Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Môisen qua bụi gai cháy bừng là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình mạc khải. Quả vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thiên Chúa tự giới thiệu danh của Ngài cho con người. Tuy vậy, nếu được Thiên Chúa cho biết Ngài là “Đấng Tự hữu”, thì ông Môisen cũng chẳng hiểu danh xưng đó có ý nghĩa gì. Ông chỉ dễ dàng nhận ra Chúa khi Ngài liên hệ đến các tổ phụ, tức là Abraham, Isaac, và Giacóp. Mối tương quan này cho thấy Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành với lịch sử Do Thái, là dân riêng Ngài đã chọn. Danh Thiên Chúa được kêu cầu cho các thế hệ tương lai, chính là danh xưng gắn liền với các Tổ phụ của dân tộc thánh. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa đã làm cho Abraham, Isaac và Giacóp, đã tạo nên tên gọi của Ngài. Khi nhắc đến các tổ phụ, Thiên Chúa nhấn mạnh đến mối tương quan của Ngài đối với dân riêng, đồng thời khuyên họ đừng quên những kỳ công Ngài đã làm vì yêu thương các bậc tiền nhân của họ.
Khi tự mạc khải mình cho ông Môisen, Thiên Chúa tỏ cho ông thấy Ngài là Đấng thương xót và quan tâm đến con người. Ngài đã nghe thấy tiếng kêu than khổ cực của người Do Thái bị áp bức tại Ai Cập, và Ngài sẽ dùng ông Môisen để giải phóng họ, đưa họ tới bến bờ của tự do. Đây cũng là một nét mới mẻ của Mạc khải: Thiên Chúa là Chúa của tình thương, như mẹ hiền lắng nghe nỗi lòng của con cái, để che chở độ trì.
Thiên Chúa là Đấng giải phóng con người. Điều này được chứng minh trong suốt bề dày của lịch sử cứu độ, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô. Người là vị thủ lãnh, giải phóng loài người khỏi tội lỗi, ban cho họ được tự do và được hưởng ơn cứu độ.
Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu giải thoát con người khỏi những thành kiến, nhằm quy tội và lên án người khác. Tin Mừng hôm nay cho thấy quan niệm hẹp hòi của những người đương thời đối với những sự kiện xảy đến trong cuộc sống. Đối với Chúa Giêsu, những gì xảy ra xung quanh chúng ta đều là những điểm báo, gửi gắm thông điệp mời gọi chúng ta ăn năn sám hối và sửa mình để sống tốt hơn. “Ta bảo các ngươi: Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”. Lời mời gọi hối cải mang tính cấp bách, và là một điều kiện cần thiết để tránh mọi tai họa. Hình ảnh cây vả đã ba năm không sinh trái, vừa diễn tả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa vừa nói lên sự lười biếng của con người. Thiên Chúa kỳ vọng nơi chúng ta hãy sinh nhiều hoa trái là những nhân đức và những việc làm tốt đẹp, nhưng trong thực tế, chúng ta không làm những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi ta. Mỗi chúng ta cần nhìn lại thực trạng cuộc sống bản thân, để xem mình có sinh hoa trái trong đời hay không.
Mùa Chay vừa giúp chúng ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình, vừa nhắc bảo chúng ta hãy có cái nhìn bao dung đối với tha nhân, vì mỗi chúng ta đều là những tội nhân đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương và bao dung tha thứ những tội lỗi của chúng ta. Ngài cũng mong muốn chúng ta hãy có lòng thương xót đối với đồng loại. Lòng bao dung đối với anh chị em là một trong những điều kiện cần có để chúng ta được đón nhận sự tha thứ của Chúa. Những ai sống khép kín và dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, không thể đón nhận ơn tha thứ của Chúa và như thế, họ sống trái ngược với giáo huấn của Ngài. Để sống tinh thần Mùa Chay cách thiết thực, chúng ta cần quan tâm đến những người bị bỏ rơi trong làng xóm và trong cộng đoàn, nhất là những người còn sống trong “ngăn trở” hoặc vì lý do nào đó mà chưa hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội. Những người này, nhiều khi là nạn nhân của những kỳ thị, bị xa lánh và khinh bỉ ngay giữa những cộng đoàn Đức tin, trở nên lạc lõng lẻ loi đối với những sinh hoạt đạo đức.
Thiên Chúa bao dung và yêu thương mọi người, nhưng con người lại khắt khe và hẹp hòi trong cách đối xử với nhau. Vì thế mà cuộc sống này vẫn còn tồn tại những thập giá và đau khổ. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy luôn thận trọng, lấy bài học của dân Do Thái trong hành trình sa mạc làm gương, để khỏi gục ngã trước cám dỗ của kiêu ngạo và dục vọng. Kể cả những ai nghĩ là mình đang đứng vững cũng phải coi chừng, vì rất có thể họ bị vấp ngã một cách bất chợt (Bài đọc II).
Xin Chúa giúp chúng ta cảm nhận được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có tâm hồn sám hối, và có cái nhìn bao dung nhân hậu đối với những người xung quanh.
“Chỉ có một điều đáng sợ trên trần gian này, đó là không yêu mến Chúa Giêsu cho đủ” (Chân phước Charles de Foucauld).
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Thích, theo dõi và chia sẻ!