Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về các Hệ thống Lương thực để nâng cao nhận thức toàn cầu và phối hợp các sáng kiến nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững không còn nạn đói (SDG2). Trước sự kiện quan trọng này và trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc và cuộc khủng hoảng Covid-19, Tòa Thánh sẽ tổ chức chuỗi hội thảo trên web gồm ba phần mang tên “Lương thực cho Cuộc sống, Công bằng Lương thực, Lương thực cho Tất cả”.
Chuỗi sự kiện được tổ chức bởi Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Phái đoàn thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Lương Nông thế giới (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện và Ủy ban Vatican Covid-19 cùng với các đối tác làm việc trong lĩnh vực an ninh lương thực.
Được hướng dẫn bởi Giáo huấn Xã hội Công giáo, kinh nghiệm của các Giáo hội địa phương trong việc hạn chế nạn đói, hội thảo nhằm mục đích: (1) lắng nghe và nuôi dưỡng các cuộc đối thoại trong và ngoài Giáo hội; (2) kết nối các phương pháp tốt nhất trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy hệ thống lương thực bền vững; và (3) lên tiếng cho những tiếng nói truyền thống bị loại trừ để truyền cảm hứng cho một lời kêu gọi công bằng lương thực. Vì vậy, sự kiện sẽ dành ưu tiên cho tiếng nói của phụ nữ, cộng đồng bản địa, những người sống trong bối cảnh khủng hoảng, nông dân, để học hỏi từ kinh nghiệm và sự khôn ngoan truyền thống của họ và truyền cảm hứng cho các cuộc tranh luận và kế hoạch hành động toàn cầu.
Hội thảo đầu tiên diễn ra vào ngày 17/5, với chủ đề “Lương thực cho cuộc sống: Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy phát triển con người toàn diện”. Tại hội thảo này sẽ có cuộc đối thoại về vai trò của phụ nữ trong sự phát triển, tập trung vào cách duy trì vai trò dẫn đầu của họ trong việc định hình các hệ thống lương thực có khả năng phục hồi trên toàn thế giới.
Hội thảo thứ hai, vào ngày 26/5, có tựa đề “Công bằng lương thực: việc làm, đổi mới và tài chính cho sự phục vụ công bằng lương thực”, sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của lao động xứng nhân phẩm, tài chính và đổi mới trong việc tái xây dựng hệ thống lương thực bền vững, đặc biệt trong tương lai hậu Covid.
Buổi sau cùng, ngày 31/5, có tiêu đề “Lương thực cho tất cả: xung đột lương thực và tương lai của hệ thống lương thực”, sẽ khám phá sự khác biệt ứng phó với xung đột lương thực, và cách Giáo hội có thể đóng góp và cộng tác tốt nhất để giải quyết nạn đói và bất bình đẳng lương thực trên thế giới.
Kết quả của các hội thảo sẽ được chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực của Liên Hiệp Quốc sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng 7/2021, như một đóng góp để “hướng dẫn hành động cá nhân và tập thể hướng tới một tương lai thực phẩm bền vững, công bằng và an toàn”.
Ngọc Yến – Vatican News
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va