Toàn văn Tông Huấn Querida Amazonia (Amazon Yêu Quý)

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 35 (năm 2020)
của Đức thánh cha Phanxicô

“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14)

Các bạn trẻ thân mến!

Tháng Mười 2018, cùng với Thượng Hội đồng Giám mục về “Người Trẻ, đức Tin, và sự Phân định Ơn gọi”, Giáo hội đã thực hiện một tiến trình suy tư về vai trò của các con trong thế giới ngày nay, về việc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống, về mối tương quan với Thiên Chúa của các con. Tháng Giêng 2019, cha đã gặp gỡ hàng trăm ngàn người trẻ cùng thời với các con ở khắp nơi trên thế giới cùng quy tụ tại Panama tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới. Hai sự kiện này – tức Thượng Hội đồng Giám mục và Ngày Giới trẻ Thế giới – diễn tả chiều kích căn bản của Giáo hội: đó là chúng ta “cùng nhau bước chung hành trình”.

Trong hành trình này, mỗi khi đạt đến một cột mốc quan trọng, chúng ta lại được Chúa và cuộc sống thách đố tạo nên một khởi đầu mới. Là người trẻ, các con là chuyên gia trong lĩnh vực này! Các con thích đi khắp nơi, thích khám phá những vùng đất và con người mới, thích được trải nghiệm. Vậy nên cha đã chọn thành phố Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, làm điểm đến cho chuyến hành hương liên lục địa sắp tới, sẽ diễn ra vào năm 2022. Từ Lisbon, vào thế kỷ 15 và 16, có rất nhiều người trẻ, gồm nhiều nhà truyền giáo, đã lên đường đến những vùng đất xa lạ, để chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Giêsu với các dân tộc và quốc gia khác. Chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon sẽ là: Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39). Trong hai năm sắp tới đây cha muốn cùng các con suy niệm hai bản văn Tin Mừng sau: năm 2020 “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14); và năm 2021 “Hãy trỗi dậy… ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy.” (x. Cv 26,16).

Như các con thấy, động từ “trỗi dậy” hay “đứng lên” xuất hiện trong cả ba chủ đề của ba năm. Những từ này cũng nói về sự sống lại, về sự thức dậy sống đời sống mới. Đây là những từ thường xuyên xuất hiện trong Tông huấn Christus vivit (Đức Kitô đang sống), mà cha đã gửi tới các con sau Thượng Hội đồng 2018. Và cùng với Tài liệu đúc kết, Giáo hội trao cho các con món quà ấy như một ngọn đèn soi sáng cho chúng con trên đường đời. Cha thành tâm mong rằng hành trình đưa chúng ta đến Lisbon, sẽ tương ứng với nỗ lực hết mình của toàn thể Giáo hội nhằm áp dụng hai tài liệu này, và hướng dẫn sứ vụ của những ai dấn thân vào các hoạt động mục vụ giới trẻ.

Chúng ta hãy trở lại với đề tài năm nay: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14). Cha đã nhắc đến câu Kinh thánh này trong Christus vivit“Nếu con đánh mất sức sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giêsu sẽ đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con đã chết của một bà goá, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con: “Này con, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” (số 20)

Đoạn Thánh Kinh này kể cho chúng ta nghe, khi Chúa Giêsu vào thành Nain xứ Galilê, Người đã gặp đám tang một anh bạn trẻ, là con một của một bà mẹ goá, như thế nào. Xúc động vì nỗi đau não lòng của người phụ nữ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho con bà được sống lại. Phép lạ diễn ra sau những lời nói và cử chỉ của Chúa: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.” (Lc 7,13-14).

Chúng ta hãy dành thời gian suy niệm những lời nói và cử chỉ này của Chúa.

Khả năng thấy được nỗi đau và sự chết

Chúa Giêsu chăm chú quan sát đám tang. Giữa đám đông, Người nhận ra khuôn mặt người phụ nữ đang vô cùng đau khổ. Khả năng quan sát của Người tạo nên cuộc gặp gỡ khơi nguồn sự sống mới. Chẳng cần phải nhiều lời.

Còn khả năng nhìn của tôi thì sao? Khi nhìn các sự việc, tôi có nhìn chăm chú không, hay giống như khi tôi cuộn lướt qua hàng ngàn bức ảnh và hồ sơ của mạng xã hội trên máy điện thoại? Quá thường khi chúng ta tận mắt chứng kiến một sự kiện mà không hề trải nghiệm sự kiện ấy theo thời gian thực! Đôi lúc phản ứng đầu tiên của chúng ta là lấy điện thoại ra chụp hình, mà chẳng bận tâm nhìn vào mắt của những người trong đó.

Xung quanh ta, nhưng đôi khi ngay trong lòng mình, chúng ta có thể thấy những thực tại của cái chết: cái chết thể lý, chết về tâm hồn, về tình cảm, cái chết về mặt xã hội. Chúng ta có thực sự nhận thấy chúng không, hay đơn giản cứ để chúng xảy đến với mình? Chúng ta có thể làm gì để phục hồi sự sống?

Cha cũng nghĩ đến tất cả những trường hợp tiêu cực ấy mà người trẻ các con đang trải qua. Nhiều người đặt cược mọi thứ vào khoảnh khắc hiện tại và liều mạng trong những trải nghiệm cực đoan. Một số khác thì “đã chết” vì cảm thấy vô vọng. Có một cô gái kể với cha: “Trong những người bạn của con, con thấy họ ít muốn dấn thân, ít có can đảm đứng dậy”. Thật đáng buồn, sự trầm cảm đang lan rộng nơi người trẻ, và thậm chí trong một số trường hợp đã dẫn đến cơn cám dỗ tự tử. Có biết bao nghịch cảnh, nơi mà vô cảm lên ngôi, nơi người trẻ chìm vào vực sâu đau khổ và hối tiếc! Biết bao người trẻ đang kêu khóc mà chẳng ai nghe tiếng họ van nài! Thay vào đó, họ chỉ gặp những ánh mắt thờ ơ lạnh lùng của những người chỉ muốn tận hưởng happy hour (giờ vui vẻ) của bản thân mình, mà chẳng bị bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì khác quấy rối.

Một số khác lãng phí đời sống vào những điều hời hợt, cứ nghĩ rằng họ đang sống nhưng thật ra họ đã chết trong lòng (x. Kh 3,1). Tuổi chỉ mới đôi mươi mà họ đã kéo lê cuộc đời ở dưới thấp, thay vì nâng lên cho xứng với phẩm giá đích thực của mình. Mọi thứ đều giản lược vào “lối sống hết mình” và đi tìm chút thoả lòng: là một phút giải trí, một thoáng quan tâm và yêu thương từ người khác… Và còn chủ nghĩa sùng bái bản thân thời kỹ thuật số đang lan tràn khắp nơi, tác động lên người trẻ và cả người lớn nữa. Quá nhiều người đang sống như vậy! Một số có lẽ còn thấm nhiễm chủ nghĩa vật chất của những người quanh họ, vốn chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và hưởng thụ, như thể đó là mục đích duy nhất của cuộc đời. Về lâu dài chắc chắn sẽ không tránh khỏi bất hạnh, vô cảm, và chán ghét cuộc sống, một cảm giác trống rỗng và vỡ mộng ngày càng gia tăng.

Những trường hợp tiêu cực cũng có thể là hệ quả của thất bại của cá nhân, những khi điều chúng ta quan tâm, điều chúng ta gắn bó, xem ra không còn tiến triển hay mang lại kết quả mong muốn nữa. Điều này có thể xảy ra với việc học tập, với những hoài bão của chúng ta trong thể thao và nghệ thuật… Hồi kết của “giấc mơ” có thể làm ta chết lặng. Nhưng thất bại là một phần của đời sống con người; đôi khi kết thúc thất bại lại trở thành một hồng ân! Cũng không hiếm trường hợp những gì chúng ta nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc cuối cùng chỉ là ảo vọng, một thứ thần tượng. Thần tượng đòi hỏi ta đủ thứ; chúng biến ta thành nô lệ nhưng chẳng cho lại ta chút gì. Đến cuối cùng, khi sụp đổ, chỉ để lại một đám bụi mờ. Thất bại là một điều tốt khi nó làm thần tượng sụp đổ, dẫu rằng cũng gây ra nhiều đau khổ.

Người trẻ cũng có thể rơi vào trường hợp chết về thể xác hoặc chết về đạo đức. Cha nghĩ đến tệ nạn nghiện ngập, tội ác, nghèo đói, hoặc bệnh hiểm nghèo. Cha mong các con hãy nghĩ đến những điều này và nhận ra cái gì “đã chết” nơi bản thân các con hoặc nơi những người thân cận của các con, hiện nay hay trong quá khứ. Đồng thời, cha xin các con hãy nhớ rằng người thanh niên trong Tin Mừng đã chết thực sự, nhưng vẫn có thể sống lại vì có Một Đấng đã nhìn thấy anh và muốn anh được sống. Điều tương tự cũng có thể xảy đến với chúng ta, hôm nay và mỗi ngày.

Có lòng thương xót

Kinh Thánh thường nói về tâm tình của những người cảm nhận nỗi đau của người khác chạm đến “ruột gan” mình. Cảm xúc của chính Chúa Giêsu đã khiến Người dự phần vào cuộc đời của người khác. Người đau nỗi đau của họ. Nỗi thống khổ của bà mẹ ấy trở thành nỗi thống khổ của Người. Cái chết của người thanh niên ấy trở thành cái chết của Người.

Là người trẻ, biết bao nhiêu dịp các con đã tỏ ra rằng các con có khả năng đồng cảm. Cha nghĩ đến tất cả những người trong các con đã quảng đại giúp đỡ bất cứ khi nào hoàn cảnh đòi hỏi. Không có thiên tai, động đất, lũ lụt nào xảy ra mà không có những người trẻ tình nguyện xông pha giúp đỡ một tay. Phong trào người trẻ quan tâm bảo vệ môi trường cũng là một minh chứng cho thấy chúng con có khả năng lắng nghe tiếng khóc của Trái đất.

Các bạn trẻ thân mến, đừng để mình bị tước mất sự nhạy cảm này! Ước mong các con sẽ luôn lưu tâm đến tiếng kêu xin của những người đang đau khổ, và động lòng trước những ai đang khóc than và chết đi trong thế giới ngày nay. “Có những thực tế trong cuộc đời chỉ có thể nhìn thấy bằng đôi mắt đẫm lệ” (Christus vivit, 76). Nếu biết khóc cùng kẻ khóc, các con sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực. Rất nhiều người cùng thời với chúng con phải chịu thiệt thòi và là nạn nhân của bạo lực và bách hại. Hãy gánh lấy những thương tích của họ như của mình, và các con sẽ là những người mang hy vọng trong thế giới này. Các con sẽ có thể nói với anh chị em mình rằng: “Hãy đứng dậy, bạn không cô đơn đâu!”, và các con sẽ giúp họ nhận ra Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta, nhận ra Chúa Giêsu là bàn tay Thiên Chúa chìa ra để nâng chúng ta dậy.

Tiến đến và “chạm vào”

Chúa Giêsu dừng đám tang lại. Người đến gần để bày tỏ sự gần gũi. Vì thế sự gần gũi biến thành một hành động dũng cảm là phục hồi sự sống cho người khác. Một cử chỉ mang tính tiên tri. Cái chạm của Chúa Giêsu, Đấng đang sống, truyền ban sự sống. Đó là cái chạm đổ tràn Thánh Thần vào thân xác đã chết của người thanh niên, và làm cho anh sống lại.

Cái chạm ấy đi vào nỗi đau và niềm tuyệt vọng. Đó là cái chạm của chính Chúa, một cái chạm cũng có thể cảm nhận được trong tình yêu đích thực của con người; đó là cái chạm mở ra những viễn cảnh không thể mường tượng được về tự do và cuộc sống mới viên mãn. Tác dụng của cử chỉ này nơi Chúa Giêsu là không kể xiết. Nó nhắc chúng ta rằng ngay cả một dấu chỉ của sự gần gũi, tuy giản dị nhưng cụ thể, cũng có thể làm bừng lên những sức mạnh phục sinh.

Các con cũng vậy, là người trẻ, các con có thể gần gũi với những thực tại đau khổ và cái chết mà các con gặp thấy. Các con cũng có thể chạm vào những thực tại ấy và như Chúa Giêsu, mang lại sự sống mới nhờ Chúa Thánh Thần. Nhưng chỉ khi nào chính các con được tình yêu của Chúa chạm đến trước, chỉ khi nào lòng các con tan chảy ra nhờ cảm nghiệm sự tốt lành của Người dành cho các con. Nếu các con cảm nhận được tình yêu vĩ đại của Chúa dành cho mọi loài thụ tạo – nhất là những anh chị em của chúng ta đang đói khát, đang bệnh tật, đang trần truồng và đang tù tội – thì các con mới có thể gần gũi họ như Chúa đã làm. Các con có thể chạm vào họ như Chúa đã chạm, và mang sự sống của Người đến cho anh chị em mình, là những người đã chết trong lòng, đang đau khổ hay đã mất niềm tin và hy vọng.

“Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”

Tin Mừng không cho chúng ta biết tên người thanh niên ở Nain mà Chúa Giêsu đã cho sống lại. Điều đó mời độc giả hãy coi mình như anh ta. Chúa Giêsu cũng nói với các con, với cha, với mỗi người trong chúng ta rằng: “Hãy trỗi dậy!” Là Kitô hữu, chúng ta biết rõ mình luôn vấp ngã và phải đứng lên. Những ai không lên đường thì chẳng bao giờ ngã; và cũng chẳng bao giờ tiến về phía trước. Đó là lý do chúng ta cần Chúa giúp và cần phải đặt niềm tin nơi Chúa. Bước đầu là hãy đứng dậy và nhận ra rằng đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là tốt lành và đáng sống. Đời sống ấy được nâng đỡ bởi Đấng luôn ở bên chúng ta trên hành trình tiến về tương lai. Chúa Giêsu giúp chúng ta sống cuộc sống này sao cho thật xứng đáng và đầy ý nghĩa.

Cuộc sống này thật sự là một tạo dựng mới, một cuộc sinh ra mới, không chỉ là một hình thức điều kiện hoá tâm lý. Có lẽ, vào những lúc khó khăn, nhiều người trong các con đã nghe người ta lặp đi lặp lại những công thức “thần kỳ” rất thời thượng ngày nay, những công thức cứ như thể giải quyết được mọi chuyện: “Các bạn phải tin vào chính mình”, “Các bạn phải khám phá tiềm lực bên trong của các bạn”, “Các bạn phải ý thức năng lượng tích cực của mình”… Nhưng những công thức này chỉ là lời sáo rỗng, chẳng có tác dụng với những ai đã thực sự “chết ở bên trong”. Lời của Chúa Giêsu âm vang sâu xa hơn; lời ấy đi sâu vô tận. Đó là lời thần linh và tạo dựng, chỉ duy nhất lời ấy có thể đưa kẻ chết về lại cõi sống.

Sống cuộc đời mới như “những người đã trỗi dậy” 

Tin Mừng thuật lại: người thanh niên “bắt đầu nói” (Lc 7,15). Những ai đã được Chúa Giêsu chạm vào và cho sống lại, thì tức khắc sẽ lên tiếng và không ngần ngại cũng như sợ hãi bày tỏ những gì đã xảy ra tận trong sâu thẳm cõi lòng về bản thân, những khát vọng, nhu cầu và niềm mơ ước của mình. Có lẽ trước đây, họ chẳng hề làm được như vậy, vì nghĩ rằng không ai có thể hiểu được.

“Nói” cũng có nghĩa là đi vào mối tương quan với người khác. Khi “chết”, chúng ta khép kín đời mình. Các mối tương quan bị cắt đứt, hay trở nên hời hợt, sai lầm và giả hình. Khi làm cho chúng ta sống lại, Chúa Giêsu “trao” chúng ta lại cho tha nhân (x. c 15).

Ngày nay, chúng ta thường “kết nối” nhưng lại không giao tiếp với nhau. Việc sử dụng bừa bãi các thiết bị điện tử có thể làm cho chúng ta bị thường xuyên gắn liền với màn hình. Hỡi các bạn trẻ! Qua sứ điệp này, cha muốn cùng với các con kêu gọi một sự thay đổi văn hóa, dựa trên lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy trỗi dậy!”. Trong một nền văn hóa làm cho người trẻ bị cô lập và rút vào những thế giới ảo, chúng ta hãy lan truyền lời mời của Chúa Giêsu: “Hãy trỗi dậy!” Chúa mời gọi chúng ta sống cuộc sống thực, vốn vượt xa cuộc sống ảo. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận công nghệ, mà là sử dụng công nghệ như là phương tiện chứ không phải là cùng đích. “Hãy trỗi dậy!” còn là một lời mời gọi “hãy mơ ước”, “hãy mạo hiểm”, “hãy dấn thân biến đổi thế giới”, để thắp lên niềm hy vọng và khơi dậy những khát vọng, để chiêm ngưỡng bầu trời với những vì tinh tú và thế giới xung quanh. “Hãy trỗi dậy và trở nên chính bạn!” Nếu đó là sứ điệp của chúng ta, nhiều người trẻ sẽ không còn buồn chán và mệt mỏi, khiến cho khuôn mặt trở nên rạng rỡ và đẹp hơn bất kỳ một thực tại ảo nào.

Nếu các con trao tặng sự sống mình, sẽ có người đón nhận. Như một phụ nữ trẻ từng nói: “Hãy rời chiếc ghế dài khi bạn thấy điều gì đó đẹp đẽ, và hãy cố làm điều tương tự”. Cái đẹp đánh thức đam mê. Và nếu một người trẻ đam mê điều gì, hoặc tốt hơn, say mê một ai đó, người ấy sẽ đứng dậy và bắt đầu làm những điều tuyệt vời. Những người trẻ trỗi dậy từ “cõi chết”, sẽ trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu và hiến dâng cuộc đời mình cho Người.

Các bạn trẻ thân mến, đam mê và ước mơ của các con là gì? Các con hãy nói ra, và qua đó, các con hãy trao tặng cho thế giới, cho Giáo hội và cho các bạn trẻ khác những điều tốt đẹp trong lĩnh vực tinh thần, nghệ thuật hay lĩnh vực xã hội. Cha lặp lại điều mà có lần Cha đã nói bằng tiếng mẹ đẻ của cha rằng: Hagan lío! Hãy làm cho người khác nghe được tiếng nói của các con! Cha nhớ có một bạn trẻ đã nói: “Nếu Chúa Giêsu là một người chỉ biết nghĩ đến mình, thì chắc hẳn người con trai của bà góa đã chẳng được sống lại”.

Khi làm cho chàng thanh niên sống lại, Chúa cũng trao lại đứa con cho người mẹ. Nơi người phụ nữ ấy, chúng ta có thể thấy hình ảnh của Đức Maria, Mẹ chúng ta, và chúng ta phó thác tất cả các bạn trẻ trên toàn thế giới cho Mẹ. Nơi Mẹ, chúng ta cũng nhận ra Giáo hội, với tình yêu thương dịu hiền, luôn muốn đón tiếp từng người trẻ, không trừ một ai. Vì vậy, chúng ta hãy xin Mẹ Maria chuyển cầu cho Giáo hội, để Giáo hội luôn là người mẹ của những đứa con đã chết, khóc thương và xin cho những đứa con ấy được sống lại. Trong từng người con đã chết, Giáo hội cũng chết, và trong từng người con trỗi dậy, Giáo hội cũng trỗi dậy.

Cha chúc lành cho hành trình của các con. Và cha xin các con đừng quên cầu nguyện cho cha.

Roma, từ Đền thờ Thánh Gioan Latêranô,

11 tháng Hai 2020, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

PHANXICÔ

Minh Đức chuyển ngữ

Trích nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/ 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube