Ngày 08/9/2022, Đại hội lần thứ 11 của Hội đồng các Giáo hội Kitô kết thúc. Các Giáo hội tuyên bố “Cuộc chiến ở Ucraina là bất hợp pháp và phi lý, chống lại chính bản chất và ý muốn của Chúa đối với nhân loại và chống lại các nguyên tắc cơ bản của Kitô hữu và đại kết”.
Đại hội lần thứ 11 của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô diễn ra từ ngày 31/8 đến 08/9 tại thành phố Karlsruhe, nam Đức, với chủ đề “Tình yêu Chúa Kitô dẫn thế giới đến hoà giải và hiệp nhất”. Cuộc gặp gỡ của 660 đại biểu của các Giáo hội và hơn 2.000 tham dự viên đến từ khắp nơi trên thế giới đã kết thúc bằng một cử hành phụng vụ chung.
Trong ngày kết thúc, các tham dự viên đã đưa ra một tuyên bố chung. Một điểm trong tuyên bố liên quan đến cuộc chiến tại Ucraina. Tuyên bố viết: “Cuộc chiến ở Ucraina là bất hợp pháp và phi lý, chống lại chính bản chất và ý muốn của Chúa đối với nhân loại và chống lại các nguyên tắc cơ bản của Kitô hữu và đại kết của chúng ta”.
Từ đây, các Giáo hội Kitô trên toàn thế giới kêu gọi anh chị em tín hữu và các lãnh đạo các Giáo hội ở Nga và Ucraina lên tiếng phản đối sự chết chóc, tàn phá tiếp diễn và khiến người dân Ucraina phải trốn chạy. Các Giáo hội nhắc lại rằng, cho tới nay đã có hơn 13.000 nạn nhân là thường dân Ucraina, và các thành phố như Mariupol bị san bằng, và hiện đã có gần 14 triệu người-gần 1/3 dân Ucraina-phải bỏ nhà cửa ra đi.
Đại hội Karlsruhe kết thúc với một lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình: “Là các Kitô hữu đến từ các nơi trên thế giới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để ngăn chặn chết chóc và hủy diệt, đồng thời đối thoại và đàm phán để đảm bảo một nền hòa bình bền vững. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên xung đột tôn trọng các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt đối với việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, và đối xử nhân đạo với các tù nhân chiến tranh”.
Hướng về tương lai, Đại hội xác nhận: “Nhiệm vụ tái thiết sau chiến tranh sẽ rất khó khăn và lâu dài, với những chi phí nhân đạo, tài chính và sinh thái to lớn. Các Giáo hội được kêu gọi đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành ký ức, hòa giải và chăm sóc hỗ trợ. Chúng tôi nhận ra rằng trong chiến tranh không có ‘người chiến thắng’ và không ai được dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề”.
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va