Nhân cuộc họp của nhóm G7 bắt đầu từ thứ Sáu 11/6 và kéo dài ba ngày tại Vương quốc Anh, Caritas Quốc tế kêu gọi Bảy quốc gia có nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, xóa nợ cho các nước nghèo.
Trong một tuyên bố gửi đến Nhóm G7, chiếm khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu, gồm các nước: Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ, ông Aloysius John, Tổng Thư ký của Caritas Quốc tế, liên minh toàn cầu của 165 tổ chức cứu trợ, phát triển và dịch vụ xã hội Công Giáo, nhận định: “Cũng giống như cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, không thể tái xây dựng tốt nếu không xóa nợ cho các nước nghèo và tái đầu tư vào việc ứng phó và phục hồi hậu Covid-19”. Theo ông Tổng Thư ký, các nước G7 phải đi đầu trong việc ứng phó và phục hồi để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và hỗ trợ một phục hồi xanh, công bằng. Và bước đầu tiên là xóa nợ, kể cả cho các chủ nợ tư. Đây là cách nhanh nhất để chuyển tài chính đến nơi cần thiết nhất.
Tổng Thư ký của Caritas Quốc tế chỉ ra rằng, qua sự hiện diện ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, Liên minh Caritas đã thấy được những hậu quả nặng nề của nợ nần đối với người dân ở các nước đang phát triển. Như Zambia, hàng năm phải sử dụng 45% ngân sách quốc gia để giải quyết khoản nợ khổng lồ. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao một đất nước có thể tái thiết với một gánh nặng như vậy?”. Ông cho biết thêm, do gánh nặng này, Zambia không có đủ nguồn lực để củng cố hệ thống y tế quốc gia trước tình trạng khẩn cấp do đại dịch gây ra. Và chỉ riêng các chính phủ châu Phi dự kiến sẽ phải thanh toán 23,4 tỷ đô la tiền nợ cho các chủ nợ tư nhân vào năm 2021, cao gấp ba lần chi phí mua vắc-xin cho toàn châu lục.
Đại diện tổ chức bác ái quốc tế đưa ra 4 yêu cầu đối với các thành viên G7: Đầu tiên, ngoài việc ngừng thanh toán nợ cho các chủ nợ tư nhân, Caritas Quốc tế yêu cầu các chính phủ G7 cam kết khám phá các lựa chọn lập pháp khuyến khích các chủ nợ tư tham gia vào các sáng kiến giảm nợ. Thứ hai, kêu gọi Nhóm G7 huy động tài trợ để đáp ứng các nhu cầu trước mắt do Covid gây ra, và hỗ trợ phục hồi sinh thái một cách công bằng, không làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ ở Nam bán cầu. Yêu cầu thứ ba liên quan đến vấn đề mới về Quyền rút vốn đặc biệt (Dsp), để các nước chậm phát triển được hỗ trợ nhiều hơn và nợ của họ không tăng lên. Thực tế, Quyền này là quyền có được một hoặc nhiều tiền tệ có thể sử dụng tự do được giữ trong kho dự trữ chính thức của các nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Cuối cùng, lời kêu gọi thứ tư liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu, Caritas Quốc tế mời gọi G7 cam kết chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va