Trong cuộc trò chuyện với Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) về phúc trình “Các cuộc tấn công nhằm vào các Kitô hữu ở Israel và Đông Giêrusalem”, bà Hana Bendcowsky nhân viên của Trung tâm Rossing cho biết các Kitô hữu chịu các cuộc tấn công dưới hai hình thức.
Trước hết là phá hoại các nơi thờ phượng, đập vỡ ảnh tượng, như trường hợp ở Nhà thờ Flagellation. Những cuộc tấn công bạo lực này được thực hiện chủ yếu bởi những người Do Thái cực đoan chính thống trẻ, bị gạt ra ngoài lề xã hội với quan điểm dân tộc không khoan nhượng. Bên cạnh đó là các hành động phá hoại tài sản của các Kitô hữu, phá hoại nghĩa trang và làm gián đoạn các dịch vụ.
Hình thức thứ hai của bạo lực chống các Kitô hữu là trường hợp các linh mục bị khạc nhổ, hoặc các nữ tu bị yêu cầu tháo Thánh giá khi đến bệnh viện. Những người thực hiện hành vi này là cộng đồng Do Thái cực đoan, gồm mọi thành phần cả trẻ lẫn lớn tuổi.
Viện phụ Nikodemus Schnabel của đan viện Biển Đức Dormition, ở Đông Giêrusalem, cho biết hành vi khạc nhổ diễn ra hàng ngày. Ngài nói: “Tất nhiên có nhiều người Do Thái tốt, nhưng sự thật đáng buồn là hiện tượng này không phải là hiếm. Đan viện chúng tôi cũng đã phải chịu các cuộc tấn công đốt phá, vẽ bậy với những thông điệp hận thù. Hiện tượng này ngày càng gia tăng”.
Bà Bendcowsky cho rằng 30 vụ việc được ghi nhận vào năm ngoái có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng. Phúc trình chỉ ra rằng nếu cảnh sát can thiệp thì tình hình đỡ hơn. Chẳng hạn, sự hiện diện của cảnh sát tỏ ra có hiệu quả trong việc chấm dứt tình trạng biểu tình tại tu viện Sao Biển ở Haifa, bởi những người theo rabbi Eliezer Berland gây tranh cãi.
Theo Trung tâm Rossing, sau các cuộc tấn công nhổ nước bọt vào những người hành hương vào tháng 10/2023, rabbi trưởng Sephardic Yitzhak Yosef nhấn mạnh rằng những hành động như vậy không phải là một phần của Do Thái giáo. Còn rabbi trưởng Ashkenazi David Lau tuyên bố hành vi nhổ nước bọt vào các Kitô hữu là vi phạm luật Do Thái.
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh ở Giêrusalem, ca ngợi Trung tâm Rossing vì đã ghi lại những trường hợp này. Ngài nói: “Chúng tôi cần biết chuyện gì đang xảy ra, số các cuộc tấn công và ai thực hiện chúng để thông báo cho chính quyền. Ngay cả khi họ không làm gì, họ cũng không thể nói rằng điều đó không xảy ra”.
Trong hơn một thập kỷ, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã hỗ trợ Trung tâm Rossing với một số dự án, bao gồm chương trình “Phát triển sự tha thứ, vượt qua sự thù hận” nhằm quy tụ những người trẻ Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo và giúp họ chung sống hòa bình với nhau.
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va