Đức Hồng Y viết: “Đối với chúng ta, các Kitô hữu, hoà bình không chỉ là một trong những khía cạnh của đời sống Giáo hội, nhưng đúng hơn hoà bình và việc theo đuổi hoà bình là điều thiết yếu đối với căn tính và sứ vụ của Giáo hội. Trên hết, trước khi trở thành hành động mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta, hoà bình nói với chúng ta về căn tính của Chúa. Sứ vụ của Giáo hội là loan báo Thiên Chúa, và khuôn mặt của Chúa trên hết là khuôn mặt của hoà bình”.
Về sứ vụ của Giáo hội tại Thánh Địa, Đức Hồng Y đề cập đến hai hình ảnh trong sách Khải Huyền: lều và Tân Nương. Theo một nghĩa nào đó, đây là căn tính của Giêrusalem. Ngài nhấn mạnh: “Giêrusalem từ trời xuống là thành nơi Thiên Chúa hiện diện, được tượng trưng bằng căn lều, và có sự gần gũi mật thiết với Đấng Tạo Hoá, được miêu tả là Tân Nương”.
Theo Đức Thượng Phụ, điều này cho chúng ta biết đôi điều về cuộc sống ở Giêrusalem cần phải như thế nào. Thành Giêrusalem, Giáo hội Giêrusalem, phải là nơi mà sự hiện diện của Chúa được nhìn thấy rõ ràng, và sự gần gũi của Chúa thể hiện rõ trong hành động của chúng ta. Vì thế, cầu nguyện cho hòa bình ở Giêrusalem cũng là cầu nguyện cho hòa bình giữa mọi quốc gia. Vì ở Giêrusalem, trái tim của mọi quốc gia thổn thức.
Đức Hồng Y nhắc lại tiếng gọi của người dân ở Thánh Địa là làm chứng cho một cuộc sống gần gũi với Chúa và mang lại sự sống cho những người khác nhờ tình yêu Chúa. Ngài kết luận: “Chúng ta cầu nguyện cho điều này và cố gắng trở thành một ví dụ nhỏ về điều đó. Tôi ý thức giới hạn của mình, nhưng chúng ta phải luôn nhớ chứng tá của chúng ta là chứng tá của cư dân Giêrusalem”.
Vatican News
Trích nguồn: www.vaticannews.va