Lễ Kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần

SUY NIỆM LỄ KÍNH TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEL, GABRIEL VÀ RAPHAE

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan mừng lễ các Tổng lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien và Raphaen. Trong niềm vui lớn lao được các Thiên Thần hộ phù, nâng đỡ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vai trò của các Thiên Thần trong đời sống Giáo Hội và con người.

THIÊN THẦN LÀ GÌ?

Theo điển ngữ Thần Học Thánh Kinh, tên các Thiên Thần không do bản tính mà do chức vụ. Thiên Thần là sứ giả. Các Ngài là” những thần khí chuyên lo phục vụ, được sai đi giúp ích những người sẽ thừa hưởng phần rỗi( Dt 1, 14 ). Các Ngài lập thành một thế giới huyền nhiệm ở ngoài lãnh vực tri giác thông thường của chúng ta.

Cựu Ước thường diễn tả Thiên Chúa như một Đế Vương phương Tây. Những phần tử của triều đình cũng là những tôi tớ Ngài. Người ta còn gọi Ngài là Thánh hoặc Con của Thiên Chúa. Trong số các thần Kêrubim đỡ nâng ngai tòa Chúa, kéo xa giá Ngài, làm xa giá cho Ngài hoặc giữ lối vào thánh địa của Ngài không cho kẻ phàm tục vào; các thần sêraphim chúc tụng vinh quang Chúa và chính một vị trong các thần ấy đã thanh tẩy môi miệng ngôn sứ Isaia trong thị kiến đầu tiên. Người ta còn gặp thấy các thần Kêrubim trong những bức tượng nơi Đền Thờ làm cánh che hòm bia. Như thế, cả một đạo binh thiên quốc ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, và tuân phục ý Ngài trong việc điều hành vũ trụ cũng như thi hành các mệnh lệnh của Ngài, đạo binh ấy lập thành một mối liên lạc giữa trời và đất( Stk 28, 12 ).

Tuy nhiên, bên cạnh những sứ giả huyền bí trên, có những đoạn Thánh Kinh đề cập đến một sứ thần của Giavê Thiên Chúa. Nhưng với đà tiến của mạc khải, vai trò sứ thần Giavê dần dần được trao cho các Thiên Thần, những sứ giả thông thường của Thiên Chúa. Vai trò của các Thiên Thần cũng tiến triển đều đều. Lúc đầu người ta xếp lẫn lộn vai trò của các Thiên Thần, họ gán cho các Thiên Thần những phận sự xấu tốt lẫn lộn. Tuy nhiên, sau cuộc lưu đầy ở Babylon về, các phận vụ của các Thiên Thần được phân loại rõ ràng hơn và các Thiên Thần có được một phẩm tính luân lý tương ứng với vai trò của mình. Sau này, các Thiên Thần nhận được tên tương ứng với chức vụ:” Raphaen”Thiên Chúa chữa lành”, Gáprien” Anh hùng của Thiên Chúa”, Micaen” Ai được như Chúa”. Chính Thiên Thần Micaen, thủ lãnh các Thiên Thần, được trao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn Do Thái. Như vậy, gíao lý Cựu Ước đã luôn khẳng định sự hiện hữu của các Thiên Thần và sự hiện diện của họ trong thế giới nhân loại.

Tân Ước cũng liệt kê các Tổng Lãnh Thiên Thần( 1 Thes 4 ); các thần Kêrubim( Dt 9, 5 ), các Ngai Thần, Quản thần, Lãnh Thần, Uy Thần ( Colosê 1, 16 ), các Dũng Thần( Eph. 1, 21 ). Với nhiều cấp bậc thay đổi tùy theo kiểu nói, phẩm trật này không có tính cách một giáo lý nhất định mà chỉ là một yếu tố phụ thuộc và mềm dẻo.

Chính Chúa Giêsu còn minh định địa vị các Thiên Thần đối với con người, hình ảnh huyền bí của Người, nhất là trong vinh quang của Người sau này: tháp tùng Chúa ngày quang lâm( Mt 25, 31 ), lên xuống quanh Chúa( Ga 1, 51 ), Chúa  sai các Thiên Thần đi tụ tập những kẻ được chọn, xua đuổi những kẻ bị luận phạt khỏi Nước Trời. Ngay lúc chịu thương khó, Đức Giêsu đã có thể đòi hỏi sự can thiệp của các Thiên Thần hằng theo phục vụ Người. Như vậy, thế giới Thiên Thần lệ thuộc vào Đức Kitô và chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Người.

