạc quan, hướng về tương lai với lòng biết ơn sâu sắc đối với Đức Chúa của lịch sử và đối với Mẹ Hội Thánh.
Trong cuộc trở về nguồn, ba mươi Hội dòng Mến Thánh Giá đã tìm thấy nhau trong cùng một Đại Gia đình, với cùng một nguồn gốc, một linh đạo, một sứ vụ truyền giáo. Thiên Chúa muốn các chị liên kết với nhau để giúp nhau tiến bước trên con đường Đức Ái trọn hảo, đặc biệt trong năm Đời Sống Thánh Hiến sắp đến.
Như một lời kết, chúng ta có thể mượn lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến” năm 1996, số 23: “Chiêm ngưỡng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi, nhờ ơn căn bản do Thánh Thần ban cho, việc chiêm ngưỡng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là khởi điểm của mọi ơn huệ, đặc biệt nhất là ơn sống đời thánh hiến…”. Ý tưởng này rất phù hợp với điều Đức Cha Lambert viết ở đầu bản Luật Mến Thánh Giá Tại Thế: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người … là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô mà thôi” (x. Ltt 1,1).
Cũng như bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh lễ đầu tiên chiều thứ năm 14.03.2013, trong ngày bế mạc Cơ Mật Viện tại nhà nguyện Sistine.
“Khi chúng ta tiến bước mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa; chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng nhưng không phải môn đệ của Chúa!…”.