Đức Thánh Cha Đến Hy Lạp

Sau 1 giờ 40 phút bay, máy bay chở Đức Thánh cha và đoàn tháp tùng đã đáp xuống phi trường quốc tế Athènes, thủ đô Hy Lạp, lúc quá 11 giờ.

Khi máy bay dừng hẳn, Đức Tổng giám mục Savio Hàn Đại Huy, người Hong Kong, thuộc dòng Don Bosco, Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp, cùng với ông trưởng Ban nghi lễ ngoại giao của chính phủ, đã bước lên máy bay chào Đức Thánh cha và mời ngài xuống.

Ở dưới chân thang có ngoại trưởng Hy Lạp chào đón ngài và 4 em bé trong y phục cổ truyền tặng hoa cho Đức Thánh cha. Liền đó ngài lên xe đi thẳng về Phủ Tổng thống Hy Lạp, cách đó hơn 30 cây số để gặp Tổng thống và chính phủ.

Đức Thánh cha gặp gỡ Tổng thống và chính quyền Hy Lạp

Khi đến Phủ Tổng thống lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đã được bà Tổng thống Ekaterini Sakellaropoulos tiếp đón với nghi thức ngoại giao chính thức, đoàn quân danh dự, quốc thiều và giới thiệu hai phái đoàn, trước khi ngài được mời vào thư phòng của Tổng thống để hội kiến riêng.

Bà Ekaterini năm nay 65 tuổi (1956), nguyên là một luật gia, hoạt động trong tham chính viện, Tòa án hành chánh tối cao của Hy Lạp, rồi làm Chủ tịch của tòa này cho đến năm ngoái (2020). Tiếp đến bà trở thành phụ nữ đầu tiên được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp, với 261 phiếu trên tổng số 300.

Trong khi Đức Thánh cha gặp riêng bà Tổng thống, thì tại một phòng bên cạnh, có cuộc gặp gỡ ngắn giữa Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và thủ tướng Hy Lạp, có sự tham dự của Đức Tổng giám mục Phụ tá Quốc vụ khanh và Ngoại trưởng của Tòa Thánh.

Sau khi hội kiến với bà Tổng thống, Đức Thánh cha còn gặp Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hy Lạp. Ông năm nay 53 tuổi, là con của cựu Thủ tướng Konstantinos Mitsotakis.

Sau các cuộc gặp gỡ trên đây, Đức Thánh cha được bà Tổng thống hướng dẫn, đến một hội trường trong Phủ Tổng thống để gặp gỡ chung các giới chức chính quyền và tôn giáo, cũng như ngoại giao đoàn, và đại diện xã hội dân sự của Hy Lạp, tổng cộng khoảng 150 người.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Sứ điệp của Hy Lạp

Lên tiếng sau lời chào mừng của bà Tổng thống, Đức Thánh cha đề cao vai trò quan trọng về văn hóa của thành Athènes và Hy Lạp đối với Âu châu và thế giới. Những di tích lịch sử tại đây vẫn còn nhắc nhở cho nhân loại về sự khôn ngoan, và mời gọi hướng thượng, giữa lúc ngày nay tại Tây Phương khai sinh từ đây, có sự lu mờ về “nhu cầu Trời Cao và bị mắc kẹt ở giữa vì hàng ngàn cuộc chạy đua trần tục và sự ham hố vô độ của chủ nghĩa duy tiêu thụ vô nhân cách. Những nơi này ở Hy Lạp mời gọi chúng ta hãy để cho mình ngạc nhiên vì sự vô hạn, về vẻ đẹp của sự hiện hữu và niềm vui của đức tin. Những con đường của Tin mừng cũng đã tiến qua đây, nối kết Đông và Tây Phương, những nơi thánh và Âu Châu, Jerusalem và Roma…”.  Xu hướng thu hẹp dân chủ.

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng Hy Lạp là chiếc nôi của nền dân chủ của nhân loại. Dân chủ đã nảy sinh từ đây, nhưng ngài không quên bày tỏ lo âu vì ngày nay, không những tại Âu châu, người ta thấy có sự thu hẹp dân chủ. Dân chủ đòi sự tham gia và can dự của tất cả mọi người, và vì thế nó đòi những cố gắng vất vả và kiên nhẫn. Dân chủ thì phức tạp, trong khi chủ nghĩa độc đoán thì vội vã và những lời cam đoan dễ dàng do những chủ nghĩa mị dân đưa ra thì có vẻ hấp dẫn. Trong nhiều xã hội, người ta bận tâm về vấn đề an ninh và bị mê hoặc vì chủ nghĩa tiêu thụ, sự mệt mỏi và bất mãn đưa tới một thái độ hoài nghi về dân chủ. Sự tham gia của tất cả mọi người là một đòi hỏi cơ bản, không những để đạt tới những mục tiêu chung, nhưng còn vì nó đáp ứng thực tại chúng ta là những hữu thể xã hội, không thể lập lại và đồng thời lệ thuộc lẫn nhau”.

Thách đố về khí hậu: thi hành những cam kết

Trong số nhiều vấn đề được Đức Thánh cha đề cập đến, những thách đố về khí hậu, đại dịch, thị trường chung và nhất là nạn nghèo đói lan rộng. “Đó là những thách đố đòi sự cộng tác cụ thể và tích cực. Cộng đồng quốc tế cần có sự cộng tác như thế để mở ra những con đường hòa bình qua những chính sách đa phương, không bị bóp nghẹt vì những chủ trương quốc gia chủ nghĩa thái quá. Nền chính trị cũng cần sự cộng tác như thế, để đặt những đòi hỏi chung lên trên tư lợi”.

Đức Thánh cha cầu mong những cam kết đã được đưa ra trong cuộc chiến chống những thay đổi khí hậu ngày càng được mọi nước chia sẻ và thực thi, chứ không phải chỉ là những cam kết ngoài mặt. “Việc làm phải đi theo lời nói để các con cháu không phải trả giá vì sự giả hình của cha ông như đã xảy ra bao nhiêu lần”.

Vấn đề di dân

Đức Thánh cha không quên nhắc đến vấn đề di dân. Càng ngày càng có những người di dân cập bến Hy Lạp và nhiều khi số người này vượt quá số dân tại những đảo họ đến, làm gia tăng những khó khăn mà dân chúng tại đó vốn đã chịu vì khủng hoảng kinh tế. Về mặt này, Đức Thánh cha đặc biệt phê bình thái độ trì hoãn của Âu châu: “Cộng đồng Âu châu, bị xâu xé vì sự ích kỷ quốc gia, thay vì là động lực lôi kéo tình liên đới, nhiều khi có vẻ bị mắc kẹt và thiếu phối hợp. Trước kia sự xung đột ý thức hệ đã cản trở việc xây dựng những cây cầu giữa đông và tây Âu, thì ngày nay vấn đề di cư cũng mở ra những lỗ hổng giữa bắc và nam. Tôi muốn tái kêu gọi Âu châu hãy có một cái nhìn tổng thể và cộng đồng đứng trước vấn đề di cư và tôi khích lệ quan tâm đến những người gặp khó khăn nhất, để theo khả năng của mỗi người, người di dân được đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập trong sự tôn trọng hoàn toàn các nhân quyền và phẩm giá của họ. Điều này không phải là một cản trở hiện tại nhưng đúng hơn là một bảo đảm cho tương lai vì đó là một dấu hiệu sống chung hòa bình với những người ngày càng bị bó buộc phải trốn chạy để tìm kiếm một gia cư và tìm hy vọng”.

Cám ơn chính phủ Hy Lạp nhìn nhận Công giáo

Về Giáo hội Công giáo tại Hy Lạp, Đức Thánh cha tái bày tỏ lòng biết ơn vì chính phủ nước này đã công khai nhìn nhận Cộng đồng Giáo hội và ngài cam kết ý chí của Giáo hội thăng tiến công ích trong xã hội Hy Lạp, theo chiều hướng đặc tính đại đồng của Giáo hội Công giáo, đồng thời Đức Thánh cha cầu mong rằng trong thực hành Giáo hội Công giáo tại nước này luôn được bảo đảm những điều kiện cần thiết để chu toàn việc phục vụ.”

Sau cuộc gặp gỡ chung trên đây, Đức Thánh cha còn dừng lại ở phòng Bizantine và ký vào sổ danh dự và trao đổi quà tặng với Tổng thống, trước khi giã từ để về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách đó gần 6 cây số để cùng bữa trưa và nghỉ ngơi, lúc 1 giờ 30.

Tòa Thánh và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau trên cấp đại sứ từ năm 1979, tuy rằng từ năm 1834, Tòa Thánh đã có vị Khâm sứ, không có tư cách ngoại, Đại diện Đức Giáo hoàng trước mặt Giáo hội Công giáo ở Hy Lạp.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube