Đức Giêsu Kitô – Đường thánh thiện

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Nguồn mọi sự thánh thiện. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã đi Đường Thánh Thiện để đến với gia đình nhân loại. Đường đó tiếp tục sống động trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, và được diễn tả cách cụ thể nơi đời sống của các Ki-tô hữu qua mọi thời đại.

Thông thường, thánh thiện được hiểu như là tình trạng của thực thể (người hoặc sự vật) được dành riêng cho mục đích tôn giáo hoặc tiến dâng cho Thiên Chúa. Còn theo thánh Tô-ma A-qui-nô, thánh thiện là đức hạnh mà con người diễn tả chính mình cũng như hành động phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Người thánh thiện là người ‘gần với căn tính’ của mình nhất. Kinh nghiệm của các thánh trong dòng lịch sử Giáo Hội cho chúng ta biết như vậy. Đặc biệt, đây cũng là kinh nghiệm của thánh Au-gút-ti-nô và Tô-ma Mơ-tần (Thomas Merton, tu sĩ Dòng Trappist)Nói cách khác, con người càng thánh thiện bao nhiêu, thì càng gần gũi với căn tính của mình bấy nhiêu.

Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu và là Đấng Thánh. ‘Tên’ của Thiên Chúa là ‘Thánh’ (Ed 36,22-24; Lc 1,49). Trong tiếng Do-thái, hạn từ ‘thánh’ là ‘qadosh’ và được dịch sang tiếng Hy Lạp là ‘hagios’. Hạn từ này có nghĩa nguyên thủy là cắt, tách biệt. Thiên Chúa tách ra khỏi những gì phàm tục. Người siêu việt muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Thiên Chúa được tung hô: ‘thánh, thánh, thánh’ (Thiên Chúa ba lần thánh) nhằm diễn tả sự siêu việt với ‘sức mạnh vô song’ và ‘thánh thiện tuyệt đối’ của Người. Cách tung hô này được đề cập hai lần trong bộ Kinh Thánh, một lần trong Cựu Ước và một lần trong Tân Ước (Is 6,3; Kh 4,8). Trong mỗi Thánh Lễ, trước khi bánh và rượu được thánh hiến, cộng đoàn Thánh Thể tung hô ‘thánh, thánh, thánh’. Sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa là đặc tính căn bản nhất, các đặc tính khác liên kết hoặc diễn tả đặc tính thánh thiện của Người.

Thiên Chúa thông truyền sự thánh thiện của Người cho muôn vật muôn loài. Người thông truyền qua việc thánh hiến, tách biệt con người và vật ra khỏi thế giới phàm tục theo ý định của Người. Chẳng hạn, Thiên Chúa đã tách biệt Dân Do-thái khỏi các dân khác và trao ban sứ mệnh cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Trong sách Lê-vi, Thiên Chúa phán: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26). Ngay trong Dân Do-thái, chi tộc Lê-vi được dành riêng để ‘chuyên lo việc Nhà Chúa’. Một số đồ vật cũng được thánh hiến hay dành riêng cho việc tế tự.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa được biểu lộ qua vinh quang của Người. Vinh quang chiếu giãi vào đời sống con người và biến đổi con người thành không gian thánh thiện, nhờ đó, con người diễn tả sự thánh thiện và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là con người không chỉ thụ động đón nhận phẩm chất thánh thiện Thiên Chúa trao ban, mà còn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc thánh hóa bản thân, thánh hóa người khác và cùng nhau làm lành lánh dữ. Sự thánh thiện song hành với thực thi đời sống luân lý tốt đẹp là hệ quả tất yếu của tương quan giữa Thiên Chúa là Đấng Thánh và con người được mời gọi nên thánh.

Trong phụng vụ của Giáo Hội, theo Kinh nguyện Thánh Thể II: Thiên Chúa là ‘nguồn mạch mọi sự thánh thiện’. Điều này có nghĩa rằng sự thánh thiện của Thiên Chúa là sự thánh thiện Gốc, sự thánh thiện Nguồn. Các hình thức thánh thiện trong môi trường thế giới thụ tạo phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đặc biệt, sự thánh thiện của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn nơi sự thánh thiện của Đức Giê-su trong hành trình trần thế.

