
Kolwezi trước đây từng được bao phủ bởi rừng và là nơi lưu giữ khoảng một phần tư trữ lượng cobalt trên thế giới, loại khoáng chất dùng để chế tạo pin điện thoại di động. Nhưng giờ đây, hoạt động khai thác cobalt của các công ty Trung Quốc khiến đất đai bị biến dạng với rừng cây bị san phẳng, và tạo nên nhiều hố sâu.
Về mặt con người, đây là thành phố có nhiều nô lệ nhất hành tinh, gần như toàn bộ 800.000 cư dân, trong đó có cả trẻ em, đều làm việc trong các công trường khai thác mỏ với điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, nhưng lại không được hưởng trọn thành quả lao động. Ví dụ một bao 40 kg đá heterogenite, trong đó có chứa khoảng 1% cobalt, được bán ra ngoài với giá 4 đô la Mỹ, nhưng người lao động chỉ nhận được 2,8 đô la. Để khai thác 40 kg đá cần 12 giờ làm việc.
Ông Henri Kasongo, Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên của Giáo phận Kolwezi nói rằng ở đây có một sự nghịch lý rất lớn giữa sự giàu có của thiên nhiên và sự đói nghèo của người dân do bị trục xuất khỏi các các vùng lãnh thổ, nhưng không được bồi thường, không được hưởng trọn thành quả lao động do mình làm ra, mặc dù luật có quy định và được các tổ chức phi chính phủ như Pact của Hoa Kỳ giám sát.
Theo ông Kasongo, một trong những điều khác biệt giữa các tổ chức phi chính phủ và Giáo hội là các tổ chức phi chính phủ hoạt động từ bên ngoài, trong khi Giáo hội Công giáo hoạt động từ trong nước. Việc giám sát phải được thực hiện thường xuyên.
Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên của Giáo phận giải thích: “Ủy ban là một cơ cấu góp phần thức tỉnh cộng đồng để họ nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Vai trò của chúng tôi là giúp đỡ các gia đình của những người làm việc trong mỏ đòi lại các quyền lợi của họ, được quy định trong Bộ luật để doanh thu từ hoạt động khai thác mỏ có thể đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Ngoài ra, Uỷ ban còn tổ chức các khoá học nhằm tăng cường nhận thức cho các nhà lãnh đạo cộng đồng và các doanh nghiệp”.
Vatican news
Trích nguồn: www.vaticannews.va