Tính thánh thiêng của sự sống (Phần 2)

2. Quyền làm chủ và quyền quản lý

Có liên hệ chặt chẽ và thường được xem xét cùng với nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống, là những nguyên tắc thần học, về quyền chủ tể của Thiên Chúa và vai trò quản lý của con người. Niềm tin đối thần về quyền làm chủ của Thiên Chúa và sự quản lý của con người, được gợi ra chủ yếu bởi những người chấp nhận cái nhìn Kitô giáo về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người.[1] Đôi khi ta nghe lời kết tội rằng, ai can thiệp để làm cho cái chết đến mau, hay ai đình chỉ điều trị để cho bệnh nhân chết, tức là người đó “tiếm quyền Thiên Chúa.”[2] Lời kết tội nhằm nhấn mạnh rằng, vì Thiên Chúa là Tác Giả của sự sống và sự chết, nên thời điểm kết thúc sự sống thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về chúng ta. Rất bấp bênh lúc này là sự hiểu biết của con người về quyền làm chủ và quyền quản lý. Ở phần này, chúng tôi sẽ bàn đến nguồn gốc, ý nghĩa và chức năng của những nguyên tắc thần học này trong cuộc thảo luận về an tử.[3]

 

3. Nguồn gốc nguyên tắc quyền làm chủ và quyền quản lý

Chiếm vị trí trung tâm trong cả thần học Công Giáo[4] và thần học Tin Lành là niềm xác tín rằng: Thiên Chúa là Chúa của sự sống và sự chết. Niềm xác tín này cũng là một cách khẳng định rằng: giá trị tột đỉnh và tính thánh thiêng của sự sống con người là do từ Thiên Chúa mà đến. Tuyên xưng Thiên Chúa là Chúa của sự sống và sự chết, tức là khẳng định sự phân biệt nền tảng giữa Tạo Hóa và thụ tạo, đồng thời khẳng định rằng với tư cách thụ tạo, con người nhờ Thiên Chúa mới có được sự hiện hữu, giá trị và định mệnh tối hậu của mình. Những khẳng định này, mặc nhiên nói rằng không ai được tự nhận có toàn quyền làm chủ sinh mạng của mình và sinh mạng của người khác.[5]

Nguồn gốc của những xác tín này, cũng nằm ở chính những giáo lý, đã đem đến cho ta nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống. Ví dụ, nhờ giáo lý trong đạo dạy về con người mà Norman St. John-Stevas có thể phát biểu: “Tuyệt nhiên con người không có quyền làm chủ mạng sống và thân xác mình. Con người không có quyền làm chủ nó mà chỉ giữ nó như tài sản tín thác dành cho những mục đích của Thiên Chúa.”[6] Tương tự, Bernard Häring từ niềm xác tín cơ bản của mình đã nói lên rằng: sự sống con người là tặng vật thiêng liêng của Thiên Chúa, và khẳng định: “Sự sống được ký thác cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người không phải là chủ nhân độc lập của sinh mạng mình nhưng là người quản lý dưới quyền chủ tể của Thiên Chúa.”[7] Paul Ramsey, với chủ đề “alien dignity” nơi sự sống con người, đã nhấn mạnh đến sự sống như là của cải Thiên Chúa cho chúng ta vay mượn. Ông cho rằng: chúng ta phải tôn trọng sự sống của mình và sự sống của người khác, không chỉ vì sự sống được đặt nền tảng nơi Thiên Chúa mà còn vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống như một giá trị tín thác để sử dụng theo ý của Ngài. Chúng ta phải bắt chước Thiên Chúa, Đấng đã luôn khẳng định và tuyệt đối bảo vệ sự sống.[8]

 

4. Ý nghĩa và chức năng của quyền làm chủ và quyền quản lý

Nguyên tắc về quyền làm chủ và quyền quản lý, đã tìm được lối đi vào những cuộc tranh luận nhờ những người tán thành luận cứ thứ ba của thánh Tôma Aquinô chống lại hành vi tự tử: Duy Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, có quyền chủ tể đối với sự sống và sự chết. Về phương d iện luân lý, việc hủy hoại sinh mạng con người không thuộc quyền phán đoán tự do của con người (Tổng Luận Thần Học, II-II, q. 64, a. 5). Con người chỉ có quyền sử dụng sự sống như “Tài Sản Tín Thác” (Trust) hay như “Tặng Vật” (Gift) từ Thiên Chúa, chứ không có quyền làm chủ nó như
“tài sản sở hữu riêng” (personal possession). Vì thế, trách nhiệm của chúng ta đối với sự sống là trách nhiệm của người quản lý. Quyền làm chủ tuyệt đối là quyền chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa.

Không bao giờ được phép tự tử bởi lẽ sự sống là tặng vật của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền giết chết và làm cho sống. Vì thế bất cứ ai tự hủy hoại sinh mạng của mình là phạm tội chống lại Thiên Chúa chẳng khác nào kẻ giết chết nô lệ của người khác thì phạm tội chống lại ông chủ của người nô lệ ấy, và cũng giống như kẻ phạm tội tự phán quyết về một vấn đề mà không hề được ủy thác cho mình.[9]

Cũng trong bài viết này, thánh Tôma khẳng định rằng việc hủy hoại sinh mạng con người không thuộc quyền phán đoán tự do của con người:

Con người làm chủ chính mình vì được phú cho quyền tự do lựa chọn . Nhờ quyền lựa chọn tự do này, con người tự do tùy nghi sử dụng những gì trên đời này thuộc quyền tự do của mình. Thế nhưng việc chuyển từ đời này sang đời sau hạnh phúc hơn, lại không nằm trong số những điều ấy, bởi vì việc chuyển đi khỏi đời này thuộc ý muốn và quyền năng của Thiên Chúa.[10]

Theo luận cứ này, con người chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền làm chủ sự sống mình. Sở dĩ việc giết người bị nghiêm cấm vì đó là tiếm quyền và xâm phạm quyền Thiên Chúa.

Truyền thống luân lý Công Giáo xưa nay vẫn xem việc hủy hoại sinh mạng người vô tội là “sự dữ nội tại”[11] do khuyết thẩm quyền, vì không ai có quyền nhận mình là chủ của sự sống. Thomas J. O’Donnell diễn tả luận cứ này của truyền thống Công Giáo bằng cách phân biệt quyền làm chủ “tuyệt đối” và quyền làm chủ “hữu dụng.” Quyền làm chủ tuyệt đối là quyền đối với vận mệnh cánh chung của con người; quyền làm chủ hữu dụng là quyền bị hạn chế bởi thẩm quyền cao hơn của người khác. Trong sách giáo khoa đã hiệu đính của ông về đạo đức sinh học, cuốn Medicine and Christian Morality (Y Khoa và Luân Lý Kitô Giáo),[12] ông nói đến “đặc quyền” (prerogative) thay vì “quyền làm chủ” (dominion) nhưng cũng tiến đến cùng một kết luận, ấy là: về sinh mạng con người, chúng ta chỉ có quyền sử dụng và có trách nhiệm của người quản lý. Quyền làm chủ tuyệt đối, hay đặc quyền, chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi.[13]

Đến nay vẫn chưa xác định được phương cách chính xác để áp dụng nguyên tắc về quyền làm chủ của Thiên Chúa, vào những vấn đề liên quan đến hành vi can thiệp vào sự sống con người. Các nhà thần học luân lý (Moral Theologians) sử dụng chủ đề này bằng nhiều cách khác nhau vào các vấn đề đạo đức học, trong nỗ lực cố gắng dung hòa những căng thẳng về ý tưởng con người vừa là thụ tạo vừa là người đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Chẳng hạn, Bernard Häring đưa ra luận cứ thần học, minh nhiên chống lại mọi hành vi can thiệp vào quá trình hấp hối để kết liễu mạng sống. Ông nói rằng: quyền tự do của thụ tạo không trải rộng đến mức được tùy tiện chọn lựa, buộc cái chết phải đến vào thời điểm và trong những điều kiện do chúng ta qui định. Theo Häring, chúng ta thể hiện sự viên mãn của quyền tự do về cái chết bằng sự đón nhận cái chết một cách tự nhiên. Chỉ bằng cách thể hiện sự tự do như thế, tức nhìn nhận sự bất lực trước tử thần, chúng ta mới có thể chân thành nhìn nhận mình hiện hữu như các thụ tạo của Thiên Chúa.[14] Như thế, Häring biện luận từ niềm xác tín cơ bản của mình, rằng sự sống con người là tặng phẩm thiêng liêng của Thiên Chúa, và ông khẳng định: “Sự sống được ủy thác cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người không phải là chủ nhân độc lập của sinh mạng mình, nhưng là người quản lý dưới quyền chủ tể của Thiên Chúa.”[15]

Trái lại, Richard Westley phản đối luận cứ này. Trên nền tảng niềm tin về sự nhập thể, Westley phát biểu rằng: Thiên Chúa và con người kết hợp làm một đến nỗi không thể nói tách bạch quyền của Thiên Chúa, quyền của con người. Theo Westley, mầu nhiệm nhập thể cho ta biết rằng, Thiên Chúa đã quyết định làm cho công việc của Ngài cũng là công việc của con người chúng ta. Vì Thiên Chúa sống trong ta, nên bất cứ điều gì thuộc về quyền làm chủ của Thiên Chúa, thì cũng thuộc về chúng ta.[16] Westley còn phản đối luận điểm về quyền làm chủ tuyệt đối và quyền quản lý hạn chế dựa trên ý nghĩa của sự sống như “tặng vật” của Thiên Chúa. Theo cái nhìn của Westley, nếu sự sống được ban cho như tặng vật thì nó thuộc quyền tự do của chúng ta, chứ nói đến quyền quản lý trong văn mạch ấy tức là lạc đề.[17]

