Chúa Nhật II Phục Sinh

Đã thấy, đã không thấy

Lm Trịnh Ngọc Danh

Sau khi sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện ra lần thứ nhất với các tông đồ, nhưng vắng mặt ông Tôma. Ngài đã chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì đã được xem thấy Chúa, và họ đã cho ông Tôma biết: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”; nhưng ông này cương quyết: “ Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà; lần này có mặt ông Tôma. Chúa Giêsu lại hiện ra lần thứ hai cùng các ông. Sau khi chúc bình an, Ngài đã cho ông Tôma xem những dấu đanh nơi bàn tay và vết thương nơi cạnh sườn Ngài và đã khiển trách ông: “ Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Và ông Tôma chỉ còn biết kêu lên: “ Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”. Và Ngài nói tiếp với ông: “ Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Đã xem thấy, đã tin

Cũng như các môn đệ khác, ông Tôma cũng đã từng được nghe những giáo huấn của Chúa, đã được xem thấy những việc kỳ lạ Ngài đã làm, và cũng được nghe Ngài tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài…; nhưng ông vẫn còn bán tín bán nghi về việc chết đi sống lại của Thầy mình; vì, Chúa quyền năng có thể làm cho người chết sống lại như trường hợp ông Lagiarô thì còn hiểu được; nhưng đàng này, chính Chúa lại phải chết và lại tự cho mình sống lại thì thật là một việc quá sức tưởng tượng của ông: Làm sao lại có thể có chuyện ấy được! Và đức tin của ông đã bị chao đảo! Ông nghi ngờ đòi cho được tận mắt thấy những dấu đanh nên thân thể Chúa mới tin cũng phải thôi, vì ông đã một lần thất vọng khi thấy Thầy, một Đấng quyền phép mà ông đã tin, lại phải chịu nhục hình cho đến chết trên thập giá. Cũng còn may là ông còn lui tới với cộng đoàn, không như hai môn đệ trên đường Êmau, sau khi Thầy chết, đã thất vọng, sợ hãi tìm đường trốn chạy. Điều đó cho thấy ông vẫn còn tin tưởng vào Thiên Chúa, vẫn còn muốn đạt đến một đức tin viên mãn để được cứu độ.

Tuy bị Thầy khiển trách là cứng lòng tin, nhưng qua đó, ông đã thấy và ông đã tin. Đức tin của ông đã được củng cố cho vững mạnh hơn bao giờ hết đến nỗi ông đã kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.

Cũng không phải chỉ có ông Tôma mới nghi ngờ sự sống lại của Thầy mình, mà ngay chính những người được tận mắt thấy ngôi mộ trống cũng bán tín bán nghi.

Ngày thứ nhất trong tuần, từ sáng tinh mơ, các bà mang theo thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, bước vào trong, không thấy xác Chúa, bà Maria Mađalêna đã hốt hoảng chạy về báo: “ Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” ( Ga 20: 2); và đang khi còn ngơ ngác, vào trong mồ, thì thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà: “ Các bà đừng sợ. Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiareth chịu đóng đinh, nhưng người đã sống lại…”. Các bà chạy ra và trốn khỏi mồ, vì các bà run rẩy bàng hoàng. Các bà không nói gì với ai, vì các bà sợ hãi… (Mc. 16, 6-8)

Trở về nhà, các bà thuật lại cho các tông đồ; “nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin” (Lc. 24,11)

Vì không thấy, nên ông Tôma chỉ đòi hỏi thấy mới tin, nhưng các bà và các tông đồ đã thấy, đã nghe nói về việc ngôi mộ trống, về việc Chúa đã sống lại, thế mà các bà thì sợ hãi cho là ma, còn các ông thì cho đó là truyện vớ vẩn. Ai là người kém lòng tin hơn ai?

Hơn nữa, đứng về phương diện đức tin, thì có thể ông Tôma là người cứng lòng tin, nhưng đứng về phương diện khoa học, thì sự nghi ngờ của ông lại là điều cần thiết để tìm ra sự thật. Nếu khoa học kiểm chứng được những gì chúng ta phải tin, thì những điều chúng ta tin mà khoa học khám phá, chứng minh được, thì cũng chẳng còn gì là siêu việt đối với trí óc của con người.

Ông Tôma cứng lòng tin, vì ông muốn lấy lý trí để củng cố cho lòng tin của ông. Có thể ông đã nghĩ rằng: Nghe người ta nói Chúa đã phục sinh chưa đủ, tôi còn phải tận mắt nhìn thấy Ngài, và phải được tiếp cận thân thể đầy thương tích của Ngài, thì tôi mới tin.Và cuối cùng, Tôma đã thấy và ông đã tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.

Việc ông Tôma đòi hỏi được nhìn, được sờ, được kiểm chứng Đấng Phục sinh không chỉ là một đòi hỏi cho riêng ông, nhưng cũng là một chứng tích cho chúng ta hôm nay.

Đã không thấy mà tin

Và sau khi nhân định về lòng tin của ông Tôma: Vì con đã thấy và con đã tin; Chúa lại đưa ra một mẫu lòng tin khác được chúc phúc; đó là: Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Qua sự việc của ông Tôma, Chúa đã gián tiếp nói với chúng ta là những người sinh ra “hậu Phục sinh”, những người đã không thấy Chúa sống, chết và phục sinh, nhưng chúng ta tin. Chúng ta chỉ được đọc, được nghe về Thiên Chúa, về Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa xuống thế làm người vì yêu thương con người, để rồi chịu chết và đã phục sinh…; nhưng chúng ta không được may mắn như dân Chúa xưa kia hay gần gũi hơn là các môn đệ đã thấy và đã tin.

Cám ơn các tông đồ và đặc biệt cám ơn ông Tôma đã giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ hơn về việc Chúa sống lại, về lòng tin của mình.

Từ ngàn xưa, con người nói chung và con cái Thiên Chúa nói riêng đã thấy, đã tin, nhưng vẫn còn vô số người đã thấy, nhưng vẫn chối từ, vẫn không tin. Đã không thấy mà tin là một đòi hỏi rất khó đối với đức tin, đồng thời cũng là một yếu tố xác định mức độ lòng tin của chúng ta.

Đức tin và bình an

Trong cuộc hành trình đức tin, những người đã không thấy mà tin và ngay cả những người đã thấy và đã tin vẫn luôn gặp những trở ngại, nghi ngờ, lo lắng, bất an.

Các môn đệ, sau cuộc “bức tử” của Thầy Giêsu, họ đã hoang mang, lo lắng, sợ sệt, bất an: số phận của họ rồi sẽ ra sao? Ai sẽ là người hướng dẫn để tiếp tục công việc của Thầy?… Tụ lại với nhau, nhưng cửa đóng then cài.

Và những người đã không thấy mà tin thì sao? Đức tin của chúng ta ở mức độ nào? Chúng ta tin, nhưng đã sống và chết vì đức tin như thế nào?

Đức tin chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt, chưa xác tín..thì luôn gặp những bất an. Thử thách, gian nan, khổ cực là thước đo đức tin, là những bất an trong tâm hồn.

Hiểu được tâm trạng lo lắng, sợ sệt, bất an của các môn đệ, nên qua hai lần hiện ra với các ông sau khi sống lại, lời trấn an đầu tiên mà Chúa gửi đến các ông là: “Bình an cho các con” và Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần xuống để cùng đồng hành với họ. Như thế là họ sẽ được bình an, được an tâm để lên đường tiếp tục công việc của Thầy, không còn phải lo lắng, hoang mang.

Và cũng hiểu được tâm trạng bất an của chúng ta ngày nay, Chúa cũng đã chúc bình an và hứa với chúng ta rằng: “Thầy sẽ xin Cha Thầy, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”. (Ga. 14,15). Cũng như các môn đệ họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện ra và chúc bình an cho họ, ngày Chúa nhật họp nhau tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng đón nhận bình an của Thiên Chúa và chúc cho nhau bình an của Ngài để rồi lại ra đi trong bình an của Ngài đến với anh em. Bình an ấy là kết qủa của đức tin.

Chúng ta là những người “đã không thấy mà tin”, và đã được Chúa chúc phúc; vì, như Thánh Gioan Tồng đồ đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Ai tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng ấy. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người…, và giới răn Người không nặng nề. Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Chiên Chúa? (1Ga. 5,1-6)

Đức tin đem lại cho chúng ta bình an của Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tuyên xưng đức tin mà còn phải sống đức tin: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết; cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” 

 

 

Các Vết Sẹo

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ Ngài đều “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài. Chính trong cộng đoàn bị thương tích, đau đớn và vỡ mộng này, Chúa Giêsu đã đến, mang theo những lời tha thứ và chữa lành: “Bình an cho anh em”.

Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

  1. Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần. Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).

Chúa Giêsu phục sinh mang các vết sẹo như là chiến tích vĩnh cửu. Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.

Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

  1. Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.

Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.

3Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

Đức Giêsu đã không lạ lẫm với đau đớn, âu lo, thất bại và nỗi cô đơn. Người biết sự phản bội của bạn hữu. Người đã mang lấy những vết thương hữu hình và vô hình vì nhân loại. Chúng ta cũng vậy, không chỉ mang lấy những vết thương của mình, mà còn cưu mang những thương tổn của những người ta yêu mến, những người gặp hoạn nạn và bệnh tật. Chúng ta cũng thổn thức với những âu lo, đau khổ của thế giới trong những tháng ngày dịch bệnh virut Vũ hán. Giờ đây, ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu sáng xuyên qua bóng tối của ngôi mộ, chúng ta không còn phải lo sợ về cái chết cuối cùng nữa.Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh! Trước khi thụ nạn, Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).

Ngày 23/9/1968, cha Piô Năm Dấu, vị linh mục nổi tiếng dòng Capucinô đã qua đời trong một tu viện tại nước Ý. Ngài nổi tiếng vì được Chúa in năm dấu thánh trên thân thể suốt 50 năm. Năm dấu thánh đó là năm vết thương của Chúa được in trên hai tay, hai chân và cạnh sườn cha Piô. Những vết thương đó thường rỉ máu và làm cho ngài đau đớn khôn tả. Ngài được khám nghiệm y khoa và được kiểm chứng bằng khoa học nhiều lần. Nhưng tất cả các nhà chuyên môn đều không thể giải thích được hiện tượng này và cũng không có cách nào chữa trị được các vết thương đó.Ngày 02/5/1999 ngài được phong chân phước và ngày 16/6/2002 được phong hiển thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cha thánh Piô đã được in năm dấu thánh để được hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu. Đó cũng là những chứng tích niềm tin cho một thế giới “cứng lòng tin” hôm nay. Chúng ta cũng hãy mang lấy những dấu tích đau thương của Chúa không phải nơi thân xác nhưng trong tâm hồn và cuộc sống chứng nhân, để làm cho niềm tin được tỏa sáng đến mọi người.

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

 

 

Đấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta  

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Chúng ta vừa long trọng mừng lễ Phục Sinh. Mọi ồn ào của những cuộc  kiệu rước đã lắng xuống. Những bận rộn của Tuần Thánh cũng đã đi qua. Đối với nhiều người, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh giống như những ngày lễ hội mỗi năm tổ chức một lần, lễ xong là hết. Điều còn lại có thể chỉ là những lời bình phẩm về cách tổ chức lễ năm nay có gì hơn hay kém năm ngoái. Để tránh lối suy nghĩ lệch lạc đó nơi các tín hữu, Phụng vụ hôm nay khẳng định với chúng ta rằng Chúa phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu. Người hiện diện như mối dây liên kết chúng ta nên một trong tình bác ái và sự chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau. Hình ảnh cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem là lời mời gọi chúng ta hãy noi gương mà sống xứng đáng với danh nghĩa những môn đệ Chúa Kitô (Bài đọc I). Nếu các tín hữu có thể coi mọi sự là của chung và chuyên cần tham dự bẻ bánh, siêng năng cầu nguyện và nhiệt thành thực thi bác ái là vì họ tin Chúa Giêsu phục sinh đang ở giữa họ và chứng kiến những điều tốt lành họ đang làm.
 
Tuy vậy, vấn đề người chết sống lại, xưa cũng như nay, được coi là một câu chuyện hoang đường, không thể chấp nhận. Ngay như các môn đệ là những người đã cùng sống với Chúa và đã được nghe Người tiên báo về sự phục sinh, mà các ông còn chưa dễ dàng tin vào sự kiện này. Thánh Máccô ghi lại sự nghi ngờ đến mức cứng lòng của các ông: khi bà Maria Mácđala kể với các ông là bà đã gặp Chúa phục sinh, các ông cũng không tin. Các ông cũng không tin khi hai môn đệ từ Emmau trở về quả quyết đã gặp Chúa (x. Mc 16, 9-13).
 
Lời Chúa hôm nay dẫn chứng một nhân vật cụ thể nữa, đó là Tôma. Ông không có mặt khi Chúa hiện ra với các môn đệ. Điều các bạn kể lại không thể thuyết phục ông chấp nhận một điều “ngược đời”. Dấu đinh ở tay, vết thương ở cạnh sườn Chúa… là những điều ông đã chứng kiến như bằng cớ của việc Chúa Giêsu đã chết. Đối với ông, việc được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thủng là bằng chúng xác thực về việc Chúa sống lại. Thực ra, Tôma không thách thức Chúa, ông chỉ cần bằng chứng thiết thực để ông tin.
 
Chúa Giêsu đã đáp trả những điều kiện Tôma đã đưa ra. Tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện đến với các ông với những thương tích trên thân thể Người. Nếu trước đây Tôma đã ra điều kiện để tin, thì nay Chúa mời ông thực hiện những điều ấy. Ông chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Qua lời nói với Tôma, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình.
 
Trong trình thuật của mình, thánh sử Gioan hai lần nói đến chi tiết “các cửa đều đóng kín”, để diễn tả Đức Giêsu phục sinh không còn bị giới hạn bởi không gian, nghĩa là Người trở nên thiêng liêng giữa thế giới của chúng ta. Cũng như Người có thể vào trong phòng khi các cửa đều đóng kín, hôm nay Người đang hiện diện nơi dung mạo và cuộc đời của những ai mang tên Người, tức là các Kitô hữu. Thánh Phêrô đã khuyên chúng ta: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của Đức tin là ơn cứu độ con người” (Bài đọc II)
 
Chúa Giêsu phục sinh hôm nay đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi cuộc đời này. Sự hiện diện của Chúa có thể được chứng tỏ qua đời sống đạo đức yêu thương của các tín hữu. Xin cho mỗi chúng ta biết nhận ra Người đang sống giữa chúng ta để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho Người.
 
“Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng nghìn lần” (Sưu tầm).

 

 

Lòng Thương Xót Hàn Gắn Đổ Vỡ

 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Con người thường chẳng ai hoàn hảo. Ai cũng có những khuyết tật. Ai cũng có yếu đuối. Đó là lý do cuộc sống chung sẽ dễ khiến chúng ta làm tổn thương nhau. Không cần biết chúng ta đã yêu nhau nhiều như thế nào, cẩn thận và tử tế như thế nào, vẫn có lúc chúng ta sẽ làm tổn thương nhau. Dù vô ý nhưng cũng để lại những đau lòng cho tha nhân.

Vậy làm sao chữa lành vết thương mà ta đã gây nên cho nhau? Làm sao hàn gắn những đổ vỡ do yếu đuối chúng ta đã làm tổn thương nhau?

Có một chuyện xưa kể rằng: Một vì vua kia thích sưu tầm ngọc quí đủ màu sắc, đủ kích cỡ, đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, có một viên ngọc to như quả trứng. Mỗi khi đưa ra ánh sáng, nó phản chiếu đủ màu sắc sặc sỡ làm nhà vua rất say mê.

Nhưng một hôm, trong lúc hãnh diện khoe cùng các vị khách quí, nhà vua đã nhận ra viên ngọc có một kẽ nứt. Ông vô cùng tiếc xót, buồn bã. Từ hôm ấy, Ngài truyền cho khắp nhân gian ai sửa được viên ngọc đó y như trước sẽ được trọng thưởng. Các thợ đá quí lành nghề ra vào hoàng cung tấp nập nhưng đều lắc đầu chịu thua.

Ngày kia, có người vào yết kiến và xin vua cứ để cho mình sửa chữa tùy ý. Đang lúc tuyệt vọng, nhà vua đồng ý, vì đàng nào viên ngọc cũng mất giá trị rồi.

Anh thợ đá quí đem viên ngọc về, ngày đêm dùng những đồ nghề tinh xảo để sửa chữa viên ngọc. Chẳng bao lâu, anh đem viên ngọc dâng lên đức vua. Nhà vua vô cùng kinh ngạc vì trên viên ngọc điểm một bông hồng rất xinh đẹp, được trạm trổ một cách công phu, mà cánh hoa xinh tươi chính là dấu nứt của viên ngọc trước kia. Cánh hoa hồng xinh đẹp đã làm tăng giá trị của viên ngọc lên gấp bội, khiến mọi người đều trầm trồ khen ngợi.

Cuộc sống chung nhiều va đập sẽ để lại trong quan hệ giữa người với người biết bao vết thương. Vì:

+ Mỗi một tội lỗi trong đời sống chúng ta là một vết nứt xé nát linh hồn ta và gây nên đau khổ cho tha nhân.

+ Mỗi một lần thiếu chung thủy vợ chồng là một vết nứt trong tình yêu sẽ để lại nỗi đau của thiếu khoan dung với nhau.

+ Mỗi một tranh chấp, cãi cọ giữa láng giềng, bạn bè là một vết nứt trong tình bằng hữu xóm làng.

Đừng bi quan về những va đập mà hãy cùng nhau khắc phục cho tốt hơn, đẹp hơn. Chuyện đã tới có oán trách, giận dỗi nhau cũng chỉ khoét thêm nỗi đau cho nhau. Nhưng nếu chúng ta biết lợi dụng nó thì những vết nứt kia sẽ là khởi điểm cho một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, khi mình biết khéo léo và kiên nhẫn sửa chữa nhau.

Lời Chúa tuần thứ hai Phục Sinh cũng cho chúng ta thấy khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra: nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần; nơi các tông đồ hèn nhát bỏ chạy nơi vườn Giệtsêmani; nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng minh nhiên và cụ thể. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban ân sủng của lòng thương xót để các ông được bình an. Chính Lòng thương xót Chúa đã chữa lành vết thương nơi tâm hồn yếu đuối của các môn đệ. Nhờ đó mà lòng các tông đồ tràn đầy hân hoan để chuộc lại lỗi lầm bằng việc loan báo tình thương của Chúa đến tận cùng trái đất.

Hôm nay lễ kính Lòng Thương Xót Chúa là dịp để chúng ta nhìn vào tình thương Chúa có thể chữa lành mọi sự. Dù linh hồn ta có tội lỗi, Chúa vẫn bao dung vì “tình thương Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi”, và vì  “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Ước gì chúng ta luôn đủ tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa để khiêm tốn chạy đến đón nhận ân sủng đầy tình thương của Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta cũng trở nên tông đồ của lòng thương xót khi biết dùng tình thương để xóa bỏ hận thù, dùng lòng khoan dung để nối lại tình người và cùng xây dựng một thế giới tràn đầy tình thương hiệp nhất và bình an. Amen.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube