Khía Cạnh Tâm Lý Và Thực Tế
Trong Việc Nhận Định Ơn Gọi Độc Thân Thánh Hiến (Phần 1)
“Tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng xác thịt thì yếu đuối”
(Mt 14, 38)
Cuộc đời muôn mặt. Đời tu cũng thế, thậm chí còn phức tạp hơn vì dù sống chiều kích siêu nhiên, người tu sĩ vẫn mang phận người với những mỏng dòn, yếu đuối, lầm lỡ. Hơn bao giờ hết, việc phân định ơn gọi trở nên khó khăn hơn. Xin để dành công việc này cho các vị chuyên môn. Trong giới hạn của mình, bản thân mạo muội chia sẻ đôi điều dựa trên những kinh nghiệm thực tế qua hơn 20 năm dạy học, gặp gỡ, đối thoại, đồng hành nhất là tư vấn và chữa trị cho một số anh chị em linh mục, nam nữ tu sĩ.
“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”! Thường ai cũng muốn nghe những gì dễ nghe. Có thể trong phần chia sẻ dưới đây, có một số điều đã rất quen thuộc nhưng cũng có những điều xem ra khó nghe với quý tu sĩ. Sự thật thường nghịch nhĩ nên bản thân thấy khá ngại ngùng. Tuy vậy, với thiện chí muốn góp phần nhỏ bé vào phẩm chất của đời tu nên xin nói thật lòng và mong sự cảm thông của độc giả.
CHẤT LƯỢNG CỦA ĐẦU VÀO
Công việc phân định ơn gọi không chỉ dừng lại khi nhận ứng sinh vào dòng nhưng vẫn còn tiếp diễn trong những giai đoạn huấn luyện khởi đầu. Việc phân định là câu chuyện dài gồm nhiều yếu tố. Ở đây xin phép được chạm đến một chút “phần người” liên quan đến những ứng sinh tìm đến đời tu. Họ như những hạt mầm, những cây con mong thích ứng và phát triển trong môi trường đời tu. Nuôi dưỡng và làm cho lớn lên là phần việc quan trọng của các vị phụ trách các giai đoạn huấn luyện khởi đầu.
Người nông dân có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Thật ra yếu tố nào cũng cần cả. Tuy nhiên có lẽ “giống” tốt vẫn là cơ bản. Nếu hội đủ ba điều kiện đầu mà giống không tốt thì khó có thể có một vụ mùa bội thu được. Cũng vậy trong đời tu, có người ví các nhà đào tạo như người nông dân. Điều đầu tiên các nhà đào tạo cần làm là tìm hiểu CON NGƯỜI của ứng sinh trên nhiều góc độ: động lực, gia cảnh, gốc gác, môi trường, quá khứ… nơi họ xuất thân.
PHẨM HAY LƯỢNG?
Trong bài viết “Đừng vội vui mừng vì có nhiều ơn gọi”, Linh Mục Nguyễn Hồng Giáo đã nhắc nhở chúng ta về phẩm chất đời tu. Tuy bài viết không mới nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn mang tính thời sự. Chúng ta có nhiều lý do để vui mừng vì số ơn gọi Việt Nam thật đã gây phấn khích và hãnh diện so với các nước Âu Châu.
Dẫu biết rằng yếu tố ơn Chúa và con người thường song hành và Thiên Chúa có thể dùng mọi hoàn cảnh để làm công việc của Người. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào thực tế, có không ít điều phải băn khoăn suy nghĩ. Sự bùng nổ ơn gọi tu trì ở Việt Nam sau thời gian mở cửa đã kéo dài khá lâu. Mọi sự đều có hai mặt, khi số lượng tăng thì nguy cơ phẩm chất sẽ giảm. Hiện nay, ngay cả một số dòng lâu năm cũng đã và đang đối diện không ít vấn đề “phẩm chất”, hệ quả của việc phân định và đào tạo.
ĐẦU VÀO và HUẤN LUYỆN, hai yếu tố cơ bản không thể lơ là. Vì thế, rất cần có một sự nhận định cẩn thận, sự “biện phân” (discernement) sáng suốt, một nền huấn luyện thật kỹ và thật tốt vì tương lai của các dòng tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng của việc huấn luyện cũng như phẩm chất của đầu vào. Coi nhẹ khâu tuyển chọn và đào tạo thì tương lai khó tránh khỏi khó khăn.
SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ ĐIỀU NỔI CỘM:
- Yếu tố môi trường xã hội, văn hóa:
Chúng ta không thể phớt lờ những ảnh hưởng của môi trường. Quan điểm, hành vi của một người hình thành dần qua nền giáo dục, môi trường sống. Những gì đã được nghe, được thấy và những kinh nghiệm tuổi thơ thường để dấu ấn rất đậm nét và lâu dài trên đời sống của một người. Cụ thể là có một số “hiện tượng” của tu sĩ hiện nay như: thiếu ý thức về trách nhiệm, về ứng xử, về công bằng, về sự thật… Họ nhập dòng khi đã lớn trong khi thời gian được chính thức huấn luyện trong dòng không đủ xóa đi những tác động tiêu cực của quá khứ và môi trường xã hội lắm vấn đề như hiện nay.
Thời “mở cửa”, có bao nhiêu điều hay đẹp tràn vào, nhưng đồng thời cũng mang theo nhiều “bụi”. Ở đây xin đưa ra một số tác động tiêu cực của môi trường trên ứng sinh sống đời tu thôi. Sau đây là một số nét tiêu biểu.
. Đức tin, tu đức và tu thân không được xem trọng vì xã hội thiên về thực dụng, vật chất, tục hóa và vô thần. Sống trong đó ứng sinh bị cám dỗ tìm tiện nghi, thoải mái và nghiêng chiều theo xu hướng tự nhiên là sự dễ dãi và ham hưởng thụ.
. Giáo dục ít nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức, nhân văn, đời sống tinh thần hay giá trị bản thân mà chú ý đến “bạn, thù” và củng cố phe nhóm, quyền lực. Nền giáo dục xã hội cũng như gia đình chưa trang bị cho người trẻ khả năng ứng phó nên người trẻ lạm dụng sự “tự do” một cách vô tổ chức.
. Xã hội đề cao cái mới mẻ, đẩy người ta tiến tới, phát triển và lên cao mà không chủ trương xây đắp chiều sâu nên người trẻ có nguy cơ sống lệch lạc, hời hợt, nông cạn… dễ gãy đổ.
. Lòng nhân, sự tử tế, khả năng hay nhạy cảm trước nỗi đau của người khác, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên càng ngày càng thiếu nên chúng ta dần mất đi cảm thức về tình người và ích chung. Nhiều người lấy cái “TÔI” làm tâm điểm, đặt quyền lợi và giá trị riêng lên trên tinh thần cộng đồng.
. Thiếu tôn tri trật tự, cá đối bằng đầu, cá mè một lứa, ý thức về kỷ luật kém nên thiếu tinh thần tự chủ, thiếu đức hy sinh, ít khổ chế và khả năng chịu đựng kém.
- Môi trường gia đình
Có thể nói, hơn 90 % các ứng sinh của chúng ta xuất thân từ các vùng nông thôn. Sau 1975, số đông các bậc cha mẹ bước vào đời sống hôn nhân một cách khá đơn giản mà thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng phần đạo, phần đời. Đa số phụ huynh của ứng sinh khó khăn vất vả vì mưu sinh. Hầu hết thì giờ và sức lực của họ bị cuốn hút vào cuộc sống cơm áo gạo tiền nên không có đủ giờ và cơ hội gần gũi, theo dõi, hay nhắc nhở con đúng lúc, đúng việc. Giáo dục gia đình còn nhiều lỗ hổng, tạo nên một số hệ lụy trên nhân cách con cái. Sau đây là vài nét tiêu biểu:
. Thiếu gần gũi con: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên con cái lớn lên tự khắc sẽ biết mọi sự. Quan điểm này khá phổ biến trong tầng lớp bình dân. Chúng ta không thể phủ nhận nhiều con trẻ cứ thế lớn lên “nhờ trời”. Vì bận rộn nhiều người chỉ lo cho con ăn, học, mọi sự phó mặc cho trường, cho thầy dù nền giáo dục của Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Nhiều gia đình công giáo sốt sắng vẫn thường nhắc nhở con em đi lễ, đọc kinh, học giáo lý, nhưng ít khi đồng hành cùng con trong đời sống đức tin.
. Ít nhận được sự quan tâm: Các phụ huynh, nhất là các vị từ vùng nông thôn không có thói quen diễn tả tình cảm với con. Không mấy khi chú ý đến nhu cầu tình cảm của trẻ. Những cử chỉ nồng ấm, lời nói động viên và ngọt ngào thật hiếm hoi trong các gia đình Việt Nam. Một nữ tu truyền giáo người Hà Lan rất giỏi tiếng việt và rất gần gũi giới bình dân đã nhận định: việc la mắng đánh đập trẻ, nhất là của các ông bố đối với con trai: Dù không thể hiện rõ nét nhưng một số ứng sinh đã bị tổn thương thể chất lẫn tinh thần từ trong gia đình. Nếu không được quan tâm thỏa đáng, phẩm chất của đời tu sẽ bị ảnh hưởng không ít, đặc biệt về mặt cảm xúc, tự tin và tương quan.
- Mặc cảm
Thực tế dường như không ít tu sĩ trẻ thường bị mặc cảm tự ti. Đâu là nguyên nhân? Có lẽ do hoàn cảnh gia đình vất vả và thiếu thốn. Khi còn ở gia đình điều này không rõ nét nhưng khi lên phố và sống chung trong một tập thể, họ có sự so sánh hơn thua.
Thật ra mặc cảm dù tự tôn hay tự ti đều là cản trở trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt người tự ti thường khép kín, nhút nhát, dễ chạnh lòng và hay “thu gom” những rác rến vào mình bởi những cái nhìn tiêu cực về bản thân và cuộc đời. Nhiều khi họ che giấu yếu kém bằng cách “nổ” hoặc bù trừ bằng lối sống đòi hỏi hoặc khá “thoải mái”. Mặc cảm sẽ ngăn chặn sự phát triển thực sự, dẫn đưa đến những lệch lạc trong tương quan, tạo nên sự mất quân bình và bất hạnh trong đời tu.
Marie Thecla Trần Thị Giồng, Khía cạnh tâm lý và thực tế trong việc nhận định ơn gọi độc thân thánh hiến, trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chuyên đề: Người trẻ và việc phân định ơn gọi, s. 103, tr. 47 – 62. (Còn tiếp)
Trích nguồn: https://dongducba.net