Như Westley, Daniel C. Maguire cũng nêu ra sự cân bằng giữa tạo hóa và thụ tạo nhưng ông dựa trên những cơ sở khác. Maguire dựa vào lối chú giải về con người xét như “hình ảnh của Thiên Chúa,” như người đồng sáng tạo với Thiên Chúa và như người tham gia vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trên cơ sở này, ông tìm được khởi điểm để tiến đến một quyền hạn luân lý rộng lớn hơn về sự sống và sự chết, so với quyền hạn trong luận cứ của Häring và trong những luận cứ truyền thống về quyền làm chủ của Thiên Chúa,  hay quyền quản lý của con người.[18]

Bruno Schüller phản đối bất cứ ý kiến nào chống lại an tử mà chỉ dựa trên quyền làm chủ. Theo ông, khái niệm quyền làm chủ không phải là “một luận cứ chống lại an tử” mà chỉ là một điệp luận (tautology) và vì thế, theo Schüller, nguyên tắc về quyền làm chủ chỉ đơn thuần tái phát biểu điều cần phải được chứng minh:

Thật vậy, “không được phép tự tử” và “không có quyền làm chủ sự sống mình” là hai cụm từ đồng nghĩa. Nếu ta nói chỉ duy Thiên Chúa là Chủ sự sống và sự chết của con người thì, theo văn mạch, đây chỉ là một cách diễn đạt về điều cần phải được chứng minh.[19]

Những ví dụ trên đây cho thấy một vài cách thức vận dụng nguyên tắc về quyền làm chủ của Thiên Chúa vào nền đạo đức sinh học hiện đại. Westley và Maguire không tán thành sự phân biệt nền tảng giữa tạo hóa và thụ tạo như Häring và, trước ông, truyền thống thần học Công Giáo chủ trương. Schüller chỉ ra cho thấy những hạn chế của quyền làm chủ, xét như một nguyên tắc thần học trong luận cứ luân lý này. Do đó, không thể nói được rằng mọi người sẽ sẵn sàng chấp nhận nó mà trái lại, nó cần phải được chứng minh.

Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, STD
Copyright©2025

(Bài viết được tác giả gửi cho Ban Truyền Thông Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp)


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống): Về Giá Trị và Tính Bất Khả Xâm Phạm của Sự Sống Con Người. (25-03-1995). Bản tiếng Anh trong The Pope Speaks 40 (1995): 193-281.

[2] Robert N. Wennberg, Terminal Choices: Euthanasia, Suicide, and the Right to Die. (Michigan: WM. B. Eerdmans Publishing Co., 1989), tr. 94-95.

[3] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 32.

[4]Tuyên Ngôn Về An Tử” khẳng định rằng: cố ý gây ra cái chết là chối bỏ quyền chủ tể của Thiên Chúa đối với sự sống. Nguyên tắc quyền làm chủ thừa nhận rằng chúng ta là thụ tạo chứ không phải Tạo Hóa. Sở dĩ việc giết người bị nghiêm cấm là vì nó vi phạm quyền sở hữu của Thiên Chúa. Vì lý do này, truyền thống Công Giáo luôn xem việc hủy hoại mạng sống người vô tội là “sự dữ nội tại” do khuyết thẩm quyền (defect of right), bởi lẽ không ai có quyền làm điều ấy. Không ai được tự nhận có toàn quyền làm chủ sinh mạng của mình và sinh mạng của người khác. Xem Richard M. Gula, Euthanasia: Moral and Pastoral Perspectives. (New York, Mahwah: Paulist Press, 1994), tr. 26.

[5] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 30.

[6] Norman St. John Stevas, The Right to Life. (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1963), tr. 12.

[7] Bernard Häring, Free and Faithful in Christ, Vol. 3. (New York: Crossroad Publishing Co., 1981), tr. 5.

[8] Paul Ramsey, “The Morality of Abortion,” trong Edward Bachelor Jr., chủ biên Abortion: the Moral Issues. (New York: Pilgrim Press, 1982), tr. 80-81.

[9] Thánh Tôma Aquinô, “Tự Tử Có Hợp Luật Chăng,” trong Summa Theologica (Tổng Luận Thần Học), II-II, q. 65, a. 64, ad. 3.

[10] Sđd.

[11] . Hay còn gọi là “sự dữ tự bản chất”.

[12] Thomas J. O’Donnell, Medicine and Christian Morality. (New York: Alba House, 1976).

[13]  Sđd., tr. 42-43.

[14] Bernard Häring, Medical Ethics. (Notre Dame: Pides Publishers, 1973), tr. 149; xem thêm Richard M. Gula, Euthanasia: Moral and Pastoral Perspectives. (New York, Mahwah: Paulist Press, 1994), tr. 14.

[15] Bernard Häring, Free and Faithful in Christ, Vol. 3. (New York: Crossroad Publishing Co., 1981), tr. 5.

[16] Richard Westley, Catholic Perspectives: The Right to Die. (Chicago: Thomas More Press, 1980), tr. 91-92.

[17]  Sđd.

[18] Daniel C. Maguire, Death by Choice. (Garden City: Doubleday & Company, Inc., 1984), tr. 119.

[19] Richard A. McCormick, “The New Medicine and Morality,” Theology Digest 21 (Mùa đông 1973): 315.

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube