LINH ĐẠO VÀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH (2)

Mầu nhiệm Phục Sinh – chu kỳ Tái Sinh

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Qua câu này, Chúa Giêsu định nghĩa mầu nhiệm Phục sinh, chính xác, để có một cuộc sống và thần khí trọn vẹn hơn, chúng ta phải thường xuyên buông bỏ cuộc sống và thần khí hiện tại. Tuy nhiên, để hiểu điều này và để thấy Chúa Giêsu đã giảng dạy và minh chứng điều đó như thế nào trong cuộc đời của Ngài, trước hết,  chúng ta cần có một vài phân biệt cần thiết. Chúng ta phải phân biệt hai loại chết, hai loại sống, và sự sống và  thần khí.

Trước hết, về hai loại chết: Chết kết thúc  chết phục sinh. Chết kết thúc là chết chấm dứt cuộc sống, chấm dứt mọi khả thể. Chết Phục sinh cũng như cái chết kết thúc, là một cái chết thật. Tuy nhiên, cái chết phục sinh là cái chết mà khi kết thúc một cuộc đời, nó lại mở ra để con người đón nhận một hình thức sống sâu đậm và phong phú hơn. Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi để phát sinh sự sống mới là hình ảnh của cái chết phục sinh.

Sự sống cũng có hai loại: sự sống được hồi sinh và sự sống được phục sinh. Hồi sinh là hồi phục sức khỏe như trong trường hợp người chết lâm sàng được cứu sống. Phục sinh thì không như vậy. Không phải hồi phục cuộc sống cũ nhưng đón nhận tận căn một đời sống mới. Chúng ta thấy sự khác biệt này trong Kinh Thánh khi so sánh cuộc phục sinh của Chúa Giêsu và cái gọi là phục sinh của Lazarô (đúng ra là hồi sinh). Lazarô được sống lại cuộc sống cũ, nhưng sau đó ông lại chết. Chúa Giêsu không sống lại cuộc sống cũ. Chúa Giêsu đón nhận cuộc sống mới – một cuộc sống phong phú và trong cuộc sống này Ngài không chết lại.

Mầu nhiệm phục sinh đề cập đến cái chết phục sinh và sự sống được phục sinh.

Và cuối cùng chúng ta phải phân biệt giữa sự sống và thần khí. Chúng không giống nhau và thường chúng ta được nhận trong những thời điểm khác nhau. Ví dụ, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ được ban sự sống mới của Đức Kitô, nhưng chỉ một thời gian sau đó, vào lễ Ngũ Tuần, họ nhận được Thần khí vì họ đã sẵn sàng cho cuộc sống mới. Chúng ta sẽ thấy các ví dụ minh họa ở chương này, đó cũng là các ví dụ áp dụng trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống hai cuộc sống, cuộc sống thật và cuộc sống với thần khí; bình an tâm hồn của chúng ta tùy thuộc vào sự kết hợp hài hoà giữa hai cuộc sống này.

Mầu nhiệm Phục sinh, như chúng ta sắp thấy, là tiến trình chuyển hóa trong đó chúng ta được ban cả sự sống mới và thần khí mới. Nó bắt đầu với đau khổ và cái chết để đi đến việc đón nhận sự sống mới, trải qua thời gian tang chế cho đời sống cũ để phù với đời sống mới, và cuối cùng, chỉ sau khi thực sự rời bỏ cuộc sống cũ, thì thần khí mới sẽ được ban vì chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc sống mới.

Theo cái nhìn thần học, khi nhìn vào lời giảng dạy của Chúa Giêsu, đặc biệt qua cái chết và phục sinh của Ngài, và những gì xảy ra sau, đó, chúng ta có thể thấy rõ năm thời điểm tách biệt trong chu kỳ phục sinh: Thứ sáu Tuần Thánh, Chúa Nhật Phục Sinh, bốn mươi ngày trước khi Thăng Thiên, Thăng Thiên,  Lễ Hiện Xuống. Mỗi khoảnh khắc đó là một phần của tiến trình cá biệt, một cơ chế riêng, và mỗi phần này cần được hiểu trong tương quan với những phần khác để hiểu được mầu nhiệm phục sinh. Mỗi phần đều nằm trong một tiến trình chuyển hóa, chết và buông bỏ để đón nhận sự sống mới và thần khí mới.

Chu kỳ phục sinh có thể được biểu thị bằng biểu đồ sau:

  1. Thứ sáu Tuần Thánh… “mất sự sống, – cái chết thật.”
  2. Chúa nhật Phục sinh… “đón nhận sự sống mới”
  3. Bốn mươi ngày… “thời gian để điều chỉnh cho hợp với đời sống mới và để tang cuộc sống cũ”
  4. Thăng Thiên… “buông bỏ cuộc sống cũ, bạn được ban ơn, không bám víu vào đời sống cũ”
  5. Hiện Xuống… “đón nhận thần khí mới cho cuộc sống mới vì đã sẵn sàng cho đời sống mới”

Nói theo ngôn ngữ thông thường và theo từng giai đoạn trong cuộc sống riêng của mỗi người, chúng ta có thể sắp xếp biểu đồ theo cách sau:

  1. “Định danh cái chết của bạn”
  2. “Đòi lại sự sinh ra”
  3. “Để tang cho những gì đã mất mát và điều chỉnh cho hợp với thực tại mới”
  4. “Không níu kéo cuộc sống cũ, để nó thăng hoa và cho bạn ân phúc”
  5. “Chấp nhận thần khí của sự sống mà bạn đang sống”

Chu kỳ này không là chuyện chúng ta trải qua một lần vào giây phút chết, khi lìa cõi đời. Đúng hơn là cái gì đó chúng ta trải qua hằng ngày, trong mọi mặt của đời sống. Chúa Kitô nói về nhiều cái chết, những cái chết hằng ngày, đến việc trỗi dậy và nhiều sắc thái trong việc nhận thần khí mới – hiện xuống. Mầu nhiệm phục sinh là một bí ẩn của cuộc sống. Sau hết, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào trải nghiệm riêng về mầu nhiệm đó. Ở giai đoạn này, có lẽ tất cả điều này có chút gì đó trừu tượng. Cụ thể, chúng có ý nghĩa gì? Chúng ta sẽ sống mầu nhiệm phục sinh như thế nào trong đời sống thường ngày của mình?

Những ví dụ trên được rút ra từ những gì rất thực tế trong cuộc sống hàng ngày, để làm sáng tỏ hạnh phúc, bình an và trưởng thành của chúng ta tùy thuộc trên mầu nhiệm này như thế nào trong đời sống của mỗi người. Trừ khi chết yểu, còn không thì chúng ta sẽ có nhiều cái chết trong đời và trong mỗi cái chết ấy, chúng ta phải đón nhận một sự sống mới và thần khí mới. Hằng ngày chúng ta đều trải nghiệm Mầu Nhiệm Phục Sinh. Chúng ta hãy xét một vài cái chết này. 

(Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser)

Trích nguồn http:// phanxico.vn

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube