Lời Chúa: Lc 24,35-48
35Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. 37Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. 40Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?”. 42Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.
Suy niệm: Đối thủ của đức tin
Trong Chúa nhật tuần trước, thánh Gioan cho thấy các môn đệ đã vui mừng biết bao khi gặp Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh. Nhưng cũng trong biến cố ấy, thánh Luca trong bản văn hôm nay cho chúng ta thấy, các môn đệ của Chúa đã rất “ngỡ ngàng” trước sự xuất hiện của Chúa. Sự ngỡ ngàng của các ngài tỏ lộ thái độ kinh hãi và sợ : “các ông tưởng là thấy ma”. Và vì thế, các ông chưa hẳn đã tin rằng: Chúa đã Phục sinh.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: điều gì đã khiến các môn đệ “ngỡ ngàng” và “vẫn chưa tin”, không những thế, các ngài còn sợ? Vậy, phải chăng đối thủ của đức tin, của niềm vui chính là nỗi sợ.
Chính vì sợ mà các môn đệ khi đối diện với hoàn cảnh của thầy Giêsu đã bỏ chạy và trở nên hoang mang tột độ. Các ngài sống trong tình trạng buồn chán và thất vọng. Cái chết của thầy Giêsu làm cho các ngài tiêu tan mọi hy vọng vốn đã đặt để vào con người Giêsu trước đó. Các ngài đã nhốt mình trong căn phòng đóng kín, vì “sợ người Do thái”. Thuở tạo dựng, cũng chính con người đã “sợ thấy Chúa” mà đã đi trốn. Và từ ngày đó, nỗi sợ cứ đeo bắm chúng ta khi chúng ta phạm tội.
Nhưng các bài đọc cũng cho thấy, nhờ sự hiện diện của Chúa, nhờ sức mạnh Thánh Thần được ban, các môn đệ của Chúa đã can đảm hơn, mạnh mẽ hơn và vượt qua nỗi sợ khi đối diện với những khó khăn và sự dữ. Vượt qua những sợ hãi, các ngài trở nên những nhân chứng về điều “mắt thấy tai nghe” liên quan đến thầy Giêsu, nay đã Phục sinh (bài đọc 1). Các ngài tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa và sự đỡ nâng của Chúa. Thánh Gioan trong bài đọc thứ 2 nói với chúng ta về “Đấng bảo trợ và bào chữa cho chúng ta”.
Nhưng làm sao vượt qua sự sợ ấy nếu chúng ta không dám đối diện với Sự thật là chính Chúa. Bởi vì chỉ có Chúa mới có thể giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng sợ hãi. Chỉ có Chúa mới giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng của tội, sự chết và đưa chúng ta tới sự tự do của con cái Chúa; và cũng nhờ đó, chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa.
Chúng ta xin với Chúa tăng thêm đức tin cho chúng ta trong cuộc sống thường nhật này, để chúng ta luôn có trong mình niềm vui Phục sinh của Chúa và niềm vui được làm chứng về Chúa. Amen.
Fr.Joseph