Phụ nữ trong Kinh Thánh – Người nữ trung gian

Tương phản với mô hình người nữ tự lập là mô hình người nữ trung gian. Nét nổi bật của mô hình này là trở nên một kênh truyền thông cho kho tàng hiểu biết và khôn ngoan còn ẩn kín. Sức mạnh của mẫu người này nằm ở trực giác, ở khả năng giải nghĩa những kinh nghiệm bên trong tâm hồn cũng như những biến cố bên ngoài xã hội. Bản lãnh của họ được biểu hiện trong vai trò ngôn sứ, thi sĩ, “gu-ru”, người chữa bệnh, vv… Họ có khả năng nối liền quá khứ hay tương lai với hiện tại. Họ linh cảm được và cho biết những thời điểm có thay đổi lớn, và làm cho các nguồn mạch ẩn giấu được trong lành, “bằng cách cho người ta thấy những gì người ta đã biết rồi mà còn giấu kín hoặc chưa chịu nhìn nhận”. Các nhà tâm lý học gọi họ là “nữ hộ sinh của tâm linh”, giúp cho phần vô thức được trồi lên vào những thời điểm quyết liệt của quá trình tăng trưởng.

Trong Cựu Ước, chúng ta đã gặp bà đồng bóng En-đo “thần thông” với thế giới siêu phàm (tương quan này dĩ nhiên bị cấm nhặt), hai bà Mi-ri-am và Đơ-vô-ra được gọi là nữ ngôn sứ. Lại có những nữ ngôn sứ khác như bà Khun-đa (2 V 22,14-20) và Nô-át-gia (Nkm 6,14). Các ngôn sứ thời Cựu Ước trước hết là sứ giả của Thiên Chúa, được sai đi công bố lời Chúa cho Ít-ra-en – lời tố cáo những bất công, lời bênh vực kẻ bị áp bức, lời tiên báo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống những kẻ bách hại, lời phán xét và đổi mới mọi sự. Vậy ngôn sứ là người cộng tác vào chương trình giải phóng của Thiên Chúa. Còn các nữ ngôn sứ này, họ có nói tiên tri như thế không ?

Hai bà Mi-ri-am và Đơ-vô-ra xướng lên bài ca chiến thắng hơi khác với những lời sấm các ngôn sứ “cổ truyền”. Bối cảnh những lúc đó là của thời giải phóng.

 Mi-ri-am thuở nhỏ đã canh chừng cái nôi của Mô-sê em mình, dàn xếp những lúc mẹ có thể cho em bú, đi liên hệ với công chúa tìm người vú nuôi em, vv… (Xh 2,2-10). Với các phụ nữ, bà đã mừng reo trước cái chết của quân Ai-cập trong lòng biển, là kỳ công quyết liệt của Thiên Chúa. Và lẽ ra việc xướng hát bài ca chiến thắng là của vai nữ, thì Xh lại chỉ ghi có một câu của bà (Xh 15,20) đặt sau bài ca rất dài của ông Mô-sê (“Vang lên muôn lời ca !” – Xh 15,1-18). Chúng ta đã biết giai đoạn bà chỉ trích ông Mô-sê, như những ngôn sứ khác chỉ trích các nhà lãnh đạo Ít-ra-en, như ông Gio-an Tẩy Giả chỉ trích Vua Hê-rô-đê, và, cũng như các ông, bà đã phải gánh chịu hậu quả (Ds 12). Tuy nhiên, Ds cũng cho thấy bà có một vị trí quan trọng (13,15), và các truyền thống sau đó lại tuyên dương công trạng của bà : chính nhờ bà mà Thiên Chúa đã cho nước từ tảng đá chảy ra.

Bà Đơ-vô-ra thì bàn việc với ông Ba-rắc như một sứ giả mang lời Chúa đến cho ông, như một ngôn sứ thật sự. Nhưng điều đã chứng minh tư cách ngôn sứ của bà là khiến cho một tướng lãnh như ông Ba-rắc cảm thấy rằng, qua trung gian của bà, ông được tiếp xúc với cõi vô hình. Ông từ chối đi đánh giặc nếu bà không cùng đi với ông, và bà trả lời : “Chắc chắn tôi sẽ đi với ông.” Bà thật sự là trung gian truyền thông sức mạnh của Thiên Chúa cho ông. Thiên Chúa cho thấy sự hiện diện của Người qua trung gian của bà, và nhờ vậy, dân Ít-ra-en được giải thoát. Chắc chắn chức năng ngôn sứ này đã củng cố quyền bính và uy tín của bà.

Bà Khun-đa (2 V 22) nhắn với vua Giô-si-gia : “Đức Chúa phán thế này…” (c.15) và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cải cách tôn giáo mà vua Giô-si-gia đã thực hiện sau năm 630.  Còn bà Nô-át-gia thì đã dám làm cho ông Nơ-khe-mi-a phải khiếp sợ (Nkm 6,14).

Vậy suốt dòng lịch sử Ít-ra-en, từ thời xa xưa của sách Xuất Hành cho tới thời bà An-na (người đồng thời với Chúa Giêsu), phụ nữ đã được nhìn nhận với tư cách là ngôn sứ, đã có thể hành động và ăn nói với tư cách đó. Nhưng chúng ta phải lưu ý đến con số rất ít các nữ ngôn sứ (“ngôn sứ ít người” !). Đại đa số các ngôn sứ là nam, các sách ngôn sứ chỉ toàn là của nam ngôn sứ, và không có trình thuật ơn gọi nữ ngôn sứ. Trầm trọng hơn : trực giác khiến các bà thần thông với cõi vô hình bị dị nghị đến đỗi Kinh Thánh coi đó là ma thuật hoặc hoàn toàn không nhắc tới.

Các gương mặt Cựu Ước nói trên cho thấy khía cạnh tiêu cực cũng như tích cực của vai trò nữ ngôn sứ. Chúng ta đã nói nhiều hơn đến khía cạnh tiêu cực vì thường các trình thuật trong Cựu Ước rất hấp dẫn, nên ngay cả phụ nữ chúng ta, chúng ta đọc một cách rất ngoan ngoãn, trơn tru, tiếp thu những gì đã có sẵn, và rất khó lượng giá với chính con mắt của mình, với những giá trị nhân bản chính đáng mà thời đại này đã khám phá ra, khó mà lội ngược chiều dòng nước nam khuynh. Hơn nữa, chúng ta đã học và quen xem Kinh Thánh là một cuốn sách đáng kính -và Kinh Thánh đáng kính thật, là “thánh”, nhưng chúng ta đâu cần phải mang cập kính quá đạo đức, không cần phải cảm thấy mình tội lỗi nếu nhận ra trong đó vài điều phải lượng giá lại, thậm chí phải loại bỏ.

Trong phần Tân Ước, có nữ ngôn sứ An-na xuất hiện lúc Đức Giê-su được hiến dâng trong Đền Thờ. Tuy nhiên, không thấy Lc ghi lại bà có phát biểu gì không. Còn một gương mặt rất rõ nét mà Ga gọi là Ma-ri-a làng Bê-tha-ni-a, nhưng Mt và Mc thì không nêu tên. Cô xức dầu trên chân (Ga) hoặc trên đầu (Mt và Mc) Đức Giê-su, ngày chót trước cuộc khổ nạn của Người. Người đàn bà này linh cảm một điều mà các nam môn đệ (và có lẽ chính bà) chưa hiểu được, tức là bản chất thực thụ của vương quyền Đức Giê-su, phẩm giá con người của Chúa. Cô bày tỏ lòng sám hối và lòng quý mến của cô, được Đức Giê-su giải thích như một cử chỉ có ý nghĩa tiên báo việc tẩn liệm thân xác của Người, một cử chỉ có tính ngôn sứ. Đây là một cử chỉ có giá trị tượng trưng cao : trong Cựu Ước, đổ dầu trên đầu ai chỉ dấu tấn phong người ấy làm tư tế (Lv 8,12) hay làm vua. Nghi thức truyền chức cho vua thường do một ngôn sứ cử hành (x. 1 Sm 10,1 ; 16,13 ; 2 V 9,3), có khi do một tư tế (2V 11,12), nhưng không bao giờ do tay đàn bà. Cũng theo Cựu Ước, các cử chỉ và lời ngôn sứ là những dấu chỉ, những phương tiện mà Thiên Chúa dùng để tự mặc khải. Và người đàn bà này gợi nhớ những dấu chỉ ấy.

Nơi Đức Ma-ri-a, mô hình người trinh nữ được Giáo Hội tặng cho ưu thế so với mô hình người trung gian. Những lý do đưa đến việc tôn sùng Mẹ với tư cách là trung gian đã bị giảm giá ít nhiều về mặt thần học, nhất là từ Vatican 2, để nhấn mạnh vai trò trung gian của Đức Giê-su giữa Thiên  Chúa và loài người. Nhưng ưu điểm của các lý do tôn sùng “Đức Ma-ri-a trung gian” là giúp chúng ta diễn tả cho sát hơn kinh nghiệm sống của nữ giới. Trong thực tế, rất khó phân biệt giữa người đồng bạn và người trung gian, nhưng có thể nói rằng cung cách người nữ trung gian có màu sắc huyền nhiệm nhiều hơn là cung cách người nữ giao tế.

* Ngày truyền tin, Đức Mẹ nhận làm trung gian cho Chúa Thánh Thần để dựng nên một thân xác, một linh hồn phàm nhân cho Ngôi Lời nhập thể. Nhờ Mẹ, các tước hiệu và sứ mạng của Ngôi Lời (được nêu lên trong Lc 1,32-33.35) sẽ được thể hiện nơi con người Giê-su. Về mặt tinh thần lẫn thể xác, Mẹ lại là trung gian để cho Ngôi Lời đầu thai làm nguồn sống mới, phát sinh một nhân loại mới. Vậy vai trò tái tạo của Đức Giê-su, với tư cách là A-đam mới, đã cần đến Mẹ để thành sự.

* Trong bài trình thuật đi viếng bà Ê-li-sa-bét, người ta cũng thấy bóng dáng người nữ trung gian : khi Mẹ mở lời chào, thì đứa con trong bụng bà Ê-li-sa-bét nhảy mừng lên, báo cho mẹ biết rằng vị khách này đã mang đến một nguồn sống mới. Sau đó, chính bà Ê-li-sa-bét cũng trở thành trung gian để nói lên tâm trạng và chức phận của Mẹ, nói lên điều đó như một ngôn sứ. Cuối cùng, bài ca Magnificat của Mẹ nhắc lại kế hoạch của Thiên Chúa trên Mẹ và dân Ít-ra-en. Vậy nói lời ngôn sứ là phản ứng dây chuyền trong đoạn Lc 1,41-55.

* Tại Ca-na, Đức Mẹ đóng vai trò trung gian chẳng những cho các người đầy tớ mà còn cho Đức Giê-su nữa : Chúa bắt đầu làm một dấu lạ, và lòng tin của các môn đệ được khơi dậy từ lúc đó.

Phần Đức Giê-su, khía cạnh trung gian (con người huyền nhiệm, nhiều trực giác, đầy khôn ngoan) nổi lên đậm nét trong cả cuộc đời Người. Người là nguồn mạch chữa lành thể xác, tinh thần, tâm linh. Người ý thức “có một năng lực tự nơi (Người) phát ra” khi bệnh nhân chạm tới Người (Lc 8,46). Ma vương quỷ lực nhận ra Người và khuất phục, các thiên thần phục vụ Người. Người sống hoàn toàn thư thái trong thế giới phi lý trí đó. Người đọc bên trong tâm hồn con người và nói lên những gì họ còn giấu kín. Người thụ nhận hơi thở của Thần Khí và có những niềm vui siêu thánh (Lc 10,21 tt). Dĩ nhiên, mô hình người trung gian cũng có thể nhận thấy được nơi người nam ngôn sứ, người hiền triết, người thầy chữa bệnh, nhưng các khía cạnh đặc biệt “nữ” nơi Đức Giê-su được rõ nét hơn bởi lý do các tác giả sách Tin Mừng (nhất là Mt), và trước các ông là thánh Phao-lô, đã nhận ra nơi Đức Giê-su Đức Khôn Ngoan nhập thể, là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa hiển hiện ra bên ngoài, mà Cựu Ước mô tả như một người nữ  “được ĐỨC CHÚA  dựng nên như tác phẩm đầu tay của Người…, không ngớt vui chơi trước mặt Người, và đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,22.30-31 ; x.. 1 Cr 1,24 ; Cl 1,15 tt ; Mt 11,28 tt ; Hc 24, đặc biệt 19-22).

Amélie Nguyễn Thị Sang, CND

Trích nguồn: http://dongducba.net

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jennifer Dines, CND. How to read the Bible as women (Đọc Kinh Thánh với tư cách là phụ nữ : như thế nào?). Liên tu sĩ Anh Quốc 1996.
  2. R. de Vaux, OP. Institutions de l’Ancien Testament (famille – femmes – veuves – enfants – succession – héritage) Cơ cấu (Ít-ra-en) thời Cựu Ước. Paris 1960
  3. Th. Maertens. La promotion de la femme dans la Bible (Bước thăng tiến của phụ nữ trong Kinh Thánh). Edition Casterman 1967
  4. A. Jaubert. Les femmes dans l’Ecriture (Phụ nữ trong Kinh Thánh)Vie chrétienne, Ed. du Cerf 1992
  5. Brépols. Dictionnaire encyclopédique de la Bible Femme (Từ điển bách khoa môn Kinh Thánh / Phụ nữ). 1987
  6. J. Laplace, SJ. Người nữ và cuộc đời thánh hiến (Tài liệu chủ đạo cho phần IV.B)Chemins de la foi. Ed. du Châlet 1964
  7. A.M. Pelletier. Le Cantique des cantiques (Sách Diễm Ca). trong Cahiers Evangile, số 85 Ed. du Cerf 1993
Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube