Trong thời gian cách ly phong tỏa vì đại dịch, các tù nhân là những người dễ bị tổn thương nhất, cả về thể lý do dịch bệnh và về tâm linh, do các tuyên úy nhà tù không thể vào nhà tù thăm viếng họ. Ủy ban Mục vụ nhà tù của Hội đồng giám mục Tây Ban Nha đã cố gắng và có những cách thế sáng tạo để có thể tiếp tục đồng hành, chia sẻ và chăm sóc cho các tù nhân tại các nhà tù ở nước này.
Một linh mục thuộc dòng “Chuộc kẻ làm tôi”, tuyên úy tại một nhà tù ở Tây Ban Nha, chia sẻ những tâm tình của cha, như chứng tá sự đồng hành liên đới của Giáo hội với các tù nhân trong thời đại dịch. Cha chia sẻ:
Cách ly với thế giới bên ngoài: nỗi đau của các tù nhân
Khi chính quyền Tây Ban Nha thông báo rằng các nhà tù ở Tây Ban Nha sẽ đóng cửa với người bên ngoài, mọi người không thể đến thăm nhà tù, ngoại trừ các nhân viên bảo vệ và nhân viên y tế, thì tôi đang ở trong một nhà tù. Và tôi đã bị xúc động, ấn tượng mạnh bởi bầu khí nặng nề đau buồn trong nhà tù, với những gương mặt nghiêm nghị trầm tư của các tù nhân, với những ánh nhìn mất mát và u uất của họ. Một vài giọt nước mắt rơi xuống, trong khi người ta nói về việc cắt giảm hơn nữa các kết nối với thế giới bên ngoài, và cả về những người chết và các bệnh viện. Những hành lang nhà tù vắng vẻ, trống rỗng, những con người im lặng, cúi đầu: tất cả những điều này nói lên một điều không chắc chắn.
Các tù nhân đã đưa ra nhiều câu hỏi không có câu trả lời: chuyện gì sẽ xảy ra? cho đến khi nào? Những câu hỏi tiếp tục được đặt ra, liên quan đến mỗi người, ngay cả những người đang được sống tự do, bởi vì đại dịch đã thực sự làm mọi người bất ngờ, ngạc nhiên.
Sau khi đóng cửa với thế giới bên ngoài, ban quản trị nhà tù đã bổ sung các biện pháp mới để chống lại sự lây lan của virus corona trong các phòng giam: trước hết, các cuộc nói chuyện với người thân trong gia đình bị đình chỉ, cả ở các phòng khách (thông qua vách kiếng pha lê) và cả các cuộc nói chuyện gặp gỡ trực tiếp. Đó là những lựa chọn khắc nghiệt đối với các tù nhân, bởi vì gia đình là liều thuốc chữa lành, làm cuộc sống đằng sau song sắt được an ủi, xoa dịu, là động cơ nuôi dưỡng hy vọng. Thay vào đó, việc giao tiếp chỉ giới hạn trong các cuộc gọi điện thoại, thư từ, nhưng không thể nhìn thấy và thậm chí không được ôm lấy người thân. Tuy nhiên, sau đó, các cuộc gọi video đã được cho phép, điều này ít nhất làm giảm bớt nỗi buồn vì không thể nhìn thấy người thân. Tiếp đến, cơ hội được có phép thông thường đi ra đường phố với gia đình cũng bị đình chỉ. Ngay cả các gói quần áo gửi cho tù nhân cũng không còn được nhận.
Và thế là những cánh cửa vốn đã đóng kín giờ đây thậm chí còn đóng kín hơn, để lại những trái tim bị tổn thương và những cảm giác thất vọng. Bởi vì ngay cả những hoạt động cũng đã bị giảm đi: các phòng thí nghiệm sản xuất của các công ty bên ngoài đã bị dừng lại, các lớp học của các trường cho tù nhân đã bị đình chỉ, cũng như các buổi cầu nguyện, các cử hành của các tôn giáo, bởi vì các tuyên úy bị cấm vào nhà tù. Điều này thực sự đang ngăn chặn mọi thứ được xem là chiếc van cứu trợ, là chiếc bình oxy giúp cho các tù nhân “có thể thở” trong nhà tù.
Tất nhiên nhờ tất cả những điều này, tỷ lệ tử vong ở cac nhà tù Tây Ban Nha thấp hơn khoảng mười lần so với dân số nói chung; và chỉ có khoảng mười trung tâm giam giữ bị ảnh hưởng, vì vậy 85 phần trăm số tù nhân không bị nhiễm bệnh. Nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng cuối cùng, tù nhân vẫn đơn độc, cô đơn với các bức tường, hàng rào của sân và các song sắt của phòng giam; chỉ với “một mình” họ bị cô lập và đóng kín.
Phản ứng tốt của các tù nhân
Do đó, đặc biệt là lúc ban đầu, có những thời điểm căng thẳng, với những cuộc biểu tình cá nhân và tập thể; nhưng nói chung, trái với những gì người ta có thể nghĩ, những người tù nam nữ ở Tây Ban Nha đã phản ứng có trách nhiệm và một cách mẫu mực; và trong một số trường hợp thậm chí còn đáng ngạc nhiên và liên đới: có những ngôi nhà xung quanh, nơi mà mỗi tối, các tù nhân cùng với những người tự do của cả nước, vỗ tay chúc mừng các nhân viên y tế; ở những nơi khác, họ ca ngợi những nhân viên an ninh đã bảo vệ và giúp đỡ họ, thậm chí viết thư để cảm ơn các nhân viên đã dấn thân vì họ.
Xã hội tự do chia sẻ hoàn cảnh với tù nhân
Xã hội giờ đây hiểu các tù nhân hơn: do việc bị cách ly tại gia đình, trên thực tế, ngay cả những người tự do cũng đã nếm trải việc “không thể ra ngoài đường” khi họ muốn, không thể di chuyển tự do. Và điều này đã gây ra những phản ứng khác nhau: một số người cảm thấy bị áp bức, những người khác cảm thấy “thế giới xung quanh đã sụp đổ”, đối với nhiều người, việc cách ly gây nên khó khăn, đặc biệt là nếu nhà cửa của họ nhỏ, chật chội, bởi vì các căng thẳng gia tăng gấp nhiều lần khi có đông người cư ngụ trong không gian bé nhỏ. Điều này đã khiến nhiều người cảm thấy bị cầm tù, và họ hiểu cảm giác của một tù nhân. Nhưng điều khác với nhà tù, đó là chúng ta ở với gia đình mình, theo thời gian chúng ta muốn và ăn những gì mình muốn. Tất cả điều này rất khác với bị giam giữ. Kinh nghiệm này có lẽ sẽ làm bớt đi suy nghĩ, từ cách nói và nhận thức chung, cho rằng các nhà tù là “khách sạn năm sao”, như được định nghĩa, đặc biệt là các nhà tù dành cho những tù nhân bị buộc tội về một số tội ác được xác định. Và đối với việc chăm sóc mục vụ nhà tù, hy vọng rằng kinh nghiệm này sẽ giúp chúng ta dấn thân nhiều hơn với các nhà tù và với những người bị giam cầm ở đó. Một tù nhân đã viết cho tôi trong một bức thư: “Điều này sẽ giúp đặt rất nhiều người vào vị trí của chúng tôi, bởi vì, cuối cùng, mọi người giờ đang ở trong tù, với sự khác biệt duy nhất là nhà tù là nhà riêng của họ.”
Những cách thế gần gũi và hỗ trợ khác nhau của Giáo hội
Các tuyên úy và tình nguyện viên không thể vào các nhà tù trong thời gian phong tỏa. Các liên lạc về thể lý và cá nhân với các tù nhân đã bị mất, cả việc chăm sóc tâm linh và các cử hành tôn giáo và thực hiện các hoạt động. Trong bối cảnh như vậy, Giáo hội trong tù phải tự sáng tạo lại, nó phải sáng tạo. Nhưng Giáo hội không bao giờ ngừng giúp đỡ các tù nhân và gia đình của họ. Giáo hội không thể sử dụng các phương tiện điện thoại, bởi vì chúng không được phép dùng trong các nhà tù. Giáo hội hiện diện qua nhiều cách thế gần gũi và hỗ trợ khác nhau: vào đầu đại dịch, nhiều giáo sĩ khác nhau đã sản xuất khoảng 20.000 khẩu trang và 100 kiếng bảo vệ cho tù nhân và lính canh. Các nhóm khác đã mở địa chỉ email để gửi thông điệp hỗ trợ và liên đới với các tù nhân. Nhiều người tiếp tục cung cấp viện trợ tài chính cho những người nghèo nhất và cùng cực nhất, bởi vì các gia đình hiện không thể đến thăm họ. Điều này đã tạo ra một “cơn mưa” thư, từ những người tình nguyện viết cho các tù nhân.
Một số tuyên úy gửi các tài liệu phụng vụ cử hành Thánh lễ và thẻ điện thoại có thể xài internet: trên thực tế, các nhóm WhatsApp đã được tạo ra với các gia đình để giúp sống đời sống luân lý và cung cấp hỗ trợ trong thời điểm cách ly này. Trong một số nhà tù, Giáo hội đã cung cấp tới 40 ti vi cho những người bị cách ly y tế. Ngoài ra, Ủy ban mục vụ nhà tù đã mở cửa các căn hộ và trung tâm tiếp nhận cho những người được ra tù và trở về đời sống tự do.
Tình cảnh khó khăn đã đưa nhiều người về với Chúa
Giáo hội không đóng cửa ngay cả khi đối mặt với virus corona, luôn tuân thủ các quy tắc do cơ quan y tế thiết lập. Cũng giống như trong các cộng đồng Ki-tô giáo tiên khởi, các nhóm tù nhân tiếp tục cầu nguyện, gặp gỡ đơn sơ trong những căn phòng nhỏ: họ hát và cầu nguyện với Chúa cho gia đình họ, cho sự tự do của họ và cũng cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Thật sự tôi là một nhân chứng đặc biệt về cách Covid-19 đưa các tù nhân đến gần Chúa hơn. Tình cảnh cô đơn và bấp bênh đã khiến nhiều người trong số họ quay về với Chúa, phó thác sự sống của họ trong tay Chúa. Khi mọi người không tìm thấy câu trả lời, họ nhìn lên bầu trời. 200 lá thư tôi nhận được từ các nhà tù trong thời gian này là minh chứng cho điều này.
Cảm nghiệm sự gần gũi của Chúa
Khi đối mặt với bệnh tật và cái chết, những người trong tù cảm thấy rằng Chúa bảo vệ họ, họ cảm nghiệm được sự gần gũi của Ngài. Nữ tù nhân Rosa viết: “Thưa cha, hiện tại mọi thứ đều ổn, vì với sự giúp đỡ của Chúa, chúng con không bị bỏ rơi, và chúng con biết rằng mỗi khi chúng con cầu nguyện, Chúa nhớ đến cả nhà tù.” “Tôi chỉ có một mình trong phòng giam của mình, nhưng tôi biết rằng Chúa ở cùng tôi. Mỗi ngày tôi cầu nguyện, tôi khóc và nhìn lên trời bởi vì Chúa không bỏ rơi tôi.” Đó là những lời của Dalila.
Ý thức giá trị của lời cầu nguyện
Nhiều người đã ý thức giá trị của lời cầu nguyện. Tamara viết: “Tôi đọc Kinh thánh mỗi ngày, tôi đọc kinh Lạy Cha và cầu xin Chúa cho mọi việc sớm kết thúc.” Ana viết: “Tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình mất người thân hoặc bệnh tật.” Hoặc những tâm tình của các tù nhân khác như: “Trong những ngày này, đôi khi, trong thinh lặng, tôi cầu nguyện với Chúa Cha xin cho virus mau biến mất.
Ước muốn được tăng trưởng trong đức tin
Có những tù nhân khác mong muốn tăng trưởng và gìn giữ đức tin đã trưởng thành, như Joaquín: “Tôi đang học cách củng cố niềm tin của mình ngay cả trong những thời điểm tồi tệ, như bây giờ”; như Jesús: “Tôi khiêm nhường nói với Chúa và xin Người thay đổi lòng tôi, ngày này qua ngày khác”. Một tù nhân tên Ana nói: “Mỗi buổi tối tôi đều đọc Phúc âm và cầu nguyện rất nhiều trong phòng giam của mình”. Tóm lại, các tù nhân cảm thấy rằng chúng tôi đã không bỏ rơi họ, rằng chúng tôi đang ở bên họ.
Giáo hội đồng hành với các tù nhân và gia đình của họ
Giáo hội đi vào bên trong từ bên ngoài, cử hành bên trong từ bên ngoài. Tuần Thánh cũng rất khác, nhưng một trận đại dịch không thể ngăn cản sự phục sinh của Chúa Giê-su. Các tù nhân cảm thấy rằng, như là Giáo hội, chúng tôi cũng gần gũi họ từ bên ngoài. Chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng các gia đình và chiến đấu vì ước mơ của họ.
Hồng Thủy – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va