Máu cùng nước chảy ra
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân,
trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.
Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu,
nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất,
chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua,
khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.
Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn,
khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.
Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.
Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt
và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai
về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).
Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.
Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống,
vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát,
cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.
Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.
“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).
Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết ?
Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy ?
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này,
và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra,
đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.
Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy,
hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.
Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.
Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.
“Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).
Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).
Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.
Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).
Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).
Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).
Lễ Thánh Tâm cũng là ngày Thánh Hóa các linh mục.
Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu,
trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai,
trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
Tình yêu linh thánh
Lm. G.B. Trần Văn Hào SDB
“Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29b)
Từ nguyên thủy, trước khi có thời gian và thế giới tạo thành, Thiên Chúa đã hiện hữu, và duy nhất chỉ có mình Ngài. Tình yêu Thiên Chúa cũng đã có từ đời đời, ngày hôm nay và cho đến mãi mãi, đồng thời cũng chỉ duy có tình yêu của Ngài hiện hữu mà thôi. Chúng ta là tạo vật, là người thụ lãnh và truyền tải tình yêu Chúa cho tha nhân. Nhưng chúng ta chỉ có thể thông truyền, bao lâu chúng ta biết đón nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa. Để diễn bày tình yêu, Thiên Chúa đã sai Con một Ngài đến trần gian. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Đức Giêsu chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Chỉ nhờ Người, và trong Người, chúng ta mới có thể đáp trả tình yêu linh thánh ấy.
Đức Giêsu, ‘Lời’ của tình yêu
Đức Giêsu là con Thiên Chúa, là ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi. Đồng thời, Ngài đã mang thân phận con người, sinh ra làm con Đức Maria, sống kiếp người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài chính là ‘Lời’ mà Thiên Chúa ngỏ trao cho chúng ta. Ngài nói như một Thiên Chúa quyền năng, nhưng lại sử dụng ngôn ngữ của loài người. Ngài đã ngỏ lời bằng những ngôn từ giản đơn của những cư dân bình thường giống chúng ta. Ngài sử dụng những hình ảnh đời thường rất dung dị để diễn bày những chân lý cao siêu về mầu nhiệm nước trời. Từ những cánh chim trên bầu trời cao xanh, những bông hoa ngoài đồng nội, những hạt giống được gieo vãi, những cây nho xum xuê trĩu quả.. Khi muốn truyền đạt những sứ điệp quan trọng cho các học trò và đám đông, Ngài vay mươn những hình ảnh rất mộc mạc và dung dị, ví dụ: “Anh em là muối ướp mặn cho đời, anh em là đèn sáng đặt trên đế cao…” Đặc biệt, khi muốn khải thị về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, Ngài dùng hình tượng một trái tim nhân loại như một hình mẫu. Ngài nói: “Hãy học nơi ta, vì ta có một con tim hiền dịu và khiêm hạ. Anh em sẽ tìm được sự nghỉ ngơi và an bình”.
Những người đương thời của Đức Giêsu hiểu được những gì Ngài nói, đặc biệt nơi hình ảnh một trái tim yêu thương, một trái tim hiền dịu và khiêm hạ. Đó là một con tim nhân loại đã từng rung cảm trước cái chết của một thanh niên, con trai bà góa thành Naim, đã từng thổn thức và rơi lệ trước ngôi mộ của một người bạn thân, nhưng đồng thời cũng là một trái tim mang chở cả một bầu trời yêu thương cho đến vô tận. Hiểu được điều ấy, những chàng ngư phủ Galilê cho dù dốt nát và quê mùa nhưng đã dám bỏ lại tất cả, thuyền và lưới, cha mẹ và vợ con, để đi theo chúa. Các tiến sĩ luật thông thái đã ngồi lặng yên chăm chú để lắng nghe. Ngay cả một anh thu thuế oai vệ trước một đống tiền, đã dám quẳng lại tất cả để bước theo Ngài. Đám đông sau khi lắng nghe Ngài giảng đã quên đi mọi mệt nhọc, gác lại những cơn đói cồn cào ruột gan, và bù lại, Đức Giêsu đã nhân bánh và cá ra nhiều để cho họ ăn no nê. Những người đau yếu cố sức chen lấn để được sờ chạm đến Ngài, bởi vì tất cả những ai đến với Ngài đều có thể trải nghiệm sự bình an trong tâm hồn.
Một Trái tim hiền lành và Khiêm hạ
Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần phải hướng về tình yêu cao cả và tuyệt vời ấy. Chúng ta đang sống trong một thế giới quá ồn ào, ồn ào vì những thông tin hổ lốn tràn ngập trên mạng của thời đại kỹ thuật số, ồn ào vì quá nhiều những tiếng động ầm ĩ của giết chóc và bạo lực, và nhất là ồn ào vì những tiếng xào xạc của tiền bạc kéo lôi con người vào một lối sống ích kỷ và hưởng thụ. Chúng ta cần sự tĩnh lặng và nghỉ ngơi. “Hãy học với Ta, vì Ta có một con tim hiền dịu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi an bình.” Trái tim Đức Giêsu chính là chân trời rộng mở của tình yêu, một tình yêu sâu xa và cao cả nhất mà Thiên Chúa đã hiến trao cho nhân loại.
Hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo như nhiều người vẫn nghĩ tưởng. Ngài cũng không đến nhằm quảng bá một học thuyết hay cổ súy một chủ nghĩa. Ngài đến chỉ với một mục đích và một sứ mạng duy nhất mà Chúa Cha đã trao phó, đó là công bố cho nhân loại một Tin mừng, Tin mừng về việc Thiên Chúa yêu thương loài người. Cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá là cách diễn bày tình yêu Thiên Chúa một cách tròn đầy và hoàn hảo nhất. Trong cuộc sống tại thế, Đức Giêsu đã thiết lập một ngôi trường, có tên gọi là ‘Mái trường của tình yêu’. Ngài đã quy tập những người học trò để truyền đạt một môn học duy nhất, cũng chính là môn học về tình yêu. Ngài nhắc đi nhắc lại “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Cứ dấu này mọi người nhận biết anh em là môn sinh của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. Tình yêu ấy được phác vẽ nơi Trái tim của Ngài, một trái tim bị đâm thâu trên Thập giá, đã tuôn chảy cho đến giọt nước và giọt máu cuối cùng để trao ban đến vô tận. Trong bữa tiệc ly, môn đệ Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa để lắng nghe từng nhịp đập nơi trái tim yêu thương của vị tôn sư khả kính. Cũng dưới chân Thập giá khi đứng bên Đức Maria, Gioan đã chứng kiến trái tim Chúa mở toang khi bị người lính đâm thủng, để ông có thể chiêm ngắm một dòng suối yêu thương tuôn chảy cho đến bất tận. Vì thế, trong sách Tin Mừng thứ tư và trong cả ba lá thơ Thánh Gioan để lại, hầu như Ngài chỉ nói về một chủ đề duy nhất, đó là Tình yêu.
Tình yêu phổ quát
Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta không loại trừ ai, cho dù người đó như thế nào. Một đứa con đi hoang vẫn được vòng tay yêu thương của cha nó ôm đón khi trở về. Một cô gái điếm vẫn có thể bình lặng ngồi bên chân Chúa để được Ngài đưa dẫn vào thế giới ngập tràn yêu thương. Thậm chí một tên cướp khét tiếng với quá khứ đan kín tội ác, vẫn có thể là một vị đại thánh, được Đức Giêsu mở cửa Thiên đàng trực tiếp đưa đón vào. Tình yêu Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm khó hiểu, và dường như không thể hiểu nổi đối với đầu óc con người.
Con người ngày hôm nay dễ bị chết vì đột quỵ do suy tim. Con tim bị suy yếu do căng thẳng, do sợ hãi, do chán chường hay do tuyệt vọng. Nơi mỗi người chúng ta đều có một quả tim dễ mang những mầm bệnh chết người này. Đây là những căn bệnh thể lý. Nhưng có những căn bệnh trong tâm hồn còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu chúng ta sống với một trái tim bế tắc trong cô đơn hay tuyệt vọng, hoặc nếu chúng ta mang chở nơi mình một trái tim nhét đầy dao găm và lưu đạn của oán thù, một trái tim rỗng tuếch thiếu vắng sự thương cảm nhưng lại nhét đầy sự tham lam và ích kỷ, chúng ta sẽ chết với một quả tim bệnh hoạn như thế. Chúng ta sẽ ngã xuống không phải vì heart-attack, vì đột quỵ hay suy tim, nhưng sẽ chết trong vũng bùn nhớp nhúa của tội lỗi.
Kết luận
Để tinh luyện con tim mình, chúng ta hãy nhìn lên Thập giá Đức Giêsu, chiêm ngắm trái tim của Đấng bị đâm thâu để học nơi Ngài bài học căn bản nhất như Ngài đã nói : “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi có một trái tim hiền dịu và khiêm hạ”. Chúng ta phải học, học mãi, và ngồi học nơi ngôi trường này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể học hết chữ để tốt nghiệp.
Máu và nước, Sự sống và tình yêu
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Chúng ta hãy cám ơn thánh Yoan tác giả bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe. Người đã trung thành kể lại sự kiện một lính đã lấy giáo đâm thủng cạnh sườn Chúa Yêsu, để hôm nay chúng ta có đường lối đi vào Thánh Tâm Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay thật đẹp hơn mọi bức ảnh Thánh Tâm. Và những lời Kinh Thánh là tư tưởng chắc chắn hơn cả đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm.
Vậy, nếu chúng ta theo vết thương mà người lính đã cầm giáo mở ra ở cạnh sườn Chúa Yêsu mà nhìn vào trái tim Chúa, chúng ta sẽ thấy như thánh Yoan hồi trước, máu và nước đang chảy ra. Máu nói lên sự sống và tình yêu; Nước chảy đến đâu như muốn rửa sạch đến đó. Khi nói Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Yêsu, thánh Yoan muốn trỏ cho mọi người thấy trái tim Chúa đang đổ hết sức sống và tình yêu của Người ra để rửa sạch chúng ta, khiến chúng ta trở thành tạo vật mới, thánh thiện, trong sạch đẹp lòng Chúa.
Thế nên, thánh Phaolô trong bài thơ hôm nay đã muốn quỳ gối xuống trước mặt Cha Ðức Yêsu Kitô để tạ ơn Người vì đã dành cho loài người chúng ta một kho tàng yêu thương vô tận như thế ở trong Thánh Tâm Chúa Yêsu. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội cũng hãy bắt chước thánh Tông đồ quỳ gối ở trước Thánh Tâm Chúa mà chiêm ngưỡng: kìa sức sống và tình yêu của Chúa đang chảy ra lênh láng mang phúc lành, ơn thánh đến cho chúng ta, để hôm nay chúng ta được tươi mát và phong phú hơn.
Quỳ trước Thánh Tâm Chúa, chúng ta thấy những lời sách Hôsê vừa nghe, tuy thật thắm thiết, nhưng dường như chưa diễn tả được tới mức của bài thơ Phaolô và của bài Phúc Âm Yoan. Hôsê cố gắng nói lên mối tình đặc biệt giữa Chúa và dân Người. Ông mượn hình ảnh một người cha, một người mẹ săn sóc đứa con thơ để nói về cách thức Chúa chăm lo cho loài người chúng ta. Chúa phán: lúc Israel còn niên thiếu, Ta yêu thương, bồng nó trên tay, ắp nó vào má, nghiêng mình trên nó và đút cho nó ăn. Quả tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi… Hỡi Israel, làm sao Ta có thể bỏ ngươi được? Phải Chúa đã không bỏ Israel, dù dân Người nhiều khi phản bội. Ezêkiel nói: Israel như người con gái, sinh ra đã bị bỏ rơi ngoài đường, Chúa đi qua động tình trắc ẩn, đem về tắm rửa nuôi nấng… Càng lớn càng thêm xinh đẹp. Chúa lại sắm cho nhiều tư trang và y phục đẹp. Gặp chàng thanh niên nào đi qua, Israel cũng chạy theo, đâm ra đồi trụy… Nhưng tình yêu của Chúa trước sau như một. Trái tim Người chỉ có yêu thương. Người lại đến chăm sóc, giúp hồi tâm tỉnh ngộ để mắt Israel lại bừng ra, khuôn mặt lại trở nên xinh đẹp.
Nói đúng hơn, trong Cựu Ước, Chúa mới chỉ hứa làm như vậy thôi. Nhưng đọc những tư tưởng ấy, ai mà không cảm động? Ai không thấy rằng trái tim Chúa thật là đại dương bát ngát tình thương? Người ta đã ví không sai khi gọi các trang Kinh Thánh là những bức thư tình. Kinh Thánh mạc khải tâm tư ý nghĩ của Chúa đối với loài người. Ðọc lên rõ ràng chúng ta chỉ thấy có tình yêu. Và nêu đọc ngoài viễn tượng tình yêu, sẽ không còn hiểu được Kinh Thánh nữa; và phải nói sẽ hiểu sai hoàn toàn. Kinh Thánh như vậy là trái tim của Chúa mở ra cho loài người. Ngày lễ Thánh Tâm trước hết chúng ta phải đọc Kinh Thánh, phải hứa sẽ đọc Kinh Thánh để tìm thấy Chúa yêu thương loài người và từng người chúng ta.
Cựu Ước đã thắm thiết, nhưng như ta đã nói, vẫn chưa sánh được với Tân Ước… Vì trong Cựu Ước, Chúa đã yêu thương nhiều, nhưng còn hứa làm nhiều việc yêu thương hơn nữa ở trong Tân Ước. Trái tim của Chúa Cha ở trong Cựu Ước còn giấu kín nhiều kho tàng bí ẩn, chỉ được mở ra nơi trái tim Chúa Yêsu như lời thánh Phaolô nói trong bài thư. Phải nhờ Tân Ước, nhờ Giáo hội, nhờ Trái tim Chúa Cứu thế, chúng ta mới biết được các mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, và mới rõ được sự khôn ngoan muôn màu mà Thiên Chúa đã dự định thi hành trong Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta. Như vậy, chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Yêsu hôm nay, chúng ta có thể thấy tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương loài người trong kế hoạch cứu độ.
Là vì sau nhiều thời, nhiều cách, dùng các tiên tri, đến nói với chúng ta về trái tim yêu thương của Người, của Thiên Chúa đã sai chính Con Một Người xuống thể để ai thấy Chúa Con cũng thấy Chúa Cha, ai thấy trái tim Chúa Con cũng thấy trái tim của Chúa Cha. Và trái tim của Chúa Con như thế nào, thì tất cả cuộc đời trần gian của Người đã nói lên tất cả. Không những lòng có gì, thì Người đã tâm sự hết với chúng ta. Người nói với chúng ta về Chúa Cha nhân lành yêu thương loài người đến nỗi đã thí Con Một Người cho ta. Câu chuyện những người thuê vườn nho là một tỉ dụ. Thiên Chúa có một vườn nho để cho loài người canh tác. Loài người không biết ơn, đã đánh đập mọi tôi tớ mà Người sai đến. Cuối cùng Người sai chính Con Một Người tới. Họ cũng đánh đập rồi giết chết. Tình yêu lạ lùng của Chúa Cha còn được câu chuyện đứa con hoang đàng kể lại.
Nhưng Chúa Yêsu đã diễn tả tình yêu ấy không nguyên bằng lời nói, mặc dầu lời nói của Người còn mạc khải toàn bộ chân lý cứu sống loài người. Người diễn tả trái tim của Người bằng chính nếp sống khó nghèo, vâng phục, tận tụy phục vụ mọi hạng người, kể cả những thành phần bị loài người vứt bỏ, rẻ rúng hơn cả. Người săn sóc kẻ phong cùi, người cải hoán kẻ tội lỗi. Người không bỏ chúng ta mồ côi. Và cuối cùng, Người đã chấp nhận chết để nói lên lời yêu thương thấm thía: Lạy Cha, con tự hiến thánh con để họ được nên thánh, con dâng mạng sống con để họ được sống. Chúa chết trên thập giá vì yêu thương; nhưng ở trên thập giá, Chúa còn muốn tỏ dấu yêu thương cho đến cùng.
Một người lính đã cầm giáo chọc thủng cạnh sườn Người, nơi che giấu trái tim yêu thương của Người. Những giọt máu yêu thương cuối cùng chảy ra. Những giọt máu nói lên tình yêu thương nồng nàn ngay khi thân thể đã cứng lạnh. Những giọt máu hy sinh tế lễ để đền tội cho loài người. Yoan đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Ông thấy người lính không đánh dập ống chân Chúa tử nạn như thói quen vẫn có, khiến dù thân thể Chúa đã hy nát như vậy mà mọi cái xương vẫn còn y nguyên. Bây giờ máu lại chảy ra, máu nói lên ý nghĩa hy tế tình yêu, Yoan bừng mắt nhận ra lời Thánh Kinh: khi làm thịt con chiên vượt qua, không được làm gãy một cái xương nào. Như vậy, trên thánh giá, Ðức Kitô thật là Con Chiên vượt qua của đạo mới. Và máu từ cạnh sườn đang chảy ra, đúng là máu cứu độ thay thế hẳn máu chiên vượt qua ngày xưa bôi trên cửa nhà người Dothái để cứu họ khỏi bị sát hại.
Chúng ta quả thật đã được cứu chuộc nhờ máu từ cạnh sườn Chúa Yêsu. Yoan sung sướng suy nghĩ như vậy. Và ông lại nhìn thấy nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Ðúng rồi, Êzêkiel đã viết: từ bên hông đền thờ Yêrusalem mới sẽ có suối nước chảy ra: nước trong sạch và phong phú làm sao! Nước chảy đi đến đâu, tạo vật mới mọc lên, sinh ra đến đó. Nước ấy là nước sự sống trường sinh vậy. Nay ở cạnh sườn Chúa tử nạn, có nước chảy ra theo máu. Ðiều đó nói lên ý nghĩa rõ ràng: hy lễ của Ðức Kitô đang ban Nước Thánh Thần rửa sạch chúng ta, biến chúng ta nên tạo vật mới làm cho chúng ta từ nay được sống trong sạch tươi mát.
Người ta thật có lý khi bảo Giáo hội đã được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Yêsu, như Evà đã sinh ra nhờ khúc xương sườn của Adong. Sách thánh nói Evà đã sinh ra như thế là có ý bảo xương thịt Evà cũng là xương thịt Adong. Nam nữ cũng là loài người. Nam nữ phải mật thiết yêu thương nhau bình đẳng. Coi nhau như thân thể mình. Hôm nay, Giáo hội và chúng ta cũng được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Cứu thế. Giáo hội là thân thể của Người. Người sẽ yêu thương Giáo hội và chúng ta như thân thể của Người. Còn có thể diễn tả tình yêu như thế nào nữa không?
Thánh Yoan mời ta hãy nhìn lên Ðấng bị đâm thâu; thánh Phaolô bảo ta hãy hiệp cùng Hội Thánh mà hiểu biết chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu nơi Ðức Kitô; phụng vụ Giáo hội trong lễ và tháng Thánh Tâm này, thúc giục chúng ta chiêm ngưỡng yêu mến trái tim Chúa Yêsu yêu thương chúng ta lạ lùng.
Vậy chúng ta hãy đến cùng Trái Tim Chúa Yêsu trong Kinh Thánh, trên Thánh giá, nơi Thánh Thể, trong Giáo hội và nơi tha nhân. Trong Kinh Thánh rõ ràng chúng ta chỉ đọc thấy những lời Chúa yêu thương. Trên Thánh giá, chúng ta được thánh Yoan chỉ cho thấy máu tình yêu đang chảy ra để cứu sống chúng ta trong mạch nước trường sinh, thánh thiện. Còn nơi Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương của Trái Tim Chúa được biểu thị trong chính lời truyền phép: chúng con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Ta và này là Máu Ta. Có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về tình yêu của Chúa ở trong Giáo hội và nơi tha nhân. Việc suy nghĩ đó không khó khăn gì vì nếu Chúa đã trao tất cả trái tim Chúa cho Giáo hội, cho chúng ta, thì nhìn vào Giáo hội và tha nhân, chúng ta phải như nhìn thấy tình yêu thương của Chúa đang dành tất cả cho loài người. Chúng ta sẽ phải thêm lòng yêu thương tha nhân, muốn phục vụ tha nhân, vì có như vậy chúng ta mới cảm nghĩ như trái tim Chúa và mới làm đẹp lòng Trái Tim Chúa.
Thế nên, tháng Thánh Tâm không phải chỉ là tháng yêu mến Trái Tim Chúa; nhưng khi nhìn thấy Trái Tim Chúa yêu thương loài người vô cùng, chúng ta phải biết yêu thương chăm lo cho người khác.
Xin Thánh Tâm Chúa Yêsu làm cho trái tim chúng con được nên giống Thánh Tâm Chúa.
Lạy Trái tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa!
Lm Ga Đặng Văn Nghĩa
Cử hành Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lại khung cảnh chiều thứ sáu Tuần thánh. Rốt cuộc, cực hình của Chúa trên Thập giá dù sao cũng chấm hết. Kẻ thù ra về hãnh diện như là đã chiến thắng vì việc làm của họ. Chúa vẫn cứ yên lặng và rồi những yên lặng kéo theo: Chúa bị vu cho là người phá rối và đã bị nhà cầm quyền loại trừ. Đám đông dân chúng bỏ đi và chỉ còn lại tiếng thổn thức não nề của Maria, của Maria Mađalena và của những phụ nữ đạo đức khác. Rồi tiếng ngựa phi của những anh lính vừa hoàn thành phận sự mà họ phải làm. Họ đánh dập ống chân 2 tên trộm cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, rõ ràng là người đã chết, nếu có đánh dập ống chân Người cũng vô ích. Nhưng để an tâm hơn, một anh lính không biết tên gì đã thực hiện một hành động có tính biểu tượng cao cả, đó là lấy đòng đâm thủng trái tim Người. Thế là “Máu và nước chảy ra”.
Như vậy, Thánh lễ hôm nay, Giáo Hội chỉ cho chúng ta thấy Trái Tim Chúa qua một cuộc hẹn gặp trong giờ phút khổ nạn của Người. Trái Tim đã mở, đã há ra và chẳng còn gì nữa! Tất nhiên không phải là Giáo Hội đòi hỏi chúng ta phải tôn kính trái tim tan nát ấy, nhưng là suy tôn tình yêu bao la của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Một tình yêu mà Người không thể làm được gì hơn. Một tình yêu mà Người không thích trình diễn bằng những pha đẹp mắt của những vị anh hùng hảo hán. Tình yêu đó là: xuống thế làm người, mặc lấy tất cả những điều kiện sống của một con người, chất đầy những đau khổ, yếu đuối và giới hạn vào thân. Phải trở nên thân phận của một con người tội lỗi và bần tiện. Người muốn biết điều mà không bó buộc phải biết: đó là cái chết của một người trong những điều kiện khó khăn nhất, chết trần truồng trên thập giá. Người còn trở nên tấm bánh: bánh có thể sử dụng được, bánh ấy cũng có thể bị trao ban trên tay bẩn thỉu của những người thiếu lòng kính cẩn, hoặc trên tay những người có trái tim ô uế mà họ không muốn nhận ra tội lỗi của mình.
Để làm cho chúng ta dễ hiểu tình yêu của Người, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để mô tả: Người là bạn trung thành, hiện diện hằng ngày và rất gần chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể. Người là mục tử quan tâm đến từng con chiên và sẵn sàng chết để bảo vệ đàn chiên. Người là anh Cả, là con đường để về cùng Cha. Qua Người, chúng ta biết tình yêu rộng mở của Chúa Cha.
Vâng, Người có thể làm được gì hơn nữa để chứng tỏ tình yêu của Người? Người là trái Tim hay yêu mến: Trái Tim thịt của Người có khả năng dốc cạn đến giọt máu cuối cùng. Trái tim Người mặc khải cho chúng ta không phải là một tình yêu nhạt nhẽo và đãi bôi, nhưng là một tình yêu mạnh mẽ, quảng đại và biếu không. Tất cả các nhịp đập của trái tim Người chỉ là lo cho chúng ta được nghỉ ngơi, bằng an, thanh thản, vì Người dịu hiền và khiêm nhường thật trong lòng.
Đối diện với Tình Yêu khôn lường của Người, nhân loại chúng ta thường chỉ đáp lại bằng sự lãnh đạm thờ ơ như chúng ta vẫn thường đọc trong kinh đền tạ Trái Tim: “Lạy ơn ĐCG rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi”:
Chúa Giêsu như một con người bị đầy đoạ. Người chiếm chỗ nào trong trái tim chúng ta? Người có được chúng ta yêu mến nhất trong đời không? Phải chăng Người là kẻ đi sau tiền tài, danh vọng của chúng ta? Nếu có món lợi nào, thì chúng ta sẵn sàng bỏ lễ chủ nhật và lễ trọng. Mỗi một ngày sống chúng ta giành cho Người mấy phút để trò chuyện.
Người còn bị xuyên tạc và bóp méo. Rất nhiều bộ phim và sách vở đã bôi nhọ hình ảnh Người. Ngay cả những người tín hữu chúng ta đã cho Chúa hình ảnh nào khi chúng ta hận thù chia rẽ và ghen ghét nhau? Biết bao lần Chúa Giêsu đã bị bóp méo và xuyên tạc trong thân thể của Người là Giáo Hội khi Giáo Hội bị phê phán cách này cách khác? Biết bao người tín hữu chúng ta cảm thấy ách của Chúa quá nặng nề và sợ sệt những đòi hỏi của Chúa. Biết bao người tín hũu chúng ta bôi nhọ Chúa vì đi đàng tội lỗi bỏ mà không tin rằng Chúa Chúa sẵn sàng tha thứ cho họ.
Chúa Giêsu bị lãng quên. Một điều trầm trọng nhất và cũng thường gặp nhất, đó là sự thờ ơ của con người trước tình yêu vô vi lợi của Chúa. Người ta nói rằng Chúa Giêsu chỉ quan trọng và cần thiết khi Người đem lợi nhuận cho họ. Chúa Giêsu chiếm chỗ nào trong những xã hội đã bị tục hoá? Người có chỗ nào trên truyền hình? Có bao nhiêu phần trăm người Kitô hữu đi lễ ngày chủ nhật? Bao nhiêu người có đạo bắt đầu ngày sống của mình bằng những lời cầu nguyện sốt sắng và chân thành hướng về Chúa Kitô? Bao nhiêu người năng đến với Bí Tích Giải tội để xin ơn tha thứ? Trong số những người lên Rước lễ, có bao nhiêu người biết phân biệt đích thực đó là chính Chúa Giêsu mà họ sẽ phải sống kết hợp mật thiết với Người ?
Ngày lễ hôm nay chúng ta hãy hồi tâm để kiểm điệm Đức Tin của mình! Hãy tin thật vào Tình Yêu Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban! Đừng giống như những đứa trẻ không bao giờ cám ơn cha mẹ về của ăn cũng như áo mặc mà cha mẹ chúng cung cấp cho.
Chúng ta hãy tin rằng Tình Yêu của Chúa Kitô cao cả đến nỗi Người cũng có khả năng quên đi sự vô ơn tệ bạc của mỗi người chúng ta. Tình Yêu của Người như điên rồ và mù quáng đến nỗi không thấy sự thờ ơ và lãnh dạm của chúng ta.
Không do dự và cũng chẳng còn cách nào khác, hãy bình tĩnh đặt lại vấn đề và kêu kêu lên Chúa “Xin ban cho chúng con một quả tim mới, huỷ bỏ quả tim chai đá của chúng con đi. Đừng để trái tim chúng con khép kín trước anh chị em chúng con, khi mà Trái Tim Chúa vẫn luôn rộng mở và không mỏi mệt!
Trái Tim Tình Yêu
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
Đúng 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương « dịu hiền và khiêm nhường » trong lòng.
Trái Tim Chúa đã yêu loài người ta quá bội
Trái Tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương loài người luôn đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tên lính đâm thấu và mở cạnh sườn ; máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 34). Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống… ; để ai uống nước này « thì từ họ sẽ vọt lên sự sống đời đời » (Ga 4,14).
Từ Trái Tim Chúa bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta, đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim « yêu thương » dân, « Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa » (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep 3,8-12.14-19). Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chẳng những thế, con người còn xúc phạm đến Trái Tim nhân lành của Chúa. Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên : « Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn » (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng : « Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loại người » (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.
Trái Tim Đức Chúa Giêsu là mạch đầy mọi nhân đức
Những lời Kinh Cầu vang lên trong suốt tháng Sáu như muốn nói với chúng ta rằng, tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại, đều được gửi gắm và thể hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Qua Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta thấy được sự quan phòng tình yêu từ đời đời của Thiên Chúa nhằm cứu độ thế gian. Đúng là mầu nhiệm tình yêu khôn hiểu thấu, nên chúng ta « hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người » (Tv 12, 5).
Nhìn ngắm Trái Tim Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trong sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, chúng ta khám phá ra lòng nhân lành của Chúa Giêsu luôn yêu thương, ấp ủ chúng nhân, chứng tỏ Trái Tim Người là mạch đầy dẫy hằng sống và thánh thiện, là nguồn suối cứu chuộc chúng ta. Để hiểu sâu xa hơn, chúng ta phải trở về với cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria thành Sykar thuộc xứ Samaria. Cô ta đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: « Xin bà cho tôi uống nước ». Người đàn bà Samaria thưa lại: « Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria? » Thánh sử sau đó thêm rằng : (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria). Sau đó, cô nhận được phản ứng của Chúa Giêsu: « Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: « Xin cho tôi uống nước », thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống […]vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời » (Ga 4, 1-14). Đây là những lời nói bí ẩn.
Chúa Giêsu là nguồn suối; từ Người vọt lên sự sống thần linh. Gần Chúa, ở lại trong Chúa, chúng ta sẽ có sự sống. Nguồn suối ấy đem tưới vào đời mình ta sẽ có được sự bình an sâu thẳm và niềm hạnh phúc đích thực ở nơi Trái Tim Giêsu yêu thương.
Sùng kinh Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu
Thế giới ngày hôm nay xảy ra biết bao cuộc xung đột cam go đẫm máu, rất cần sứ điệp phát xuất từ Trái Tim Chúa, nguồn mạch duy nhất, nhân loại có thể múc lấy sự khiêm nhường và lòng tha thứ để chữa lành những thương tích. Lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu có thể là nguồn mạch mọi ơn phúc cho thế giới này như lời Đức Piô X viết khi ban lệnh thi hành việc tôn sùng Trái Tim Chúa : « Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia ». Đức Piô XI nhận định: « Lòng sùng kính Thánh Tâm là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta » (Caritate Christi compulsi). Trong tông huấn Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Chân phước Phaolô VI viết: « Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới”. Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng nói : « Lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta » (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5-10-1987).
Nên giống Trái Tim Chúa
Người kitô hữu không chỉ được mời gọi chiêm ngắm, sùng kính, mà còn phải sống tình yêu ấy nữa. Chúa Giêsu đã nói, « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ các điều răn của Thầy » (Ga 14, 15). Như thế, Người mời gọi chúng ta kèm theo điều kiện : nếu ta yêu mến Chúa, thì ta phải giữ các điều răn của Chúa, tuân giữ thánh chỉ của Chúa, và thực hành các giới răn mà Thiên Chúa đã chỉ cho ta, để chứng tỏ rằng ta yêu Chúa.
Chúa muốn chúng ta giữ các điều răn đã được Chúa ban cho Israel trên núi Sinai qua trung gian Môisen, nhiều người trong chúng ta lặp lại mỗi ngày trong kinh nguyện, một tập quán tốt đẹp và ngoan đạo. Chúng ta lặp lại những điều đã được viết trong Sách Xuất Hành, để tin nhận và làm mới lại những gì chúng ta nhớ.
Lạy Chúa Giêsu, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI
LM ĐAN VINH – HHTM
- TIN MỪNG: Ga 19,31-37
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
- CÂU CHUYỆN:
1) LỊCH SỬ TỪ LỄ THÁNH TÂM ĐẾN LỄ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.
Lòng sùng kính Thánh Tâm là sự tôn kính đặc biệt đối với tình yêu của Chúa Giê-su, hiện thân tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người. Đức Giê-su cũng đã biểu lộ tình yêu tột cùng với các môn đệ nên trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Người đã lập bí tích Thánh Thể để biến tấm bánh không men dùng trong bữa tiệc chiên trở thành Thân Mình của Người sắp bị nộp vì tội lỗi nhân loại. Rồi Ngừoi cũng đọc lời truyền phép để biến chén rượu nho trong bữa Tiêc Ly trở thành chén Máu thánh của Người sắp đổ ra để đền tội cho nhân loại. Bí tích Thánh Thể biểu lộ tình yêu của Chúa Giê-su, được diễn tả cách rõ nét khi trên cây thập giá, Đức Giê-su còn bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn trúng trái tim và Máu cùng Nước đã chảy ra từ vết thương này, như đồ đệ Gioan đã làm chứng đã nhìn thấy và ghi chép trong sách Tin Mừng (x. Ga 19,34-35). Máu và Nước đó đã tuôn trào để tẩy rửa tội lỗi của loài người và cũng để ban ơn cứu độ và giao hòa loài người với Thiên Chúa.
Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su đã có từ thế kỷ XI. Nhưng mãi đến thế kỷ XVI, lòng sùng kính này vẫn chỉ mang tính riêng tư, gắn với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh của Chúa. Mãi đến ngày 31-8-1670 Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su mới được cử hành tại Rennes nước Pháp, nhờ công khó của Thánh Jean Eudes (1602-1680). Từ Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm đã lan truyền đi nhiều nơi, nhưng phải chờ đến thánh nữ Margarette Marie Alacoque, lòng sùng kính Thánh Tâm mới có điều kiện lan rộng đi khắp nơi trên thế giới.
Trong những lần được thị kiến thấy Chúa Giê-su, thánh nữ MARGARETTE MARIE ALACOQUE đã được Người mặc khải về hình ảnh một Trái TimcủaChúa Giê-su có ngọn lửa và vòng gai quấn quanh. Lần hiện ra quan trọng xảy ra vào ngày 16-6-1675, Chúa Giê-su đã hiện ra yêu cầu Thánh nữ Margarette xin với giáo quyền cho cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su vào ngày thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, để đền bù sự vô ơn bạc nghĩa của loài người đối với tình yêu vô cùng và sự hy sinh cao cả của Chúa Giê-su. Thánh Tâm không những là biểu hiệu của một trái tim thể lý mà còn biểu hiệu tình yêu thương vô biên của Chúa đối với nhân loại.
Lòng sùng kính Thánh Tâm đã được phổ biến từ sau khi Thánh nữ Margarette Marie Alacoque qua đời vào năm 1690, nhưng phải mãi đến năm 1765, lễ Thánh Tâm mới được cử hành chính thức tại nước Pháp. Gần 100 năm sau (1856), ĐGH Piô IX đã truyền mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa cho toàn thể Hội Thánh theo đề nghị của Hội đồng Giám mục Pháp. Thánh Thể và Thánh Tâm đều là Nguồn Tình Yêu vô biên của Chúa Giê-su, Đấng đã yêu thương nhân loại tội lỗi đến cùng, đến nỗi bằng lòng chịu chết nhục nhã trên cây thánh giá để đền bù tội lỗi của họ và ban ơn cứu độ cho họ.
Ngày nay, Chúa Giê-su cũng đã mặc khải về Lòng Thương Xót của Người cho Thánh nữ FAUSTINA KOWALSKA người Ba Lan (1905-1938). Người cũng yêu cầu thánh nữ hãy xin với giáo quyền thiết lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót bằng những lời sau: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341).
Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót đã được đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II người Ba-lan chính thức thiết lập vào ngày 30/4/2000 và truyền mừng trọng thể lễ kính Lòng Chúa Thương Xót trong toàn thể Hội Thánh vào Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm.
Gần đây, Đức thánh cha Phanxicô tyuyên bố sẽ chính thức mở Năm Thánh Kính Lòng Chúa Thương Xót (2016)để tạo cơ hội cho các con cái Hội Thánh khám phá những nét mới mẻ của Lòng Chúa Thương Xót, kín múc dồi dào những hồng ân đang tuôn trào từ nguồn suối vô tận là Trái Tim rất thánh của Chúa Giê-su. Trong Năm Thánh này, hãy để cho Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa thanh tẩy và nhào nắn chúng ta nên những tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, nhờ đó lòng tràn ngập niềm vui chúng ta sẽ đủ tự tin ra đi để chia sẻ tình thương của Chúa đến cho mọi người.
2) MƯỜI HAI LỜI HỨA CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU:
Để khuyến khích mọi người hiểu biết lợi ích của việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, Người đã hứa với Thánh nữ Margarette Marie Alacoque sẽ ban những ơn ích thiêng liêng cho những ai sùng kính Thánh Tâm như sau:
1-Ta sẽ ban cho họ mọi ân sủng cần thiết trong đời sống.
2-Ta sẽ ban bình an cho gia đình họ và sẽ tái hợp các gia đình đã ly tan.
3-Ta sẽ an ủi họ trong mọi lúc khó khăn.
4-Ta sẽ là nơi họ trú ẩn khi sống và trước khi chết.
5-Ta sẽ ban Phép Lành Nước Trời trên công việc của họ.
6-Các tội nhân sẽ tìm được Nguồn Thương Xót vô hạn nơi Thánh Tâm Ta.
7-Các linh hồn lạnh nhạt sẽ trở nên nhiệt thành.
8-Các linh hồn nhiệt thành sẽ mau đạt tới sự trọn lành.
9-Ta sẽ chúc lành cho nơi nào trưng bày và tôn sùng linh ảnh Thánh Tâm Ta, và Ta sẽ ghi dấu tình yêu của Ta vào lòng những người đeo hình Thánh Tâm Ta. Ta cũng sẽ phá hủy mọi sự rối loạn nơi họ.
10-Các linh mục nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Ta thì Ta sẽ ban cho họ ơn hoán cải các linh hồn chai cứng nhất.
11-Những người truyền bá lòng tôn sùng này sẽ được ghi tên trong Thánh Tâm Ta, không bao giờ phai nhòa.
12-Ta hứa với lòng thương xót vô biên của Thánh Tâm Ta rằng những người rước lễ vào Thứ Sáu Đầu Tháng trong 9 tháng liên tiếp, tình yêu mãnh liệt của Ta sẽ ban cho ơn ăn năn trở lại trong cuối đời: Họ sẽ không chết trong tình trạng thất sủng hoặc không được lãnh nhận các bí tích. Thánh Tâm Ta sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho họ trong giờ sau hết.
Lời Chúa hứa luôn chắc chắn. Hãy tin tưởng và hãy dành 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, nghĩa là thực hành việc tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su liên tục và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng.
3) SỨC MẠNH CỦA ẢNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU:
Vào năm 1597 lệnh cấm đạo Công giáo trên đất Nhật xảy ra gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố.
Tại vùng ODAWARA, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng và giải về Tokyo. Quan đại thần TSUKAMOTO lấy từ trong đống ảnh đạo một bức ảnh Thánh tâm Chúa Giê-su. Ông nói: Người gì đâu lại để trái tim ra ngoài !
Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế và thích tìm hiểu. Ông cầm bức ảnh trái tim Chúa coi qua rồi vứt vào trong sọt rác. Nhưng đến tối khi đi ngủ, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn phải có một ý nghĩa nào đó. Ông ra nhặt lại bức ảnh trên để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà ông vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ sau: ”đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.
Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim Chúa trên bàn làm việc cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn tên OSAKI đến chơi, thấy bức ảnh liền hỏi :
– Này anh bạn. Anh lại thích ảnh tượng của bọn tả đạo rồi sao ?
– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn
hóa và nhân đạo thì tôi lại thấy rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình, hành động cùng lối xử thế của Kitô giáo. Tôi xin tạm giải thích như sau: Đối với tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên người theo đạo mới vẽ trái tim ra ngoài cơ thể… Nghĩa là phải đem hết tình yêu nơi trái tim mà phục vụ xã hội và giúp ích cho đời; còn về phần mình thì chấp nhận hy sinh, không lo riêng cho bản thân, diệt trừ cái ngã vị kỷ. Đem hết tình thương ra giúp đời giúp người.
Trong bức ảnh này tôi nhận thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Đức Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng Tử, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão Tử, mạnh mẽ hơn cái Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản chúng ta. Một tôn giáo dạy phải phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là sự ngay chính của cả Thiên hạ vậy.
Osaki cảm phục sự diễn đạt tinh thông của ông bạn. Ông không ngờ Đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu đến như vậy. Từ đó hai ông đã trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm đón nhận phép rửa tội, và vận động triều đình thả hai linh mục ra.
(Trích trong: Hạt giống nảy mầm).
- THẢO LUẬN:
1) Thánh Tâm Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu tột cùng đối với loài người chúng ta thế nào ?
2) Mỗi người chúng ta cần làm gì để thể hiện tình yêu đối với tha nhân hầu đáp lại tình yêu vô biên của Chúa Giê-su đối với chúng ta ?
- SUY NIỆM:
1) Ngọn lửa yêu mến phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Giê-su:
Chúa Giê-su đã nói về lửa yêu mến của Người: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49). Ngọn lửa yêu thương của Chúa cần được bùng cháy lên trong tâm hồn các tín hữu. Trên cây thập giá Người đã nói: “Ta khát” (Ga 19,28), Ngài khát tình yêu của chúng ta và Người đã yêu thương chúng ta. Ngôn sứ Hôsê tuyên sấm về tình yêu của Đức Chúa như sau: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (x. Hs 11,8). Chúa Giê-su đã chứng tỏ tình yêu tột cùng của Người đối với chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người yêu thương chúng ta vô điều kiện, yêu ta ngay khi chúng ta đang còn là tội nhân (Rm 5:8) và yêu đến tột cùng (ga 13:1). Người muốn chúng ta học nơi Người về phong cách yêu thương là đối xử dịu hiền và khiêm tốn phục vụ người mình yêu: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29). Chúng ta không thể không yêu thương vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Ngày nay chúng ta không thể đến được với Thiên Chúa Cha nếu không đi con đường Giê-su là yêu thương chia sẻ hạnh phúc cho tha nhân: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Người đến để yêu thương là “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:9-10).
2) Sức mạnh của lửa yêu mến từ Thánh Tâm Chúa:
Lửa có đặc tính kỳ diệu: Lửa có vẻ mềm yếu nhưng cũng có sức mạnh to lớn– mạnh hơn mọi thứ sức mạnh. Một đốm lửa nhỏ có thể dập tắt dễ dàng bằng một làn gió nhẹ, nhưng một ngọn lửa lớn thì không dễ gì dập tắt được. Gió càng lớn lại càng làm cho ngọn lửa bùng cháy mạnh hơn. Lửa khi được chia sẻ ra nhiều không hề giảm bớt sức mạnh mà càng nhân sức mạnh thêm lên nhiều! Lửa yêu mến từ Thánh Tâm Chúa Giê-su cũng có sức mạnh như vậy. Ai yêu mến Chúa và kết hiệp với Chúa thì sẽ được Người thông ban ngọn lửa yêu mến có tác động kỳ diệu đến những tâm hồn khô khan nguội lạnh như vậy.
3) Thánh Thể gắn liền với Thánh Tâm:Trong tuần Chúa Nhật lễ kính Thánh Thể Chúa Giê-su, Hội Thánh cũng mừng kính Thánh Tâm Chúa vào ngày thứ sáu.
Khi diễn tả tình yêu, người ta thường dùng hình ảnh trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu. Qua đó cho thấy: Yêu là CHO nhiều hơn NHẬN! và mọi người đều muốn yêu và được yêu. Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể hiểu biết được, như lời thánh Phao-lô trong thư Rô-ma: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).
4) Sống yêu thương bằng việc quảng đại chia sẻ cho đi:
Thiên Chúa đã yêu thương loài người chúng ta qua việc chậm giận và hay tha thứ, ở lại trong tình yêu của Chúa Giê-su bằng cách tuân giữ điều răn của Chúa.
Tác giả thánh vịnh 103 diễn tả tình yêu của Chúa cụ thể như sau: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103:8 và 10).
Thánh Gio-an cũng khuyên các tín hữu yêu thương nhau như sau: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:7-8).
Thánh nhân cũng mời gọi các tín hữu yêu thương nhau: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau… Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4:15-16).
Tin vào tình yêu của Thiên Chúa là tín thác mọi sự cho lòng thương xót của Người, tin Chúa bằng cả con người của chúng ta chứ không chỉ bằng môi miệng bề ngoài. Chúa Giê-su luôn mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15:10). Yêu ai thì làm theo ýngười đó, muốn cho người ấy được vuivà muốn nên giống người ấy.
Tình yêu của Chúa Giê-su đã được Người diễn tả qua hình ảnh “TRÁI TIM BỊ ĐÂM THÂU”. Vì thế, Người đã bày tỏ cho thánh nữ Ma-ga-ri-ta (thế kỷ 15) hình ảnh “TRÁI TIM CÓ LỬA VẤN VÒNG GAI” chung quanh và truyền cho Ma-ga-ri-ta hãy truyền bá rộng rãi ảnh này khắp nơi.
- LỜI CẦU:
“Ôi Giêsu, tình yêu của con, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con; ơn gọi của con là tình yêu…Vâng lạy Thiên Chúa của con. Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu. Như thế, con sẽ là tất cả và giấc mơ của con sẽ mỹ mãn”… “Xin ban cho con tình yêu của Chúa, con vui lòng làm hy tế cho tình yêu, nghĩa là, nhận lấy tất cả tình yêu mà người khác không muốn lãnh nhận, bởi vì họ không để cho Chúa yêu họ theo cách Ngài muốn”. (Theo thánh Tê-rê-sa HĐ)