Hỏi: Thưa cha, đối với người có đạo Công giáo thì hôn nhân là một bí tích vì thế có tính bất khả phân ly. Còn với những người lương thì hôn nhân có bị ràng buộc gì không và khi họ đã li dị họ có thể kết hôn với người Công giáo không ?
Con nhận thấy có nhiều người ngoại giáo bỏ vợ (hoặc chồng) rồi theo đạo lại được phép lập gia đình với người Công Giáo như vậy người ta có thể trách đạo mình là phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Xin cha cho biết ý kiến? Cám ơn cha!
Trả lời:
Hôn nhân là một định chế lâu đời nhất có từ khi con người biết kết ước với nhau để cùng nhau chung sống thành một cộng đồng. Vì thế mà hôn nhân không chỉ tồn tại hay có giá trị từ khi có Kitô giáo mà theo Kinh Thánh, đã có từ thuở Thiên Chúa tạo dựng con người. Như vậy hôn nhân là việc Thiên Chúa liên kết hai người nam và nữ để họ nên vợ nên chồng. Chúa Giêsu cũng đã tái khẳng định điều này khi tuyên bố: Thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ… Vì thế người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt… Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mt 19,5-6). Điều Chúa Giêsu nói không chỉ dành cho hôn nhân Công giáo mà cho tất cả mọi cuộc hôn nhân. Như vậy tất cả các cuộc hôn nhân dù là hôn nhân ngoại giáo cũng đều mang những đặc tính chính yếu là đơn nhất tức là một vợ một chồng và bất khả phân ly như Công đồng Tridentinô đã định tín: “Mọi hôn nhân hợp pháp do luật tự nhiên và thiên định đều vĩnh viễn và bất khả phân ly”. Tức là hôn nhân của những người lương nếu không có ngăn trở theo luật tự nhiên và thiên luật thì được coi là thành sự.
Giáo luật mới đã trình bày ở Điều 1056:
Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly…
Điều Giáo luật này còn thêm:
…những đặc tính này có sự bền vững đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo vì có tính cách bí tích.
Như vậy, những đặc tính mà ta vừa nói trong hôn nhân Kitô giáo được củng cố bền vững nhờ tính bí tích chứ không phải là đặc tính riêng của hôn nhân Công giáo và các cuộc hôn nhân khác dù là hôn nhân tự nhiên cũng bị ràng buộc bởi những đặc tính đơn nhất và bất khả phân ly nên người ta không có quyền tự do ly hôn hoặc hoặc tự do quan hệ ngoài hôn nhân.
Thiết tưởng cũng phải lưu ý thêm rằng hôn nhân ngoài Kitô giáo dù không phải là bí tích cũng mang tính thánh thiêng vì đã được Thiên Chúa chúc lành từ ban đầu (St 1,28). Những hôn nhân này được gọi là hôn nhân tự nhiên.
Một người ngoại giáo dù đã ly dị về mặt dân sự thì dây ràng buộc hôn nhân tự nhiên vẫn tồn tại nên không thể kết hôn thành sự với người Công giáo được.
Khi người ngoại trở lại đạo thì Thánh Phaolô cũng như Giáo Hội không khuyên họ bỏ vợ hay bỏ chồng mà phải tiếp tục chung sống với người bạn đời sau khi rửa tội và giúp người này nhận biết Chúa nếu người này không muốn bỏ họ.
“Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ” (1Cr 7,16).
Nếu chủ tâm ly dị người bạn đời để tái hôn, người tân tòng cố tình vi phạm lệnh của Chúa và không được tái hôn trong Giáo Hội. Người Công giáo nào cố tình làm phân rẽ đôi vợ chồng này, là phạm tội phá hoại gia cang người khác và cố tình vi phạm lệnh của Chúa.
Còn trường hợp bên không rửa tội tự ý chia tay thì theo Thánh Phaolô, người tân tòng sẽ không bị ràng buộc nữa và nếu người tân tòng không thể sống độc thân được họ có thể xin đặc ân Thánh Phaolô để tái kết hôn nhưng cần có những điều kiện để có thể hưởng đặc ân này. Đây là một đặc ân phải xin và nếu đủ điều kiện mới được ban chứ không phải là quyền tái hôn của người tân tòng.
– Để người tân tòng được hưởng đặc ân Thánh Phaolô thì việc người bạn đời ngoại đạo tự ý chia tay là yếu tố quyết định, bắt buộc phải có, (x. Giáo luật 1143). Người không chịu Phép Rửa Tội được kể là chia tay nếu không muốn sống chung với người tân tòng hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa.
– Điều kiện tiếp theo là chất vấn người không chịu Phép Rửa Tội để biết:
1/ Người này có muốn được rửa tội hay không;
2/ Người này có muốn tiếp tục chung sống hòa thuận mà không xúc phạm đến Thiên Chúa không (x. Giáo luật 1144);
Nếu người ngoại giáo trả lời đồng ý một trong hai câu hỏi trên thì đặc ân Thánh Phaolô không thể được ban cấp và người tân tòng không thể tái hôn.
Qua những điều trình bày ở trên chị cũng đã nhận thấy rằng việc người ngoại bỏ vợ hay chồng rồi theo đạo để kết hôn với người Công giáo không phải là điều được Giáo Hội chấp nhận mà chỉ trong những trường hợp đã chia tay dứt khoát không còn cứu vãn được thì mới ban đặc ân này vì lợi ích đức tin của người tân tòng.
Có lẽ vì không thật sự biết rõ những trường hợp người tân tòng được tái hôn nên đã có những ngộ nhận như thắc mắc chị đã nêu lên.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT
Trích nguồn: http://trungtammucvudcct.com