Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (Acs) đã quyết định hỗ trợ 8 triệu euro cho các nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan ở châu Phi.
Ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch điều hành của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết, trong năm 2020, châu Phi đã phải chịu đựng nhiều đau khổ do bạo lực và trở thành “lục địa của các vị tử đạo”. Bạo lực, cưỡng bức di dời và giết hại các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể. Ông hy vọng, sự giúp đỡ của Tổ chức Giáo hoàng có thể giúp giảm bớt đau khổ cho người dân ở châu lục này.
Trong một tuyên bố, Tổ chức viết: “Trong những năm gần đây, ở một số quốc gia châu Phi, các Kitô hữu đã trở thành mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan, không có lục địa nào lại có nhiều linh mục, tu sĩ và nhân viên Giáo hội bị sát hại nhiều như vậy. Và mặc dù bị bách hại, Giáo hội Công giáo ở châu Phi lại là một lực lượng hỗ trợ quan trọng, hòa giải và hàn gắn cho đất nước. Chính vì thế, theo Tổ chức, hơn bao giờ hết cần phải hỗ trợ khẩn cấp cho các Giáo hội châu Phi”.
Tổ chức bác ái quốc tế đã phát động một chiến dịch với tên gọi “Chữa lành vết thương của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở châu Phi”. Chiến dịch bao gồm một số dự án với tổng số tiền là 8 triệu euro.
Ưu tiên của Giáo hội ở châu Phi là xây dựng một cuộc đối thoại liên tôn, vì thế tại Bamako, thủ đô của Mali, một quốc gia đa số là Hồi giáo, chiến dịch này giúp xây dựng một Viện Đào tạo Hồi giáo-Kitô giáo, trong khuôn viên trường đại học. Điều này cho phép nhiều sinh viên tham gia các khóa học liên tôn hơn.
Nhưng vì hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được bằng cách chữa lành những tổn thương tâm lý cho những ai đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng bố Hồi giáo. Tại Giáo phận Maiduguri, Nigeria, chế độ khủng bố Boko Haram đã để lại hai ngàn góa phụ bị tổn thương và hàng ngàn trẻ mồ côi, chiến dịch đang hỗ trợ xây dựng một trung tâm đào tạo các chuyên gia tâm lý.
Đối với các linh mục và các nữ tu, cần giúp đỡ để sống ơn gọi trong những điều kiện nguy hiểm, chiến dịch khuyến khích các khóa tĩnh tâm và đào tạo linh đạo. Ý tưởng này được thực hiện ở Burkina Faso, Camerun, Nigeria và Trung Phi.
Ngoài ra, Tổ chức hỗ trợ sinh kế cho các linh mục qua các bổng lễ và tài trợ các phương tiện giao thông và liên lạc. Như tại Giáo phận Pemba, phía bắc Mozambique, Tổ chức giúp 26 nữ tu làm việc trong khu vực bị ảnh hưởng bởi các chiến binh thánh chiến và hỗ trợ hơn 750 ngàn người đã rời bỏ nhà cửa vì sợ hãi.
Để giữ cho đức tin được sống, điều quan trọng cũng là giúp các cộng đoàn xây dựng lại nhà thờ và cơ sở tôn giáo bị tàn phá bởi bạo lực Hồi giáo. Vì lý do này, tại Niger, ở thành phố Zinder, cộng đoàn Kitô hữu đang nhận được sự hỗ trợ cho việc xây dựng lại một nhà thờ giáo xứ bị phá hủy vào năm 2015. (CSR_2998_2021)
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va