Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ đã thông qua sáng kiến ủng hộ hiến tạng dựa trên sự suy đoán ưng thuận, các Giám mục lên tiếng cho rằng tốt hơn cần có một “tuyên bố tự nguyện”.
Sáng kiến ủng hộ hiến tạng dựa trên sự suy đoán ưng thuận được đưa ra từ năm 2019. Hệ thống này nhằm giảm thời gian chờ đợi cho những người cần cấy ghép nội tạng. Với quy định này, trong tương lai, ai không muốn hiến bộ phận cơ thể sau khi chết, phải tuyên bố rõ ràng, nếu không, quy tắc im lặng sẽ được áp dụng, nghĩa là đồng ý.
Nhận thấy quy định này không phù hợp với luân lý đạo đức, Ủy ban về Đạo đức Sinh học của Hội đồng Giám mục đã đề xuất một hệ thống khác, đó là “tuyên bố tự nguyện”. Theo các Giám mục, điều này phù hợp với “ luân lý đạo đức hơn”.
Các Giám mục viết trong một lưu ý: “Trong nhiều năm, Hội đồng Giám mục đã khuyến khích việc hiến tạng. Tuy nhiên, cho đến nay, không có nghiên cứu nào đã có thể chứng minh tính hữu hiệu của sự suy đoán ưng thuận. Bởi vì trong 66% trường hợp, người thân không biết quyết định của người chết liên quan đến vấn đề này và vì vậy để đề phòng, chúng tôi phản đối việc lấy nội tạng theo cách này”.
Vì điều này, Ủy ban Đạo đức Sinh học “ủng hộ nguyên tắc tự quyết, theo đó mọi điều liên quan đến hiến tạng phải là kết quả của một ưng thuận tự do và được thông tin đầy đủ”. Các Giám mục đề nghị một “tuyên bố tự nguyện”, theo đó người dân sẽ được “thường xuyên mời từ chối, chấp nhận hoặc ủy quyền quyết định hiến tạng cho một người đáng tin cậy, điều này sẽ tốt hơn cả về mặt đạo đức và mặt hiệu quả”. Theo các Giám mục, thực tế, việc này có thể làm tăng số người hiến tạng, bằng cách thông tin cho người dân, để lại quyền tự do chọn lựa cho mỗi cá nhân và để giúp cho gia đình trong quyết định khó khăn này.
Trong phần kết luận của lưu ý, Ủy ban Giám mục đề nghị Hội đồng Quốc gia đưa ra một đề án khác, như hệ thống “tuyên bố tự nguyện”, phù hợp với đạo đức và hiệu quả hơn.
Liên quan đến việc hiến các bộ phận của cơ thể, vào năm 2019, dịp gặp gỡ Hiệp hội hiến tạng, mô và tế bào của Ý, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng, những phát triển trong y học cấy ghép đã giúp cho việc hiến tạng sau khi chết trở nên có thể, và trong một số trường hợp ngay cả khi còn sống như trường hợp hiến thận; để duy trì, phục hồi và cải thiện sức khỏe của nhiều người bệnh mà không còn cách nào khác. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc hiến tặng đối với người cho, người nhận và với xã hội, không được dừng lại chỉ ở “tiện ích sử dụng”, vì đây là một kinh nghiệm sâu xa của con người với đầy tình yêu và vị tha. Hiến tặng nội tạng không chỉ phát sinh như một hành động trách nhiệm xã hội, mà còn là một biểu hiện của tình huynh đệ phổ quát gắn kết tất cả mọi người nam nữ với nhau. (CSR_3408_2021)
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va