Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi tránh thứ truyền thông “sao bản”, giống nhau, được chế tạo trong văn phòng trước máy vi tính, nhưng hãy dựa trên cuộc sống cụ thể của dân chúng. Ngài cũng mời gọi quan tâm thông tin về tình trạng dân nghèo ở Á phi và Mỹ Latinh, đặc biệt trong tình cảnh đại dịch hiện nay.
Đức Thánh cha đưa ra những mời gọi trên đây trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 55, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 16/5/2021, Đại lễ Chúa thăng thiên. Sứ điệp được công bố hôm 23/1/2021 vừa qua, áp lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng của các ký giả, và có chủ đề là: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,46). “Truyền thông bằng cách gặp gỡ con người tại nơi họ sống và như thực tại của họ”.
Tiếp xúc với thực tại cuộc sống
Đi từ lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên, Đức Thánh cha nhận định rằng: “Đó cũng là phương pháp của mọi truyền thông đích thực của con người. Để có thể kể lại chân lý về cuộc sống trở thành lịch sử, cần ra khỏi thái độ tự phụ “ta đã biết rồi” để lên đường, đi xem, ở với dân chúng, lắng nghe, đón nhận gợi ý của thực tại, vốn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên về khía cạnh nào đó của nó”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha cám ơn sự can đảm và dấn thân của bao nhiêu ký giả và các nhân viên truyền thông, điện ảnh, làm việc với bao nhiêu rủi ro để chúng ta biết được những hoàn cảnh sống khó khăn của các nhóm thiểu số bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, tố giác những bất công và bạo hành chống người nghèo và những thiệt hại gây ra cho thiên nhiên, kể lại những cuộc chiến bị quên lãng.
Đừng quên dân nghèo
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: Trong thời kỳ đại dịch này, “Ai sẽ kể cho chúng ta sự chờ đợi được chữa lành trong các làng mạc nghèo nhất tại Á châu, Mỹ Latinh và Phi châu? Cũng như những khác biệt về xã hội và kinh tế trên bình diện hoàn cầu, có nguy cơ xác định thứ tự trong việc phân phối vắc-xin chống Covid. Người nghèo luôn đứng cuối cùng và quyền sức khỏe cho mọi người, tuy được khẳng định trên nguyên tắc, nhưng trong thực tế trống rỗng, không có giá trị thực tế…
Cơ may và cạm bẫy trên mạng
Đức Thánh cha cũng bàn tới những cơ may và cạm bẫy trên Internet, các mạng xã hội. Ngài viết: “Nhờ mạng, chúng ta có thể kể điều chúng ta thấy, những gì xảy ra trước mắt chúng ta, và chia sẻ chứng từ. Nhưng điều hiển nhiên đối với mọi người là ngày nay các mạng xã hội ấy trở thành một thứ truyền thông xã hội thiếu kiểm chứng. Sự phê bình này không thúc đẩy chúng ta lên án phương tiện này, nhưng cần có một khả năng phân định sáng suốt hơn, và một cảm thức trách nhiệm trưởng thành hơn, khi phổ biến hoặc tiếp nhận nội dung. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về công việc truyền thông chúng ta làm, những tin tức chúng ta truyền đi, về sự kiểm soát mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện đối với những tin giả. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng về sự thật: đi xem và chia sẻ chúng.”
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org