
Caritas Quốc tế và 124 vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi Nhóm 20 quốc gia giàu nhất thế giới, thường gọi là G20 thực hiện các bước cụ thể của Năm Thánh, để chấm dứt nợ của các nước nghèo, khi phải chi nhiều vào việc trả nợ hơn là cho y tế và giáo dục.
Caritas Quốc tế và 124 vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi Nhóm 20 quốc gia giàu nhất thế giới, thường gọi là G20 thực hiện các bước cụ thể của Năm Thánh, để chấm dứt nợ của các nước nghèo, khi phải chi nhiều vào việc trả nợ hơn là cho y tế và giáo dục.
Lời kêu gọi xoá nợ của Caritas Quốc tế và 124 vị lãnh đạo tôn giáo được đưa ra trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính của Khối G20 sẽ họp tại Johannesburg, Nam Phi trong tuần này, để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thường niên diễn ra vào tháng 11 tới.
Nhấn mạnh gánh nặng trả nợ không cân xứng đối với các nước đang phát triển, làm chệch hướng các nguồn lực khỏi các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục và khả năng phục hồi khí hậu, văn bản công bố viết: “Là những lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi rất lo ngại về tác động khủng hoảng nợ hiện nay đối với cuộc sống của người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Theo các vị lãnh đạo tôn giáo, so với Đại Năm Thánh 2000, hiện nay, việc xoá nợ cho các nước nghèo là một nhu cầu cấp bách hơn, vì “3,3 tỷ người – gần một nửa dân số thế giới – đang sống ở những quốc gia chi nhiều tiền cho việc trả nợ hơn là cho y tế, giáo dục hoặc các biện pháp quan trọng về khí hậu”.
Trong thư, các vị lãnh đạo tôn giáo còn kêu gọi cải cách pháp lý để đảm bảo các chủ nợ tư, là những người đang nắm giữ phần lớn nợ của các nước nghèo, tham gia vào các nỗ lực cứu trợ thay vì sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu hoàn trả các khoản nợ không bền vững; kêu gọi sắp xếp lại các tổ chức tài chính quốc tế để các tổ chức này quan tâm hơn đến các quốc gia đang mắc nợ và chú ý hơn đến các yêu cầu xã hội và môi trường.
Cuối cùng, thư kêu gọi thành lập Công ước của Liên Hiệp Quốc về nợ nhằm thực thi các hoạt động cho vay và vay có trách nhiệm, tạo ra các quy định minh bạch và đưa ra một sổ đăng ký nợ toàn cầu để tăng cường trách nhiệm giải trình.
Những người ký tên nhấn mạnh rằng việc thực hiện những thay đổi này không chỉ giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện tại, nhưng còn thúc đẩy một hệ thống tài chính thế giới công bằng và bền vững hơn. Thư kết luận: “Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi kêu gọi quý vị hãy là những người hành hương hy vọng, hành động với sự can đảm, liên đới và lòng trắc ẩn trong Năm Thánh này”.
Vatican News
Trích nguồn: vaticannews.va