Đức Thánh cha Phanxicô cổ võ các nghiên cứu khoa học giúp đưa nhân loại ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, và ngài tái kêu gọi đừng quên những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
Đức Thánh cha đưa ra lời mời gọi trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp toàn thể trực tuyến của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, tiến hành tại nội thành Vatican, từ ngày 7 đến 9/10/2020. Đức Thánh cha cám ơn Hàn lâm viện này dành khóa họp toàn thể năm nay để bàn về những nghiên cứu căn bản khoa học phục vụ sức khỏe của trái đất và dân chúng trên hoàn cầu, đặc biệt là những người nghèo và bị thiệt thòi nhiều nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Đại dịch cho thấy rõ không những các an ninh giả tạo của chúng ta, nhưng cả sự thiếu khả năng của các nước trên thế giới trong việc cộng tác với nhau. Mặc dù có sự liên lạc rất nhiều, qua những nối kết cao độ giữa các nước, nhưng chúng ta cũng thấy có tình trạng phân hóa, gây khó khăn hơn cho việc giải quyết các vấn đề liên hệ tới tất cả mọi người” (FT 7). Vì thế, thật là ý nghĩa vì khóa họp tiềm thể này của Hàn lâm viện đưa các chuyên gia, thuộc nhiều bộ môn khoa học họp lại với nhau. Đây là một thí dụ chứng tỏ những thách đố do cuộc khủng hoảng Covid-19, phải được đối phó qua những nỗ lực có phối hợp để phục vụ toàn thể gia đình nhân loại”.
Đức Thánh cha nhắc đến những cố gắng của khóa họp toàn thể này của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học: phần lớn tập trung vào việc nghiên cứu những con đường mới về miễn dịch và miễn dịch hóa học, để kích hoạt cơ chế tự vệ của thân thể hoặc ngăn chặn sự lan lây các tế bào bị nhiễm bệnh. Nhờ đó, có thể tìm phương thế loại trừ thứ virus đang gây ảnh hưởng tai hại cho dân chúng về nhiều phương diện”.
Đức Thánh cha cũng khẳng định rằng: “Không một ai trong chúng ta có thể không quan tâm đến ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với những người nghèo trên thế giới. Đối với nhiều người trong họ, đây là vấn đề sống còn. Cùng với sự đóng góp của các khoa học, những nhu cầu của các phần tử yếu nhất trong gia đình nhân loại chúng ta, đang kêu gọi hãy có những giải pháp công bằng từ phía các chính phủ và mọi người có quyền quyết định. Ví dụ, hệ thống săn sóc sức khỏe phải bao gồm mọi người và dễ tiếp cận hơn đối với những người yếu thế và những người sống ở các nước có lợi tức thấp. Nếu có ai phải được ưu tiên hơn, thì đó chính là những người túng thiếu và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cũng vậy, khi có vắc-xin thì mọi người phải được chích ngừa, bất luận mức thu nhập của họ, bắt đầu từ những người rốt cùng”.
Sau cùng, Đức Thánh cha không quên lưu ý tới vấn đề bảo vệ môi trường, tình trạng trái đất bị hâm nóng, cuộc khủng hoảng môi sinh và sự mất mát các sinh vật khác nhau. Ngài cũng nói đến các vấn đề có thể xuất phát từ những phòng thí nghiệm tân tiến nhất về khoa vật lý và sinh học. Trong viễn tượng này, Đức Thánh cha nói, trách nhiệm rất lớn của các chính trị gia không miễn chuẩn cho các nhà khoa học để họ không nhìn nhận trách nhiệm của mình về luân lý đạo đức, “trong cố gắng không những ngăn chặn sự sáng chế, sở hữu và sử dụng các võ khí hạt nhân, nhưng cả việc phát triển các thứ võ khí sinh học, với tiềm năng tàn sát các thường dân vô tội và toàn thể dân chúng”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org