Là Thiên Chúa trong thân phận con người, sự thánh thiện của Đức Giê-su được diễn tả qua hai hình thức phân biệt nhau: ‘Sự thánh thiện từ trên xuống’ và ‘sự thánh thiện từ dưới lên’. ‘Sự thánh thiện từ trên xuống’ có nghĩa rằng Đức Giê-su diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa đối với con người, bởi vì Người là Thiên Chúa thật. ‘Sự thánh thiện từ dưới lên’ có nghĩa rằng Đức Giê-su diễn tả sự thánh thiện của con người, bởi vì Đức Giê-su là con người thật. Nhân danh toàn thể nhân loại, Đức Giê-su đã vâng phục đáp lại chương trình của Thiên Chúa và trở nên mẫu gương hoàn hảo cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng hai hình thức thánh thiện này trở nên một nơi Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Như vậy, Đức Giê-su là Đường Thánh Thiện hai chiều, từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đến Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, sách Sáng Thế cho chúng ta biết sau khi Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã ban Lời Hứa về chiến thắng của sự thánh thiện trên sự dữ (St 3,15). Khoảng 700 năm trước Biến Cố Giáng Sinh, ngôn sứ I-sai-a loan báo về Đức Giê-su, Đấng gánh tội nhân loại để muôn người được trở nên thánh thiện (Is 53,11). Trong Tân Ước, khi sứ thần Gáp-ri-en truyền tin cho Đức Ma-ri-a rằng ‘bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su’, thì Đức Ma-ri-a rất bối rối. Sứ thần đã trấn an Đức Ma-ri-a rằng người con mà bà cưu mang là bởi Chúa Thánh Thần và quyền năng Đấng Tối Cao. Người con đó là ‘Đấng Thánh’ và là Con Thiên Chúa (Lc 1,30-35).

Sự thánh thiện của Đức Giê-su được diễn tả cách đặc biệt trong hành trình rao giảng của Người. Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Nhân danh các môn đệ, thánh Phê-rô đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Chứng kiến sự thánh thiện và quyền năng của Đức Giê-su trước mẻ cá lạ, thánh Phê-rô nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Với những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su nói: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?” (Ga 8,46). Trong cuộc khổ nạn, sau khi Đức Giê-su trả lời câu hỏi của thượng tế Cai-pha, một tên trong nhóm thuộc hạ của thượng tế đánh Đức Giê-su, thì Người nói: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Trong thư thứ nhất, thánh Gio-an viết: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết” (1 Ga 2,20). Cũng trong thư này, thánh nhân viết: “Đức Giê-su đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi” (1 Ga 3,5). Như thế, Kinh Thánh cho chúng ta bức tranh khá đầy đủ về sự thánh thiện của Đức Giê-su.

Không chỉ các môn đệ hay những ai lắng nghe và tin tưởng vào Đức Giê-su mới nhận ra sự thánh thiện của Người, các thế lực chống đối Người hay ma quỉ cũng nhận ra điều đó. Chẳng hạn, khi Đức Giê-su giảng dạy tại Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Người vào hội đường, có kẻ bị thần ô uế nhập la lên: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24). Chứng kiến cái chết của Đức Giê-su và những sự kiện lạ lùng, viên đại đội trưởng và những người canh giữ Đức Giê-su thốt lên: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Như vậy, sự thánh thiện của Đức Giê-su là sự thánh thiện siêu việt và biểu lộ trong mọi hoàn cảnh. Muôn vật hữu hình và vô hình đều nhận biết, kính sợ và thành khẩn tuyên xưng.

Sự thánh thiện của Đức Giê-su là sự thánh thiện trổi vượt trên tất cả các hình thức thánh thiện trong thế giới thụ tạo. Đồng thời, Đức Giê-su chia sẻ sự thánh thiện của Người cho tất cả mọi người để mọi người được ơn cứu độ. Do đó, khi chúng ta nói rằng Đức Giê-su là Đấng cứu độ mọi người cũng tương tự như nói rằng Người là Đấng làm cho mọi người trở nên thánh thiện.

Chúng ta đề cập đến sự thánh thiện của Đức Giê-su trong sự liên kết với Chúa Thánh Thần, vì ‘bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai và sinh hạ Đức Giê-su’. Chính Chúa Thánh Thần đồng hành cùng Đức Giê-su trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Chẳng hạn, thánh Gio-an Tẩy Giả nói về Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người [Đức Giê-su], Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8). Sau khi Đức Giê-su lãnh nhận Phép Rửa tại sông Gio-đan và chịu cám dỗ trong sa mạc, Người về Na-da-rét. Ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường, người ta trao cho Người sách ngôn sứ I-sai-a, mở sách ra Người gặp đoạn: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đặc biệt, Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta Ngôi Vị Chúa Thánh Thần (Ga 14,16.26). Sau khi sống lại và trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su tiếp tục hiện diện và hoạt động trong môi trường nhân loại để thực thi chương trình của Thiên Chúa qua việc thánh hóa nhân loại.

Ý định của Thiên Chúa là tất cả mọi người trở nên thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Thánh Phao-lô mời gọi các Ki-tô hữu sống đời thánh thiện bằng cách thực thi những việc tốt lành và lánh xa những điều nguy hại, gây tổn thương hoặc đánh mất sự thánh thiện (Ep 5,1-14). Còn thánh Phê-rô khuyên dạy các tín hữu: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15-16). Như vậy, trong nhãn quan của thánh Phê-rô và Phao-lô, hiểu biết về sự thánh thiện và thực thi đời sống thánh thiện đi đôi với nhau trong ơn gọi của các Ki-tô hữu.

Đời sống thánh thiện không dành riêng cho cá nhân hay cho cộng đoàn đặc biệt nào trong Giáo Hội. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II (1962-1965) dành một chương về chủ đề thánh thiện (LG 39-42). Công Đồng nhấn mạnh đến sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa được Đức Giê-su diễn tả và Người trở nên mẫu gương cho con người trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Công Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của thánh thiện theo ‘đấng bậc mình’ và minh định: “Mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (LG 11). Tất cả mọi người được mời gọi không ngừng hoán cải để ngày càng trở nên thánh thiện hơn.

Quả thật, sự thánh thiện của con người là ‘sự thánh thiện hoán cải’. Điều này có nghĩa là con người không ngừng trở về với chính mình và với Thiên Chúa. Đây là đặc điểm chung nhất của các thánh trong lịch sử Giáo Hội. Các ngài không phải là những người ‘sinh ra là thánh thiện’, nhưng là những người không ngừng hoán cải để nhận diện căn tính của mình cách rõ ràng hơn và luôn qui hướng về Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất. Con người trở nên thánh thiện nhờ đời sống hòa hợp giữa ‘tâm hồn không ngừng hoán cải’ và ‘ân sủng nhưng không’ của Thiên Chúa. Nói cách khác, con người trở nên thánh thiện khi chân thành đáp lại ân sủng của Thiên Chúa bằng trái tim không ngừng hoán cải của mình.

Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người” (Dt 12,10). Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta biết người thánh thiện không phải là người không bao giờ bị cám dỗ, người không có tội hay người không bao giờ phạm tội. Người thánh thiện là người luôn ý thức rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh và mình không thể tự làm cho mình trở nên thánh thiện được. Người thánh thiện là người nhận thức rằng mình không ngừng trở về, tìm hiểu, trả lời, thay đổi và tiến tới trong tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Người thánh thiện chính là người hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và để Người sử dụng mình như khí cụ thuận tay Người.

Sự thánh thiện được thể hiện trong các tương quan của đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn, cũng như tương quan với Thiên Chúa và toàn thể thế giới thụ tạo. Các thánh trong lịch sử Giáo Hội khi đang sống trên trần gian không ai nghĩ rằng mình là ‘một vị thánh’. Các ngài không ‘soi gương ngắm sự thánh thiện của mình’, nhưng luôn hướng về Thiên Chúa là Đấng Thánh với tinh thần đơn sơ, phó thác. Các ngài luôn nhận thấy bản thân mình bất xứng, khiếm khuyết và nhiều khi ‘đêm tối bao phủ tâm hồn’. Thánh Tê-rê-xa A-vi-la, Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Tê-rê-xa Can-cút-ta là những vị thánh điển hình. Các ngài luôn cảm thấy đời sống mình ‘bất tương hợp’ với danh hiệu và ơn gọi Ki-tô hữu, đặc biệt, ‘bất tương hợp’ với sự thánh thiện và tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng có kinh nghiệm tương tự như vậy. Khi được hỏi: “Ngài là ai?” Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trả lời: “Tôi là người tội lỗi.”

Với một số người, sự thánh thiện nên ‘dành riêng cho địa hạt tôn giáo’. Tuy nhiên, trong thực tế, sự thánh thiện cần được sống và diễn tả trong bất cứ môi trường nào của thực thể có tên gọi là ‘con người’. Chẳng hạn, để góp phần xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống mà Giáo Hội hằng khuyến khích, cổ vũ, tất cả mọi người được mời gọi ý thức hơn về đời sống thánh thiện của mình. Tương tự như vậy, trong bối cảnh hôm nay, ‘phát triển con người toàn diện’ trở thành khẩu hiệu chung của gia đình nhân loại. Chúng ta có thể khẳng định rằng bao lâu con người chưa ý thức được tầm quan trọng của đời sống thánh thiện, bấy lâu con người còn xa vời mục tiêu đó. Dưới nhãn quan của một số người, phát triển con người toàn diện được thực hiện chủ yếu dựa trên nồng độ tri thức, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Lịch sử nhân loại minh chứng rằng tri thức con người và những sản phẩm của nó có thể đem lại những hoa trái nhất định chứ không phải là yếu tố then chốt cho sự phát triển con người toàn diện.

Người ta kể lại rằng trong đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), có một viên tướng nói: “Nếu tôi có được mười người như Phan-xi-cô Át-xi-di, tôi có thể chinh phục cả thế giới này”. Chúng ta có thể nhận định: Với quãng đời binh nghiệp truân chuyên, viên tướng đó đã nghiệm ra sự thật rằng sức mạnh lý trí, ý chí và súng đạn không phải là giải pháp tối ưu để ‘bình thiên hạ’. Chỉ có sức mạnh thánh thiện, hy sinh, quên mình của những người như thánh Phan-xi-cô Át-xi-di mới có thể thực hiện được. Câu hỏi đặt ra là ‘vì sao vậy?’ Thưa, vì những người thánh thiện luôn ý thức rằng khi con người chỉ cậy dựa vào mình mà không màng quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, cũng là khi con người đi đường tăm tối và những hành động của con người không đem lại hạnh phúc thực sự cho mình cũng như anh chị em đồng loại. Các thánh là những người xây dựng đời sống cá nhân, cộng đoàn và gia đình nhân loại bằng những giá trị của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã loan báo và thực thi, chứ không chỉ bằng lý trí, ý chí và những gì thuộc thế gian này.

Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng sự thánh thiện biến đổi con người, biến đổi xã hội, biến đổi thế giới thụ tạo. Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa, đã hiện diện trên trần gian, đã sống trọn thân phận con người, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15; 1 Pr 2,22). Theo lẽ thường, đã thánh thiện thì không phải chịu đau khổ (là hậu quả tội lỗi), tuy nhiên, Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, của toàn thể gia đình nhân loại để chúng ta được nên thánh. Nhờ Người, vực thẳm ngăn cách giữa Thiên Chúa thánh thiện và nhân loại tội lỗi được bắc cầu và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi đi trên Chiếc Cầu này. Trong hành trình dương thế, Người đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục chương trình của Người.

Là Ki-tô hữu nghĩa là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su. Cuộc đời Ki-tô hữu chính là cuộc đời học hỏi và theo Đường Đức Giê-su, Đường Thánh Thiện. Tuy nhiên, trong khi theo Đường Thánh Thiện của Đức Giê-su, chúng ta không tránh khỏi những chông gai, cạm bẫy của thế giới bóng đêm và bao hình thức bấp bênh, bất cập khác vì sự yếu đuối của chính mình. Tự bản thân, chúng ta không thể nào vững vàng, kiên định trên Đường Thánh Thiện, nhưng nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta sẽ vượt qua tất cả những thách đố và chướng ngại. Bao lâu con mắt đức tin của chúng ta còn dõi theo Đường Thánh Thiện của Đức Giê-su, bấy lâu chúng ta còn có cơ hội đạt tới sự thánh thiện như lòng Người mong muốn.

Hoa trái của sự thánh thiện gia tăng niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa. Hoa trái của sự thánh thiện giúp chúng ta sống liên đới với anh chị em chúng ta. Hoa trái của sự thánh thiện tăng thêm sức mạnh để chúng ta có thể đương đầu với muôn thách đố trong cuộc sống. Đặc biệt, hoa trái của sự thánh thiện cho chúng ta sức mạnh để chống lại muôn hình thức cám dỗ của các thế lực sự dữ đang hoành hành trong thế giới thụ tạo. Tắt một lời, hoa trái của sự thánh thiện giúp chúng ta thực thi thánh ý Thiên Chúa trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Chúng ta thường xem sự thánh thiện như là một ‘thực tại tĩnh’ hay ‘thực tại thường hằng bất biến’ nơi người nào đó. Thực ra, sự thánh thiện không thể hoàn thành tại một thời điểm nào đó trong đời sống chúng ta, trong lịch sử nhân loại hay trong lịch sử thế giới thụ tạo. Sự thánh thiện luôn là một hướng đi, một lộ trình, một dự án dang dở. Do đó, bao lâu con người còn hiện diện trên dương gian, bấy lâu con người còn phải không ngừng cố gắng sống đời thánh thiện. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng không ai thánh thiện đến mức không cần phải biến đổi, bởi vì, tất cả mọi người đều sống trong môi trường ô nhiễm vì Tội Nguyên Tổ và hậu quả của Tội này vẫn tiếp diễn cho đến tận thế.

Người thánh thiện có thể trở thành người tội lỗi và ngược lại. Biên giới giữa người thánh thiện và người tội lỗi mỏng manh như làn sương khói vậy. Tên trộm hoán cải trong biến cố Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá là ví dụ điển hình (Lc 23,39-43). Chúng ta có thể noi gương tên trộm về tinh thần hoán cải, chứ không phải là quá khứ trộm cắp. Đời sống của tên trộm không thể được xem là ‘mô hình chuẩn’ cho đời sống chúng ta, bởi vì, tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa là tương quan tình yêu và tình yêu luôn ở thì hiện tại. Không có tình yêu đích thật nào lại vắng bóng sự thánh thiện. Do đó, chúng ta không thể sống trong tình trạng tội lỗi và ăn năn hối cải vào phút chót như tên trộm để được tham dự sự sống, hạnh phúc và bình an vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa mà không phải đau khổ, hy sinh, quên mình trong hành trình trần thế. Thông thường, cây nghiêng bên nào thì ngả bên đó. Đích đến của người sống đời thánh thiện và người sống đời tội lỗi khác nhau (Mt 25,31-46). Hơn nữa, trong Nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ ở (Ga 14,2).

Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng ‘khoảng cách’ từ người thánh thiện đến người tội lỗi là ‘khoảng cách gần’, còn từ người tội lỗi đến người thánh thiện là ‘khoảng cách xa’. Bởi vì, sự thánh thiện của con người trong hành trình trần thế dễ bị tổn thương. Để có được sự thánh thiện, con người phải hy sinh, quên mình và cố gắng không ngừng, cho đến khi ‘nhắm mắt xuôi tay’. Chúng ta có thể dùng hình ảnh chiếc cầu để minh họa cho người đang sống thánh thiện có thể trở thành người tội lỗi. Để có chiếc cầu, người ta phải dày công vất vả hàng năm mới có thể hoàn thành được. Tuy nhiên, để phá chiếc cầu, người ta chỉ cần ít thuốc nổ là nó sẽ bị sập tan tành trong giây lát.

Chúng ta là những người tội lỗi, yếu đuối và giới hạn trăm chiều. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc thánh hóa bản thân và thánh hóa những người khác nữa. Nếu chúng ta không cộng tác với Thiên Chúa để thánh hóa bản thân hay không ý thức và cố gắng để ngày càng được biến đổi hơn, làm sao chúng ta có thể cộng tác với Thiên Chúa để thánh hóa người khác được? Sẽ ngượng ngùng và giả hình biết bao khi chúng ta nói về Thiên Chúa, về Đức Giê-su, về Đường Thánh Thiện của Người mà chúng ta lại đắm chìm trong những tư tưởng, lời nói và hành động không chút âm hưởng hay hơi hướng nào của sự thánh thiện.

Sự thánh thiện không chỉ là chủ đề để chúng ta suy tư, học hỏi mà còn là ‘đường đi’ của chúng ta, là ‘lối sống’ của chúng ta và là ‘hành động’ của chúng ta trong hành trình trần thế này. Đời sống của người thánh thiện không phải là đời sống tách biệt khỏi những gì mà chúng ta gán nhãn ‘trần tục’, ‘sự đời’ hay ‘ngoại lai’ nhưng là đời sống phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của thế giới thụ tạo. Đường thánh thiện luôn là ‘đường hai chiều’. Đời sống của người thánh thiện là đời sống kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su là Đường Thánh Thiện. Đồng thời, đời sống của người thánh thiện là đời sống liên đới với anh chị em mình để không ngừng biến đổi bản thân và môi trường sống sao cho môi trường đó ngày càng được thánh hóa, hầu tất cả mọi người sống xứng hợp hơn với phẩm giá của mình.

Chúng ta trở lại với khái niệm chung ‘thông thường, thánh thiện được hiểu như là tình trạng của thực thể được dành riêng cho mục đích tôn giáo hoặc tiến dâng cho Thiên Chúa’ để so sánh với sự thánh thiện theo mặc khải Ki-tô Giáo. Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế cho chúng ta nhận thức rằng thánh thiện cần thiết cho ‘môi trường phàm tục’. Bởi vì, Đức Giê-su đã đi Đường Thánh Thiện để đến với nhân loại, đến với ‘môi trường phàm tục’. Chúng ta ý thức rằng nơi sự sống sung mãn cũng chính là nơi của sự thánh thiện tuyệt đối và nơi sự chết được hiểu là nơi vắng bóng sự thánh thiện. Thế mà, Đức Giê-su đã tới vực thẳm sự chết. Người đến chia sẻ sự thánh thiện của Người để con người được chung hưởng sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Sống đời Ki-tô hữu không gì khác hơn là sống đời thánh thiện theo khuôn mẫu Đức Giê-su. Chúng ta có thể nhận định rằng ‘người ngoại thánh thiện’ thì hơn ‘Ki-tô hữu tội lỗi’. Đối với các tôn giáo ngoài Ki-tô Giáo, chẳng hạn như Ấn Giáo, Phật Giáo, Công Đồng Vatican II nhấn mạnh: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó” (NA 2)Điều này không có nghĩa rằng các tôn giáo đều như nhau, cũng không có nghĩa rằng các tôn giáo là khác nhau. Sự nhìn nhận những điều tốt lành, thánh thiện nơi các tôn giáo không giảm thiểu sự cần thiết để loan báo Đức Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất và Tin Mừng của Người dành cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su đã đi Đường Thánh Thiện đến với gia đình nhân loại và người thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục là dấu chỉ hay khí cụ của Người trong việc thánh hóa muôn dân (LG 1).

Như đã được đề cập ở trên, sự thánh thiện Ki-tô Giáo không chỉ được diễn tả trong các tương quan nội tại của đời sống cá nhân, tương quan với tha nhân, tương quan với Thiên Chúa mà còn được diễn tả trong tương quan với môi trường thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa rằng các tín hữu được mời gọi sống đời thánh thiện trong việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ muôn vật muôn loài. Ai yêu mến Thiên Chúa, người đó cũng yêu mến những gì được Thiên Chúa dựng nên. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Người [Thiên Chúa] cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10). Sự thánh thiện Ki-tô Giáo mời gọi các tín hữu ‘mắt hướng về trời, chân tiến bước trên đất’. Điều này có nghĩa là sự thánh thiện không chỉ giới hạn trong việc tôn giáo hay văn hóa, xã hội mà còn lan tỏa đến muôn vật muôn loài. Chúng ta được mời gọi quan tâm và góp phần biến đổi môi trường thế giới thụ tạo bằng chính đời sống của mình.

Đức Giê-su nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng Thánh, tuy nhiên, Người không nói rằng ‘anh em hãy nên hoàn thiện như tôi đây là Đấng hoàn thiện’. Trong hành trình dương thế, Người không bao giờ qui hướng về mình, nhưng luôn qui hướng về Thiên Chúa Cha. Đức Giê-su cho chúng ta biết sự thánh thiện của con người trong hành trình trần thế luôn là sự thánh thiện có hướng, sự thánh thiện tiếp tục trên đường về với Quê Hương Vĩnh Cửu. Là Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giê-su trở nên Đường Thánh Thiện cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Từ những điểm trình bày trên đây, chúng ta có thể khái quát rằng sự thánh thiện thuộc về Thiên Chúa, Người là Đấng Thánh, là Nguồn Gốc và Đích Đến của các hình thức thánh thiện. Đức Giê-su đã đi Đường Thánh Thiện để đến với thế giới thụ tạo. Người vừa diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa, vừa diễn tả sự thánh thiện của con người. Đặc biệt, sự thánh thiện của Người được diễn tả trong ba năm loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời, tuy nhiên, trong Chúa Thánh Thần, Người vẫn luôn hiện diện trong gia đình nhân loại. Người đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục Đường Thánh Thiện của Người bằng việc chia sẻ Lời Chúa, cử hành các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và thực thi bác ái. Tất cả mọi người được mời gọi suy niệm, học hỏi và thực hành Đường Thánh Thiện của Đức Giê-su trong hành trình trần thế của mình.

+ Pet. Nguyễn Văn Viên

Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org/

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube