Cộng đoàn là gì? Đó là những bộ mặt rất khác nhau, từ nhiều phương tụ lại, không hề hẹn trước, có thể hoàn toàn xa lạ với nhau, có khi ngôn ngữ, văn hóa khác nhau – nếu là một cộng đoàn quốc tế – tính tình khác nhau, đã nhận được những nền giáo dục khác nhau… Bỗng nhiên vì lý tưởng tận hiến, gặp nhau nơi đây để được cùng nhau rèn luyện, ngày qua ngày, tiến bước trên con đường đã chọn. Đây là một cuộc đời tôi luyện trường kỳ để đời sống chung từ chỗ xa lạ, khác biệt, có khi xung khắc – vào đây vì chọn Chúa chứ không phải chọn nhau – dần dần trở nên một tế bào huynh đệ tập phục vụ nhau, yêu thương tha thứ cho nhau, tiến tới sự “hiệp nhất trong đa dạng”. Đúng là nơi đây mỗi người tập sống cho mọi người và tương hỗ bổ trợ nhau, để xây dựng và bảo toàn hạnh phúc cho nhau, theo lý tưởng của Tin Mừng. Nơi đây, mọi của cải đều được bỏ chung. Của cải vật chất là lương bổng, thù lao, quà tặng, đồ dùng… Của cải tinh thần là tất cả trí tuệ, khả năng, năng khiếu, văn hóa, kinh nghiệm, vốn sống, nhất là cái vốn vô giá là tiềm lực yêu thương của nhiều trái tim được phát huy và tổng hợp lại.
Cái vốn chung này, kinh nghiệm cho thấy là vô cùng phong phú; mỗi người cảm thấy sức sống của mình nhân lên gấp bội. Mỗi chị em, dù tuổi nào, công việc nào, ở vị trí nào cũng được yêu thương quý mến trong trật tự của một tình huynh đệ mỗi ngày một đậm đà, tế nhị, quảng đại và tươi mát hơn.
Nhưng không phải một sớm một chiều mà ước mơ trở thành hiện thực. Nơi mỗi thành viên, là một cuộc chiến đấu liên lỉ với tất cả những gì đi ngược lại tình thương: ích kỷ, tự ái, kiêu căng, biếng nhác, tham vọng… với nhiều dây mơ rễ má vô hình mà mỗi người phải nhận diện cho ra để lần lần lướt thắng. Một cuộc chiến thắng cam go mà mỗi cái “tôi” của cá nhân phải tập chết đi cho cái “chúng ta” được sống, được triển nở. Cộng đoàn huynh đệ trong Chúa Kitô đòi hỏi một cuộc lột xác có chiều kích “Phục sinh”, nghĩa là phải “chết đi” – cái tôi ích kỷ, tham lam phải tự hủy – để sống lại với con người mới, hòa giải, tươi vui, nồng nàn, tế nhị, thông cảm…
Nhưng mối tình này không đóng khung trong bốn bức tường tu viện. Nếu nó nồng đượm, nó sẽ tỏa rộng ra bên ngoài, lan đến láng giềng, khu xóm, hòa nhập vào môi trường hoạt động của người tu sĩ và nhắm đến một giang sơn rộng hơn nữa là đất nước, là nhân loại.
Từ chỗ đi tìm một lẽ sống vĩnh cửu, người tu sĩ đã gặp được Thiên Chúa của Tình yêu, tưởng đã đạt tới đích. Nhưng không, Tình yêu là một chuyển động không ngừng. Thiên Chúa không giữ ai lại cho chính Ngài mà luôn dẫn mỗi môn đệ đến với anh chị em của Ngài cũng đang đi tìm Tình thương, tìm Lẽ sống. Để trung thành với Thiên Chúa, người tu sĩ, hơn ai hết, phải luôn lắng nghe tiếng gọi của tha nhân, như lời nguyện ước sau đây diễn tả:
Đời con xin hiến để yêu thương,
Để trái tim con mãi sẵn sàng,
Ở đâu có tiếng tha nhân gọi,
Ở đấy con đường Chúa đi ngang.
BƯỚC ĐƯỜNG LỮ THỨ
Trên đây là vài nét đậm – chứ chưa phải là tất cả – của chân tính đời tu. Nhưng đó là lý tưởng. Trong hiện thực, đời tu là một cuộc trường kỷ chiến đấu để trường kỳ biến đổi nên CON NGƯỜI MỚI, con người của PHỤC SINH. Nhưng trong trận tuyến này, kẻ đi tìm Thiên Chúa không đơn thương độc mã mà cùng chiến đấu với bao kẻ đồng hành, luôn nâng đỡ nhau, gánh vác nhau, dựa vào ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa, vào sự hỗ trợ của môi trường và của xã hội, vào gương tốt của những người đã đi trước hoặc đang đi bên cạnh. Vừa đi, vừa lau mồ hôi, vừa hát. Hát khúc tình ca Thiên Chúa, tình ca anh em, chị em, tình ca nhân loại.
Nữ Tu Mai Thành, CND
Trích nguồn: https://dongducba.net