CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C

Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

 

Đối với nhiều người thời xưa cũng như thời nay, điều mà họ quan tâm nhiều, đó là quyền lực. Người ki-tô chúng ta phải khác, đó là nhận ra sức mạnh tích cực của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho các cá nhân đã bị phân tán được gắn kết lại bằng tình yêu. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần khác hẳn so với quyền lực trần thế.

Bài đọc I mô tả lòng đạo đức của những người Do-thái phải ly tán xa quê hương. Nhìn bề ngoài họ mất hết quyền lực, nhưng họ luôn hy vọng vào tương lai. Vào một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ tập hợp Dân Người, còn tất cả những kẻ chống lại Người, đều bị sụp đổ…Và một thế giới được canh tân sẽ trỗi dậy.

Bài Thánh vịnh đáp ca hát lên niềm hy vọng. Dân tộc Israel dù phải lưu đầy, nhưng sẽ có ngày Thiên Chúa dẫn họ về quê hương. Sự trở về kỳ diệu đó, là khởi đầu kỷ nguyên Me-si-a. Họ sẽ Vui Mừng và không còn thất vọng nữa.

Và bài tin mừng mô tả việc thực hiện niềm hy vọng đó. Để chuẩn bị Đấng Me-si-a đến thực hiện tập hợp Dân Người, Thiên Chúa đã gọi Gioan Tiền Hô. Ông nghe lời Thiên Chúa, sống trong tinh thần thống hối và cầu nguyện trên rừng vắng. Chính trong yên lặng và bình an, Gioan Tiền Hô nghe lời mời gọi của Thiên Chúa: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo”.

Gioan Tiền Hô nhận ra lời mời gọi của Chúa trong thinh lặng và trong rừng vắng… Tuy nhiên, Gioan không ở mãi trong rừng vắng: Sau khi nhận lời mời gọi của Chúa, Gioan Tiền Hô đi khắp miền sông Gio-dan rao giảng Phép Rửa sám hối cầu ơn tha tội. Gioan kêu gọi mọi người: “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi dồi, con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho phẳng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Trong một thế giới có những hố sâu cách biệt giữa dân và tầng lớp cán bộ, người kito chúng ta cần phải tôn trọng sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Thời kỳ của Gioan Tiền Hô lúc đó, có một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của Tiberio, Philato, Herode…Anna và Caipha… Thế giới này của họ được đặt lên để xâm chiếm, để đàn áp và bất bình đẳng. Nhưng trong thế giới Thiên Chúa, thì tất cả những lạm dụng quyền hành đều biến mất: “ mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Lời Chúa đến với Gioan Tẩy Giả trong một thế giới như vậy. Và Lời Chúa hôm nay cũng đến với chúng ta trong một thế giới như thế.

Lời Chúa đến biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta nên mới. Nhờ lời Chúa, Chúa Kito trở nên con đường, sự thật và sự sống cho một thế giới hôm nay đang mất phương hướng.

Hôm qua cũng như hôm nay, lịch sử luôn tiến bước nhờ vào những người có ơn đặc sủng lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành:

– Vào thế kỷ VI, Thánh Benedito rao giảng Tin mừng khắp Châu Âu.

– Vào thế kỷ XIII, Thánh Phanxico khó khăn làm thay đổi căn bản Giáo Hội thời kỳ của Ngài.

– Thế kỷ XIV, Thánh Catharina Siena đưa Đức Thánh Cha Gregorio XI từ Avignon trở về Roma.

– Thế kỷ XVI, Thánh Theresa Avila và Ignatio Loyola canh tân lại đời sống tu dòng.

– Và những tên tuổi của thời đại chúng ta, thánh giáo hoàng Gioan XXIII, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II và thánh Teresa Calcuta, Đức Giáo Hoàng Phanxico của chúng ta hiện nay.

Sau kinh truyền tin chủ nhật I Mùa Vọng vừa qua, đức giáo hoàng Phanxico đã nói trước 20 ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phero: “Mùa Vọng, không phải là vấn đề “trần tục hóa” hay “ngoại giáo hóa ” sự đợi trông Chúa kito đến, nhưng là sống với hy vọng rằng lịch sử tiến tới một thế giới mới và “ngay cả những lỗi của con người” cũng có thể “biểu lộ lòng thương xót” của Thiên Chúa”.

Chúa đã đến và Lời của Người đã đến. Đến với những con người anh hùng qua nhiều thời đại. Và một thế giới đã thay đổi. Chúa đã đến và Lời của Người đang đến với chúng ta.

Trong đời sống của mỗi người chúng ta, Chúa Kito đã đến qua nhiều biến cố, chúng ta có nhận ra không?

Nếu quay lại cuốn phim cuộc đời chúng ta, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì Người luôn ở gần chúng ta…Trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Noel, chúng ta chuẩn bị thiệp hoặc quà tặng cho bạn bè, người thân..Nhưng đừng bao giờ quên NGƯỜI BẠN tốt nhất mà chúng ta cần phải gặp và tặng quà qua bí tích GIAO HÒA: san bằng ngọn núi ích kỷ của chúng ta, lấp bỏ những thung lũng ích kỷ hẹp hòi và giúp đỡ người nghèo sống chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, chính Chúa đến với chúng con, chính Chúa chuẩn bị con tim chúng con, chính Chúa san bằng những gồ ghề của chúng con, chính Chúa không ngừng hoạt động trong chúng con cho đến lúc hoàn thành.

Lạy Chúa, Chúa đã đến và sẽ đến: Chúa đến bày tỏ vinh quang, lòng thương xót và sự công minh chính trực của Chúa cho chúng con. Amen!

 

Dọn đường cho Chúa đến

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Có vô vàn ngăn trở khiến con người không thể đến được với nhau. Có những ngăn trở bên ngoài và cũng có nhiều ngăn trở bên trong.

Ngăn trở bên ngoài

Trước đây, những ngăn cách vì tường cao, luỹ sâu, vì đồi núi chập chùng hiểm trở… đã từng là những trở ngại lớn cản trở con người qua lại với nhau; hôm nay những ngăn cách như thế không còn đáng kể.

Ngăn cách vì đường xa vạn dặm đã dần dần bị thu ngắn lại; hai người ở cách nhau nửa quả địa cầu có thể gặp nhau sau vài ngày du hành bằng máy bay. Thậm chí ngăn cách giữa các hành tinh xa xôi diệu vợi cũng đã được bắc cầu.

Ngăn trở bên trong

Bên cạnh những ngăn cách về không gian, về đường sá thì ngăn cách về quan điểm, về ý thức hệ đáng quan ngại hơn nhiều.

Đã có thời, ngăn cách bởi ý thức hệ (như ý thức hệ cộng sản và tư bản…), bởi những quan điểm đối nghịch và những chủ trương khác nhau, đã tạo nên những chia cắt rất sâu sắc giữa cộng đồng nhân loại, tạo nên những khoảng cách tưởng chừng không bao giờ có thể vượt qua. Vậy mà hôm nay những ngăn cách như thế xem ra đã được thu hẹp rất nhiều.

Rốt cuộc, chỉ còn ngăn cách vô hình trong lòng người, do lòng hận thù, do ghen tị, do hiểu lầm nhau… mới là ngăn cách đáng quan ngại nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử loài người.

Những ngăn cách loại nầy đã khiến cho hai người láng giềng cách nhau một bức vách không thể đến với nhau được; khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí hai anh em ruột thịt, hai vợ chồng chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa cách vạn dặm.

Con người đã xây dựng được nhiều nhịp cầu thật dài và kiên cố, bắc qua những dòng sông rộng mênh mông để nối kết đôi bờ; nhưng ai có thể xây dựng những nhịp cầu thiêng liêng để kết nối những tâm hồn xa cách?

