Đồng Hành với Giới Trẻ hướng tới sự Trưởng Thành
“Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221).
“Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó.“
“Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206).
Ngoài những gì mà Đức Thánh Cha bày tỏ qua Tông huấn Chúa Kitô đang sống. Xin được chia sẻ một chút kinh nghiệm sống cũng như 25 năm làm việc với các bạn trẻ ở một số đại học và các lớp Liên Dòng về sự trưởng thành. Thật sự nói đến trưởng thành là một con đường dài, và dường như không mấy ai đạt được, riêng bản thân mình vẫn còn chiến đấu và vẫn “chưa thuộc bài”. Đó là chỉ nói về mặt nhân bản chứ còn trưởng thành về mặt tâm linh lại còn là con đường muôn phần gay go hơn nữa.
Ngoài những gì đã chia sẻ trong loạt bài ĐỒNG HÀNH VỚI GIỚI TRẺ HƯỚNG ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH, và để đơn giản hóa giúp các bạn trẻ dễ nhớ, xin được đưa ra ba chữ K nói lên ba điều cốt lõi giúp tiến tới sự trưởng thành hay là một cuộc đời có giá trị mà mỗi người trẻ tự đáy lòng vẫn ước mơ. Đó là:
K – Kiên nhẫn
K – Khiêm tốn
K – Kitô
K – Kiên nhẫn
Tại sao lại kiên nhẫn? Thật sự không có gì thành tựu và có giá trị mà không kinh qua nỗ lực, nhưng quan trọng là vấn đề lâu dài. Có lẽ giới trẻ chưa cảm nhận được sự quan trọng của nó, nhưng các bạn lại cần nó hơn cả đấy. Nếu muốn trưởng thành, yếu tố đầu tiên là phải xây dựng CON NGƯỜI của các bạn. Trước khi nói đến trưởng thành, làm sao để các bạn có một nhân cách LÀNH MẠNH. Nhân cách là yếu tố nói lên giá trị của mỗi người. Các nhà tâm lý luôn cho rằng: “…Những thói quen được tập luyện lâu ngày sẽ trở nên tính cách, và tính cách sẽ tạo nên định mệnh của mỗi người”. Thật sự chỉ những người có ý chí, có sức mạnh nội lực, nội tâm mới có được sự kiên trì. Vì sống được chữ NHẪN không phải dễ. Nhẫn thường đi với nhục. Điều này đi ngược với bản chất của con người luôn quan trọng hóa bản thân hay CÁI TÔI. Đây là yếu tố khó thắng nhất của chúng ta, vì thế việc kiên trì tập luyện là yếu tố then chốt. Người xưa đề cao chữ Nhẫn và cho rằng “nhất tự thiên kim” một chữ đáng ngàn vàng. Thực tế cho thấy mọi khía cạnh cuộc đời cần phải kiên trì mới đạt kết quả. Đó là nói đến chuyện công việc… còn việc xây dựng một con người, một cuộc đời trưởng thành lại còn cần sự kiên nhẫn biết bao?
Thật ra, Kiên nhẫn và khiêm tốn thường song hành mật thiết với nhau. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm qua chữ K thứ hai sau đây.
K – Khiêm tốn
Đây là đức tính ngược với xu hướng xem cái TÔI là quan trọng mà mỗi người ít nhiều đều vướng phải, đặc biệt đối với người trẻ chưa kinh qua những kinh nghiệm sống và hiểu biết rõ về bản thân. Để có thể làm chủ bản thân, để có thể tránh những tranh chấp không cần thiết, để cảm xúc không dâng lên tạo nên những hành vi thiếu kiểm soát gây ra những rạn nứt hay đổ vỡ các mối liên hệ hoặc những hành vi làm hạ giá chính mình hay phương hại đến người khác. Nhịn nhục một chút có thể tránh những xung đột không cần thiết. Tiếng Việt chúng ta thật có ý nghĩa khi nói “một sự nhịn bằng chín sự lành” hay khi ghép chữ nhịn với chữ nhục. Phải, nhịn chắc chắn phải chịu nhục, chịu thua một chút, chịu lùi một bước… Còn chữ nhẫn vẫn thường đi đôi với chữ nhục. Nhẫn hay nhịn cũng đều đi với nhục. Đây là một thực tế cho thấy để giữ an hòa, để làm chủ bản thân điều này thật khó khi quá quan trọng hóa cái tôi, khi thiếu sự khiêm tốn. Riêng với kinh nghiệm bản thân, tôi rất xác tín về điều này.
“Chịu thua mà được, mất – còn, biết đâu?”
(Thơ Hoa Dại)
Tại sao chịu thua mà được, chịu mất mà còn? Đó là sự nghịch lý của đức khiêm tốn. Có thể là khi chịu thua tức là chịu nhịn, và đồng thời chấp nhận chịu mất mặt, chịu lùi bước, chịu mất quyền lợi… Nhưng cái được ở đây chính là giữ được sự an hòa, duy trì được mối quan hệ, tránh được sự căng thẳng, đổ vỡ… không bị cảm xúc trấn áp, lôi cuốn hay chi phối hành động và tư duy của mình. Cái được lớn hơn cả là có được tâm an và nhất là làm chủ được bản thân. Để minh họa thêm xin được kể câu chuyện sau đây:
“Một ngày nọ có vị vua kéo quân đi xâm chiếm nước láng giềng. Khi Vua kéo quân đi xâm lấn thì có một chàng thanh niên trẻ bất mãn với vua nước mình nên đến tình nguyện tiếp tay với vua địch. Anh ta tự giới thiệu mình có tài bắn cung rất siêu đẳng rằng “Tôi có thể bắn trúng một con chim sẻ đang bay”. Vua bèn trả lời: “khi nào đi đánh giặc với se sẻ tôi sẽ mời anh.” Thay vì dùng hay từ chối người ta. Vua đã nói lên một câu thật sự mang tính ngạo nghễ và đã làm tổn thương đến cái tôi của anh ấy. Anh trở về với một cảm xúc dâng trào, một nỗi tức giận và nỗi hận sâu xa. Thế là anh bèn lấy cung tên để chứng tỏ cái tôi và đồng thời giải tỏa nỗi hận, kèm với mũi tên là tấm giấy với lời ghi chú: “xin con mắt phải của vua” anh chờ lúc vua đi và đã bắn mũi tên đúng vào con mắt là cái đích mà anh muốn. Vua đau đớn, nhưng cơn tức giận còn đau hơn nỗi đau thể xác. Thế là vua tuyên bố: “Nếu lấy được thành này, mày là người đầu tiên tao xử trảm” và sự thể đã xảy ra như thế. Không ai chịu thua ai và kết quả là cả hai đều mất: Vua mất một con mắt và người trai trẻ mất mạng.
Kết quả của việc thiếu làm chủ cảm xúc, và làm chủ chính mình. Trên đời không thiếu những hoàn cảnh tương tự. Sự mất mát trên nhiều lãnh vực khác nhau và có những lúc hủy hoại cả một tương lai hay cả cuộc đời. Trong câu chuyện này xin được nhắc cho những bạn trẻ là người nhỏ, người yếu, nghèo… thì mất mát nhiều hơn. Vua chỉ mất một con mắt còn anh ấy mất cả mạng sống đấy! Các bạn trẻ đừng quên rằng thái độ thường để lộ bản chất thật của mình. Giống như những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất. Thật ra, trên thế gian này, có những người có chút tiền, chút quyền hay chút học vấn… nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Các người khôn ngoan chân chính, càng tu luyện đến cảnh giới cao thâm, họ càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân mình, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé. Tả Tông Đường nhận ra rằng:
“Cao nhân thực sự là người có tấm lòng khoan dung, biết khiêm nhường, không xem trọng được – mất hay thắng – thua. Sự khôn ngoan của trí tuệ nằm ở chỗ tỉnh táo, nhìn nhận được thiệt – hơn để từ đó dũng cảm buông bỏ và vượt qua, có thể thắng nhưng lại không nhất định phải thắng.”
Theo lẽ thường ai cũng thừa nhận người trưởng thành thực sự chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người. Người xưa có câu rằng: “Trời trên cao không nói mình cao nhưng thực rất cao. Đất ở dưới không nói mình sâu nhưng thực rất sâu”. Người quân tử cư xử khiêm nhường nhưng luôn được người khác kính trọng, nể phục.
Có thể ví: Khiêm nhường như dòng nước, không ngại hạ mình chảy xuống chỗ thấp để dung nạp mọi thứ như biển dung nạp trăm sông. Còn chúng ta, hạ thấp bản thân là để vượt qua sự kiêu ngạo trong tâm.
Người tu tâm dưỡng tính phải khiêm tốn, vì khiêm tốn cho phép người ta chấp nhận ý kiến và phê bình của người khác, và chỉ khi đó ta mới có thể quay về bên trong, suy xét lại bản thân mình và thay đổi nếu cần. Khiêm tốn không có nghĩa là không biết đến những giá trị của mình mà biết nhận chân những giá trị ấy. Người khiêm nhường cũng như người trưởng thành, thường chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác.
Khiêm tốn giúp cho tâm trí của con người được thanh tịnh, an bình, đồng thời cũng tăng cường ý thức, vượt qua tính kiêu ngạo bằng ý chí mạnh mẽ. Khiêm tốn thể hiện qua sự tử tế và khoan dung, là biểu hiện của sự tôn trọng thực sự đối với người khác. Đây chính là mẫu người mà Thánh Phaolo mong ước và dạy dỗ chúng ta:
“Anh em hãy hết lòng khiêm tốn, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất do Thần khí mang lại, lấy bình an hoà thuận làm giây ràng buộc.” (Ep 4, 2-3)
Có chuyện ở Việt Nam ta mà ít ai ngờ đó là: không có nơi nào mà chúng ta bắt gặp chữ “Khiêm” nhiều cho bằng ở lăng vua Tự Đức. Từ nhà cửa, ao hồ, cầu thuyền… đều có chữ “Khiêm”. (Nếu muốn ta có thể nghiên cứu thêm vì bài này có hạn)
Cúi đầu không phải là không có năng lực, khoan dung không phải là yếu đuối. Tô Đông Pha cho rằng, khoan dung độ lượng, chí hướng đặt ở nơi xa, lặng lẽ tu luyện bản thân là đạo xử thế cao minh nhất. Người khiêm tốn luôn có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu. Họ luôn thành kính, biết tôn trọng lẫn nhau, để có thể học hỏi được từ người khác.
Bây giờ xin được nói đến chữ K thứ ba:
K – Kitô
Một Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô nên làm sao mà cuộc đời chúng ta không liên quan đến Chúa? Các bạn trẻ thường có những câu hát rất ý nghĩa nói lên vai trò của Chúa trong đời mình. Đức Kitô là Đấng mà chúng ta đã TIN, Yêu mến và đời chúng ta chỉ có ý nghĩa khi kết hợp, khi sống với Ngài. Thánh vịnh sau đây đã nói lên ý nghĩa của cuộc đời chúng ta:
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”
(Tv 62, 2).
Kinh nghiệm của thánh Augustinô sau những năm tháng đi hoang, chạy theo danh vọng, chạy theo đam mê xác thịt, cuối cùng ngài cũng nhận ra một thực tế đời người: “Tâm hồn con khắc khoải ưu tư cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Sau đây là những gì các vị mục tử của chúng ta đã nhắc nhở giới trẻ. Chúng ta cùng lắng nghe.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” Ngài mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: “Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52)… Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy” (số 26 – 27).
Ngoài ra, cũng qua tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), Đức Thánh Cha còn nhắc nhở giới trẻ rằng: “Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.” (Trích Thư Mục Vụ HĐGMVN 10/2019)
Còn các vị chủ chăn của chúng ta thì sao? Các ngài đã cùng với Đức Thánh Cha trong Tông huấn Christus Vivit “mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.”
Thật sự, trong bối cảnh xã hội và đất nước chúng ta, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Các giám mục đã hướng các bạn trẻ luôn hướng nhìn về Đức Kitô: Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng:
- Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn,
- Chúa Kitô đã cứu độ các bạn,
- Ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết.
- Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí,
- Hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện. (Thư MV HĐGMVN 10/2019)
Kết thúc thư mục vụ, các giám mục Việt Nam ngỏ lời với các bạn trẻ Công giáo với hình ảnh của hai người trẻ trên đường Emmaus như những lời dạy dỗ, dặn dò, đồng thời nói lên sự quan tâm và lòng ưu ái của các ngài đối với những bạn trẻ, những đứa con đầy sức sống nhưng còn rất mong manh…
Các con rất thân mến,
“Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu,
- tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
- các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn.
- hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
- các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con.
- các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.(Thư MV HĐGMVN 10/2019)
Các Giám mục của chúng ta còn nhắc nhở các bạn trẻ quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: như Đức Mẹ một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta. (Thư MV HĐGMVN 10/2019)
Nếu các bạn trẻ muốn tiến đến sự trưởng thành, xin đừng quên bền tâm kiên trì tập luyện với thái độ và tâm hồn luôn khiêm tốn mở lòng học hỏi từ những biến cố cuộc sống, từ những người xa, kẻ gần, người thân cũng như người không thiện cảm với ta… Và điều quan trọng nhất vẫn luôn nhìn lên Đức Kitô, Ngài vừa là CHA, là ANH cả, là BẠN và là THẦY…
Ngài bên ta, Ngài trong ta, Ngài luôn “có đó”!
Nữ tu Marie Thecla Trần Thị Giồng, CND-CSA
Trích nguồn: https://dongducba.net