Câu chuyện của nữ vận động viên người Hàn Quốc, nữ hoàng trượt băng đã trở lại Công giáo. Sau khi giải nghệ đã dành một phần tài sản cho các dự án liên đới Công giáo.
Đối với Kim Yuna, sân trượt băng là môi trường sống của cô. Mọi người nhận xét dường như cô được sinh ra cùng với đôi giày trượt băng. Vóc dáng phù hợp với bộ môn thể thao, sự dẫn dắt nhiệt tình của các huấn luyện viên, kết hợp với sức mạnh ý chí đã làm nên những chiến thắng trên sân ở các giải thi đấu quốc gia và quốc tế của Kim Yuna.
Thiếu nữ Hàn Quốc đã nhiều lần ở trên bục cao danh dự, chạm tới những đỉnh cao chiến thắng, nhưng đối Kim Yuna, Thiên đàng thực sự là khi cô khám phá sự bình an trong đức tin Công giáo.
Kim Yuna bắt đầu trượt băng khi mới lên 5 tuổi. Các huấn luyện viên đã nhìn thấy nơi vóc dáng hoàn hảo của cô rất phù hợp cho bộ môn thể thao này. Vì vậy họ đã thuyết phục cha mẹ cô để cô được tập luyện trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Năm 2002, lần đầu tiên tham gia một cuộc thi đấu quốc tế, cô đã giành huy chương vàng. Ngay sau đó, khi tròn 12 tuổi, Kim Yuna đã trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật trẻ nhất giành chức vô địch Hàn Quốc.
Từ lúc đó, cuộc sống của cô trở thành một vòng xoáy của những chuyến du lịch, tập luyện và đi đấu. Trong những lần đi đấu đó, thường xuyên cô giành chiến thắng, nhận được nhiều huy chương vàng. Cô trở thành thần tượng cho các thiếu nữ khác.
Kim Yuna ngày càng nổi tiếng trong làng thể thao thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Mọi thứ chạm vào cô đều trở thành vàng. Các công ty lớn tìm mọi cách để mời cô làm người mẫu quảng cáo cho mặt hàng của họ. Tất cả tin rằng sự hiện diện của cô bảo đảm cho sự thành công đem lại lợi nhuận cho công ty.
Tuy nhiên vào thời điểm thành công rực rỡ đó, Kim Yuna lại cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Cô phải thường xuyên di chuyển trên máy bay và lưu lại khách sạn một mình.
Năm 2007, ở giải vô địch trượt băng nghệ thuật thế giới, khán giả chứng kiến trước khi vào sân đi đấu, nữ hoàng trượt băng đã làm dấu Thánh Giá. Mọi người còn thấy cô đeo nơi cổ một hình Đức Mẹ. Sau này cô tiết lộ đây là món quà của một nữ tu.
Trong lần thi đấu đó, do bị chấn thương cô không thể thi đấu tốt và giành chiến thắng như những lần trước. Cô chia sẻ, lần đó cô đã cầu nguyện rất nhiều và Đức Mẹ đã giúp cô hoàn thành cuộc thi và đứng vị trí thứ ba.
Một năm sau đó, Kim Yuna và mẹ cô đã lãnh Bí tích Rửa tội, gia nhập Công giáo.
Cô cho biết, cô học yêu Chúa từ bác sĩ, một người có đời sống đạo tốt, và từ các nữ tu đã chăm sóc cho cô khi cô nằm điều trị trong bệnh viện. Từ những người này, Kim Yuna đã tìm được sự bình yên điều cô đang cần. Từ lúc đó, ngày qua ngày, Kim Yuna ngày càng cảm nhận tình yêu Chúa và học yêu Chúa. Cô đã quyết định học giáo lý Công giáo với mong muốn được trở thành Kitô hữu. Cô đã lãnh Bí tích Rửa tội và tiếp tục sự nghiệp thể thao nhưng trong tinh thần mới, tinh thần Kitô. Tinh thần Kitô được nữ hoàng trượt băng thể hiện trong mỗi trận đấu, qua việc thể hiện nét đẹp của thể thao theo đúng nghĩa của nó. Nghĩa là chiến thắng bằng nỗ lực tập luyện và say mê nghệ thuật, không chiến thắng bằng những thủ thuật làm tổn hại đến sự trong sáng của thể thao, làm mất niềm tin nơi khán giả. Vinh quang trong chiến thắng không phải là đích đến cuối cùng, nhưng là một khích lệ để tiếp tục tiến bước với sự thanh thản và bình an, là nguồn cảm hứng cho những người trẻ khác, giúp cho họ không bỏ cuộc trong những thất bại trong mọi lĩnh vực.
Ngày 09/02/2018, Kim Yuna được vinh dự lớn thắp sáng ngọn đuốc Olympic tại Thế vận hội Bình Nhưỡng. Ban tổ chức quyết định dành cho vô vinh dự này vì muốn ghi nhận sự nghiệp mà cô đã đạt được trong những lần vô định thế giới và huy chương vàng tại Thế vận hội Vancouver năm 2010.
Năm nay, ở tuổi 30, Kim Yuna đã tạm dừng các giải thi đấu lớn, nhưng không ngưng các hoạt động khác, các hoạt động xã hội đem lại phúc lợi cho người khác. Thực tế, trong nhiều năm qua, nữ vận động viên đã cộng tác với nhiều tổ chức bác ái và các hội dòng để biến các dự án ở các khu vực nghèo trên thế giới thành hiện thực.
Cô quan tâm đặc biệt đến hoàn cảnh của các trẻ em nghèo, bị bỏ rơi. Vì vậy, cô đã thúc đẩy việc thành lập các trường học và hợp tác chặt chẽ với Unicef để hỗ trợ các trẻ em. Và tất nhiên nữ hoàng trượt băng vẫn tiếp tục bảo vệ và sống đức tin Công giáo, điều đã làm cho cuộc đời cô thay đổi mãi mãi.
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va