Thánh Gioan Tẩy giả là người được sai đến để xây dựng những nhịp cầu như thế.

Theo Tin mừng hôm nay, Ngài được sai đến làm tiền hô, làm kẻ bắc cầu, dọn đường cho Chúa đến, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3, 4-5).

Phải dọn đường đón tiếp Chúa thế nào đây?

Nhiều người tỏ lòng sùng mộ, cung kính vái lạy ảnh tượng Thiên Chúa trên bàn thờ, còn Thiên Chúa đang thật sự hiện diện nơi những người chung quanh thì bị người ta xem thường, bị người ta xúc phạm, thậm chí còn bị mắng chửi và đánh đập. Sở dĩ như thế là vì họ không biết rằng Thiên Chúa hiện diện trên bàn thờ và Thiên Chúa hiện diện nơi anh chị em chung quanh chỉ là một.

Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Ngài thực sự hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Chúa. Khi cho người đói một bát cơm, thì Chúa khẳng định là cho Chúa ăn; khi thăm viếng, chăm sóc người đau yếu bệnh tật thì Chúa cho rằng đó là chăm sóc Chúa… (Mt 25, 40).

Chính khi các chủ quán Bê-lem hôm xưa khước từ hai người lữ hành lạc lõng đi tìm chỗ trọ (thánh Giu-se và Mẹ Maria) là họ trực tiếp khước từ Thiên Chúa nên Ngôi hai Thiên Chúa phải chịu sinh ra trong hang lừa máng cỏ.

Chính khi Sao-lê truy lùng bắt bớ các tín hữu tại Đa-mát là ông ta đang bắt bớ Chúa Giê-su, nên Ngài cảnh cáo ông: “Sao-lê! Sao-lê ! Tại sao ngươi bắt bớ Ta? (Cv 9,5).

Vậy thì dọn đường Chúa đến với ta là xoá bỏ hết những giận hờn, oán ghét, nghi kỵ, hiểu lầm… làm cho ta xa cách những người chung quanh, để ta có thể tươi cười niềm nở với mọi người, cảm thông chia sẻ với mọi người, sẵn sàng yêu thương phục vụ mọi người… Như thế là ta đã mở rộng tâm hồn đón tiếp Chúa và Chúa đã đến được với ta.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con luôn nhớ rằng dọn đường đón Chúa là quyết tâm xoá bỏ những ngăn cách do chúng con dựng lên giữa mình với tha nhân mà chúng con giáp mặt hằng ngày. Chỉ khi nào giữa chúng con và mọi người chung quanh không còn phân li ngăn cách, ấy mới là lúc đường sá đã dọn xong và Chúa mới có thể đến với chúng con được.

 

Sửa đường là sám hối

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

 

Chúa nhật II Mùa Vọng hàng năm, chúng ta chiêm ngắm dung mạo Gioan Tiền hô, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Gioan mời gọi: “Hãy sám hối vì nước trời đã cận kề”. Giống như các Ngôn sứ tiền bối, Gioan tố giác một nếp sống đạo giả hình, chỉ hoàn toàn ở bên ngoài (x. Am 5,21-27; Is 1,10-20; Gr 7,1–8,3…), dần dần đưa tới một tình trạng cứng cỏi. Ba bài Tin Mừng từ Nhất Lãm (Mt 3, 1-12; Mc 1, 1-8; Lc 3, 1-6), thuật lại niềm hăng say rao giảng của Đấng Tiền Hô, kêu mời sám hối và loan báo sẽ có một đấng quyền năng hơn, Ngài sẽ rửa tội trong Chúa Thánh Thần.

Sự xuất hiện của Gioan không phải là chuyện ngẫu nhiên, đột xuất, bất ngờ nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu ước.

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa tuyên bố với dân của Giao ước: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để gìn giữ ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn” (Xh 23,20).

Trong sách ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh điện của Người” (Ml 3,1).

Trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô, trong hoang địa, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4).

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa sai thiên sứ đi trước để gìn giữ và đưa dân vào Đất Hứa. Trong sách Isaia, Thiên Chúa gởi tiếng hô dọn đưởng để Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về. Trong sách Malakhi, Thiên Chúa sai sứ giả dọn đường trước mặt Thiên Chúa, để Ngài đến cứu độ. Ba lời này gom lại để diễn tả hai nhân vật: “Đúng theo lời đó, ông Gioan đã xuất hiện trong hoang địa…” Trước hết, sự xuất hện của ông Gioan Tẩy Giả trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Isaia nói về dọn một con đường trong hoang địa để Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về; Maccô di chuyển dấu phết để nói về ông Gioan xuất hiện trong hoang địa. Con đường ông dọn không phải là con đường trong hoang địa, nhưng là con đường trong lòng người, được uốn thẳng san bằng nhờ lòng sám hối, để được ơn cứu độ tức là ơn tha tội. Sách Malakhi nói về dọn đường trước mặt Ta, tức là Thiên Chúa. Maccô ghép với lời sách Xuất hành để nói sứ giả dọn đường trước mặt Con, tức là Đức Giêsu, như tiếng từ trời xác nhận sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa. (x.Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ).

Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước,vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.Nhưng Ngài cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.

Con đường Gioan mời gọi tu sửa là đường trong lòng người. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp; đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Khi Đức Giáo Hoàng hay vị nguyên thủ quốc gia đất nước nào muốn đến thăm viếng đất nước khác, vị Đại sứ hay đoàn Sứ gỉa được cử đến nơi đó hội đàm dọn đường, sắp đặt chương trình cho cuộc viếng thăm, có thể cả hằng năm trước đó.

Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.

Sửa đường là sám hối, không nói suông, không chỉ là đấm ngực, xé áo. Sám hối là nhận ra cái sai của mình và quyết tâm sửa đổi. Sám hối sẽ không là nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực; sám hối là sống công bằng, không tham lam nhũng lạm, không dùng quyền để cưỡng đoạt, áp bức người khác. Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: lén lút sống trong vòng tội lỗi, dối lừa. Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói: “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống Chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do Thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); Nếu lòng còn mãi quanh co, gập ghềnh, đầy những dối lừa biện minh cho những sai trái của mình… thì làm sao mà sửa đổi được!. Nếu không nhìn nhận mình sai lỗi thì làm sao có lòng thật tâm sửa lỗi. Sám hối đích thực là hoán cải. Hoán cải đòi hỏi phải hành động, phải trả giá, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát liên quan đến sự an toàn và tiện nghi của bản thân. Chỉ có sám hối và hoán cải cách đích thực thì mới dọn đường tâm hồn xứng đáng để đón Chúa.

Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén bạc cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường được làm bằng đất đá, nhựa bê tông.Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển, trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.

Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.

“Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”,lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể. Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

 

 

Sám hối để Chúa dễ viếng thăm

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay liệt kê những dữ kiện lịch sử tiêu biểu với con người tên tuổi cụ thể khi viết : “Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa…” (Lc 3,1-2). Tại sao vậy ? Thưa là để phá vỡ một huyền thoại, và chứng minh cho mọi người biết, Con Thiên Chúa đã bước vào lịch sử loài người một cách “cụ thể” giống như lịch sử của bao người. Sự xuất hiện của Gioan Tiền Hô và Đấng Cứu Thế không phải là một câu chuyện hoang tưởng, mà là một biến cố lịch sử xảy ra trong không gian và thời gian.

Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại. Ngài không còn đứng bên trên hoặc bên ngoài để nhìn vào con người, nhưng đã nhập cuộc với con người, đem tình yêu cho loài người dương thế theo cách thức loài người.

Bài đọc I, ngôn sứ Baruc mô tả những việc Thiên Chúa yêu thương thực hiện cho dân Người. Qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa nói với dân Israel: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự hy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mạc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu tên đầu ngươi…” (Br 5,1-4).

Lời tiên báo của Baruc gợi lên hình ảnh của một vị Thiên Chúa hết mực thương dân. Cho dù Israel có phản bội, từ chối Thiên Chúa, miễn sao sám hối ăn năn tội lỗi mình, Thiên Chúa không từ chối họ, vẫn cho họ cơ hội và tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, Thiên Chúa chờ đợi nơi dân một thái độ thích hợp trước tình yêu của Chúa là lòng sám hối chân thành. Để Thiên Chúa viếng thăm và đem dân trở về, họ phải chẩn bị một con đường cho ngay thẳng: “Triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa” (Br 5,7).

Câu hỏi được đặt ra : Tại sao chúng ta phải sám hối? Sám hối là gì ?

Một trong những việc Gioan làm do Thiên Chúa ủy thác là : “Rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (Lc 3,3). Sám hối trước tiên là nhận ra mình đã phạm sai trái, lầm lỗi hay có tội, đồng thời hối tiếc vì thấy những hậu quả tai hại của chúng, sau đó quyết tâm sửa đổi, không tái phạm nữa. Sám hối là sửa sai cái quan niệm không đúng của mình. Quan niệm sai sẽ làm tư tưởng và hành động lạc hướng. Nhưng để nhận ra cái quan niệm hiện có của mình là sai không phải là chuyện dễ, bởi ai cũng cho rằng mình đúng. Sám hối là ý thức các vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn mình và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.

Tiếng kêu trong hoang địa của Gioan Tẩy Giả ngày xưa, hôm nay vẫn còn vang vọng nơi hoang địa cõi lòng của mỗi người chúng ta. Khi một ai đó có trái tim chai đá, tâm hồn khép kín, người ấy phải tự hỏi mình rằng, tôi có bước đi trên đường ngay nẻo chính và sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng hay không ?

“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Lời tiên tri Isaia cũng như Gioan Tẩy Giả cảnh tỉnh chúng ta. “Đường” và “lối” ở đây là đường lối tâm linh, nghĩa là tâm hồn chúng ta phải thật thẳng, không quanh co, bởi Chúa là Thiên Chúa công minh, ưa thích điều chính trực, ghét sự giả dối. Tuy ghét sự xấu, sự ác, nhưng Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho người lầm lỗi khi họ sám hối ăn năn.

Sám hối không chỉ là than khóc về quá khứ, nhưng phải là một quyết tâm thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, thay đổi nếp sống cũ không phù hợp với Thiên Chúa để tạo lập một nếp sống mới tốt hơn. Sám hối đòi mỗi người phải có những hành động quyết liệt, là việc cần phải làm ngay lúc này, không thể chần chừ, để bất cứ lúc nào Thiên Chúa cũng có thể đến với con người.

Vậy, để mừng Chúa giáng sinh, hay đón nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đến, chúng ta cần phải khai thông những chỗ ùn tắc trong tâm hồn. Chúng ta hãy xin với Mẹ Maria trợ giúp chúng ta phá vỡ những hàng rào ngăn cách và chướng ngại cản trở chúng ta ăn năn sám hối, cản trở chúng ta bước đi trên con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Ðức Giêsu mới có thể lấp đầy những hy vọng của con người chúng ta. Amen.

 

SÁM HỐI LÀ MÓN QUÀ QUÝ GIÁ NHẤT

Tu sĩ: Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

 

Người Hồi Giáo Ảrập có kể một giai thoại nói về sám hối rất hay: một ngày kia, Đức Thánh Ala cho gọi một thiên sứ đến và bảo: “Ngươi xuống trần gian kiếm cái quý giá nhất của con người và mang về đây cho Ta”. Thiên sứ ra đi thi hành mệnh lệnh. Lần đầu tiên, ngài mang về cho Đức Thánh Ala một bình máu của các chiến sĩ mà ngài hứng được trong trận chiến giữa người Hồi và người Ấn Giáo (đó là máu của các vị tử đạo theo quan niệm của người Hồi Giáo). Lần thứ hai thiên sứ mang về là hương thơm của lòng biết ơn mà người dân dành cho vị trưởng làng qua cái chết của ông. Cả hai lần, Đức Thánh Ala rất vui, vì đó là những điều quý ở trần gian mà sứ thần tìm kiếm được. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là món quà quý giá nhất mà Đức Thánh Ala muốn tìm. Và, Ngài lại sai thiên sứ đi lần thứ ba. Lần này, thiên sứ vừa đi vừa suy nghĩ, điều quý giá nhất ở trần gian là cái gì? Bỗng nhiên, từ đàng xa, thiên sứ nghe thấy tiếng khóc của một phụ nữ. Đến gần, thiên sứ cảm thương hỏi: “Sao cô khóc”? Không có tiếng trả lời! cô gái lại càng khóc nức nở hơn trước. Bấy giờ vị thiên sứ tiến lại gần nắm lấy tay cô và hỏi cách khẩn thiết hơn: “Sao cô khóc nhiều đến thế, có gì nói cho tôi nghe với”? Bấy giờ có tiếng nói từ miệng cô thoát ra hòa lẫn tiếng nấc cùng với dòng nước mắt tuôn rơi, cô gái nói: “Thưa ngài, con đau khổ quá, con đau khổ vì lỗi lầm của con, con đã xúc phạm đến chồng khi đi ngoại tình…bây giờ chồng không còn tin con nữa, con cái cũng khinh thường con, nên bây giờ con hối hận lắm…”. Thật cảm động! Thiên sứ liền hứng những giọt nước mắt của cô mang về cho Đức Thánh Ala. Lần này Ngài vui mừng và reo lên: “Đây chính là điều Ta mong muốn. Giọt nước mắt của lòng sám hối chính là món quà quý giá nhất mà Ta cần”.

Bài Tin Mừng hôm nay, thuật lại việc Gioan Tiền Hô loan báo và kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối, vì ơn cứu độ đã gần đến. Vậy ăn năn sám hối là gì?

Trước tiên, sám hối là quay trở về với Chúa, xin ơn tha thứ và từ bỏ con đường tội lỗi. Sám hối là một động tác gột rửa tâm hồn, để sống cho hợp với ý Chúa, đem lại bình an nội tâm và liên đới với mọi người.

Thứ đến, sám hối còn là hành vi mong chờ ơn cứu độ: “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”. Phải chăng vì thế mà động từ “gần đến” của Gioan ở đây có thể hiểu được là sắp đến lễ Giáng Sinh. Và, cũng có thể hiểu là ngày “gần đến” của ơn cứu độ, ngày cánh chung của mỗi người chúng ta.

Tiếp theo, sám hối là làm mới lại tinh thần, canh tân đời sống và thay đổi não trạng cũ để đổi lấy tâm tình mới. Tinh thần đó được thánh Gioan vạch ra cho những người đương thời với ngài, và cũng là cho mỗi người chúng ta: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5).

Thung lũng ở đây là những tham lam ích kỷ, hẹp hòi nhỏ nhen, ăn chơi vô độ, chỉ biết thu góp cho mình, bất chấp mọi điều bất chính. Uốn cho ngay những quanh co chính là có thì nói có, không thì nói không. Thêm điều bịa đặt là do Ma Quỷ. Mặt khác, phải san cho phẳng những núi đồi của sự kiêu ngạo và tự mãn. Ai kiêu ngạo thì sẽ chết trên đỉnh cao của sự tự phụ. Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và nâng đỡ những người khiêm nhường. Và, phải bạt cho bằng những gồ ghề, lồi lõm của bất công, bất chính và bất nhân.

Trong Mùa Vọng này, thiết nghĩ, hành động cụ thể nhằm đáp lại lời mời gọi của thánh Gioan hôm nay và cũng là thể hiện lòng sám hối chân thành, chính là: phải lấp thật đầy những hố sâu ngăn cách bằng sự quan tâm, chia sẻ với những người bất hạnh, người khổ đau, nghèo đói. Sẵn sàng đến với những người bé mọn, kém may mắn để nâng đỡ, yêu thương và lắng nghe họ….luôn trung thành với lương tâm và đứng về phía sự thật, dầu có phải chết. Quyết không bao giờ đứng về phía bất công, không vì lợi nhuận trước mắt mà bán đứng anh chị em đồng loại, đồng thời cũng đừng bao giờ lên án cách bất công người khác. Và, hãy ý thức những giới hạn của bản thân, để cần đến ơn Chúa trợ giúp.

Nếu Gioan là vị Tiền Hô kêu gọi sám hối để chuẩn bị đón Chúa ngự đến, thì chúng ta là những người sống lời loan báo ấy và làm cho tiếng hô của Gioan âm vang trong xã hội và lòng người hôm nay.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị con đường tâm hồn, để trở nên trong sạch, thênh thang nhờ gạt bỏ những vẩn đục của tham lam, ích kỷ, gian dối, kiêu ngạo…để trở thành đại lộ yêu thương, xứng đáng đón Chúa ngự đến trong đêm Giáng Sinh và ngày cánh chung của mỗi người chúng ta.

Như vậy, sám hối là món quà quý giá nhất mà chúng ta dâng lên cho Chúa trong Mùa Vọng này.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được tâm tình sám hối. Sám hối với Chúa và tạ lỗi với anh chị em mình. Biết khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối để canh tân, đổi mới. Ước gì con đường tâm hồn chúng con không còn những thung lũng, gồ ghề, cong queo, nhưng thay vào đó là một con đường khiêm nhường, trong sạch và chân thật, để đón Chúa ngự đến. “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”. Amen.

 

KHẨN TRƯƠNG DỌN ĐƯỜNG ĐỂ CHÚA ĐẾN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, với hai viễn tượng mà chúng ta đang sống là tưởng niệm biến cố nhập thể làm người của Đức Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Phụng vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế và nghe lời ông khẩn trương “dọn đường Chúa” (Lc 3,4).

Gioan Tẩy Giả

Gioan là người được Isaia nhắc đến trong lời sấm: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Dacaria cha Gioan đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. “Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa” (Lc 1, 65).

Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mạng Tiền Hô của mình một cách thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. Chúng ta biết, hoang địa tượng trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn, là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của Đấng Tạo Hóa. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống hiệp thông mật thiết với Ngài để kín múc lấy sức mạnh cho sứ mạng tương lai. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội. Ông là người mà Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16).

Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả muốn nói: “Chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan giúp chúng ta hiểu rằng, chứng tá của đời sống Kitô đích thực là phó thác đời mình cho Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta “hãy dọn đường Chúa” (Lc 3,4).

Dọn đường Chúa

Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, sứ vụ mà ông phải hy sinh đến cả mạng sống. Nhận mình chỉ là một “tiếng kêu” (Lc 3,4) trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, Đấng mà ông “không xứng để cởi dép cho Người” (Lc 3,16). Toàn bộ cuộc sống và sứ mạng như ông nói là cho Đấng Mêsia: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Chúa Giêsu càng xuất hiện thì Gioan ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: “Tất cả cho Chúa!”

Bổn phận của chúng ta hôm nay là chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa tình yêu và giúp người khác tin theo Chúa. Đây là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hành trong cuộc sống: giới thiệu Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người hàng xóm. Điều quan trọng là Chúa Giêsu được mọi người biết đến.

Làm chứng cho Chúa

Thực vậy, trước Tin Mừng của một Vị Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta đã tự hạ chính mình và mặc lấy thân phận con người, chúng ta không thể nào không mở rộng tâm hồn, ăn năn hối cải, càng không thể nào đóng kín mình trong sự kiêu ngạo và giả hình, làm cho chúng ta không thể nào tìm gặp Hoàng Tử Bình An. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên người loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và đời sống chúng ta, làm chứng cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó và nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô nhập thể làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ, một Chúa Kitô yêu thương nhân loại cho đến chết.

Chúng ta còn được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ trong chúng ta; xóa bỏ ranh giới còn tồn tại trong não trạng của nhiều người; tinh luyện tâm hồn; chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, tình huynh đệ và liên đới; khước từ Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34).

Đang khi chờ đợi Chúa Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Chúng ta hãy xin với Đức Maria, Mẹ của Ðấng Cứu Thế giúp chúng ta đón nhận Con Mẹ bằng lòng sám hối hối ăn năn, để khi Chúa đến, chúng ta không ngỡ ngàng mà đang ở trong tư thế sẵn sàng nghênh đón Chúa. Amen.

 

Dọn Đường Đón Chúa

Én Nhỏ

 

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể ông Gioan Tẩy Giả đi khắp vùng ven sông Giođan rao giảng, như lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay,  đường lồi lõm, phải san cho phẳng”. (Lc 3,4-5).

Đây là lời hối thúc thật khẩn trương của Gioan Tẩy Giả tôi đã từng nghe hằng năm trong mùa vọng. Ông mời gọi dọn đường cho Chúa đến. Chúa sẽ đến trên những con đường chính trực công minh, trong những tấm lòng chân thành, những hành vi ngay thẳng, những tâm tình đơn sơ, hiền hòa khiêm tốn, luôn sẵn sàng và khao khát sửa đổi cuộc đời nên mới.

Nhưng tôi cần có thời giờ dành cho Chúa, để nhìn sâu vào lòng mình, để nhờ chính Chúa soi rọi vào cái cõi lòng tưởng là sáng sủa thơm tho, cho thấy trong ẩn kín con người của mình, cũng có những hố sâu thăm thẳm, những đồi cao, những quanh co lươn lẹo… Nó được che đậy bởi những hình thức đạo đức bên ngoài con người. Thời đại nào cũng vậy, con người vẫn đang chìm vào trong “giấc ngủ” của cuộc sống trần gian. Lúc Chúa đến, Người lại nhẹ nhàng lặng lẽ đến chẳng ngờ! Nên khi càng biết mình là hố sâu vực thẳm, là đồi cao chót vót, là quanh co lươn lẹo, thì lòng khao khát càng phải lớn mạnh, càng tha thiết cần Chúa đến, càng chờ mong hết mình. Chúng con cần biết ý thức những giới hạn, yếu đuối trong đời mình, bởi đã cố gắng nhiều phen, bao lần gồng mình quyết chí chừa sửa, nhiều lần đề phòng cẩn thận… thế mà chỉ được vài ngày đâu lại hoàn đó, chứng nào tật ấy, tội vẫn cứ tiếp diễn. Vậy chỉ có Chúa mới có thể làm cho mọi sự trong chúng con an ổn lại được.

Chúa ơi! này chúng con đang mong chờ Chúa đến để lấp đầy hố sâu, để uốn thẳng đường cong queo, để san bằng đồi núi trong chúng con. Chúng tôi khao khát Chúa đến trong cõi lòng chúng con. Lòng khao khát đó giúp chúng con nhận ra Người, gặp gỡ được Người. Chính Người sẽ thực hiện nơi con người mỏng giòn yếu đuối của chúng con những điều thật kỳ diệu, làm cho chúng con được hạnh phúc sung mãn vì có Chúa ở cùng.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube