Giáo Hội Thời Các Sứ Đồ

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
GIÁO HỘI THỜI CÁC SỨ ĐỒ

I. NHỮNG ANH EM Ở GIÊRUSALEM

Lịch sử Giáo Hội bắt đầu khoảng năm 30 tại Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái (kỷ niệm giao ước Sinai), Nhóm 12 môn đệ Đức Giêsu loan báo cho đồng bào Do Thái ở khắp nơi về mừng lễ một TIN MỪNG. Các vị nói về Đức Giêsu sứ giả của Thiên Chúa tuy bị đóng đinh nhưng vẫn đang sống, Ngài đã phục sinh. Ngài chính là Đấng Messia, là Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái qua bao thế hệ hằng mong đợi.

“Xin toàn thể nhà Israel hãy biết cho rằng : Thiên Chúa đã đặt làm Chúa, làm Messia, Đức Giêsu mà các người đã đóng đinh kia” (Cv 2,36)

Qua lời loan báo Tin Mừng đó, Nhóm 12 tự khẳng định tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội. Đầy tràn Thánh Thần, những ngư phủ nhút nhát bổng nói năng trôi chảy. Các vị như thấy một dân tộc mới đang nảy sinh ; “Lời hứa được ban cho anh em và con cái anh em cùng mọi kẻ ở phương xa và cho hết mọi người” (Cv 2,39).

Phêrô mạnh dạn lên tiếng trước đám đông đang nói ông say rượu. Ông tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu-Messia và kêu gọi hoán cải : “Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu để được tha thứ và được lãnh ơn Thánh Thần”. Ngày hôm đó, 3000 người xin chịu thanh tẩy, Giáo Hội được khai sinh.

1,1. Sinh hoạt cộng đoàn

Như Đức Giêsu, các thành viên đầu tiên của Giáo Hội là người Do Thái, dùng ngôn ngữ Aram. Họ vẫn lui tới đền thờ và giữ luật Maisen. Họ bề ngoài giống như một trong nhiều nhóm Do Thái khác : Pharisiêu, Saducêô, Zêlốt … Thế nhưng họ không khép kín như những nhóm này. Họ gọi nhau là “anh em’ và mở rộng đón mọi người. Tài liệu quí nhất về sinh hoạt cộng đoàn tiên khởi là Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca, cho ta thấy niềm tin của tín hữu tiên khởi, và cho thấy những hình ảnh êm ả nhất : “Ngày ngày họ đồng tâm nhất trí đến Đền thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành trong lời ngợi khen Thiên Chúa và sự mến phục của toàn dân”.

Đón nhận Tin Mừng, mỗi người đều hoán cải, lãnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu (2,38), “chuyên cần nghe giáo huấn tông đồ và trung tín với sự hiệp thông, việc bẻ bánh và cầu nguyện” (2,42). Ngoài ra “các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự là của chung : đất đai của cải họ bán đi, phân phát cho mọi người, ai nấy túy theo nhu cầu” (2,44). Họ làm vậy vì tình huynh đệ cộng đoàn, nhưng một phần cũng vì tưởng ngày Chúa quang lâm đã gần kề. Trong chuyện hai vợ chồng Anania và Saphira nộp của cải nhưng giấu đi một phần nên bị phạt cho ta thấy việc góp tài sản này hoàn toàn tự do và tự nguyện. Thánh Phêrô nói : “Có bán đi các người vẫn tự quyền xử định. Hà tất phải bận tâm bày ra chuyện (gian dối) này” (5,4).

Ngồi lại với nhau, các tín hữu chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống động được gặp Đức Kitô của mình. Họ kể : “Ngày ấy … Ngài đang nói thì …”. Mađalêna, các môn đệ làng Emmaus vẫn còn đó. Gioan thì nói về Đấng mình đã nghe, đã chứng kiến, cung chiêm, đụng chạm đến … “để anh em được hiệp thông và được sự sống đời đời” (I Ga 1,1-3). Thánh Phêrô còn cho ta biết thêm bầu khí của cộng đoàn : “cùng nhau thông cảm, mặn nồng tình huynh đệ, đầy lòng xót thương và khiêm nhu” (1Pr 3,8). Kết quả là “số kẻ được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn” (Cv 2,47).

1,2. Cản trở từ phe Đền thờ

Dầu sao, niềm tin Đức Giêsu là Messia cũng gây khó chịu cho những người Do Thái khác. Niềm tin đó như lời phản đối các thượng tế và kỳ lão đã kết án Đức Giêsu, và chống lại lưu truyền về Đấng Messia vinh quang … Sự đối kháng bùng nổ khi Phêrô và Gioan chữa một người què. Họ bắt hai vị nhưng lại sợ dân chúng nên thả ra. Câu trả lời của hai vị trở thành châm ngôn của nhà truyền giáo : “Chúng tôi không thể im về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe … Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Sự đối kháng đó ngày càng gia tăng. Khi bị bắt lần hai, các vị bị đánh bằng roi. Nhưng Tin Mừng đã tác động cách nào đó ngay trong chính hàng ngũ các Biệt Phái, rabbi Gamalien đã can thiệp để hai vị tự do, vì : “Các ngài không phá nổi đâu, nếu đây là công trình của Thiên Chúa”.

1,3. Lời Chúa không bị ràng buộc ở Giêrusalem

Cũng như dân Do Thái, các tín hữu tiên khởi có hai khuynh hướng : một bên đề cao dân được chọn, bắt tân tòng phải cắt bì khi gia nhập; bên kia đa số ở các cộng đoàn hải ngoại Diaspora) thường được gọi là nhóm Hy-hóa, hiểu giá trị của văn hóa Hy Lạp hơn. Nhân việc các bà góa phe Hy hóa bị lãng quên, các tông đồ đã chọn bảy phó tế để hướng dẫn những người này. Các vị này hăng say truyền bá Tin Mừng ra ngoài Giêrusalem. Họ đều năng động, trẻ tuổi, thông thuộc Cựu-Ước và hiểu biết văn hóa Hy Lạp.

Trưởng nhóm bảy người là Stêphanô còn lưu lại một diễn từ gãy gọn khúc chiết (Cv 7). Ông vạch rõ tính tạm bợ của Đền thờ và nói đến việc phượng tự mới của Đức Giêsu trong tinh thần và chân lý. Ông bị dân Do Thái ném đá và trở thành vị tử đạo tiên khởi trong Giáo Hội (năm 34). Cuộc bắt bớ bùng nổ, “các người bị phân tán đi qua đâu, họ rao giảng Lời Tin Mừng đến đó” (Cv 8,4). Phó tế Philíp mạnh dạn đến với dân Samari, vốn bị Do Thái khinh ghét, ông giảng và rửa tội cho viên hoạn quan đang trên đường đi Gaza, rổi lập công đoàn ở Cêsarea. Các tông đồ hưởng ứng công tác này, đã phái Phêrô và Gioan đến Samaria ban phép Thêm Sức và củng cố Đức Tin.

Thánh Phaolô, khi đó có tên là Saulô, kẻ từng tham gia cuộc ném đá Stêphanô, đi lùng bắt các tín hữu. Chúa Giêsu đã chinh phục ngài trên đường Damas (Cv 9). Sau ba năm sống trong sa mạc Arabie, thánh nhân được Barnabê giới thiệu với các Tông đồ và đưa đi giảng Tin Mừng tại Antiokia.

 1,4. Lời Chúa không dành riêng cho Dân Do Thái

Thánh Phêrô nhờ một thị kiến, hiểu ra rằng Tin Mừng được gửi đến cho mọi dân : “Thiên Chúa chẳng thiên tư tây vị, bất cứ thuộc dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành thì đều được Người chiếu nhận”. Thánh nhân đã nói như vậy trước khi ban phép Thánh tẩy cho viên bách quản Cornêlio và gia đình. Ngài đã thấy Thánh Thần đồ xuống trên họ (Cv 10, và 11), nhưng mới chỉ coi là luật trừ cho người có hạnh kiểm tốt.

Antiokia là nơi có nhiều tín hữu đến lánh nạn nhất, cũng là nơi đầu tiên họ được gọi là Kitô hữu. Thánh Phêrô đã lập Tòa tại đây (lễ kính 22.02). Tại Antiokia, Phaolô và Barnabê giảng cho dân ngoại mà không buộc họ phải giữ luật Maisen Do Thái, không cần cắt bì. Điều này làm cho nhóm Giacôbê ở Giêrusalem quan ngại, và cho người đi kiểm tra. Hôm ấy Phêrô đang ăn với các tân tòng, e sợ nên tránh mặt, đã bị Phaolô thẳng thắn phê phán (Gl 2,11t). Vấn đề được đưa ra Công đồng Giêrusalem năm 49, và được các Tông đồ giải quyết rõ rệt. Phép cắt bì và luật Maisen không phải Tin Mừng. Không cần đồi văn hóa để tiếp nhận Lời Chúa. Chủ trương của thánh Phaolô đã thắng với một nhượng bộ nhỏ về việc kiêng ăn uống máu huyết (Cv 15).

II. GIÁO HỘI LAN RỘNG TRONG ĐẾ QUỐC ROMA

 2,1. Khung cảnh đế quốc

Roma, một mảnh đất thuộc Italia, được thành lập năm 753 trước Chúa Giáng Sinh. Sau nhiều đợt chinh phục, đế quốc thống lĩnh toàn bộ khu vực quanh Địa Trung Hải. Pompeius chiếm Giêrusalem (năm 63), Cêsar chiếm Galia (năm 50), Octavius chiếm Ai Cập (năm 30). Vị cuối cùng tự xưng là Augusto hoàng đế, khởi sự cho thời đại “hòa bình Roma” (pax Romana) kéo dài đến năm 192.

Chính nhờ bối cảnh thống nhất của đế quốc Roma, Giáo Hội dễ dàng lan rộng : việc phát triển đường xá, thương thuyền, một ngôn ngữ chung phổ biến là Hy Lạp (tiếng Latinh đến cuối thế kỷ II mới thông dụng) và các cộng đoàn Do Thái hải ngoại (diaspora) đã sống rải rác khắp nơi. Bối cảnh văn hóa, tôn giáo cũng đem lại nhiều thuận lợi : các triết thuyết khắc kỷ và hoài nghi đã gợi lên ước muốn độc thần, những người bị bỏ rơi trong xã hội như nô lệ, phụ nữ dễ dàng đến với tôn giáo, nhất là việc tiếp xúc với các thần đông phương đã gợi lên trong quần chúng ước vọng kết hiệp với Thượng Đế.

2,2. Giáo hội phát triển với Phaolô và Phêrô
Trong hành trình thứ II, thánh Phaolô ở Troas gặp một thị kiến : một người Macêđoan nài xin ông hãy đến giúp (Cv. 16,9). Tin Mừng vượt Tiểu Á sang Châu Âu năm 49. Thánh Phaolô đi giảng ở Philipphê, Thessalônica, Côrintô và Athêna. Thất bại của lý luận về Thần Vô Minh đã biến ngài thành vị rao giảng về sự khôn ngoan của Thập Giá.
Hành trình thứ III (năm 53-58), thánh nhân đi thăm từng cộng đoàn cũ, giảng thuyết tùy hoàn cảnh cụ thể, giải quyết những xung đột. Tại mỗi nơi, ngài tìm cộng sự viên và trao giáo đoàn cho họ. Vượt qua mọi gian truân (II.Cr 11 và 12), ngài không ngừng công bố sứ điệp Đức Kitô, loan báo về dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp) trong đó mọi người là anh em, mỗi người phải thắng chính mình, sống tự do con cái Chúa và sống ơn Phục Sinh qua mầu nhiệm khổ giá.
Hành trình thứ IV (năm 60-63) đưa Phaolô đến Roma như một tù nhân. Hai năm bị giam lỏng, ngài vẫn không ngừng rao giảng và viết bốn ngục thư (Philipphê, Ephêsô, Côlôxê, Philêmon). Trở về Tiểu Á, ngài bị bắt về Roma lần thứ hai, bị án trảm quyết thời hoàng đế Nêrô, có lẽ là năm 67, như thánh Phêrô.
Sử gia Eusêbio (LSGH 3) cho ta biết thánh Phêrô đã đi giảng Tin Mừng tại Pont, Galata, Cappađôcia, Tiểu Á. Thư 1Cr. 1,12 xác định ngài đến Côrintô trước khi đến Roma. Khi Nêrô bách hại đạo gay gắt, thánh nhân định bỏ trốn để tiếp tục phục vụ giáo đoàn. Nhưng theo lưu truyền, ngài gặp Đức Giêsu vác thập giá đi vào thành (biến cố Quo vadis :Thày đi đâu?), nên ngài quay trở lại thủ đô và xin được đóng đinh ngược. Việc ngài tử đạo ở Roma được Giáo Hoàng Clêmente (+97) nhắc đến, và được các giáo phụ như Ignatio, Origène và Tertulianô xác định, đã khiến Roma trở thành thủ đô của Giáo Hội cho đến nay.

2,3. Hoạt động của các Tông Đồ khác

Hai vị Tông đồ ở lại Giêrusalem là thánh Giacôbê Tiền bị chém năm 42 và thánh Giacôbê Hậu bị ném đá năm 62. Thánh Mathêu rong ruổi đến Bắc Phi Châu, thánh Bartôlômêo thì giảng đạo ở Armênie và Ả Rập, hai thánh Simon và Giuđa hoạt động ở Ai Cập và cũng tử đạo ở Mêsôpôtamia. Nếu thánh Mathias đến Ba Tư, thì thánh Thomas qua Ba Tư đến tận Ấn Độ. Khu vực Tiểu Á có thánh Anrê bị xử tử thập giá chữ X, có thánh Philip và đặc biệt là thánh Gioan, vị duy nhất không tử đạo mặc dù đã bị bỏ vào vạc dầu sôi năm 92.

Ngoài ra cũng nên biết, Maccô thánh sử, mới đầu là môn đệ thánh Phaolô, nhưng sau cùng làm việc với thánh Phêrô ở Roma. Luca thánh sử người y sĩ đồng hành với Phaolô, cũng là tác giả Công Vụ Tông Đồ đã hoạt động và tử đạo ở Akaia.

 TOÁT YẾU

1. Cộng đoàn Giêrusalem : là nhóm “anh em” luôn rộng mở mời đón mọi người. Họ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Messia, là Chúa. Họ tin, hối cải đón nhận Thánh Thần và loan báo về Ngài, mặc cho mọi chống đối từ phe Đền thờ. Theo Công vụ tông đồ 2,24 họ chuyên cần với giáo huấn các Tông đồ, với việc hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện … Họ góp của cải thành tài sản chung để phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu.

2. Lời gieo ngoài Giêrusalem : Tin Mừng được dần dần lan rộng nhờ các Diaspora Do Thái đã rải rác khắp đế quốc. Các phó tế và thánh Phêrô đã đi tiên phong trong việc đem Tin Mừng cho dân ngoại. Cuộc bách hại của Hêrođê và việc Giêrusalem sụp đồ, thúc đẩy Tin Mừng đi nhanh hơn. Công đồng năm 49 tại Giêrusalem như lời tuyên cáo Luật Mới đã thay thế luật Maisen. Thánh Phêrô chọn thủ đô mới cho Giáo Hội là ROMA, ngài giảng đạo và tử đạo tại đó.

3. Nhân sinh quan mới : Dưới góc nhìn lịch sử, thánh Phaolô có vai trò đặc biệt xây dựng hệ thống giáo lý, đề ra phương án thực hiện tổ chức, biến niềm tin thành một cuộc cách mạng tôn giáo : khám phá ra Đức Kitô là đỉnh cao của lịch sử, mở ra một thời đại mới, dân tộc mới (không còn Do Thái hay Hy Lạp). Niềm tin ấy của các tín hữu sơ khai đã kết tinh lại trong ngòi bút của các thánh ký qua 27 tác phẩm Tân Ước.

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Trích nguồn: http://conggiao.info

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube