Báo động về tình trạng Giáo Hội thời hậu Covid-19

Hơn kém 6 tháng, sau khi đại dịch Covid-19 lan tràn tại nhiều nước tạo nên tình trạng giới nghiêm và cách ly tại nhiều nước, ảnh hưởng nặng nề tới mọi khía cạnh trong đời sống dân chúng và cả Giáo Hội. Tình trạng giới nghiêm dần dần được giải tỏa tại nhiều nước. ĐTC và một số vị GM đã lên tiếng về những vấn đề thời hậu đại dịch.

Đức Thánh Cha và tình hình thế giới hậu Covid-19

Về phần ĐTC Phanxicô và Tòa Thánh nói chung cũng bị giới hạn rất nhiều. Các thánh lễ có đông tín hữu tham dự cũng như các buổi tiếp kiến chung không còn nữa. Mãi cho đến ngày 2-9-2020, các buổi tiếp kiến chung mới được mở lại ở Sân Thánh Damaso tại dinh Tông Tòa và số người tham dự cũng tương đối ít, khoảng 500 người, một phần vì diện tích của sân này, với biện pháp giãn cách an toàn, và đàng khác, du khách và tín hữu hành hương từ các đại lục khác ngoài Âu Châu kể như không có vì các chuyến bay rất giới hạn.

 Loạt bài giáo lý về hậu đại dịch

Trong bối cảnh đó, mối quan tâm của ĐTC như mục tử hoàn vũ đối với cộng đồng Công Giáo, và đối với nhân loại nói chung nhiều lần thúc đẩy ngài lên tiếng khích lệ cuộc chiến chống Coronavirus và đặc biệt đối với xã hội thời hậu Covid-19, ngài đã dành loạt bài huấn giáo từ sau tháng 7, tháng nghỉ hè của ngài, để giải thích nghĩa vụ của con người, đặc biệt của các Kitô hữu, trong thời kỳ hậu đại dịch, dựa trên Giáo Huấn xã hội Công Giáo.

Ngoài ra, trong đại dịch này, ĐTC cũng hoàn thành thông điệp thứ ba của ngài với tựa đề Tutti Fratelli – ”Tất cả là anh em” – về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, sẽ được ngài ký và đích thân công bố sau thánh lễ cạnh mộ của thánh Phanxicô ở Assisi lúc 3 giờ chiều ngày 3-10 tới đây, ngày áp lễ kính thánh nhân.

Có lẽ các bài và thông điệp này dường như quá lý tưởng, như tiếng vang trong sa mạc, đối với thực trạng thế giới ngày nay, trong đó sự ích kỷ cá nhân, phe nhóm và quốc gia, chiếm ưu thế, nhưng tiếng nói của ĐTC là tiếng nói mạnh mẽ duy nhất được gióng lên trong hoàn cảnh nhân loại ngày nay.

Số tín hữu dự lễ suy giảm

Trong khi ĐTC lo lắng cho cả thế giới, đó đây cũng có một số vị mục tử tỏ ra quan tâm vì tình hình Giáo Hội địa phương bị tổn thương vì đại dịch. Cụ thể là sau những tuần lễ tham dự thánh lễ trực tuyến, khi được mở lại, số tín hữu tham dự thánh lễ giảm sút hẳn. Không có con số chính thức về mức suy giảm này, nhưng nhiều báo chí cho biết có sự suy giảm số người dự lễ từ 30 đến 50% sau khi các thánh lễ được mở lại.

 Đức Cha Sanguineti, GM giáo phận Pavia

Hôm 28-8-2020, Đức Cha Corrado Sanguineti, GM giáo phận Pavia, ở miền bắc Italia, đã cử hành lễ kính thánh Augustino tiến sĩ Hội Thánh, – mộ thánh nhân ở giáo phận này – Đức Cha lên tiếng báo động rằng: ”Số tín hữu xa lìa thánh lễ gia tăng, sau khi tình trạng giới nghiêm chấm dứt”. Trong bài giảng, Đức Cha cũng nhắc đến ”thời kỳ dài, có lẽ quá dài, các thánh lễ được cử hành mà không có sự hiện diện trực diện của giáo dân, nay chúng ta phải nhìn nhận rằng sự xa lìa thánh lễ gia tăng, xa lìa cử chỉ căn bản của đức tin, và chúng ta có nguy cơ trở thành một dân tộc ngày càng bị phân tán”. Đức Cha nói: ”Chúng ta khiêm tốn nhận thực rằng các quảng trường với những sinh hoạt ăn chơi ban tối đầy người, những nơi nghỉ hè và giải trí cũng vậy, và chúng ta cảm thông một ước muốn tiêu khiển, những thời kỳ thanh thản hơn, chung với gia đình và bạn hữu. Nhưng không có nhiều người cảm thấy cần đến với Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa nơi bàn tiêc Lời Chúa và Bánh Sự Sống, và tất cả những điều đó đặt câu hỏi cho chúng ta như những mục tử, như Giáo Hội: những hoàn cảnh của thời nay bày ra ánh sáng một sự nghèo nàn về đức tin trong cuộc sống của bao nhiêu người và những hoàn cảnh ấy yêu cầu chúng ta, trong tư cách là cộng đoàn Kitô hãy để cho mình bị khiêu khích, và thanh tẩy lối sống và việc làm chứng bằng cuộc sống theo Tin Mừng”.

 Kêu gọi trở lại với Thánh Lễ

Và Đức Cha Sanguinetti nói thêm rằng ”Chúng ta cần trở về với Thánh Thể dường nào, cần tái khám phá nguồn mạch ân phúc. Thật là điều thiết yếu dường nào đối với một cộng đoàn thực sự muốn sống và nuôi dưỡng đức tin, cùng nhau cử hành lễ như dân Chúa, quây quần quanh Chúa.. Giữa Thánh lễ và Giáo Hội có một mối liên hệ sâu xa và sinh tử: chính Giáo Hội làm nên Thánh Thể, vì nếu không có các tín hữu đã chịu phép rửa, những người tin nơi Đấng Phục Sinh, tụ họp nhau, quây quanh thừa tác viên chủ sự trong cương vị của Chúa Kitô, thì không có Thánh Thể, Thánh Lễ, thiếu người cử hành, thiếu người lãnh nhận, thiếu người chầu Mình Thánh. Nhưng sâu xa hơn nữa, chính Thánh Thể làm nên Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội như thân mình sinh động của Chúa, Đấng nuôi dưỡng và biến đổi cuộc sống tín hữu của chúng ta”.

ĐHY Antonio Marto, GM Leiria-Fatima

Một vị mục tử khác cũng lên tiếng báo động trong cùng chiều hướng trên đây, đó là ĐHY António Marto, GM giáo phận Leiria-Fátima, Bồ đào nha, qua lá thư mục vụ công bố ngày 7-9-2020, trong đó ngài khẳng định rằng đại dịch Covid-19 đã trở thành một tiếng báo động về sự bỏ lễ chúa nhật nơi nhiều tín hữu. ĐHY viết:

”Nhiều người còn do dự không tham dự thánh lễ Chúa Chật, vì sợ hãi hoặc vì tìm sự thoải mái khác. Chúng ta cảm thấy buồn và lo, đặc biệt vì sự vắng bóng của các cha mẹ, trẻ em và người trẻ. Phải chăng đó là dấu hiệu báo động và cảnh giác mà đại dịch đã tỏ lộ và gia tăng điều đã xảy ra trước đó, nghĩa là các thế hệ trẻ bỏ lễ Chúa Chật?

Thư mục vụ về Thánh Thể

ĐHY Antonio Marto nói lên những quan tâm trên đây trong thư mục vụ tựa đề ”Thánh Thể, cuộc gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Kitô và anh chị em”, qua đó ngài thông báo kế hoạch mục vụ 2 năm, từ năm nay 2020 đến 2022 cho giáo phận thuộc quyền và đề ra các dự án hoạt động trên 3 cấp độ: giáo phận, giáo hạt và giáo xứ.

ĐHY Marto nhận xét rằng thời kỳ bị giới nghiêm vì đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu cầu phải sống thực đức tin. Ngài viết: ”Chúng ta không bao giờ tưởng tượng được những nhà thờ trống rỗng, những buổi lễ cộng đồng bị ngưng lại, cũng như các lớp giáo lý và bao nhiêu hoạt động khác, không thể lãnh nhận các bí tích, rước lễ thực sự, gặp gỡ anh chị em trong cộng đoàn, cử hành lễ nghi an táng xứng đáng cho những người thân yêu qua đời, sống cách ly trong mùa chay, mùa Phục sinh. Tất cả là những thử thách cam go.”

ĐHY Marto cũng nhìn nhận khía cạnh tích cực trong thời kỳ bị giới nghiêm với óc sáng kiến mục vụ, có thể cảm ghiệm đức tin trong gia đình và với gia đình, như một Giáo Hội tại gia. Nay ngài đặc biệt cổ võ một Giáo Hội đi ra ngoài, gần gũi với dân chúng, nhất là nhữngngười đau khổ nhất. Trong bối cảnh đó, ”hai năm mục vụ, trong tình trạng đại dịch và hậu đại dịch, là cơ hội để cộng đoàn và các nhóm xã hội văn hóa được phục hồi sinh động, để đối phó với những hình thức nghèo đói khác nhau, những người đang cần được giúp đỡ.

ĐHY GM Leiria-Fatima không quên cảnh giác rằng nơi nào có chia rẽ, không quan tâm đến tha nhân, không có khả năng chia sẻ, khép kín vào mình, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, loại bỏ người nghèo và những người yếu thế, thì tại những nơi đó “Thánh Thể bị xúc phạm”.

Giuse Trần Đức Anh OP

Trích nguồn: https://www.vaticannews.va

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube