Công bằng không đủ để tạo nên một nền kinh tế tốt. Áp dụng một cách cứng nhắc và máy móc một tiêu chí công bằng, không có một chút lòng thương xót phù hợp đúng lúc, nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước những yếu đuối nhẹ, sẽ có thể dẫn đến bầu khí của hỏa ngục. Điều làm cho nơi làm việc trở nên tích cực là sự tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Đây là một chặng đường không dễ dàng nhưng chúng ta có bổn phận phải bắt đầu, mỗi người phải cam kết đối với phần của mình. Cuộc cách mạng bắt đầu với sự thay đổi nội tâm của chúng ta. Mọi sự đều kết nối, không ai có thể hạnh phúc nếu bị cô lập với người khác.
Trong giai đoạn thử thách do đại dịch, ngoài những khủng hoảng liên quan đến sức khỏe, gia đình, xã hội, giáo dục, có một hậu quả mà hiện nay mọi người đang quan tâm đó là việc phong tỏa hầu hết các hoạt động kinh tế toàn cầu. Vấn đề kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mọi người, nhất là các chuyên gia kinh tế đang phải tính đến những việc phải làm khi đại dịch kết thúc. Một vấn đề lớn được đặt ra là: phải bắt đầu lại như thế nào để hướng tới một nền kinh tế bền vững và quy mô hơn.
Đối với các nhà kinh tế Kitô giáo, vấn đề này còn phải suy tư nhiều hơn. Bởi vì, những đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế thường không thể dung hòa với đức tin và đôi khi người Kitô hữu phải đối diện với những tư tưởng đối lập, dường như không có khuôn khổ lý luận chung, không có đối thoại cho vấn đề phức tạp này.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên báo Quan sát viên Roma, ông Andrea Acutis, một Kitô hữu, là cha của thiếu niên Carlo Acutis sắp được phong chân phước, và đồng thời là chủ tịch của công ty bảo hiểm Vittoria Assicurazioni, Ý, một nhà kinh tế thành công, đã chia sẻ những trải nghiệm của ông về nền kinh tế hiện nay và cách dung hòa giữa giáo lý của Giáo hội và lợi nhuận kinh tế cũng như bảo vệ thiên nhiên.
Không ai có thể sống đơn độc
Trước hết, trả lời cho câu hỏi làm sao có thể đưa kinh tế vào trong các mối tương quan của con người, ông Andrea trả lời rằng: Không ai ngoài Thiên Chúa có thể hiện hữu như một thực thể đơn độc, cô lập với tất mọi người. Mặt khác, Thiên Chúa là Ba Ngôi, không đơn độc. Cũng theo cái nhìn vật chất, để sống tốt chúng ta cần cộng tác với những người khác. Thực tế, nếu mỗi người phải tự cung cấp cho mình mọi nhu cầu, chúng ta sẽ sống tách biệt với những người khác và sẽ trở nên khốn cùng. Chúng ta có thể nhận thấy trong mọi xã hội đều có nhu cầu phân chia các nhiệm vụ theo khả năng và năng lực khác nhau. Mỗi người đều cần đến người khác.
Phần lớn các tương quan đều liên hệ đến lĩnh vực tình yêu và không đòi hỏi sự trao đổi, như trong trường hợp người mẹ chăm sóc đứa con hoặc bất kỳ sự phục vụ tự nguyện nào khác. Đó là những tương quan làm cho cuộc sống thực sự đáng sống.
Nhưng nhìn chung, các mối quan hệ liên quan đến sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ là những quan hệ kinh tế không phải là các mối quan hệ vô vị lợi này. Kinh tế không được bác ái hướng dẫn. Do đó, nếu chúng ta giới hạn phạm vi của nó vào dòng chảy của tổng sản phẩm quốc nội, kinh tế được điều chỉnh từ những nguyên tắc khác.
Nguyên tắc điều chỉnh một nền kinh tế tốt
Theo ông Andrea Acutis, động cơ của nền kinh tế là điều con người cần. Để đáp ứng các nhu cầu chúng ta có ba khả năng: thứ nhất thuyết phục ai đó cung cấp cho chúng ta, hoặc là đánh cắp nó, hoặc cuối cùng chúng ta thực hiện một sự trao đổi có giá trị tương đương. Đây là vấn đề của kinh tế, nó liên quan đến các sàn giao dịch, không miễn phí, nhưng không phải cho sự tiêu cực. Điều này muốn nói đến đó là phạm vi công bằng, nghĩa là mỗi người phải được nhận xứng với những gì mình đã làm.
Ví dụ, nguyên tắc công bằng không được tôn trọng nếu sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp không tương ứng với những gì đã hứa, hoặc người lao động không được nhìn nhận các điều kiện xứng nhân phẩm, viện lý do luật hoặc điều kiện thị trường cho phép; hoặc còn nữa khi toàn thể cộng đồng bị thiệt hại do thiếu các biện pháp phòng ngừa cần thiết hạn chế thiệt hại môi trường. Tương tự như vây, nguyên tắc công bằng không được tôn trọng nếu người lao động đã cam kết nhưng lại không thực hiện tốt công việc.
Tiêu chí công bằng chưa đủ cho hoạt động kinh tế
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu chỉ chú trọng đến tiêu chuẩn công bằng thôi thì chưa đủ cho hoạt động kinh tế của con người và như thế có thể sống được. Nói chung, công bằng không đủ để tạo nên một nền kinh tế tốt. Áp dụng một cách cứng nhắc và máy móc một tiêu chí công bằng, không có một chút lòng thương xót phù hợp đúng lúc, nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước những yếu đuối nhẹ, sẽ có thể dẫn đến bầu khí của hỏa ngục.
Tôn trọng phẩm giá của mỗi người
Điều làm cho nơi làm việc trở nên tích cực là sự tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Điều này không có nghĩa là dung thứ cho những thái độ của những người không cam kết đạt những mục tiêu xã hội hoặc của những người thậm chí muốn làm tổn hại mục tiêu đó. Nhưng có nghĩa là biết nhận ra nơi mỗi người sự hiện diện của một mầu nhiệm vượt trên chúng ta, và là Kitô hữu, chúng ta biết đó chính là Thiên Chúa. Chính vì Thiên Chúa hiện diện trong sự yếu đuối của con người. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng mỗi công ty không chỉ được coi như một cỗ máy để sản xuất, nhưng trước hết đó như là một cộng đoàn của những con người. Và vì vậy con người phải được tôn trọng.
Và cũng chính sự tôn trọng đó nếu được lòng thương xót hướng dẫn, sẽ giúp cho chúng ta nâng đỡ tất cả những ai không thể tham gia vào các hoạt động sản xuất và những người không thể tự lo cho chính mình về mặt kinh tế.
Chúng ta có thể khẳng định rằng trụ cột đầu tiên và cơ bản cho một nền kinh tế tốt được xây dựng từ tất cả hoạt động của những người nam và nữ làm việc trong sự tôn trọng những người mà họ gặp gỡ. Sau đó, nếu chúng ta mở rộng nguyên tắc tôn trọng này hướng đến mọi hoạt động khác của con người, chúng ta có thể nhận thấy rằng nói chung một xã hội tốt không gì khác hơn đó là tổng thể của những cá nhân tốt.
Đạo đức kinh tế và lợi nhuận
Một vấn đề được đặt ra: vậy liệu một nền kinh tế mang đặc tính đạo đức luân lý có thể mang lại lợi nhuận không? Chủ tịch công ty bảo hiểm trả lời: Lợi nhuận là điều khác với doanh thu và chi phí phát sinh từ một hoạt động kinh tế. Khi lợi nhuận có được một cách trung thực tất nhiên đó là một điều tốt. Một công ty lành mạnh, bền vững, tạo ra lợi nhuận có thể được tái đầu tư trong cùng một hoạt động kinh tế hoặc lợi nhuận đó được phân phối cho các thành viên, đến lượt họ, họ sẽ phải tính đến việc sử dụng nó.
Kinh tế không phải là mục đích mà là một phương tiện
Trả lời cho câu hỏi chúng ta phải cải thiện nền kinh tế như thế nào, ông Andrea Acutis khẳng định: Kinh tế không phải là một mục đích nhưng là một phương tiện vì lợi ích của con người. Nghĩa là kinh tế phải phục vụ con người, cho tất cả mọi người. Ông nói: “Nếu tôi là người có trách nhiệm quản lý một hoạt động kinh tế và tôi không tôn trọng người khác, tôi đang làm ô nhiễm cho tất cả nền kinh tế.
Chỉ có một cách duy nhất để cải thiện nền kinh tế, đó là mỗi người phải bắt đầu đưa ra một chọn lựa tôn trọng người khác. Nếu những người khác không làm điều này, chính tôi phải làm điều đó. Cạnh tranh của những người ích kỷ, không quan tâm đến đến số phận của người khác, không đưa đến điều tốt đẹp. Mặt khác, ngay cả các nhà kinh tế cổ điển, bắt đầu từ Adam Smith, chưa bao giờ khẳng định rằng một nền kinh tế tốt có thể bỏ qua việc tuân giữ các nguyên tắc đạo đức luân lý.
Đối với các doanh chân chính việc chọn lựa điều tốt là một thánh giá. Họ sẽ bị các đối thủ cạnh tranh tấn công, họ thành công với chi phí thấp hơn và do đó khả năng bán với giá thấp hơn.
Ở điểm này, Chủ tịch của công ty bảo hiểm Vittoria Assicurazioni nói đến vai trò của các nhà cầm quyền. Theo đó, khi các quốc gia hành động để tạo điều kiện cho một sự cạnh tranh tự do, họ phải dự kiến được những ràng buộc thích hợp. Việc cải thiện cần thiết cho phát triển kinh tế phải thực hiện trong sự tôn trọng người khác.
Chúng ta không bỏ qua sức mạnh to lớn về những ảnh hưởng của nền kinh tế tốt, của những người sở hữu sự sung túc vật chất, họ có những chọn lựa trong khi mua bán. Nhưng chúng ta cũng phải nhận thức rằng, không chỉ là đã đủ khi nói các công ty không được khai thác công nhân, họ còn phải tôn trọng thiên nhiên.
Rồi là những người tiêu dùng, mỗi người cũng phải xem xét có trách nhiệm về cách phân bổ các nguồn lực. Ví dụ, mặc dù có lẽ chúng ta không làm gì liên quan đến sản xuất và buôn bán vũ khí, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chọn dành bao nhiêu tài sản để giúp đỡ người khác và ngược lại bao nhiêu tài sản cho việc chăm sóc chính mình. Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ một cái gì đó không? Hay chúng ta thích sống với khả năng của mình và có nguy cơ bị nghẹt thở trong giỏ hàng mua sắm?
Thiên nhiên và kinh tế
Liên quan đến việc năm nay kỷ niệm 5 năm Thông điệp “Laudato Sì” được ban hành, cha của Đấng đáng kính Carlo Acutis nói đến mối liên hệ giữa thiên nhiên và kinh tế. Một câu hỏi được đặt ra là người ta có thể phát triển kinh tế bền vững nhưng không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất không?. Câu trả lời của ông là: Đó là một vấn đề rất phức tạp và giải pháp chỉ có thể là dần dần phấn đấu cho một nền kinh tế tuần hoàn. Nghĩa là chuyển đổi dần dần đến một nền kinh tế của các dịch vụ. Theo cách này, các công ty sẽ quan tâm đến việc kéo dài vòng đời của hàng hóa và ít ra chúng ta có thể giải phóng một phần khỏi chu kỳ đè nặng “mua-ném bỏ”.
Thực tế là với tình trạng công nghệ như hiện nay, chúng ta không thể không sử dụng tài nguyên tái chế. Một giải pháp của nhà kinh tế Dieter Helm có thể áp dụng ở đây. Ông đề xuất các nhà kinh tế khi điều hành kinh tế thường nhắm bảo tồn tổng giá trị vốn tự nhiên, không cần phải loại bỏ việc sử dụng nó nhưng cần phải cam kết bù đắp thiệt hại do sự suy giảm của một số tài nguyên, qua các khoảng đầu tư vào các lãnh vực khác mang lại lợi ích cho vốn tự nhiên của chúng ta, ví dụ như trồng rừng.
Đây là một chặng đường không dễ dàng nhưng chúng ta có bổn phận phải bắt đầu, mỗi người phải cam kết đối với phần của mình. Cuộc cách mạng bắt đầu với sự thay đổi nội tâm của chúng ta. Mọi sự đều kết nối, không ai có thể hạnh phúc nếu bị cô lập với người khác.
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va