Các Giám mục viết: “20 năm sau khi Liên hiệp Âu châu được mở rộng là một cột mốc quan trọng trong quá trình châu Âu hoá của Liên hiệp, một bước tiến hướng tới cái gọi là bằng chứng mạnh mẽ cho thời đại chúng ta về sự cộng tác huynh đệ trong việc tìm kiếm hoà bình, và bắt nguồn từ các giá trị chung có thể thắng vượt xung đột và chia rẽ”.
Các vị mục tử nhận xét rằng bên cạnh sự hội nhập chính trị và kinh tế vững chắc, một cuộc đối thoại đích thực giữa các quốc gia, văn hoá, kinh nghiệm lịch sử và bản sắc vẫn chưa phát triển trong xã hội châu Âu. Vì thế chỉ khi nào ý thức thuộc về cùng một cộng đồng và chia sẻ trách nhiệm thì tinh thần châu Âu mới thực sự phát triển trọn vẹn. Niềm tin trong Liên hiệp có thể bị suy yếu và việc tạo ra sự thống nhất có thể bị tổn hại bởi những nỗ lực muốn đặt lợi ích cá nhân và tầm nhìn hạn hẹp trên công ích.
Các Giám mục Âu châu cũng nhắc lại rằng quá trình gia nhập châu Âu là một quy trình hai chiều. Trước hết, yêu cầu các quốc gia mong muốn theo đuổi cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực quan trọng, như nhà nước pháp quyền, củng cố các thể chế dân chủ, các quyền cơ bản, gồm quyền tự do tôn giáo và tư do báo chí, cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức, “tránh tiêu chuẩn kép trong cách đối xử với các nước ứng cử viên”. Và đối với Liên hiệp Âu châu, việc mở rộng phải được coi là “cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng về một châu Âu thống nhất, bắt nguồn từ sự liên đới thực tế” đặc biệt đối với “những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”, như lý tưởng của những người sáng lập.
Tuyên bố kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng tầm nhìn của Thánh Gioan Phalô II vẫn còn sống động, về một châu Âu có khả năng “thở bằng hai lá phổi”. Và điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các Giám mục châu lục trong cuộc gặp gỡ năm ngoái, biết cách bảo vệ “sự hiệp nhất trong đa dạng” bằng cách sống các nguyên tắc liên đới, tôn trọng các truyền thống và văn hoá, tránh con đường áp đặt ý thức hệ.
Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va