Đối với con người, các Thiên Thần có một mối giây liên lạc mật thiết. Thiên Thần Gáprien mang hai sứ điệp truyền tin( Lc 1, 19.26); cả một đạo binh Thiên Quốc hát mừng trong đêm giáng sinh( Lc 2, 9-14 ), các Thiên Thần còn báo tin Chúa phục sinh( Mt 28, 5 ) và loan báo cho các môn đệ ý nghĩa cuộc Thăng Thiên( Cv 1, 10t…), phụ tá Đức Kitô trong việc cứu rỗi nhân loại( Dt 1, 14 ). Các Thiên Thần chăm sóc giữ gìn loài người( Mt 18, 10), dâng lên Thiên Chúa lời kinh của các Thánh( Kh.5, 8 ), dẫn đưa linh hồn người công chính vào Thiên Đàng( Lc 16, 22 ). Để nâng đỡ Giáo Hội, các Thiên Thần sát cánh với thủ lãnh của mình là Micaen, tiếp tục cuộc chiến với satan, được khai diễn ngay từ nguyên thủy( Kh 12, 1-9 ).

LỄ HÔM NAY CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Mừng lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần hôm nay, chúng ta toàn thể dân Chúa được hiểu rõ hơn vai trò, chức vụ, phẩm trật của các Thiên Thần, được hiểu rõ hơn về sự duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy khắc ghi vào tâm hồn sứ điệp của Tin Mừng đem đến: Đức Kitô đến để làm chứng cho sự thật, sự cứu rỗi. Ngài đến để làm cho vai trò của Chúa Cha nổi bật và Ngài trở về trời để Chúa Thánh Thần tác động trong lịch  sử nhân loại. Ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần và các môn đệ cũng được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Nên cả Phêrô lẫn các môn đệ đều can đảm, hăng say làm chứng cho Chúa Giêsu chết và sống lại. Chính nhờ có Chúa Thánh Thần xuống, các môn đệ đã rút ra khỏi vỏ ốc sợ sệt của mình để hăng say, kiên trung làm chứng cho sự thật. Một sự thật đã bị con người cố tình làm cho lu mờ và muốn chối bỏ nó. Nhờ Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội sơ khai đã đứng vững trong lòng tin. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội hôm nay cũng kiên trì bền trí, đương đầu với những khó khăn thử thách và luôn đứng vững trước ba đào, thử thách, sóng gió.

Mừng lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần: Micaen, Gáprien và Raphaen, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin các Ngài chuyển cầu cùng Chúa để chúng ta cùng với Tổng Lãnh.

Thiên Thần Micaen oai dũng làm chứng cho sự thật, cho công bình và bác ái, để chúng ta cùng với Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien tung hô mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa mỗi khi đọc kinh”kính mừng”, để chúng ta cùng với Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen cứu chữa phần xác và phần hồn mọi người.

Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho Thiên Thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các Thiên Thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất( Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien, Raphaen ).

“Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1, 51).

Khi nhắc tới các thiên thần, tâm trí chúng ta thường họa lên một gương mặt trẻ thơ, đơn sơ thánh thiện với mái tóc hơi xoăn óng vàng, cùng vòng hoa trắng muốt đội trên đầu và đôi cánh nhỏ nhắn xinh xắn phía sau lưng. Một hình ảnh thật dễ thương và đem lại cảm giác an bình. Thế nhưng, có phải các thiên thần chỉ mang hình ảnh kiểu trang trí và với tính chất minh họa như vậy không? Theo sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, thiên thần là những hữu thể thiêng liêng, vô hình, được tạo dựng để phụng thờ Thiên Chúa và cứu giúp loài người. Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta mừng kính các Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm các ngài qua những trang Kinh Thánh. Đầu tiên, với Tổng lãnh Michael, ngài xuất hiện trong sách Khải Huyền với bộ giáp phục uy nghi và mạnh mẽ, một tay ngài cầm thanh gươm công bằng và một tay cầm cán cân công lý. Tên Michael của ngài có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Thứ đến, trong các sách Tin Mừng chúng ta thấy sự xuất hiện của Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel. Tên của ngài có nghĩa là “Thần Sứ của Thiên Chúa”. Ngài được Thiên Chúa sai đi để loan báo những thông điệp và Tin Vui cho loài người. Cuối cùng là Tổng lãnh Thiên Thần Raphael. Tên của ngài có nghĩa là “Thần dược của Thiên Chúa”. Ngài xuất hiện trong sách Tô-bi-a như một người đồng hành, một người hướng đạo cho bạn trẻ Tô-bi-a.

Thấy hình ảnh uy quyền và đẹp đẽ của các Tổng lãnh Thiên Thần, có lẽ mỗi người chúng ta sẽ tự hỏi “làm sao để có thể được chiêm ngưỡng các ngài“lên lên xuống xuống trên Con Người” như lời Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay? Đời sống của ông Na-tha-na-el là câu trả lời cho chúng ta “một người Is-ra-el đích thực không có gì gian dối”. Thêm vào đó, ta cũng hãy học đòi theo gương các Tổng lãnh Thiên Thần Giáo Hội mừng kính hôm nay. Hãy trở nên mạnh mẽ, vững tin trong các cuộc chiến đấu với ma quỷ, với sự ác và bất công. Hãy trở nên “phương dược”chữa lành cho những người đau khổ. Hãy trở nên “thần sứ”, đem Tin Mừng cho những người nghèo hèn nhỏ bé.

Lạy Chúa Giê-su, chỉ có Chúa là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ngay cả những Tổng lãnh Thiên Thần đấy quyền uy cũng phải phục lạy, phải qua Ngài mới đến được với con người. Chúng con xin hợp cùng triều thần thiên quốc mà chúc tụng ngợi khen Chúa. Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của các thiên thần ban muôn ơn lành xuống trên chúng con. Amen.

 

 

LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Phêrô Hoàng Anh Chiến

Tin Mừng của ngày lễ kính các tổng lãnh thiên thần hôm nay được trích Tin Mừng thánh Gioan (Ga 1,47-51), tường thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nathanael. Cuộc đối thoại tuy không dài nhưng đã trình bày cho chúng ta về thân thế và sứ vụ của Chúa Giêsu cũng như nhiệm vụ của các thiên thần Chúa.

Ông Nathanael được ông Philípphê giới thiệu về Đức Giêsu là “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới”, nhưng ông đã hoài nghi hay có thể nói là ông đã phủ nhận điều đó khi ông nói : “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được ?” Dầu vậy, sau khi được ông Philípphê mời gọi “cứ đến mà xem”, ông Nathanael đã đến gặp Đức Giêsu. Điều này cho ta thấy được tấm lòng cởi mở và khát vọng mong chờ Đấng Mêsia của ông. Chỉ qua hai câu đối thoại ngắn, Đức Giêsu đã làm cho ông Nathanael thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông về Ngài và ông đã phải thưa lên : “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”. Câu tuyên xưng của ông Nathanael về Đức Giêsu thật chính xác! Nó đã nói lên thân thế đích thực của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, là Đấng Thiên Sai; đồng thời cũng nói lên sứ vụ của Đức Giêsu là Vua Israel, là Đấng Cứu Độ. Sở dĩ ông Nathanael có thể tuyên xưng về Đức Giêsu như vậy là vì ông đã “bước” ra khỏi mình để đến với Đức Giêsu, để được gặp gỡ Ngài và để được Ngài biến đổi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mặc khải cho chúng ta biết về nhiệm vụ của các thiên thần Chúa là phục vụ Con Người : “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Con Người ở đây chính là Đức Giêsu. Các thiên thần hằng chầu chực, phụng sự Thiên Chúa, “Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan” (Đn 7,10) và hằng nghe theo lệnh của Thiên Chúa. Trong số vạn vạn thiên thần đó, có ba vị được nhắc đích danh trong Kinh Thánh là ba vị tổng lãnh mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Vị thứ nhất có tên là Micael, nghĩa là : “Ai bằng Thiên Chúa” (x. Kh 12,7-9); vị thứ hai có tên là Gabriel, nghĩa là : “Uy lực của Thiên Chúa” (x. Đn 9,21; Lc 1,11-19.23); và vị thứ ba có tên là Raphael nghĩa là : “Linh dược của Thiên Chúa cứu giúp” (x. Tb 12,15).

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy học nơi ông Philípphê biết giới thiệu Chúa cho người khác, biết đem Chúa đến cho mọi người. Chúng ta cũng hãy học nơi ông Nathanael biết đến “ở với Chúa” để được gặp gỡ, để được nghe tiếng Chúa và để được Ngài biến đổi.

Trong ngày mừng kính các tổng lãnh thiên thần hôm nay, chúng ta hướng về các Ngài mà tạ ơn lòng nhân hầu của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta hợp tiếng với các thiên thần mà tạ ơn chúc tụng : “Chúa là Đấng Thánh” và lấy lễ hy sinh dâng lên mà nài xin các ngài đem lên bàn thờ Thiên Quốc.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng và thờ lạy Chúa vì đã ban cho chúng con thiên thần bản mệnh. Nhờ các Ngài mà chúng con được nâng đỡ và trợ giúp để sống xứng đáng là con cái Chúa.

 

 

SỨ VỤ CỦA CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng

Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta. Ngài không ngừng bao bọc chở che chúng ta bằng sự hiện diện của vô số các thiên thần, đó là Tổng lãnh Thiên Thần Micael, Gápriel và Raphael. Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vai trò của các Thiên Thần trong đời sống Giáo Hội và con người.

  1. Tổng lãnh thiên thần Micael
    Micael theo tiếng Do Thái có nghĩa “Ai bằng Thiên Chúa”, ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa. Thiên thần Micael đã chống lại ma quỷ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thiên thần Micael như đấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa.

Xin Thánh Thiên thần Micael trợ lực để chúng ta chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ. Xin Ngài luôn nhắc chúng ta biết đặt Thiên Chúa ở vị trí cao cả nhất trong cuộc đời mình.

  1. Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael
    Raphael theo tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” hoặc “Thầy thuốc của Thiên Chúa”. Sách Tobia cho biết chính thiên thần Raphael được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông Tobit trong cơn hoạn nạn, và chữa ông Tobit khỏi mù mắt. Tổng lãnh thiên thần Raphael thường được người ta cầu xin cho thể xác khang an, linh hồn khỏe mạnh và là quan thầy người đi đường.

Xin Thánh Thiên thần Raphael đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế nhiều cạm bẫy. Xin ngài nhắc nhở chúng ta biết chuyên chăm làm việc thiện, dù là việc thiện âm thầm nhỏ bé, nhưng nó giống như những làn hương thơm ngào ngạt bay lên toà Chúa.

  1. Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel
    Gabriel theo tiếng Do Thái có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”, cũng còn được gọi là “Sứ thần truyền tin”: Thiên thần này đã truyền tin cho ông Dacaria (x. Lc 1,19); truyền tin cho Đức Mẹ (x. Lc 1,26). Đây cũng là sứ thần đã nhiều lần hiện ra báo mộng cho Thánh Giuse. Thiên thần này đã tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp của Chúa đến cho loài người.

Xin Thánh Thiên thần Gabriel giúp chúng ta mau mắn đón nhận những sứ điệp Chúa gởi đến và mau mắn thưa lời “Xin vâng” như Mẹ Maria.

Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã nhờ các thiên thần luôn ở bên cạnh để hướng dẫn và chở che cho mỗi người chúng ta trên từng bước đi và trong từng phút giây. Các ngài luôn nhắc nhở chúng ta yêu mến Chúa, sống trong sạch thánh thiện. Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của các ngài, chúng ta sẽ luôn tiến bước đi trên đường ngay nẻo chính và sẽ gặp được Chúa là hạnh phúc đích thực.

 

Các thiên thần của Thiên Chúa

Phó tế Giuse Nguyễn Xuân Văn.

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.

Sứ thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).

Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).

Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.

Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.

Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Cầu nguyn:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.

(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. S.J

Tôi có “dám” cho Thiên Chúa làm “tài xé” lái chiếc xe đời mình không?!

“Tôi thấy anh ngồi  dưới gốc cây vả”. (Gioan 1:48)

Không biết ông Na-than-na-en đang suy tư những gì trong đầu khi ông ta ngồi dưới gốc cây vả?  Là người am hiểu Thánh Kinh, Na-than-na-en có thể đang suy nghĩ về những lời của tiên tri  Mi-kha “Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả, cây nho của mình, không còn gì quấy phá.  Miệng Đức Chúa các đạo binh đã phán như vậy.”  (Mi-kha 4:4)  Có lẽ ông Na-than-na-en đã cầu nguyện trong đầu “Lạy Chúa,  xin hãy cho lời của tiên tri Mi-kha mau chóng thành sự thật nơi con.”  Và có lẽ Thiên Chúa hiểu được sự mong đợi này trong lòng của ông Na-than-na-en cho nên đã cho ông Phi-líp đến rủ ông đến gặp Chúa Giêsu, người đã nhìn vào tận đáy trái tim của ông ta.  Vì lòng ông Na-than-na-en hằng mong đợi lời của tiên tri Mi-kha sớm ứng nghiệm cho bản thân ông, cho nên khi nghe Chúa Giêsu nói đã nhìn thấy ông  ngồi dưới cây vả, ông lập tức nhận ra ông Giesu, chính là Thiên Chúa, không còn ghi ngờ gì nữa và mạnh dạn theo làm môn đệ của Ngài.   Chúa Giêsu đã hứa với ông Na-than-na-en rằng ông ta sẽ thấy thiên đàng mở ra, và “nhiều việc lớn lao hơn như thế” nữa, còn lớn hơn cả những thị kiến của thiên thần. (Gioan 1:50

Giống như đã thấy ông Na-than-na-en ngồi dưới gốc cây vả, Chúa Giêsu cũng thấy từng người chúng mình, bạn và tôi.   Chúa Giêsu  có thể đọc, biết rõ và hiểu được những suy nghĩ của mỗi người chúng ta như khi xưa Ngài đã đọc được trái tim của ông Na-than-na-en.  Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta đang làm gì: ngủ hay cầu nguyện, vui hay buôn, v.v..

Lạy Chúa,
Ngài dò xét con Ngài biết rõ
Biết tỏ tường con đứng con ngồi
Lòng con Ngài tỏ khúc nhôi
Con đi con đứng Ngài thời xét xem… (Thánh Vịnh 139)

Chúa  biết được những nỗi khao khát sâu thẩm nhất trong trái tim của mỗi người, và Chúa Giêsu hằng ao ước sẽ đổ đầy những ao ước đó nếu chúng ta cho phép Ngài làm như vậy!!!  Cũng giống như đã làm cho ông Na-than-na-en, Chúa Giêsu hứu sẽ mở “thiên đàng” cho chúng ta để chúng ta có thể nhìn thấy “nhiều việc lớn lao” hơn chúng ta tưởng tượng.  Đương nhiên, muốn được như thế mỗi người được mời gọi dám can đảm “let go and let God” dịch môm na là ‘hãy từ bỏ để cho Thiên Chúa cầm lái.”   Bạn và tôi nghĩ sao, chúng mình có “dám” can đảm  làm điều này không? Có “dám” để cho Thiên Chúa hoàn toàn tự do làm “tài xé” lái chiếc xe đời mình không?

Ngày hôm nay, khi mừng lễ Tam Vị Tổng Lãnh Thiên Thần Michael (tiếng việt là Micae), Raphael và Gabriel, chúng mình hãy nhớ rằng Chúa Giêsu thấy mỗi người chúng mình, bạn và tôi.  Ngài thấy chúng mình từ đàng xa, khi chúng mình  đứng lẫn khi ngồi.   Thiên Chúa biết những hy vọng và cả những lo lắng sâu thẩm nhất của từng người chúng mình.  Chắc chắn rằng ngày hôm nay Chúa Giêsu sẽ ban ân sủng để chúng ta đương đầu và đối mặt với những điều này.  Thiên Chúa sẽ giúp  mỗi người chúng mình  sống trọn vẹn ơn gọi của chúng mình, như khi Ngài sai sứ thần Gabriel đến với Mẹ Maria, báo tin cho Mẹ biết là sẽ cưu mang đấng Cứu Thế. (Luca 1:28).  Thiên Chúa sẽ mở mắt và tâm trí chúng mình để thấy Ngài rõ hơn qua những sinh hoạt mỗi ngày, như khi xưa Ngài đã sai thiên thần Raphael mở mắt cho Tô-bít (Tobit 11).  Và Thiên Chúa cũng sẽ gởi Thiên Thần Michael (Mi-ca-e) để giúp chúng mình chiến đấu với tội lỗi như xưa Ngài đã sai Thiên Thần Mi-ca-e chiến đấu với sa-tan và bảo vệ dân Do Thái.  (Khái Huyền 12:7 và Đan-niên “Daniel” 12:1)

Các bạn ơi, cho dù mỗi người chúng mình đang làm gì và ở đâu đi chăng nữa: ở dưới góc cây “vả”, trong nhà bếp, ngoài vườn, ngoài chợ, trong xe, nơi công sở, trường học, v.v… thì Giáo Hội mời gọi chúng mình hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa đang gởi tam vị Tổng Lãnh Thiên Thần Michael (Micae), Raphael và Gabriel đồng hành với chúng mình từng giây từng phút trên con đường lữ thứ trần gian chờ ngày về quê Trời.

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã biết con, yêu con và đồng hành với con mỗi ngày trong cuộc sống.  Xin ban ơn để con luôn ý thức và ghi nhớ điều này  Amen.

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube