Buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 9 giờ, với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ của Đức Thánh cha, rồi mọi người nghe đoạn Tin mừng theo thánh Luca (2,25-30):
“Tại Giêrusalem, có một người tên là Simeon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông vẫn mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ”.
Bài giáo lý
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ năm này có tựa đề là: “Lòng trung thành với cuộc viếng thăm của Thiên Chúa cho thế hệ đang tới”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong hành trình huấn giáo của chúng ta về đề tài tuổi già, hôm nay chúng ta nhìn ngắm bức tranh dịu dàng, được thánh sử Luca phác họa, trình bày hai cụ già Simeon và Anna. Lẽ sống của họ, trước khi giã từ trần thế này, chính là chờ đợi cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Nhờ Thánh Linh báo trước, ông Simeon biết rằng mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Thiên Sai. Bà Anna mỗi ngày vào Đền thờ để phục vụ. Cả hai nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi Hài Nhi Giêsu, khiến cho họ sự mong chờ từ lâu của họ được đầy an ủi và làm cho sự giã từ cuộc đời của họ được thanh thản.
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể học hỏi được gì nơi hai nhân vật lão thành đầy sức sống tinh thần này?
Và Đức Thánh cha tiếp: Chúng ta học biết rằng thái độ trung thành chờ đợi làm cho các giác quan được tinh tế. Vả lại, chúng ta biết Chúa Thánh Linh thực hiện điều này: đó là “soi sáng các giác quan”. Trong bài ca cổ kính “Veni Creator”, Xin Thánh Thần sáng tạo hãy đến, chúng ta hát: “Xin soi sáng cho các giác quan”. Chúa Thánh Linh có thể làm điều này: Ngài làm cho các giác quan của linh hồn trở nên tinh tế, mặc dù những giới hạn và các vết thương của các giác quan thể xác. Tuổi già làm suy yếu sự nhạy cảm thể xác, cách này hay cách khác. Một tuổi già diễn ra trong sự chờ mong cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, tuy không làm cho sự qua đi của mình biến mất, nhưng càng làm ta sẵn sàng đón nhận nó.
Cần một tuổi già sinh động
Ngày nay, hơn bao giờ hết chúng ta cần điều này: cần một tuổi già có những giác quan tinh thần sinh động và có khả năng nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa, hay đúng hơn là nhận ra Dấu hiệu Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu. Một dấu chỉ làm cho chúng ta bị khủng hoảng – là “dấu chỉ làm vấp phạm” (Xc Lc 2.34), chống đối, nhưng dấu chỉ ấy làm cho chúng ta tràn đầy hoan lạc. Sự tê liệt các giác quan tinh thần, do sự kích thích và làm tê mê những giác quan thể xác, là một triệu chứng phổ biến trong một xã hội đang nuôi dưỡng ảo tưởng mãi mãi trẻ trung, và điểm nguy hiểm nhất của nó là phần lớn người ta đều không ý thức về điều đó. Họ không nhận thấy mình bị gây mê.
Mất sự nhạy cảm tinh thần
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Khi bạn mất sự nhạy cảm của xúc giác hoặc vị giác, bạn nhận thấy ngay. Trái lại, khi mất sự nhạy cảm của linh hồn, bạn có thể làm ngơ không biết điều đó trong thời gian dài. Nó không phải chỉ liên hệ đến ý nghĩ về Thiên Chúa hoặc tôn giáo. Sự vô cảm của các giác quan tinh thần liên hệ tới sự cảm thương và lòng thương xót, xấu hổ và hối hận, trung thành và tận tụy, dịu dàng và danh dự, trách nhiệm bản thân và đau khổ cho tha nhân. Và tuổi già, có thể nói, trở thành nạn nhân đầu tiên của sự thiếu nhạy cảm như thế. Nhất là trong một xã hội nhạy cảm đối với sự hưởng thụ, thì chỉ có thể đi tới sự thiếu quan tâm đến những người yếu đuối mong manh và trổi vượt sự cạnh tranh của những kẻ mạnh. Chắc hẳn, những lời hùng biện về sự bao gồm mọi người là công thức trong mọi thứ diễn văn ngày nay, theo chính sách gọi là “đúng đắn về mặt chính trị”. Nhưng nó không mang lại sự điều chỉnh thực sự trong cuộc sống chung bình thường: nó khó lòng làm tăng trưởng một nền văn hóa dịu dàng về mặt xã hội. Tinh thần huynh đệ nhân loại – mà tôi thấy là cần thiết để mạnh mẽ hồi sinh – hiện nay giống như một tấm áo cũ, để chiêm ngưỡng, nhưng trong một viện bảo tàng.
Dĩ nhiên, trong đời sống cụ thể, chúng ta có thể nhận thấy, với lòng cảm động biết ơn, vì bao nhiêu người trẻ có khả năng tận tình tôn trọng tình huynh đệ ấy. Nhưng chính đây là vấn đề: có một sự gạt bỏ, một thái độ gạt bỏ đáng trách, giữa một bên là chứng tá về sức sống sinh tử của sự dịu dàng xã hội và bên kia là thái độ xu thời đòi người trẻ phải sống một cách khác. Chúng ta có thể làm gì để lấp đầy sự cách quãng như thế?
Bài học từ trình thuật về hai cụ già Simeon và Anna
Từ trình thuật về hai cụ già Simeon và Anna, nhưng cũng từ các câu chuyện khác trong Kinh thánh về tuổi già nhạy cảm đối với Thánh Linh, có một chỉ dẫn âm thầm đáng được nêu bật. Nói một cách cụ thể, mạc khải khơi lên sự nhạy cảm của ông Simeon và bà Anna hệ tại điều gì? Thưa, hệ tại sự nhận ra nơi một trẻ em, không do họ sinh ra và họ nhìn thấy lần đầu tiên, một dấu hiệu chắc chắn về cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Họ chấp nhận mình không phải là nhân vật chính, nhưng chỉ là những chứng nhân. Cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không thể hiện trong đời họ, nhưng đưa họ lên sân khấu như những người cứu vớt: Thiên Chúa không nhập thể trong thế hệ của họ, nhưng trong thế hệ sẽ đến. Không có gì oán giận hay hối tiếc vì điều này. Trái lại, họ cảm thấy xúc động và an ủi. Cảm động và an ủi vì có thể thấy và loan báo rằng lịch sử thế hệ của họ không bị mai một hoặc uổng phí, chính nhờ một biến cố được hiện thực và biểu lộ trong thế hệ kế tiếp.
Chỉ có tuổi già tinh thần mới có thể làm chứng về điều đó, khiêm tốn và sáng ngời, làm cho chứng tá ấy có thế giá và gương mẫu cho mọi người. Tuổi già đã vun trồng sự nhạy cảm của linh hồn, dập tắt mọi ghen tương giữa các thế hệ, mọi tâm tình oán giận, mọi trách móc vì một biến cố của Thiên Chúa xảy ra trong thế hệ kế tiếp, xảy ra cùng với sự giã từ cõi đời của mình. Sự nhạy cảm tinh thần của tuổi già có thể đạp đổ sự cạnh tranh và xung đột giữa các thế hệ một cách đáng tin và chung cục. Đây là điều bất khả đối với con người, không có thể đối với Thiên Chúa. Và ngày nay chúng ta rất cần điều này!
Chào thăm và kêu gọi
Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ hãy noi gương những người cao niên của mình và tiếp tục hành trình hoán cải Mùa chay để mừng Phục sinh với tâm hồn đổi mới.
Trước khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha thông báo thứ Bảy, ngày 03 tháng Tư tới đây, ngài sẽ lên đường viếng thăm nước Malta và ngài nhắc đến biến cố thánh Phaolô tông đồ bị đắm tàu, trôi dạt vào đảo này, và được dân chúng địa phương đón tiếp tử tế. Malta ở trung tâm Địa Trung Hải. Ngài cũng cầu mong các nước quảng đại đối với những người di dân và tị nạn.
Đức Thánh cha chào thăm hiệp hội toàn quốc thanh tẩy ô nhiễm thủy lợi và ngài khuyến khích họ tiếp tục công việc quản lý nước một cách kỹ lưỡng, vốn là một gia sản vô giá. Ngài chào Tổng công đoàn dấn thân bảo vệ quyền của các công nhân, các đại diện hải quân ở cảng Taranto. Đức Thánh cha đặc biệt thân ái chào thăm các trẻ em Ucraina, được tổ chức “Chúng ta hãy giúp các em sống”, Hội giúp trẻ em, và Đại sứ quán Ucraina cạnh Tòa Thánh.
Sau cùng như thường lệ, Đức Thánh cha chào thăm những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc nhở rằng: “Trong giai đoạn chót của hành trình Mùa chay này, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Chúa Kitô, biểu hiện cao ca nhất của tình yêu Thiên Chúa và chúng ta hãy cố gắng gần gũi những người đau khổ, cô đơn, yếu đuối đang bị bạo hành và không có ai bảo vệ họ.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org