Bài giảng thứ ba của ĐHY Raniero Cantalamessa trong Mùa Chay

ĐHY Raniero Cantalamessa giảng Mùa Chay (ANSA)

Sáng thứ Sáu 12/3/2021, tại Đại thính đường Phaolô VI, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa đã có bài giảng thứ Ba trong Mùa Chay dành cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma. Lấy đoạn Tin Mừng “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15) làm chủ đề cho bài suy niệm, Đức Hồng y diễn giải và nhấn mạnh về đức tin trong “thần tính của Đức Kitô” và quyền năng cứu độ của Người.

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật trong các sách Tin Mừng

Sau khi nhắc lại lời tuyên xưng đức tin của Kitô hữu: Đức Kitô là Thiên Chúa, được Giáo hội công bố trong Công đồng Nicêa 325, cũng như những khó khăn trong việc bảo vệ tín điều của Giáo hội trong những thế kỷ qua và cho đến ngày nay, Đức Hồng y mời gọi mọi người hãy tạm gác những gì thế gian nghĩ, và đánh thức trong chính mình đức tin vào thần tính của Đức Kitô. Một đức tin được chiếu sáng và được sống. Sở dĩ như vậy là bởi vì, ngay cả ngày nay Chúa Giêsu cũng không quan tâm đến những gì “dân chúng” nói về Người, nhưng là những gì các môn đệ nói. Chúa luôn hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16,15).

Và để làm được điều này, cần phải khởi đi từ các sách Tin Mừng.

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, thần tính của Chúa Giêsu không bao giờ được tuyên bố cách công khai, nhưng được biểu lộ liên tục. Một số đoạn cho thấy điều này: “Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mt 9, 6); “Không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha và không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con” (Mt 11, 27); “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25, 31-32). Ở đoạn Tin Mừng Matthêu này, Đức Hồng y đặt câu hỏi: Ai nếu không phải là Thiên Chúa có thể nhân danh chính mình để tha tội và xưng mình là thẩm phán cuối cùng của nhân loại và lịch sử?

Và ngài giải thích tiếp: Chỉ cần một sợi tóc người ta có thể tái tạo lại DNA của một người, thì cũng vậy, chỉ cần một đoạn Tin Mừng được đọc không định kiến chúng ta sẽ có thể tái tạo DNA của Chúa Giêsu. Sự siêu việt thần tính của Đức Kitô theo đúng nghĩa đen được tuôn trào từ mỗi trang Tin Mừng.

Đối với Tin Mừng Gioan, Đức Hồng y nói: Chủ đề chính trong Tin Mừng Gioan là thần tính của Đức Kitô, và đây là chủ để thống nhất mọi sự. Thánh sử kết thúc Tin Mừng bằng cách nói: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”(Ga 20,31), và những lời để kết thúc thư thứ nhất cũng tương tự như vậy: “Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời” (1Ga 5, 13).

Đức Hồng y giải thích rằng trong Tin Mừng Gioan có rất nhiều cụm từ “Tôi là” được Chúa Giêsu tuyên bố. Đây là một sự kiện quan trọng theo cái nhìn Kitô học của Thánh Gioan. Với “Tôi là”, Chúa Giêsu tự gán cho mình danh mà trong ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã tuyên bố: “Để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta” (Is 43,10)

Tin với cả con tim

Sau khi đã hiểu được một phần nào thần tính của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng, Đức Hồng y hướng mọi người đến việc tuyên xưng đức tin của mỗi người. Ngài trích dẫn thư của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Theo vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, đức tin xuất phát từ tâm hồn, là một hành động “cá nhân”, nghĩa là chỉ có thể được thực hiện giữa cá nhân với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan chúng ta thường nghe Chúa lặp lại câu hỏi: “Con có tin không?” (Ga 9, 35; 11,26); và mỗi lần như vậy câu trả lời được đáp lại từ tâm hồn, tiếng kêu của đức tin: “Lạy Chúa, con tin”. Biểu tượng đức tin của Giáo hội cũng bắt đầu từ cá nhân: “Con tin”, không phải “chúng con tin”. Chúng ta cũng phải chấp nhận trải qua khoảnh khắc này, trải qua cuộc kiểm tra này. Nếu trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Con có tin không?”, một câu trả lời ngay lập tức, không cần suy nghĩ: “Chắc chắn rồi, con tin” và thậm chí chúng ta còn cảm thấy ngạc nhiên khi một người nào đó hỏi chúng ta như vậy. Nhưng thực ra, thần tính của Đức Kitô là đỉnh cao của đức tin. Tin vào một Thiên Chúa đã sinh ra trong máng cỏ và chết trên thập giá! Điều này phải đòi hỏi nhiều hơn là tin vào một Thiên Chúa ở xa con người và hình dung Người theo ý muốn.

Cần phải bắt đầu phá bỏ trong chúng ta, những người tin, những người thuộc về một Giáo hội, sự thuyết phục sai lầm rằng chúng ta có đức tin. Chúng ta phải tái tạo các điều kiện để lấy lại đức tin trong thần tính của Đức Kitô; cần phải canh tân sự thúc đẩy của đức tin.

Đại kết và loan báo Tin Mừng

Khi đức tin được canh tân, không chỉ cá nhân được đổi mới, mà điều này còn mang lại giá trị cho công cuộc đại kết và loan báo Tin Mừng.

Thực tế, có hai công cuộc đại kết có thể thực hiện: Đại kết của đức tin, gồm tất cả những người tin vào Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần; và đại kết của những người không tin, nghĩa là những người giới hạn sự giải thích của họ theo cách riêng hoặc theo triết học.

Có một sự hiệp nhất mới và vô hình đang được hình thành và đi qua các Giáo hội. Sự hiệp nhất vô hình và tinh thần này cần sự phân định thần học và huấn quyền để không bị rơi vào nguy cơ chủ nghĩa cực đoan và chủ quan. Nhưng một khi cám dỗ này đã được thấy trước và vượt qua, đó là một thực tế mà chúng ta không được phép bỏ qua.

Công cuộc đại kết tinh thần thực sự không chỉ bao gồm cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng còn trong sự chia sẻ cùng kinh nghiệm của Thánh Thần. Điều mà Thánh Augustinô gọi là “sự hiệp thông các thánh”, mà một đôi khi, thật đau khổ khi có thể không xảy ra đồng thời với việc chia sẻ các dấu chỉ bí tích.

Về lĩnh vực loan báo Tin Mừng, Đức Hồng y nhấn mạnh: Đức tin vào thiên tính rất quan trọng trong quan điểm loan báo Tin Mừng. Có những tòa nhà bằng kim loại, nếu người ta chạm vào một điểm nhất định nào đó hoặc lấy một viên đá ra, mọi thứ sẽ sụp đổ. Tòa nhà đó là đức tin Kitô, và “tảng đá góc” này của đức tin là thần tính của Đức Kitô. Một khi điều này bị loại bỏ, mọi thứ khác sẽ sụp đổ, bắt đầu từ đức tin vào Ba Ngôi. Thánh Augustinô nói: “Điều vĩ đại không phải là tin rằng Chúa Giêsu đã chết; điều này dân ngoại cũng tin. Nhưng điều vĩ đại thật sự khi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Đức tin của Kitô hữu là sự phục sinh của Đức Kitô”. Điều tương tự cũng phải nói về nhân tính và thần tính của Đức Kitô. Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu là người thật; điều tạo nên sự khác biệt giữa người tin và không tin đó là tin rằng Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa. Đức tin của Kitô hữu là thần tính của Đức Kitô

Biết Đức Kitô là nhận biết những điều tốt lành nơi Người

Với tất cả những quảng diễn về thần tính của Đức Kitô, tới đây Đức Hồng y mời gọi mọi người áp dụng vào chính đời sống đức tin. Ngài nói: Chúng ta đã nghe nói ‘Biết Đức Kitô là nhận biết những điều tốt lành nơi Người’. Đức Hồng y kết thúc bài suy niệm bằng cách nhắc đến những điều tốt lành này có khả năng đáp ứng những nhu cầu sâu xa của con người ngày nay: nhu cầu về ý nghĩa cuộc sống và khước từ cái chết.

Thực vậy, biết Đức Kitô phải mang lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống.

Chúa Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”. (Ga 8,12) Ai tin vào Đức Kitô có thể chống lại cám dỗ lớn về một cuộc sống không có ý nghĩa, đôi khi dẫn đến tự sát. Ai tin vào Đức Kitô thì không bước đi trong bóng tối: người ấy biết mình từ đâu đến, biết mình đi đâu và mình phải làm gì trong lúc này. Trên hết, người này biết mình được một ai đó yêu thương và đã hiến mình để chứng minh tình yêu này.

Chúa Giêsu cũng đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Và sau đó Thánh Gioan Tông đồ đã viết cho các tín hữu: “Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời […] Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời”. (1Ga 5, 13,20). Chính bởi vì Đức Kitô là Thiên Chúa thật, cũng là sự sống đời đời và trao ban sự sống đời đời, nên dù điều này không nhất thiết làm cho chúng ta không còn phải sợ cái chết, nhưng mang lại cho những ai tin vào Chúa một sự chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc với cái chết.

Chúng ta hãy suy nghĩ lại về điều này khi chúng ta tuyên xưng đức tin qua việc đọc kinh Tin Kính. Đức Hồng y mời gọi mọi người cùng tuyên xưng đức tin: Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Ngọc Yến – Vatican News

Trích nguồn: https://www.vaticannews.va

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube