NHỮNG MẶT NẠ ĐỜI TU
Có thể nói, mặt nạ đời tu là những cách người sống đời thánh hiến dùng đến để che đậy bộ mặt thật của mình (cái tôi đích thực). Ở mức độ nào đó, điều này làm rối loạn nhân cách chủ thể. Chúng ta cần nhận ra những hậu quả do việc tạo nên những mặt nạ này mà có những hướng điều chỉnh kịp thời hầu giúp bản thân sống thật với những định hướng của đời tu.
Có nhiều cách tiếp cận cái tôi và các nhà tâm lý khai thác rất nhiều chủ đề này. Ở đây, chúng ta chỉ đề ra vài mẫu cái tôi tiêu biểu thường gặp trong đời sống hầu giúp bản thân tìm ra khuynh hướng chủ đạo của mình từ những “cái tôi” ấy. Có thể, trong những khoảnh khắc khác nhau, bạn có thể mang nhiều hình thức những cái tôi này, nhưng chỉ có một mẫu cái tôi nổi bật nhất, đó là khuynh hướng chủ đạo nơi bạn. Khám phá điều đó, bạn dễ làm chủ tình hình, tự chủ hơn và sống tự tin hơn trong việc hình thành nhân cách.
1/ Cái tôi vĩ đại
Theo lẽ tự nhiên, hầu như mọi người đều muốn mình trở nên cao cả, vĩ đại. Điều này được diễn tả trong bộ phim Superman. Thật vậy, con người muốn bay cao và bay khắp mọi nơi, đồng thời, muốn chinh phục mọi sự. Dưới nhãn quan thần học, có thể nói, khát vọng trở nên vĩ đại nằm sâu kín trong thâm cung lòng người, vì con người vốn được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Quả thật, con người được tham dự vào tính toàn năng của Thiên Chúa khi sống đúng tự do Chúa ban. Điều này giả thiết con người phải lệ thuộc vào Chúa. Nhưng thực tế, con người muốn tự sức mình khẳng định bản thân và tự coi mình là người vĩ đại. Cái tôi vĩ đại ấy bao trùm và chi phối mọi sinh hoạt đời sống con người.
Chính khi những người tự coi mình vĩ đại, họ cố gồng mình lên như để biểu dương lực lượng trước đám đông. Chúng ta dễ thấy họ giữa đám đông vì họ là người thích chơi trội và chơi ngông. Ngay khi muốn phô diễn những ưu thế của mình, họ dồn nén và giấu giếm những yếu đuối bản thân. Từ đó, họ sống giả dối với mọi người và lừa dối cả lương tâm. Với lối sống hai mặt này họ là bản sao của Satan, vốn là cha của sự dối trá.
Chúng ta dễ nhận ra mẫu người này trong đời tu. Họ luôn mang một bộ mặt trịnh trọng; lúc nào cũng đạo mạo như những vị đã đắc đạo trong đời tu. Đó là xét về đời sống đạo đức, còn đời sống tri thức cũng vậy. Họ phát huy hết năng lực vốn có của mình và làm mọi cách để người khác thừa nhận khả năng vượt trội của họ. Một khi có sự cố nào đó không như ý, họ tìm mọi cách chữa mình và chạy tội. Nguỵ biện là lối họ tiếp cận với những người cố ý chống đối họ. Dần dà, họ mất đi sự ngay thật của tâm hồn.
Ngoài ra, do việc quá đề cao bản thân mà họ không còn tôn trọng đủ với người khác nữa ! Lòng tự trọng mang bộ mặt mới là lòng tự ái trái mùa. Họ dễ dàng đánh đổi bất cứ thứ gì hầu chiếm được mối thân tình và sự kính trọng của người khác.
Tóm lại, người vĩ đại là người quá lý tưởng hoá bản thân. Họ sống nhiều với những mộng tưởng và những hoạch định phi thực tế. Chung cuộc, họ là người bất mãn kinh niên vì không chấp nhận chính mình cũng như người khác.
2/ Cái tôi nhút nhát
Nếu cái tôi vĩ đại không ngừng tìm cách đưa mình lên thì người nhút nhát lại thụ động và thiếu tự tin. Họ thụ động vì sống an phận không thích ai đụng chạm đến mình. Vì thế, họ tránh những tương giao và nếu phải tiếp xúc, họ tỏ ra là người nhún nhường và lấy sự nhẫn nhục làm nhân đức chịu vậy. Dường như có một sự mặc cảm nào đó tiềm ẩn nơi bản thân họ, đó có thể là một vết thương mà họ tránh đụng đến để khỏi khơi lại nỗi đau. Dường như có một sự thiếu tự tin nơi họ khiến họ trở nên lúng túng, bối rối khi đối diện trước một vấn đề nào đó. Tệ hơn nữa, họ tìm cách nói quanh, nói tránh để khỏi đương đầu trước những khó khăn.
Nếu người vĩ đại muốn thể hiện và đánh bóng mình giữa đám đông thì người nhút nhát lại tự xoá mình đi, bởi vì họ có một hình ảnh tiêu cực về bản thân. Từ đó, hình thành nơi họ một thái độ sống dựa. Tất nhiên, sống dựa ở đây không đương nhiên đồng nhất cách sống nhờ vào đồng tiền của người khác, nhưng là không dám quyết định cuộc đời mình, không dám là mình. Sống dựa là khi người ta phải nhờ đến một sự bảo đảm nào khác mới có thể quyết định cách thế sống của mình: chỉ dám nói cái áo đẹp khi nó hợp với mode thời đại, chỉ biết thưởng thức những thú vui đang được xã hội đề cao; sống dựa làm cho người ta không dám tỏ thái độ, không còn dám chấp nhận con người thật của mình. Kiểu sống dựa hoặc sẽ đưa tới tình trạng sống èo uột như cây xanh không có nắng, chán nản, mệt mỏi, thiếu sinh khí; hoặc người ta cũng có thể làm tất cả mọi sự, làm được nhiều việc có vẻ hay ho, nhưng không có gì là của mình cả, thái độ này càng nguy hiểm vì là một cách trốn tránh con người thật của mình. Sống dựa là để mình tản mát, buông trôi theo dòng đời và chỉ nhìn nhận giá trị của người khác rồi qui về mình. Đó là cuộc sống “mượn hồn” hay “để cho người khác sống dùm”. Căn bệnh chính của lối sống dựa là sự nhát đảm.( 5)
Chính thái độ nhút nhát, sống dựa này đã hình thành nơi họ một mẫu người đa nhân cách. Vì không thể tạo một sự nhất quán trong cách sống nên họ dễ làm cho cộng đoàn tu bị ảnh hưởng cách nào đó, đôi khi phải chịu những sự thất thường, trái gió trở trời của họ. Như con tắc kè thay đổi theo điều kiện môi trường, họ cũng bị tác động mạnh mẽ bởi những gì xảy ra xung quanh. Họ không có chương trình sống cho riêng mình, vì họ xác tín rằng tôi sống là sống hoàn toàn cho người khác. Điều nguy hiểm là họ tưởng mình sống như thế mới là người vị tha.
Ngoài ra, họ còn là cầu nối giữa anh em và bề trên. Thật vậy, do bản tính nhút nhát, họ cậy dựa vào quyền thế của bề trên. Họ lấy làm thích thú về việc báo cáo cho bề trên tất cả tình hình trong cộng đoàn và xác tín rằng đó là cách tôi xây dựng cộng đoàn. Chính khi tưởng mình làm lợi cho cộng đoàn nhờ vào thiện chí đó thì họ lại tỏ dấu ganh tỵ với những người anh em mà họ nói xấu với bề trên. Tấm bình phong ấy đến một ngày sẽ được cất đi khi vị bề trên mãn nhiệm.
Cuối cùng, chúng ta phải kể đến thái độ thiếu trách nhiệm của mẫu người này. Dường như tính nhút nhát đã ăn sâu trong máu thịt của đương sự đến nỗi họ giữ thái độ chạy trốn hay thoái thác trách nhiệm. Chính khi những sai lầm đổ dồn hết cho người khác, họ tự tạo một hình ảnh hoàn hảo trước mặt bề trên.
3/ Cái tôi nệ luật
Dường như trong tâm tưởng của nhiều người luôn có những tiêu chuẩn bên ngoài để đo lường sự trưởng thành tâm linh và việc tiến triển trong đời tu, rồi chỉ dựa vào việc hoàn tất sinh hoạt hằng ngày để đánh giá người khác. Tư tưởng đó dẫn đến tình trạng núp bóng dưới sự bảo đảm của luật lệ.(6)
Chúng ta vẫn thường nghe nói: mình giữ luật, luật giữ mình. Luật ở đây được hiểu là những nguyên tắc hướng dẫn hành động. Nhưng những nguyên tắc ấy có thể thay đổi còn tinh thần thì bất di bất dịch. Thật vậy, vào thời Trung cổ, người ta giữ luật đánh tội. Nếu chỉ dừng lại ở hình thức này, một số người sẽ không dám dấn thân trong đời tu hoặc một khi sống trong đời sống này, họ muốn chứng minh nhân đức anh hùng. Cả hai đều thái quá bất cập. Trong khi đó, tinh thần thông phần đau khổ với Chúa Giêsu lại bị lãng quên. Ngày nay không còn hình thức đánh tội nữa nhưng thay vào đó là việc hy sinh hãm mình bề trong.
Trong các nhà đào tạo, nhiều khi luật lệ và nội qui được chú trọng quá mức. Nhất là ở những buổi lượng giá cuối năm, tiêu chuẩn đánh giá của các ngài là sự chu toàn các giờ sinh hoạt, giữ “đúng phoóc” các qui định chung, không sai phạm kỷ luật, không hay ý kiến. Nhiều người còn dùng luật lệ như một liều “thuốc sợ” để đe dọa “ơn phần rỗi” (không bị đuổi khỏi dòng) của các tu sinh nhằm đưa cộng đoàn vào khuôn khổ, nề nếp, trật tự. Những phương cách đào tạo “rập khuôn”, “cào bằng” và “nệ luật” như thế xem chừng không nuôi dưỡng được những nhân cách trưởng thành thực sự, trái lại, chỉ tạo được một số thói quen và quán tính tự vệ.
Luật lệ là mức độ thấp nhất của đạo đức vì nó chỉ buộc người ta thực hiện những gì tối thiểu xã hội đòi hỏi và sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai vi phạm. Bởi đó, luật lệ chỉ giúp chúng ta điều chỉnh hành vi mà không thể đi vào chính “cái đầu”
Chúng ta vẫn nghe có những người của nhà nước đưa vào theo dõi các dòng tu, những người này họ chu toàn tất cả những luật chung và nhà dòng chuẩn bị cho tuyên khấn. Đây là một trong những mặt trái của việc đánh giá theo tiêu chuẩn luật.của con người. Nghĩa là theo qui tắc tự nhiên, tư tưởng phát sinh hành động. Mà nếu dừng lại ở hành động thuần tuý, con người dễ dàng cố tạo ra một khuôn mẫu định sẵn trong một cộng đoàn nào đó mà áp dụng không chọn lọc. Kết cục là con người hành động theo chương trình mặc định sẵn mà không xác tín và kinh nghiệm chính đời sống mình.(7) Còn nếu, chúng ta thay đổi nhận thức về thực tại thì tư tưởng sẽ dần hình thành và thấm nhập vào từng hành vi với một xác tín đúng đắn và chuẩn xác. Khi ấy, tự hành vi diễn tả nét đẹp và niềm vui của đời sống thấm nhập tinh thần Phúc Âm. Chúng ta có thể dùng đời sống của chị Têrêsa HĐGS làm minh hoạ. 15 tuổi, chị gia nhập dòng Kín. 24 tuổi, chị hoàn tất đời sống trần gian. Vào dòng từ khi tuổi thiếu niên, chị phải gò mình trong một khuôn phép nghiêm nhặt của dòng Kín. Với quyết tâm nên thánh theo Mẹ Têrêsa Cả và hoàn thiện theo luật dòng Cát Minh, chị đã dấn thân hết mình. Nhưng chị vẫn trực giác có gì không ổn, và từ nhận định của các vị linh hướng rằng chị không tiến bộ trong đời sống tâm linh. Khoảng 6 năm sau, chị mới khám phá ra Con đường thơ ấu thiêng liêng. Nghĩa là trở về chính tinh thần của Tin Mừng. Chắc hẳn, điều này không có nghĩa là thánh nữ bỏ qua luật dòng và gương các thánh, nhưng sống nó với một tinh thần mới. Thật vậy, tinh thần mới làm cho sống còn chữ viết (lề luật) giết chết.
4/ Cái tôi hình thức
Chúng ta biết rằng hình thức và nội dung là hai mặt bổ sung không thiếu trong một thực tại hữu hình. Nhưng thực tế cho thấy, có những tu sĩ quá chú trọng hình thức đến nỗi quên đi phần nội dung là điều làm nên ý nghĩa của một hiện hữu. Có những tu sĩ tỏ ra dị ứng với những gì thuộc thiêng liêng. Họ thích trau chuốt bộ cánh bề ngoài để thu hút người khác bằng sự đạo mạo của mình. Khuynh hướng này cũng ảnh hưởng đến cách họ đánh giá người khác theo hình thức bên ngoài, thế nên khi hợp tác trong việc mục vụ, tổ chức… họ không thể khám phá ra nội lực của người khác. Xét cho cùng, ngày từ đầu họ là những người hời hợt, không khám phá và đánh giá bản thân đúng mức nên lòng tự trọng của họ dễ bị tổn thương.
Trong cộng đoàn dòng tu, chúng ta cũng thường nghe nói tình trạng một số tu sĩ nín thở qua cầu. Nghĩa là gò mình theo khuôn phép luật lệ nhà dòng trong giai đoạn đào tạo để được người khác đánh giá cao. Có nhiều nguyên nhân giúp giải thích tình trạng này, nhưng ở đây, chúng ta muốn nhấn mạnh đến thái độ hình thức của họ. Họ cố gắng gồng mình theo nhịp sống chung của cộng đoàn mà không biết mình đi đâu; không ước muốn gì hơn là được tồn tại trong cộng đoàn. Họ chịu đựng, dồn nén cho đến khi đạt mục đích là trở thành thành viên chính thức trong cộng đoàn, khi đó, họ bắt đầu đối diện với một cuộc sống vô nghĩa. Quả thật, sống hình thức dần dà dẫn con người đến tình trạng sống không mục đích, mất dần cảm thức siêu nhiên.
Ngoài ra, sợ hãi cũng mang đậm nét thói vụ hình thức. Thật vậy, “bệnh sợ đưa đến thái độ giữ đạo hình thức và tính toán hơn thiệt đối với Chúa. Bệnh sợ cũng làm thui chột năng lực của con người ”.(8) Khi nỗi sợ hãi càng trầm trọng, họ càng tạo một uy thế hùng mạnh bên ngoài nhằm bù đắp những yếu đuối bên trong.
Như thế, với mẫu người này, hình thức trở thành thước đo hầu đánh giá bản thân và người khác. Đối với họ, giá trị bản thân được định vị trên những gì người ta làm được và những gì người ta chiếm hữu được. Hình thức là thành phần tuỳ phụ lại trở nên chính yếu, vì với họ, vẻ bề ngoài mang lại thành công cho bản thân.
5/ Cái tôi tích cực
Có thể nói, đây là một trong những mẫu người có nhiều lợi thế để đạt đến cái tôi đích thực. Nhưng thực tế, cuộc sống luôn phức tạp, biến động và ngoài dự đoán của con người; nếu bản thân không rèn luyện sự nhạy bén trong việc đọc ra dấu chỉ của thời đại cũng khó dẫn đến thành công.
Người sống tích cực luôn nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng lý tưởng nên không tránh khỏi những ảo tưởng trong thực tế. Họ bước vào đời tu với một xác tín lớn lao về hình ảnh của những thầy dòng thánh. Nhưng khi sống và va chạm thực tế, họ nhận ra một sự thật phũ phàng: các thầy dòng cũng như những con người khác đang trên đường tu thân, sửa mình và tiến đến sự hoàn thiện.
Nhờ sống tích cực và lạc quan, những người này dễ khám phá và thán phục những nét đẹp, tích cực nơi người khác. Chính sự tự tin và biết mình đúng mức, nó sẽ là lợi thế giúp họ dấn thân không mệt mỏi và dễ dàng kêu gọi sự hợp tác của người khác. Một tu sĩ tích cực luôn mang lại nét yêu đời trong cuộc sống chung; họ hài hước một cách tinh tế và dí dỏm một cách tài tình. Ngoài ra, họ còn là những người tiên phong trong những công việc lớn nhằm giúp xây dựng cộng đoàn. Xét cho cùng, người tích cực dễ dàng thành công trong mọi việc nhờ sự tự tin và biến báo kịp thời; cơ hội là dịp giúp người tích cực thể hiện bản thân.
6/ Cái tôi tiêu cực
Trái lại, cũng có những người mang mặc cảm tự ti, thấy mình thấp bé, vô tích sự…Họ tự đánh giá thấp về hình ảnh bản thân. Bất cứ sự gì xảy ra, họ đều nhận định theo chiều hướng tiêu cực. Vô hình trung, họ làm méo mó thực tại. Những vấn đề thông thường trong cuộc sống lại được họ thổi phồng lên khiến tình thế trở nên trầm trọng. Điều này đã khiến họ bị phân tán nội lực, mất đi sức tập trung vào những vấn đề hệ trọng liên quan đến ý nghĩa cuộc sống.
Tâm trạng thường xuyên của người tiêu cực là không hài lòng với bản thân mình; từ đó, trở nên khép kín, né tránh tham gia sinh hoạt chung, dần dà dẫn đến tình trạng trầm cảm. Chưa hết, do mang hình ảnh bản thân nghèo nàn, họ mất đi lòng tự trọng vốn có của người lạc quan, yêu đời. Chắc hẳn, người đánh mất đi lòng tự trọng, hành động của họ mang tính phá hủy nhiều hơn xây dựng, và những gì xem ra thành công cũng nhúm màu đen tối.
Ngoài ra, đôi khi họ có xu hướng tự tôn, tự thổi phồng mình lên để che lấp những mặt yếu kém của mình, để bù đắp cho những lần bị dồn nén.. .Như thế, tình trạng tiêu cực của bản thân lại càng làm họ trống rỗng nội tâm hơn. Họ là những người sống thiếu niềm hy vọng.
7/ Cái tôi tự ái
Yêu mình và chăm sóc bản thân cách đúng đắn không có gì đáng trách mà còn là chuẩn mực để yêu thương tha nhân, vì thương người như thể thương thân. Nhưng khi lòng tự trọng bị tổn thương, con người sinh ra tự ái. Tự ái là căn bệnh kinh niên của người nghèo. Người nghèo ở đây được hiểu là những người chưa được thoả mãn nhu cầu bản thân cách nào đó. Mỗi lứa tuổi có một nhu cầu khác nhau như của ăn, cái mặc, cảm xúc, tình yêu…Một khi những nhu cầu này không được thỏa mãn thì con người ta trở nên nghèo nàn và mặc cảm. Những lệch lạc hay thiếu thốn của tuổi thơ chưa được đối diện và chữa lành, sẽ làm cho chúng ta dễ tổn thương. John Bradshaw thật chí lý khi nói: “Mỗi người chúng ta mang trong mình một đứa trẻ bị tổn thương”.(9)
Tóm lại, những mặt nạ vừa được trình bày không bao hàm hết mọi mẫu người trong thực tế. Ngày nay, các nhà tâm lý còn bàn đến: cái tôi cứng đọng, cái tôi phân tán, cái tôi thực tế. Qua đó cho thấy cuộc sống vốn muôn mặt và con người thì “nhiệm mầu”. Ở đây, chúng ta đã đề ra chủ đích rằng, những mặt nạ trên giúp ta khám phá ra khuynh hướng chủ đạo của mỗi người. Chẳng hạn, tôi thuộc mẫu cái tôi hình thức, thế nên, tôi có khuynh hướng đánh giá bản thân và người khác từ những thành công hay hiệu quả bên ngoài. Đó là cái nhìn thiển cận của con người tôi; từ ý thức đó, tôi sẽ bắt đầu để ý hơn về những suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Và một khi bạn điều chỉnh nó bằng cái nhìn từ bên trong (nội dung, ý nghĩa của thực tại.), bạn còn phải để ý đến những cơ chế tự vệ của mình; để khám phá ra những thái độ ngụy biện, lố lăng, kệch cỡm. của bản thân mà điều hướng kịp thời.
Để kết thúc phần này, xin dẫn chứng gương của thánh Inhaxiô thành Loyola, Tổ Phụ dòng Tên. Thánh nhân thuộc mẫu người cái tôi vĩ đại. Với khả năng chinh chiến, ngài có đủ tư cách để tham vọng những chiến công lớn trong đường sự nghiệp công danh. Tuy nhiên, do tự tin quá đáng (cậy vào sức mình), chàng đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng về ơn gọi và sứ vụ của mình. Trong khi đang say men chiến thắng vì chiếm được nhiều thành, chàng đã bị trọng thương ở một bên chân phải. Biến cố này đã cắt đứt mọi dự phóng của chàng trong việc chinh phục các thành.
Như chúng ta đã biết, sau khi đọc qua các cuốn Hạnh các thánh và Cuộc đời Chúa Giêsu, chàng đã chuyển hướng, qui mọi sự về Đức Kitô. Thay vì thực hiện thao thức của một con người vĩ đại theo cách hiểu người đời, chàng đã chọn Chúa là Đấng vĩ đại khả dĩ giúp chàng sống trọn ơn gọi là một tu sĩ, chiến sĩ của Chúa để thu phục các linh hồn.
Xem ra, việc chúng ta đối diện với những mặt nạ được diễn tả qua những cái tôi, chưa được giải quyết thỏa đáng, chúng ta cần tiến bước nữa trong việc khám phá ra những cơ chế tự vệ còn ẩn kín trong tâm hồn. Những cơ chế này khuất ẩn bên trong nhưng những hậu quả của chúng để lại những dấu vết trong đời sống thực tiễn. Đó là một lợi thế giúp ta đi tiếp cuộc hành trình khám phá bản thân.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist
Trích nguồn: http://conggiao.info