Đức Hồng y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, tái khẳng định rằng trong Giáo hội Công giáo chỉ có người nam mới có thể trở thành linh mục: “Điều gì đã được xác định và bó buộc trên nguyên tắc, không thể bị tương đối hóa sau đó”.
Đức Hồng y Müller đã trình bày lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ “Frankfurt toàn báo” (Frankfurter Allegemeine Sonntagszeitung), số ra Chúa nhật, 19 tháng Mười Hai vừa qua, tại Đức. Ngài nói: “Chỉ có người nam mới có thể lãnh nhận bí tích truyền chức linh mục. Điều này tham chiếu Chúa Kitô. Đàng khác, dĩ nhiên các chức vụ khác do Giáo hội thành lập, đều có thể dành cho nam giới hay nữ giới đồng đều. Có những phụ nữ làm giáo lý viên, giáo sư thần học hoặc giữ các chức vụ cao khác, ví dụ trong tổ chức Caritas hoặc trong ngành hành chánh của Giáo hội”.
Tờ “Frankfurt toàn báo” phỏng vấn Đức Hồng y Müller, trong bối cảnh tại Đức đang có trào lưu đòi Giáo hội phải truyền chức linh mục cho phụ nữ và điều này cũng nằm trong các mục tiêu của “Con đường công nghị” đang tiến hành tại Đức, với mục đích cải tổ Giáo hội.
Đức Hồng y Müller nhắc lại rằng Giáo hội không phải là một tổ chức thế tục do con người lập ra. “Chương trình của Giáo hội không thể thay đổi. Có nhiều phụ nữ nổi bật trong Giáo hội, trên hết là Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Sau Chúa Giêsu, Đức Mẹ là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử cứu độ và trong tư cách phụ nữ, Đức Mẹ là mẫu mực của Giáo hội… Vì thế, không có vấn đề kỳ thị 700 triệu phụ nữ Công giáo”.
Đức Hồng y Müller nhìn nhận rằng có hàng ngàn văn bản trong hơn hai ngàn năm lịch sử Giáo hội viết về phụ nữ và vai trò của họ, nhưng cần cẩn thận phân biệt xem các văn bản đó có diễn tả đức tin được mạc khải, hay chỉ là những nhận định cá nhân, vốn không có tính chất bó buộc. “Đạo lý đức tin mạc khải không thể bị giải thích một cách độc đoán. Người nam không được ưu đãi trong Giáo hội và sự liên tục trong giáo huấn của Giáo hội không thể bị thu hẹp vào những điều cụ thể”.
Trả lời câu hỏi liệu Đức Giáo hoàng hay Công đồng chung có thể quyết định truyền chức linh mục cho nữ giới hay không, Đức Hồng y Müller đáp: “Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã xác quyết chung kết rằng Giáo hội không có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ. Đó là một đường lối ăn sâu trong cơ chế thần linh của Giáo hội. Trong một số vấn đề, Giáo hội quyết định cải tổ, nhưng chỉ có thể làm trong những gì liên quan đến trật tự của Giáo hội thay đổi. Đàng khác, chân lý mạc khải là điều vượt quá quyền hạn của Đức Giáo hoàng và Công đồng chung. Đây không phải là vấn đề chọn lựa”.
Về câu hỏi liệu phụ nữ có được chịu chức phó tế hay không, Đức Hồng y Müller, cũng là thành viên Tối cao pháp viện của Tòa Thánh, nói rằng: “có thể hay không, điều này không tùy thuộc vào ai hoặc có bao nhiêu người ủng hộ vấn đề này, nhưng tùy thuộc cơ quan của Giáo hội thẩm định các dữ kiện tín lý và lịch sử. Đây cũng là một vấn đề làm thế nào thẩm định về đạo lý và Kinh thánh, liên quan đến giáo vụ nữ phó tế vốn đã có từ thế kỷ thứ III”.
Đức Hồng y nhấn mạnh rằng Giáo hội có thể tái lập giáo vụ phó tế (diaconesse), nhưng sự đơn nhất của bí tích truyền chức thánh chống lại việc này, vì chức thánh dành cho nam giới, và thực tế các “chức nhỏ” đã bị Đức Giáo hoàng Phaolô VI bãi bỏ. Tuy nhiên, ngày nay mỗi nhân viên mục vụ có những trách vụ được khai triển nhiều hơn bất kỳ nhiệm vụ nữ phó tế nào trong thời thượng cổ”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org