Rất nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao các chính trị gia Công Giáo Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ lại trâng trâng tráo tráo ủng hộ phá thai một cách triệt để, triệt để hơn cả các đảng viên khác thuộc cùng đảng với họ, mà vẫn vỗ ngực cho rằng mình là người Công Giáo tốt, xứng đáng tiếp tục được rước lễ. Nhân dịp phát hành cuốn sách xuất bản sau khi tác giả của nó qua đời, của Cha Paul Mankowski, Dòng Tên, Cha de Suza của tạp chí Convivium, cho ta một vài soi sáng: một số linh mục Dòng Tên Hoa Kỳ đã khiến các chính trị gia này nghiêng hẳn về phía phó phá thai và kéo luôn cả đảng của họ dứt khoát chọn con đường chống lại tín lý muôn thuở của Giáo Hội Công Giáo.
Cha de Souza (ncregister.com) thẳng thừng cho rằng một số linh mục Dòng Tên Hoa Kỳ đã đồng loã trong chiến dịch sát hại thai nhi tại đất nước của họ. Và người tố cáo chuyện này không ai khác mà chính là một linh mục Dòng Tên nổi tiếng khác, Cha Paul Mankowski, người cùng xuất thân từ Đại Học Oxford với các nhân vật như Tony Abbott, cựu Thủ tướng Úc và Đức Hồng Y George Pell, cựu Bộ trưởng Kinh tế của Vatican.
Cha de Souza cho rằng Cha Paul Mankowski biết rất rõ một số linh mục anh em và các bề trên của ngài đã phản bội Dòng Tên ra sao. Chính họ đã che chở, làm thuẫn đỡ cho các chính khác Công Giáo Hoa Kỳ bỏ phiếu dy trì và mở rộng quyền phá thai. Trong hơn 50 năm qua, các Cha Dòng Tên Hoa Kỳ đã có sẵn người cho vai trò đó. Quả là một tai tiếng trầm trọng nơi một trong những dòng tu đáng kính nhất của Giáo Hội.
Cha Pat Conroy, Dòng Tên, làm tuyên úy Hạ Viện Mỹ từ năm 2011 tới năm 2021, vừa dành cho tờ The Washington Post một cuộc phỏng vấn, trong đó, ngài bênh vực các chính trị gia Công Giáo cổ vũ quyền phá thai. Ngài đi xa đến nỗi trích dẫn cả Thánh Tôma Aquinô về lương tâm để bênh vực cho quan điểm của mình, một điều, theo cha de Souza, “vừa gây bối rối vừa không xứng đáng với phẩm giá đào tạo thích đáng của Dòng Tên”.
Thực ra, quan điềm của Cha Conroy vẫn chưa ăn nhằm gì so với quan điểm của một linh mục Dòng Tên đàn anh của ngài là Cha Robert Drinan. Thực vậy, cách nay đúng 15 năm, Cha Drinan lại ra ánh đèn sân khấu một lần nữa. Người ta còn nhớ rõ 2007, Nancy Pelosi trở thành Nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên, một thành tích sáng chói trong sự nghiệp chính trị. Sự kiện 15 năm sau, bà ta chiếm lại ghế Chủ tịch Hạ viện một lần nữa càng chứng tỏ sức mạnh chính trị ghê gớm của người đàn bà này.
Pelosi, hiểu rõ cột mốc bà ta đạt được năm 2007, đã tổ chức 4 ngày liên hoan để đánh dấu việc mình chiếm ghế chủ tịch Hạ Viện. Cuộc liên hoan này bắt đầu bằng một thánh lễ “để thừa nhận Chủ tịch Hạ viện Đắc cử Nancy D’Alesandro Pelosi” tại trường mẹ là Đại Học Trinity ở Washington, D.C. Chủ tế và giảng thuyết là Cha Drinan, lúc ấy 86 tuổi. Đó là biến cố công cộng cuối cùng của ngài, ngài qua đời cuối tháng đó.
Cha de Souza cho rằng, “đó chính là câu chuyện tai tiếng của việc Dòng Tên đồng loã với việc phá thai tại Hoa Kỳ, một câu chuyện được thuật lại một cách đầy đủ trong một cuốn sách mới quan trọng của một tu sĩ Dòng Tên quá cố, Cha Paul Mankowski”.
Cha Robert Drinan là một người hết sức có tài, ngay đối với các tiêu chuẩn cao mà thế hệ Dòng Tên thuộc thập niên 1960 từng được biết đến. Ngài là khoa trưởng trường luật của Cao đẳng Boston lúc mới có 36 tuổi và lãnh đạo khoa này đạt tới chiều cao mới suốt 14 năm trường. Năm 1970, ngài tranh cử vào Quốc hội Mỹ đại diện cho Tiểu bang Massachusetts và được tái cử nhiều lần trong tư cách đảng viên Đảng Dân chủ, liên tiếp phục vụ từ năm 1971 tới năm 1981.
Tháng 5, 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ra lệnh cho ngài không được tranh cử nữa, Cha đã vâng lời nên đã rời Hạ Viện tháng 1, 1981.
Năm 1970, Cha Drinan tranh cử với cương lĩnh phản đối chiến tranh Việt-Nam và là dân biểu đầu tiên soạn thảo điều khoản đàn hạch Tổng thống Richard Nixon. Sau phán quyết phá thai Roe v. Wade năm 1973, ngài bênh vực phán quyết và là lá phiếu đáng tin cậy ủng hộ việc mở rộng quyền phá thai, bao gồm cả việc phá thai với tài trợ của người nạp thuế, suốt thời gian ngài phục vụ tại Hạ Viện.
Vị linh mục Dòng Tên nói trên là cha đỡ đầu của các đảng viên Dân Chủ đang trở thành đảng phá thai, một biến thái do các đảng viên Dân Chủ Công Giáo lãnh đạo: Ted Kennedy, Joe Biden, Mario Cuomo và sau này chính Pelosi. Không linh mục Công Giáo nào làm nhiều hơn để cổ vũ phá thai hợp pháp bằng Cha Drinan.
Thánh lễ cách đây đúng 15 năm là một thông điệp phù hợp để truyền cây gậy tiếp sức chính trị phò phá thai cho Pelosi, người vốn coi ngài như một nguồn cảm hứng cho việc một người Công Giáo trung thành có thể cổ vũ quyền phá thai ra sao.
Khi ngài qua đời, Pelosi nói rằng “Cha Drinan là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trong Quốc hội, không những chỉ những người phục vụ với ngài mà cả những người đến sau chúng ta. Tôi được vinh dự đặc biệt là vào đầu tháng này, Cha Drinan đã chủ trì một thánh lễ tại trường cũ của tôi, Đại học Trinity, trước khi tôi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch. Ngài đã cử hành Thánh lễ đó để vinh danh các trẻ em Darfur và Katrina; [trong Thánh lễ] ngài giảng rằng ‘các nhu cầu của mọi trẻ em là nhu cầu của chính Chúa Giêsu Kitô’. Trong suốt cuộc đời ngài, Cha Drinan không những rao giảng thông điệp đó về công lý và nhân quyền; ngài đã hiện thân nó”.
Đúng vậy, biến cố công cộng cuối cùng của Cha Drinan là tuyên bố rằng “các nhu cầu của mọi đứa trẻ là nhu cầu của chính Chúa Giêsu Kitô” trong khi lại tán thành Chủ tịch Hạ viện phò phá thai nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong suốt thập niên 1970, người ta thường thắc mắc làm thế nào Cha Drinan lại có thể phục vụ trong Quốc hội với tư cách là một linh mục, chứ đừng nói đến việc một linh mục đã sử dụng lá phiếu lập pháp và vị thế công cộng của mình để cổ vũ việc phá thai. Cha Drinan và các cộng sự Dòng Tên của ngài nhiều lần gây ấn tượng là ngài đã nhận được sự chấp thuận của các bề trên Dòng Tên và các giám mục địa phương của mình.
Đó là một dối trá.
Nay chúng ta biết điều đó một cách đầy đủ hơn, nhờ Cha Mankowski, một tu sĩ Dòng Tên thậm chí còn xuất sắc hơn Cha Drinan, người đã đột ngột qua đời vào tháng 9 năm 2020.
Nhà xuất bản Ignatius, được thành lập bởi Cha Joseph Fessio, một tu sĩ Dòng Tên khác mong muốn sự thật được biết đến, đã xuất bản gần đây cuốn Jesuit At Large: Essays and Reviews of Paul V. Mankowski, S.J. (Một Tu sĩ Dòng Tên Tại đào: Các Tiểu luận và Duyệt sách của Paul V. Makowski, Dòng Tên), do George Weigel chủ biên.
Bộ sưu tập di cảo trên cung cấp một số bài tiểu luận và duyệt sách hấp dẫn của Cha Mankowski, đôi khi vừa gay gắt vừa vui nhộn. Bộ sưu tập là dẫn nhập xứng đáng cho những ai chưa đọc Cha Mankowski – và là nguyên nhân hối tiếc vì họ đã không đọc ngài sớm hơn.
Phần đáng chú ý nhất của cuốn sách là một giác thư chưa từng được xuất bản trước đó từ tháng 4 năm 2007, do Cha Mankowski gửi cho một số bạn bè của ngài, có tựa đề: “The Drinan Candidacy and the New England Province Archives” (Tư cách ứng cử viên của Drinan và Văn khố của Tỉnh Dòng New England)”. Mặc dù chưa bao giờ tự mình công bố nó, vì những rắc rối của ngài với các bề trên Dòng Tên, ngài rõ ràng muốn có một hồ sơ chính xác để lưu lại cho hậu thế.
Hồ sơ đó hiện nay có sẵn. Nó minh xác điều được nhiều người Công Giáo coi như một tai tiếng vào thập niên 1970 thực sự còn tồi tệ hơn nhiều. Cha Mankowski lúc đó đang nghiên cứu trong kho lưu trữ của Dòng Tên ở New England vào đầu thập niên 1990. Ngài đã xem qua hồ sơ của Cha Drinan. Ngài yêu cầu và được cho phép sao chép tài liệu cho một bài báo nói về việc Cha Drinan phục vụ tại Quốc hội.
Cha Mankowski phát hiện ra rằng, thay vì không hề cho phép ứng cử vào Quốc hội, Bề trên cả Dòng Tên, Cha Pedro Arrupe, đã nhiều lần ngăn cấm. Cha Drinan và Cha William Guindon của Dòng Tên, thuộc tỉnh dòng New England, đã âm mưu ủng hộ việc ứng cử của Cha Drinan và làm hỏng mệnh lệnh của Cha Arrupe. Các hồ sơ cung cấp rất chi tiết những lời nói dối và trốn tránh của cả Cha Drinan lẫn Cha Guindon trong nhiều năm.
Cha Mankowski biết rằng tài liệu này sẽ sửa sai ấn tượng cho rằng toàn bộ dòng Tên nói chung rất hài lòng với việc Cha Drinan thúc đẩy việc phá thai trong Quốc hội. Nó cũng tiết lộ các tu sĩ Dòng Tên cao cấp ở New England đã hoạt động lừa đảo ra sao trong thập niên 1970.
Lúc đó, Cha Mankowski đã quyết định không viết bài báo về việc ứng cử của Cha Drinan. Đó là một công việc cực kỳ không thoải mái, và Cha Drinan xem ra đã là một người “hết sức mạnh rồi”.
Cho đến tháng 6 năm 1996, Tờ New York Times đã đăng một bài góp ý của Cha Drinan “trong tư cách một linh mục Dòng Tên,” ca ngợi việc Tổng thống Bill Clinton phủ quyết lệnh cấm phá thai một thai nhi đã sinh ra một phần (partial-birth abortion). Việc một linh mục muốn giữ cho hợp pháp việc phá thai một thai nhi đã một phần được sinh đã gây sốc ngay cả những người có thiện cảm với ngài.
Đức Hồng Y John O’Connor đã rất tức giận, viết ở chuyên mục của ngài trên tờ Catholic New York: “Thưa Cha Drinan, tôi vô cùng ân hận, nhưng cha đã sai, đã hết sức sai lầm. Đáng lẽ Cha nên cất tiếng nói có ảnh hưởng to lớn của cha cho sự sống; cha lại lên tiếng cho sự chết. Khó lòng là vai trò của một luật sư. Chắc chắn không phải là vai trò của một linh mục”.
Cha Mankowski cho rằng việc Cha Drinan trở lại với tranh cãi công cộng đòi hỏi sự thật phải được nói ra. Ngài đã đưa tài liệu của mình cho giáo sư James Hitchcock, nhà sử học nổi tiếng tại Đại học St. Louis của Dòng Tên. Hitchcock đã xuất bản tài liệu này trong một bài báo vào mùa hè năm đó trên tờ Catholic World Report, “Sự nghiệp chính trị kỳ lạ của Cha Drinan”.
Các tu sĩ Dòng Tên hết sức phẫn nộ. Không phải đối với Cha Drinan vì chủ trương của ngài, không phải đối với các tu sĩ Dòng Tên đã cho phép nó, không phải đối với các bề trên đã che đậy các dối trá. Giới lãnh đạo Dòng Tên Hoa Kỳ hạ búa bổ xuống Cha Mankowski, người không che giấu vai trò của mình trong việc cung cấp tài liệu lưu trữ cho Giáo sư Hitchcock.
Weigel viết trong phần dẫn nhập của chủ biên: “Kết quả của tất cả những điều này đối với Paul Mankowski thật là hà khắc. Ngài đã bị cấm trong nhiều năm, không được xuất bản dưới chính tên ngài. Ngài đã bị hạn chế trong công việc mục vụ của mình. Ngài thường bị coi như một hạ dân (pariah). Và mặc dù cuối cùng ngài được phép thực hiện các lời khấn cuối cùng của một tu sĩ và trở thành một ‘Trợ lý tâm linh’ trong Dòng Tên, Mankowski đã bị từ chối ‘hội nhập trọn vẹn’ vào Dòng (liên quan đến ‘lời thề thứ tư’ nổi tiếng của Dòng Tên về việc tuân phục Đức Giáo Hoàng liên quan đến việc truyền giáo)”.
Theo Weigel, việc xuất bản giác thư của Cha Mankowski với tài liệu hỗ trợ là “rất cần thiết cho việc minh oan cho Cha Mankowski sau khi qua đời”, từ lâu vốn bị bao vây bởi một số anh em cùng dòng Tên của ngài, trong khi họ đặt những lời ca ngợi hậu hĩ nhất lên Cha Drinan.
Mười lăm năm kể từ ngày Cha Drinan ban phép lành cuối cùng cho Pelosi, cả Chủ tịch Hạ viện lẫn Tổng thống Joe Biden đều quay sang các tu sĩ Dòng Tên để tìm sự che đậy chính trị cho nền chính trị phá thai của họ. Gần đây, cả hai đều tìm cách yết kiến vị giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên, với Biden cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận cho ông tiếp tục Rước Lễ tại giáo xứ Dòng Tên ở Washington mà ông ta tham dự.
Bản thân là một cựu giám tỉnh Dòng Tên và là người ngưỡng mộ Cha Arrupe, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn sẽ cảm thấy chướng tai – nếu không muốn nói là ngạc nhiên – khi biết mức độ đồng lõa của Dòng Tên trong tai tiếng khủng khiếp là sự nghiệp quốc hội của Cha Robert Drinan.
Các tu sĩ Dòng Tên như vậy đã trở thành nổi tiếng đến mức nào trong việc đồng lõa che đậy cho những người Công Giáo cổ vũ quyền phá thai?
Hãy xem bài báo năm 1997 của Maureen Dowd trên tờ The New York Times; bà vốn là một người Công Giáo ủng hộ các đạo luật phá thai tự do. Bà viết về Nothing Sacred, một chương trình truyền hình trong đó một “linh mục trẻ tuổi sành điệu, lanh lợi, dễ thương” thúc đẩy hối nhân đi phá thai:
Dowd viết, “Tôi không nghĩ rằng chương trình phản ánh quan điểm của giới giải trí ưu tú hay, như một số nhà phê bình đã ca ngợi, về các nhà sản xuất Do Thái ‘không hành đạo’. Tôi nhận ra quan điểm của giới tinh hoa Dòng Tên. Các tu sĩ Dòng Tên là những “flyboys” (bay nhẩy?) của Giáo Hội, giới trí thức giảng dạy có nhiều xác suất bắt gặp uống rượu đắt tiền và đi du lịch nước ngoài và nghĩ ra những cách giải thích giáo điều của Giáo Hội”.
Trong “Năm Inhaxiô” đặc biệt này do Dòng Tên tuyên bố, ưu tiên của Thánh Inhaxiô trong việc kiểm tra lương tâm xem ra phù hợp với hoạt động chính trị của Cha Drinan, nay được giác thư của Cha Mankowski tiết lộ một cách hoàn chỉnh hơn.
Trong một bài trước, Cha de Souza đã viết về nỗ lực thất bại của Thánh Gioan Phaolô II trong việc cải tổ Dòng Tên vào tháng 10 năm 1981. Chắc chắn trường hợp tai tiếng của Cha Drinan, và sự bất lực rõ ràng của Cha Arrupe, đã góp phần vào kết luận của Đức Gioan Phaolô rằng giới lãnh đạo Dòng Tên không có khả năng tự cải cách.
Về điều đó, Cha Mankowski cũng đồng tình. Trong một lá thư năm 2004 được đăng trong Jesuit at Large, ngài viết cho một thanh niên hỏi về việc gia nhập Dòng:
“Tôi tin chắc rằng, hiện tại, Dòng Tên là một dòng thoái hóa. Điều đó có nghĩa là Dòng có những nan đề nghiêm trọng trong mọi nỗ lực của mình ở mọi bình diện thẩm quyền, và quan trọng hơn, nó đã đánh mất khả năng tự sửa chữa bằng chính nguồn lực nội tại của mình.… Tôi phải thành thực nói rằng, hiện tại, tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy bất cứ khả năng hay sự sẵn sàng nào của ban lãnh đạo Dòng Tên La Mã trong việc giải quyết và khắc phục các nan đề này”.
Dù vậy, Cha Mankowski không mất hy vọng, và biết rằng đặc sủng của Thánh Inhaxiô đã được đổ vào các bình đất. Ngài đã truyền lại lời khuyên này, bất chấp tình trạng ảm đạm của Dòng: “Nói thế rồi, nếu tôi phải làm lại tất cả, dù biết những gì tôi biết lúc này, ngày mai tôi vẫn sẽ vào Dòng Tên”.
Người ta hy vọng rằng giờ đây, Cha Mankowski vẫn đang nỗ lực hết mình cho việc cải tổ Dòng Tên, và lúc này, các bề trên chả làm được gì để làm nản lòng sứ mệnh thiết yếu đó.
Vũ Văn An
Trích nguồn: http://conggiao.info