Hôm 28-12-2020, Đức Thánh Cha đã ban hành Tự sắc tựa đề ”Một công việc tổ chức tốt đẹp hơn” (Una migliore organizzazione) với những qui luật rõ ràng về việc quản trị các ngân khoản trước đây thuộc quyền quản lý của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, như thế là thêm một bước tiến mới, quyết liệt và quan trọng trong việc cải tổ tài chánh của Tòa Thánh.
Bãi bỏ vai trò tài chánh của Phủ Quốc Vụ Khanh
Thật ra vấn đề này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định trong thư đề ngày 25/8/2020, theo đó tất cả các khoản tiền cho đến nay do Phủ Quốc vụ khanh quản lý, sẽ được nhập vào kết toán chi thu của Tòa Thánh và do Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh quản lý, với sự kiểm soát của Bộ Kinh Tế.
Những vụ “xì căng đan”
Từ trước đến nay, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh giúp Đức Thánh Cha quản trị các ngân khoản như “Đồng tiền Thánh Phêrô” hoặc các khoản tiền khác trực thuộc Đức Thánh Cha. Việc quản lý này không phải trình báo cho cơ quan nào khác của Tòa Thánh ngoài Đức Thánh Cha, và không thuộc ngân sách được công bố của Tòa Thánh hoặc quốc gia thành Vatican. Tuy nhiên trong thời gian qua có những những xì căng đan, ví dụ số tiền hằng trăm triệu Euro bị thất thoát trong cuộc đầu tư vào việc mua ngôi nhà ở Luân Đôn, Anh Quốc; hoặc quỹ Centurione do ông Enrico Crasso quản lý bị thiếu hụt 4,6% trong năm 2018 và đồng thời bị chi phí 2 triệu Euro, khiến cho người ta đặt câu hỏi về việc sử dụng tài chánh của Vatican có khôn ngoan hay không.
Phủ Quốc vụ khanh cũng phải hoạt động theo ngân sách đã được phê chuẩn, giống như các cơ quan khác của Tòa Thánh, ngoại trừ những vấn đề mật, được đệ trình và phê chuẩn do một Ủy ban đặc nhiệm về việc này.
Nội dung luật mới
Tự sắc mới Đức Thánh Cha ban hành ngày 28/12/2020, như một luật gồm 4 điều khoản, qui định chi tiết hơn việc quản lý các ngân khoản trước đây thuộc quyền quản lý của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trong đó có “Đồng tiền Thánh Phêrô” (Obolo di San Pietro), ngân khoản riêng tùy ý Đức Thánh Cha sử dụng, thuộc vào số tiền do các tín hữu dâng cúng.
Tự sắc nhắm giảm bớt số những vị trách nhiệm về kinh tế của Tòa Thánh và tập trung việc quản trị, quản lý và những quyết định kinh tế và tài chánh trong các cơ quan tương ứng. Trong tự sắc, Đức Thánh Cha qui định rằng các ngân khoản trước đây do Phủ Quốc Vụ Khanh quản lý nay phải chuyển cho cơ quan “Quản trị tài sản của Tòa Thánh”, gọi tắt là Apsa, trước ngày 4/2/2021.
Giải thích của Đức Cha Chủ tịch Apsa
Đức Cha Nunzio Galantino, Chủ tịch cơ quan Apsa của Tòa Thánh, giải thích rằng lợi điểm của qui luật mới là hữu lý hóa và quản trị minh bạch hơn tài chánh của Tòa Thánh. Nếu cho đến nay có một Cơ Quan (cụ thể là Apsa) có nhiệm vụ quản trị các ngân khoản và bất động sản của Tòa Thánh, thì không cần có một văn phòng tương tự thuộc Phủ Quốc vụ khanh nữa. Nếu đã có một cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát các khoản đầu tư và chi tiêu, như Bộ kinh tế, thì không cần Phủ Quốc vụ khanh phải có một văn phòng để thi hành cộng việc tương tự.
Từ trước đến nay, các chi phí của Đức Thánh Cha cũng như việc sử dụng đồng tiền Thánh Phêrô do các tín hữu đóng góp, từ 50 đến 70 triệu Mỹ kim hằng năm, do Phủ Quốc vụ khanh đảm trách, và không cần phải thông báo cho ai ngoại trừ Đức Thánh Cha, thì nay không còn như vậy nữa.
Lập Quỹ Giáo Hoàng
Khoản số 2 của Tự Sắc của Đức Thánh Cha qui định rằng Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (Apsa) sẽ thiết lập ngân khoản gọi là ”Quỹ Giáo Hoàng” (Fondi Papali) và trình bày trong kết toán chi thu của Tòa Thánh một các minh bạch. Trong quỹ này có số tiền gọi là “Đồng tiền Thánh Phêrô”, và tiếp đến là “Quỹ tùy thuộc Đức Thánh Cha quyết định sử dụng” (Fondo Discrezione del Santo Padre). Để rút và chi các số tiền này, phải có chữ ký của Chủ tịch cơ quan Apsa và của Bộ trưởng kinh tế. Vị này trước đó phải kiểm chứng xem việc chi như thế có đáp ứng các qui định hay không.
Quyết tâm của Đức Thánh Cha
Qua quy luật mới, Đức Thánh Cha tái bày tỏ quyết tâm của ngài cũng như của Giáo triều Roma muốn đạt tới một sự minh bạch, hiệu năng hơn trong việc kiểm soát và thích ứng hơn kinh tế của Tòa Thánh với sứ mạng của Giáo Hội, làm sao để Dân Chúa khi quảng đại hỗ trợ sứ mạng của Giám Mục Roma, họ có thể thi hành việc dâng cúng này trong sự tin tưởng những đóng góp của họ được quản trị một cách thích hợp, minh bạch và được kiểm soát phải phép.
“Giảm bớt quyền bính của Phủ Quốc Vụ khanh”
Một số báo chí bình luận rằng với qui luật mới, Đức Thánh Cha tước bỏ quyền bính và tầm quan trọng của Phủ Quốc vụ khanh, vốn được coi là cơ quan quan trọng nhất của Tòa Thánh, nay bị “giáng xuống” thành một cơ quan giống như các cơ quan khác: cụ thể là cũng phải làm ngân sách dự chi, chờ được cứu xét và phê chuẩn và phải làm kết toán chi thu mỗi năm, và chịu sự kiểm soát của Bộ Kinh Tế. Phủ Quốc vụ khanh từ nay chỉ lo về chính sách đối ngoại và cả những vấn đề nội bộ của Giáo Hội, nhưng không thể chi dụng và quản lý tiền bạc mà không chịu sự kiểm soát minh bạch của Bộ kinh tế hay Cơ quan Apsa.
Tránh những cơ hội gây xì-căng-đan
Với các biện pháp trên đây, trước hết Tòa Thánh sẽ tránh được những vụ xì-căng-đan tài chánh do một số quan chức trong Phủ Quốc vụ khanh gây ra, hoặc họ lạm dụng quyền bính, can dự vào những vụ đầu tư, bị những doanh nhân người Ý làm trung gian, đòi tiền phí tổn thương lượng hàng chục triệu Euro. Ngoài ra cũng tránh được tình trạng những Đức Ông không ”rành nghề” trong việc quản lý tiền bạc, bị lường gạt dễ dàng.
Hy vọng cải tiến khó khăn tài chánh
Tòa Thánh hy vọng với thời gian sẽ tiếp tục vượt qua được tình trạng tài chánh khó khăn từ lâu nay. Năm 2018, ngân sách Tòa thánh bị hụt mất 75 triệu Euro. Năm 2019, số thiếu hụt này được giảm xuống còn 11 triệu Euro. Nhưng rồi năm 2020 vừa qua, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề về tài chánh cho Vatican: Bảo tàng viện Vatican, một nguồn thu quan trọng, bị tan biến vì virus corona ngăn chặn các du khách và các khách hành hương.
Phục hồi sự tín nhiệm
Ngoài ra, với thời gian, Tòa Thánh sẽ phục hồi được sự tín nhiệm của các tín hữu khi họ dâng cúng và giúp đỡ tài chánh cho Tòa Thánh, họ được biết rằng số tiền họ đóng góp được sử dụng minh bạch như thế nào, đặc biệt vào mục tiêu giúp Đức Thánh Cha có phương tiện làm việc bác ái, trợ giúp các lãnh vực của Giáo Hội cần được nâng đỡ. Ngoài ra, cuộc điều tra tư pháp về vụ đầu tư mua căn hộ ở Luân Đôn hoặc vụ quỹ Centurione do ông Enrico Crasso quản lý bị thiếu hụt 4,6% trong năm 2018 và đồng thời bị chi phí 2 triệu Euro, nói trên đây, sẽ xác định rõ trách nhiệm của những người liên hệ và điều này cũng có thể góp phần phục hồi sự tín nhiệm của các tín hữu.
G. Trần Đức Anh OP
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va