Màu Sắc Của Khăn Che Thánh Giá Trong Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh

MÀU SẮC CỦA KHĂN CHE THÁNH GIÁ
TRONG PHỤNG VỤ THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Dịp Tuần Thánh gần kề, một số tín hữu có những thắc mắc như sau về màu sắc của khăn che / phủ Thánh giá trong cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh: (1) Khăn che Thánh giá có màu tím hay màu đỏ? (2) Tại sao có nơi dùng khăn màu tím lại có nơi dùng khăn màu đỏ để che Thánh giá? (3) Ngay tại Rôma, khi Đức Thánh Cha cử hành nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, rõ ràng khăn màu đỏ đã được sử dụng để che Thánh giá trong các năm gần đây, vậy tại sao khắp nơi không thực hành như vậy? Phần trình bày dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi trên.

1/ Khăn che Thánh giá có màu tím hay màu đỏ?

Căn cứ vào Sách Lễ Rôma (ấn bản mẫu thứ ba – năm 2002), tại số 15 của cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh hướng dẫn suy tôn Thánh giá theo cách thứ nhất / hình thức thứ nhất như sau: “Phó tế và các thừa tác viên, hay một thừa tác viên thích hợp, đi vào phòng áo, sau đó cùng với hai thừa tác viên cầm nến cháy, kiệu Thánh giá có phủ khăn tím (velo violaceo obtectam[1] – recouverte d’un voile violet[2] – covered with violet veil[3]) tiến vào giữa cung thánh”.

Như vậy, theo đúng ý định của Hội Thánh, chúng ta sử dụng khăn che Thánh giá màu tím chứ không phải màu đỏ.

2/ Nhưng tại sao có nơi dùng khăn che màu đỏ, có nơi lại dùng khăn che màu tím?

Thực hành như thế phát xuất từ những lý do sau đây:

– Thứ nhất, cả Sách Lễ Rôma [ấn bản 1970] và Sách Lễ Rôma [ấn bản 1975] đều không đề cập đến màu sắc của khăn che Thánh giá trong cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh (nghi thức “Kính Thờ Thánh Giá”), mà chỉ đơn giản viết rằng: “Mang Thánh giá có phủ khăn ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên Thánh giá” (Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ nhất 1970, bản tiếng Việt 1971, trang 285); “Đem Thánh giá có phủ khăn ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên…” (Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ hai 1975, bản tiếng Việt 1992, trang 269). Cũng trong Sách Lễ Rôma (ấn bản mẫu thứ hai 1975, bản tiếng Việt 1992), sau Bài lễ “Thứ Bảy sau Chúa nhật tuần IV Mùa Chay”, chúng ta gặp thấy những lời này: “Có thể giữ thói quen che ảnh tượng trong nhà thờ tùy theo quyết định của Hội đồng Giám mục. Các Thánh giá thì che cho đến Thứ Sáu Tuần Thánh, sau nghi thức tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa” (trang 223).[4] Từ những hướng dẫn trên mà màu sắc cụ thể của khăn che đã không được đề cập, chúng ta biết đến 2 thực hành sau: (1) Một là sử dụng khăn phủ Thánh giá màu tím vì màu tím được xem là hợp lý, nó vốn là màu truyền thống và cũng tương thích với mùa phụng vụ;[5] mặc khác, vì đây chính là thực hành trước đó của thời kỳ tiền công đồng / thực hành của hình thức ngoại thường trong đó màu tím được quy định cho cả Thứ Sáu Tuần Thánh và cho việc che mọi ảnh tượng và Thánh giá được trưng cho mọi người thờ kính, trước giờ Kinh Chiều áp ngày Chúa nhật Lễ Lá (Chúa nhật thứ V của Mùa Chay);[6] (2) Hai là sử dụng khăn phủ Thánh giá màu đỏ vì sau công đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã thay đổi phẩm phục của thừa tác viên cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh từ màu đen sang màu đỏ là màu gợi lên máu (Chúa chịu chết vì tình yêu dành cho chúng ta) và lửa,[7] hậu nhiên là trong quá khứ, nhiều nơi đã sử dụng khăn phủ Thánh giá màu đỏ cho phù hợp với màu của phụng vụ theo ngày, tức bị ảnh hưởng bởi màu đỏ của phẩm phục dành cho thừa tác viên.[8] Hai thực hành này tiếp tục được củng cố chiếu theo hướng dẫn của Bộ Phụng Tự trong “Thư Luân lưu về việc Chuẩn bị và Cử hành Đại Lễ Phục Sinh” (được ban hành ngày 16/01/1988): “Sau Thánh lễ hôm nay (tức Thánh lễ Tiệc Ly), lột khăn bàn thờ. Các Thánh giá trong nhà thờ phải phủ khăn tím hay khăn đỏ, trừ phi chúng đã được phủ khăn vào Thứ Bảy trước Chúa Nhật V Mùa Chay” (số 57).

– Thứ hai, do chưa cập nhật những cái mới của Sách Lễ Rôma [ấn bản 2002]. Như đã trình bày ở trên, cả ấn bản mẫu thứ nhất [1970] và ấn bản mẫu thứ hai [1975] của Sách Lễ Rôma đều không đề cập đến màu sắc của khăn che Thánh giá trong cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh (phần nghi thức “Kính Thờ Thánh Giá”, số 15).[9] Trong khi đó, cũng tại số 15 của phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, hướng dẫn của Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002] đã thay đổi. Bởi vậy, học giả phụng vụ Paul Turner tổng kết rằng một trong những cái mới của Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002] là đã xác định rõ màu sắc của khăn phủ Thánh giá tại phần cử hành “Kính Thờ Thánh Giá” của Thứ Sáu Tuần Thánh: “Phó tế và các thừa tác viên, hay một thừa tác viên thích hợp, đi vào phòng áo, sau đó cùng với hai thừa tác viên cầm nến cháy, kiệu Thánh giá có phủ khăn tím (velo violaceo obtectam) tiến vào giữa cung thánh.”[10]

– Thứ ba, do bắt chước thực hành tại Rôma trong những năm gần đây khi Đức Thánh Cha cử hành nghi thức Thứ Sáu Tuần thánh với khăn che Thánh giá màu đỏ.[11]

3/ Tại sao khắp nơi không sử dụng khăn phủ Thánh giá màu đỏ như ở Rôma?

Trường hợp dùng khăn tím hay khăn đỏ có lẽ không phải là vấn đề đúng hay sai, đúng hơn, nó chỉ là sự chọn lựa theo đúng ý định của Hội Thánh cho phù hợp với bối cảnh phụng vụ. Với ấn bản mẫu thứ ba (2002) của Sách Lễ Rôma, rõ ràng Hội Thánh đã không còn để chúng ta tùy nghi chọn lựa khăn phủ Thánh giá [trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh] hoặc là màu tím hoặc là màu đỏ nữa nhưng đã xác định dứt khoát màu tím như là thực hành thuộc luật chữ đỏ và gần như là một dạng praenotanda cần phải được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh[12] để cử hành cho chính xác, dễ dàng và tràn đầy ân sủng,[13] ngoại trừ những trường hợp đặc biệt do được thích ứng bởi Hội đồng Giám mục cùng với sự thừa nhận của Tòa Thánh (Bộ Giáo Luật 12§1; 838)[14] hoặc do thuộc về lễ nghi và tập tục của phụng vụ giáo hoàng, chẳng hạn như việc dùng khăn phủ Thánh giá màu đỏ tại Rôma.[15]

Theo nhận định của cha McNamara – khoa trưởng thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Rôma) – thực hành dùng khăn phủ Thánh giá màu đỏ tại Rôma có thể là một tập tục đặc biệt của phụng vụ dành cho Đức Thánh Cha, cũng giống như truyền thống lễ phục màu đỏ được sử dụng cho Thánh lễ an táng của một Đức Thánh Cha.[16]

Vì không thuộc bối cảnh phụng vụ giáo hoàng, hơn nữa, trong khi không có bất cứ văn bản nào của Hội Thánh hướng dẫn làm theo tập tục đặc biệt này của phụng vụ dành cho Đức Thánh Cha, thì lại đang tồn tại một chỉ dẫn rất cụ thể của Hội Thánh nằm trong Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002] là kiệu Thánh giá có phủ khăn tím,[17] nên lẽ đương nhiên chúng ta không thể bắt chước thực hành ở Rôma với khăn phủ Thánh giá màu đỏ (trong cử hành Cuộc Thương khó của Chúa). Thực ra, phụng vụ giáo hoàng tự nó là một thực tại riêng biệt và dầu ngày càng trở nên mẫu mực trong việc diễn tả vẻ đẹp và sự phong phú của phụng vụ cũng như trở thành điểm quy chiếu mẫu mực cho việc thực hiện công cuộc canh tân phụng vụ phù hợp với tinh thần và quy tắc của công đồng Vaticanô II, nhưng chúng ta không thể “sao chép” phụng vụ giáo hoàng một cách máy móc để rồi bỏ qua các quy chế / quy định phụng vụ được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh như được trình bày trong Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002].[18]

4/ Kết luận thực hành

(1) Khăn phủ Thánh giá sử dụng trong nghi thức “Kính Thờ Thánh Giá” là màu tím chứ không phải màu đỏ vì chúng ta phải ưu tiên tuân theo chỉ dẫn của Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002] [19] xét như là sách phụng vụ được ban hành bởi Đức Thánh Cha, thẩm quyền tối cao về phụng vụ trong Hội Thánh (Bộ Giáo Luật 331, 361).[20]

(2) Còn đối với các Thánh giá trong nhà thờ, sau Thánh lễ Tiệc Ly, chúng có thể được phủ bằng khăn tím hay khăn đỏ, trừ phi đã được phủ khăn vào Thứ Bảy trước Chúa Nhật V Mùa Chay.[21] Tuy nhiên để tạo ra sự đồng bộ về màu sắc với khăn phủ Thánh giá dùng trong nghi thức “Kính Thờ Thánh Giá”, chúng ta cũng nên chọn khăn tím để che phủ các Thánh giá khác trong nhà thờ.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com

 

[1] Missale Romanum, editio typica tertia (Città del Vaticano: Libreria Editrice Vaticana, 2002), 323: Diaconus cum ministris vel alius minister idoneus adit sacristiam, ex qua processionaliter affert Crucem, velo violaceo obtectam, per ecclesiam ad medium presbyterii, comitantibus duobus ministris cum candelis accensis.

[2] Missel Romain, Vendredi saint – La passion du Seigneur, no. 15 (Paris: Desclée-Mame, 2021), 196.

[3] The Roman Missal, Friday of the Passion of the Lord, no. 15 (London: The Catholic Truth Society, 2011), 362.

[4] Tương tự như thế trong Sách Lễ Rôma (ấn bản mẫu thứ ba – 2002), ở chỗ này, chúng ta vẫn chưa thấy nói gì đến màu sắc của khăn phủ Thánh giá: “Tùy theo quyết định của Hội đồng Giám mục, có thể giữ thói quen phủ Thánh giá và các ảnh tượng từ Chúa nhật này (= Chúa nhật thứ V Mùa Chay). Thánh giá được phủ cho đến khi cử hành cuộc Thương khó của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh, các ảnh tượng khác được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.”

[5] Edward McNamara, “Khăn che Thánh giá là màu gì?” (13/10/2020), dg. Nguyễn Trọng Đa, truy cập 30/03/2022, https://www.ubkinhthanh.net/index.php/tai-li-u-kh-o-c-u/tai-li-u-van-ki-n-giao-h-i/gi-i-dap-th-c-m-c/666-khan-che-thanh-gia-la-mau-gi

[6] Hermanus A. P. Schmidt, Hebdomada Sancta (Rome: Herder, 1957), 117; Sách Lễ, “Chúa Nhật Chịu Nạn” (Hà Nội: Nxb. Hiện Tại, 1962), 314; McNamara, “Khăn che Thánh giá là màu gì?”.

[7] Dom Robert Le Gall, “Đỏ” trong Tự điển Phụng vụ (C.L.D, 1982), 100.

[8] Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 346b; x. Paul Turner, Glory in the Cross: Holy Week in the Third Edition of the Roman Missal (Collegeville: Liturgical Press, 2011), 96; Jeremy Helmes, Three Great Days: Preparing the Liturgies of the Paschal Triduum (Collegeville: Liturgical Press, 2016), 32.

[9] Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ nhất 1970, bản tiếng Việt 1971, trang 285; ấn bản mẫu thứ hai 1975, bản tiếng Việt 1992, trang 269.

[10] X. Turner, Glory in the Cross, 96.

[11] McNamara, “Khăn che Thánh giá là màu gì?”.

[12] Paul Turner, Glory in the Cross: Holy Week in the Third Edition of the Roman Missal (Collegeville: Liturgical Press, 2011), 96; Jeremy Helmes, Three Great Days: Preparing the Liturgies of the Paschal Triduum (Collegeville: Liturgical Press, 2016), 32.

[13] X. Anscar J. Chupungco, OSB, Phụng Vụ là gì? dg. Nguyễn Thế Lân (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2019), 326-327.

[14] X. Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 40; John M. Huels, Liturgy and Law: Liturgy Law in the System of Roman Catholic Canon Law (Montréal: Wilson & Lafleur Ltée, 2006), 54, 66, 98, 120-123.

[15] X. McNamara, “Khăn che Thánh giá là màu gì?”.

[16] Ibid.

[17] X. Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002], Thứ Sáu Tuần Thánh, số 15.

[18] X. Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002], Thứ Sáu Tuần Thánh, số 15; Piero Marini, “Liturgy and Beauty: Experiences of Renewal in certain Papal Liturgical Celebrations,” truy cập 30/03/2022, https://www.vatican.va/news_services/liturgy/2004/documents/ns_lit_doc_20040202_liturgia-bellezza_en.html.

[19] Sách Lễ Rôma [ấn bản mẫu thứ ba 2002], Thứ Sáu Tuần Thánh, số 15.

[20] X. John M. Huels, Liturgy and Law: Liturgy Law in the System of Roman Catholic Canon Law, 40.

[21] Bộ Phụng Tự, “Thư Luân lưu về việc Chuẩn bị và Cử hành Đại Lễ Phục Sinh” (16/01/1988), số 57.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube