Giáo Dục Là Thái Độ Sống

“Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. – Usinxki. Như vậy, dạy học không chỉ đơn thuần chỉ là cung cấp cho học trò một số kiến thức khoa học, nhưng còn là “là ra sức giúp con người phát triển và lớn lên, là làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và là gieo rải mầm mống của hiệp thông” (Hiến chương Dòng Đức Bà, số 5)”.

Chúng ta biết rằng trẻ đang phát triển luôn luôn đòi hỏi tình thương, sự quan tâm của người lớn. Hơn nữa, sự thay đổi tâm sinh lý phát triển mạnh mẽ nên thường được gọi là tuổi “sáng nắng, chiều mưa, tối cúp điện”. Vì vậy, chúng ta cần một cách ứng xử kiên nhẫn và yêu thương để các em nhận ra những giá trị đúng mà tích lũy.

Khi học sinh có những hành vi không tốt (uống rượu bia, gian dối,… ), nhưng thầy cô không tận mắt chứng kiến mà chỉ thấy đó là một học trò ngoan, dễ thương thì giáo viên cần dành thời gian đủ để quan sát, tìm hiểu những chuyển động tâm lý, ứng xử của em. Song song là việc gặp gỡ trao đổi với gia đình lối xóm, bạn bè thường chơi với em, giáo viên sẽ thấu hiểu hơn về tính cách và vấn đề của em. Như thế nhờ sự tiếp xúc với các mối tương quan đó, giáo viên có thể nhận định chính xác hơn về những gì em thể hiện. Nếu em thực sự là một học trò ngoan, dễ thương thì những lời đồn thổi kia là nói xấu, bịa đặt. Giáo viên cần bảo vệ, khuyến khích em vươn lên, vui tươi không bận tâm trước những lời của dư luận.

Nếu những tin đồn về em là thật, giáo viên cần đến với em bằng tình thương chân thành, gần gũi trao đổi với em nhiều hơn, sao cho em cảm nhận được sự thoải mái, không áp đặt hoặc quá nghiêm khắc, tạo cho các em sự tôn trọng và tin cậy để em cởi mở tâm hồn. Giáo viên biết lắng nghe, thông cảm không gay gắt, biết thâm nhập vào thế giới của em để hiểu được nguyên nhân thật sự dẫn đến thái độ sống đó của em.  Mặt khác, khi kết thúc cuộc nói chuyện giáo viên cố gắng đưa em đến một thông điệp tích cực giúp em nâng cao lòng tự trọng và cảm thấy có ước muốn vươn đến Chân Thiện Mỹ.

Bên cạnh đó, giáo viên cần nói chuyện với gia đình, những người có trách nhiệm chăm sóc em để hiểu vấn đề của em hơn mà cùng cộng tác. Bởi gia đình là gương mẫu của sự tương quan giáo dục. Môi trường gia đình và trường học sẽ giúp trẻ phát triển phẩm giá làm người. Dorothy L.Nolte khẳng định:

“Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chỉ trích, nói sẽ thích kết án người khác.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí hận thù, nó sẽ bướng bỉnh.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chế diễu, nó sẽ rụt rè.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí sợ sệt, nó sẽ mặc cảm tội lỗi.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí tha thứ, nó sẽ hiền hòa.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí khuyến khích, nó sẽ tự tin, phát triển tài năng.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cởi mở, nó sẽ bộc lộ cảm nghĩ riêng tư.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí công bằng, nó sẽ bênh vực sự thật.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí bác ái, nó sẽ biết yêu thương người khác.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cầu nguyện, nó sẽ tìm thấy Niềm tin.

Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí có Chúa ngự trị, nó sẽ phát triển toàn diện nhân cách.”

Như vậy, với thời gian, em có thể bắt đầu thay đổi bản thân để trở nên một học trò tốt và sống lành mạnh hơn nhờ tình yêu và lòng kiên nhẫn lớn lao của mọi người xung quanh.

Nguyễn Thị Hiền, CND-CSA
Trích nguồn: https://dongducba.net

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube