Hội nhập văn hóa và triết lý Đông Phương

Để Kitô giáo có thể hội nhập một cách phù hợp vào Á Châu, sứ điệp Kitô giáo cần phải được suy tư, diễn tả, trình bày theo cung cách văn hóa Á Châu, để nó trở nên thân thuộc, gần gũi với người Á Châu.

Kitô giáo từ Á sang Âu, rồi từ Âu sang Á

Kitô giáo xuất phát từ Á Châu

Kitô giáo phát xuất từ đất nước Do Thái, một nước Á Châu. Vì thế, xét về mặt nguồn gốc, Kitô giáo cũng “Á châu” không kém gì các tôn giáo Á Châu khác như Khổng giáo, Lão giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo. Nhưng cho tới nay, tại Á Châu, Kitô giáo lại bị coi là một tôn giáo ngoại lai, xuất phát từ Tây Phương. Lý do là Kitô giáo được những người Tây Phương truyền trở lại Á Châu. Thật vậy, tuy phát xuất từ Á Châu, nhưng từ ban đầu, Kitô giáo không được truyền sang Á Châu mà lại được truyền sao Âu Châu. Suốt mười mấy thế kỷ qua, Kitô giáo hầu như vắng bóng tại Á Châu, và chỉ thịnh hành tại Âu Châu.

Nhưng khởi đầu, Kitô giáo lại được truyền sang Tây Phương

Đọc lại lịch sử, ta thấy Chúa Kitô là người Á Châu, các  tông đồ cũng là người Á Châu. Nhưng thời Chúa Giêsu và các tông đồ, nước Do Thái bị đế quốc Rôma cai trị, việc truyền đạo nếu có ra khỏi đất nước Do Thái thì đương nhiên dễ dàng và thuận lợi nhất là truyền sang các nước thuộc đế quốc. Thế là ngay từ thế kỷ đầu, Kitô giáo đã được truyền bá trong đế quốc Rôma và lan tràn khắp đế quốc, trong đó phần lớn là Âu Châu. Từ thế kỷ 4 về sau, Rôma, thủ đô của đế quốc hay trung tâm của Âu Châu thời đó đã trở thành thủ đô của Kitô giáo của Âu Châu.

Sứ điệp Kitô giáo mặc bộ áo văn hóa Âu Châu.

Hầu hết các Kitô hữu thuộc những thế kỷ đầu tiên là người Âu Châu, nên các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nhà thần học, các Giáo phụ, các nhà Chú giải Kinh Thánh, v.v- cũng là người Âu Châu. Vì thế, mặc khải và sứ điệp của Đức Kitô đã được suy tư, nghiền gẫm, giải thích và diễn tả theo cung cách văn hóa Âu Châu, trong não trạng và lề lối suy tư của người Âu Châu. Đương nhiên, cung cách đó, lề lối và não trạng đó rất khác với cung cách, lề lối và não trạng của người Á Châu.

…nên bị coi là tôn giáo ngoại lai tại Á Châu

Mãi tới thế kỷ 15, 16 Kitô giáo mới được truyền vào Á Châu, một cách chính thức và quy mô, và đương nhiên, do các Kitô hữu Âu Châu truyền vào. Họ đã truyền vào Á Châu một sứ điệp Kitô giáo được suy tư và diễn tả theo cung cách văn hóa của họ. Vì thế, khi đến với người Á Châu, đạo Kitô giáo đang mặc một bộ văn hóa rất là Âu Châu, nên đã bị coi là một tôn giáo ngoại lai. Đó cũng là một trong những lý do khiến Kitô giáo không phát triển mạnh tại Á Châu như đã từng phát triển mạnh tại Âu Châu.

Nếu ngược lại thì sao?

Để rộng đường suy tư, ta có thể đặt ngược lại vấn đề: nếu Kitô giáo được truyền vào Á Châu trước, và các nhà thần học, các Giáo phụ, các nhà Chú giải Kinh Thánh… suốt mười mấy thế kỷ là người Á Châu, và sau đó, người Á Châu lại truyền bá Kitô giáo của họ sang Âu Châu, thì Kitô giáo lúc đó sẽ thế nào? Thật khó mà nghĩ rằng Kitô giáo đó lại giống với Kitô giáo do người Âu Châu truyền sang Á Châu như hiện nay. Kitô giáo lúc đó sẽ mặc lấy bộ áo văn hóa Á Châu chứ không phải Âu Châu như hiện nay, và như thế, không ai lại nghĩ rằng Kitô giáo là một tôn giáo ngoại lại đối với Á Châu cả.

Thần học Tây Phương chỉ có tính cá biệt

Từ đó, ta có thể suy ra: thần học Kitô giáo Tây Phương chỉ là những cách suy tư và trình bày cá biệt của nền văn hóa Tây Phương về sứ điệp Kitô giáo, là cách nhìn của người Tây Phương về sứ điệp Kitô giáo. Như thế, sứ điệp Kitô giáo chỉ có một, nhưng có nhiều cách nhìn khác nhau, kiến giải khác nhau về sứ điệp đó. Mỗi cách nhìn phù hợp với não trạng, tâm tính, cách suy nghĩ hay khuôn nếp văn hóa của từng dân tộc.

Vì thế, để Kitô giáo có thể hội nhập một cách phù hợp vào Á Châu, sứ điệp Kitô giáo cần phải được suy tư, diễn tả, trình bày theo cung cách văn hóa Á Châu, để nó trở nên thân thuộc, gần gũi với người Á Châu….

Nguyễn Chính Kết

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube