Hội đồng Giám mục năm nước Bắc Âu phản đối dự luật của chính phủ Đan Mạch buộc tất cả các tôn giáo tại Đan Mạch phải giảng bằng tiếng Đan Mạch, hoặc bài giảng phải được dịch ra ngôn ngữ này, công bố để nhà nước có thể kiểm soát.
Trong thông cáo công bố hôm 17/3/2021 vừa qua, tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, sau hai ngày nhóm họp mùa xuân, dưới dạng trực tuyến, các giám mục năm nước Bắc Âu gọi dự luật vừa nói là điều “vô lý” đối với các Giáo hội thiểu số và là điều trái ngược với truyền thống bao dung và tự do mà Đan Mạch vẫn hãnh diện. Dự luật này là một hạn chế nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo, nó không thích hợp và sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Các giám mục cũng hết sức nghi ngờ: liệu các bài giảng có nội dung khuynh đảo có được dịch ra để nhà nước Đan Mạch kiểm soát hay không. Vì thế, Hội đồng Giám mục Bắc Âu kêu gọi chính phủ nước này hãy rút lại dự luật này.
Chính phủ Đan Mạch, do bà Thủ tướng Mette Frederiksen, thuộc đảng dân chủ xã hội, chỉ muốn cho phép các bài giảng bằng tiếng Đan Mạch mà thôi, để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn. Luật nhắm tới các cộng đồng Hồi giáo có 270.000 người tại nước này và Nhà nước sợ các bài giảng đó khích động cực đoan và oán ghét. Tuy nhiên, dự luật cũng sẽ được áp dụng cho các cộng đoàn tôn giáo bằng các tiếng khác, kể cả các thứ tiếng Âu châu, như giáo xứ Đức hay Việt Nam tại Đan Mạch.
Hội đồng Giám mục Bắc Âu gồm các giám mục thuộc năm quốc gia: Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển và đảo Iceland, với tổng cộng 340.000 tín hữu Công giáo.
Trong thời gian qua, Hội đồng các Giáo hội Kitô Đan Mạch đã viết thư cho bà thủ tướng để phản đối dự luật này và đang chờ bà trả lời. Hội đồng này cho rằng dự luật là một sự nghi ngờ đối với các hệ phái Kitô khác và ưu đãi Giáo hội Luther Đan Mạch, là quốc giáo tại nước này.
Đức cha Kozon, Giám mục của giáo phận Công giáo duy nhất bao trùm toàn nước Đan Mạch, cho biết giáo phận của ngài có 70 linh mục, trong đó chỉ có 15 vị Đan Mạch và 55 vị là người ngoại quốc. Đức cha nhận xét rằng rất nhiều linh mục giảng buông, không có giấy và người ta không biết sẽ áp dụng luật như thế nào, ai sẽ kiểm soát và ai trong chính quyền muốn đọc những bài giảng trong các nơi thờ phượng.
Đức cha cũng nói rằng: “Điều mà Nhà nước Đan Mạch muốn đạt được thì đã được bảo đảm với những luật pháp hiện hành. Nếu có nghi ngờ một môi trường nào của Hồi giáo trở nên cực đoan hoặc chống lại dân chủ, thì đã có những luật lệ hiện hành để ngăn chặn”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org